Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Mẹ Uy Kha: "Tôi rất sợ họ không cho tôi gặp cháu Kha"

Trà Mi
Trà Mi: Một bà mẹ Việt Nam tự tìm cách vượt ra giới hạn của bờ rau, ao cá ở một vùng quê nghèo hẻo lánh để tiếp cận, kết nối với thế giới bên ngoài qua các phương tiện truyền thông xã hội, kêu gọi công lý cho hai người con đang bị giam cầm vì các hoạt động cổ võ đa đảng, dân chủ, và công bằng xã hội.
Đinh Nguyên Kha đang thọ án tù 4 năm về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau khi cùng Nguyễn Phương Uyên rải truyền đơn, dán khẩu hiệu chống đảng cộng sản Việt Nam “tham nhũng, bán nước” và phản đối Trung Quốc xâm lược Trường Sa-Hoàng Sa.
Hiện anh tiếp tục bị truy tố về tội danh ‘khủng bố’ sau khi công an tìm thấy một số hóa chất lưu giữ trong nhà.
Anh trai Kha, Đinh Nhật Uy, cũng sắp bị đưa ra xét xử với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ vì các bài viết trên Facebook cá nhân phản đối bản án của em mình và chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông.
Vụ bắt giữ Uy và Kha khiến công luận quốc tế mạnh mẽ lên án thành tích nhân quyền của Việt Nam và chỉ trích các điều luật có nội dung mơ hồ như 88 hay 258 bị Hà Nội lạm dụng để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích nhà nước.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay về câu chuyện của Uy và Kha, bà Nguyễn Thị Kim Liên khẳng định quyết tâm đấu tranh theo đuổi công lý đến cùng và kêu gọi sự quan tâm của công luận khắp nơi thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền, phóng thích những nhà bất đồng chính kiến, những người chống chế độ cai trị độc tài và giặc ngoại xâm phương Bắc, trong đó có con của bà.
Sau cuộc thăm gặp gần đây nhất với cả Uy và Kha hôm 13/9, bà Kim Liên cho biết:
Mẹ Kha Uy: Uy tinh thần rất là lạc quan, nó rất là cứng cỏi, nó nói với tôi rằng con không có tội gì hết, con không có ký bất cứ biên bản kết luận nào từ phía công an hết.
Còn cháu Kha nó nói mẹ phải mời thêm cho con Luật Sư, mấy ông công an này lừa gạt con, lừa gạt từ cái phiên tòa con Uyên cho tới lừa gạt cái vụ “khủng bố“ này nữa Công an nói nếu nó không nhận tội thì sẽ bắt anh và bắt gia đình nó.
Cháu nói với ba cháu là cháu sợ nhất là nó bắt anh Uy và sửa soạn là bắt mẹ. Họ nói mẹ mày ở ngoài quậy dữ lắm, mẹ mày vô thăm thì mày nói với mẹ mày là ở ngoài đừng có quậy, mẹ mày ở ngoài quậy nữa tao sẽ bắt luôn mẹ và ba mày luộn. Cho nên nó ký nhận tội là vì gia đình thôi.
Trà Mi: Vậy cái sự ký nhận tội đó là ký nhận tội gì và ký nhận tội gì thưa bà?
Mẹ Kha Uy: Là ký nhận tội là có mua hóa chất để chế pháo nổ, chế đồ đó cô. Ờ! thì nó nói nó có mua, nó có làm. Nhưng mà nó làm trước khi nó quen với cái thằng Thành. Nhưng mà công an Long An họ không có bắt được cái thằng Thành đó để nó trốn thoát. Bây giờ công an Long An họ ghép thằng Kha vô với thằng Thành đó là thằng Thành chỉ dẫn thằng Kha chế chất nổ gì đó. Họ bắt Kha nó nhận tội như vậy đó cô.
Trà Mi: Ngoài cái việc đó, thì Kha có nhận có “âm mưu khủng bố” đó không ạ?
Mẹ Uy Kha: Con tôi là nó mua hóa chất trên chợ Kim Biên, mấy hóa chất đó là trước khi nó bị bắt là mấy năm tết nó đã làm pháo bông, pháo nổ là cái lối xóm ở dưới nhà nó cũng biết nữa. Trong cái vụ án Nguyên Kha với Phương Uyên thì họ lên xét nhà, tình cờ họ thấy cái bịch thuốc đó ở dưới sàn giường ngủ của Uy – Kha. Nó giấu ở đó vì sợ ba nó la vì sợ cháy nhà, công an lên nhà thì họ gặp cái bịch đó và họ lôi ra bụi bám đầy hết, và công an mới hỏi ba Uy – Kha là cái gì. Ba Uy Kha mới nói là “hóa chất mua ở Kim Biên đó” để nó chế pháo chế đồ, bữa nó lên đây nó chế pháo nổ cái lò đất của tôi, tôi la nó, tôi còn chụp hình cái lò đàng hoàng mà họ giấu nhẹm vấn đề đó. Họ chỉ đưa ra là cái vấn đề nó chat trên mạng với thằng Thành rồi chế bom chế đồ trời mây đất biển gì đó. Họ ghép thằng Kha tôi trong cái tội “Khủng Bố”.
Thằng Kha nó nhận, những cái đồ pháo nổ gì đó là nó nhận hết nhưng nó không làm một cái gì hại ai hết, nó chưa có làm ra một cái gì hết trơn. Tài vì nó đang sửa soạn thụ án 2 năm nó làm chết người mà, làm sao mà nó chế bom được mà đi khủng bố?
Trà Mi: Nhưng bà Liên nói thì xin được hỏi là cái vụ án 2 năm tội vô tình làm chết người đó là cái vụ án khác ngoài cái vụ án của Uyên Kha, và cái vụ án khủng bố lần này. Xin bà cho biết là cái vụ án đó xảy ra khi nào? thời điểm kết án và thời điểm dự kiến phải đi tù vì cái tội đó ra sao ạ?
Mẹ Uy Kha: Thì cái vụ án đó xảy ra là lúc tháng 6, là lúc cháu ngoại tôi với Kha đi ăn cơm dưới tiệm đó 2 cậu cháu đi ăn cơm. Thì có một cái bác đó, bác đó năm mươi mấy tuổi đó, bác xỉn, bác đi vô cái quán cơm mà bác cứ nhào vô ôm con bé Mi hoài (cháu ruột Đinh Nguyên Kha) con cứ sợ ổng làm hại con bé Mi, con mới đẩy ổng ra lần đầu. Lần thứ 2 ổng nhào vô, nó nói: bác say xỉn rồi thôi bác về ngủ đi! Ổng nhào vô cái nó hất ổng ra, thì ổng té rồi cái đầu ổng đập vô chậu kiểng người ta để dưới đất đó thì ổng bị chấn thương sọ não ổng chết. Thì bồi thẩm cho cháu là tại ngoại không có bắt và xử cháu là 2 năm tù mà gia đình chưa kháng án, rồi tháng 10 là nó mới bị bắt chung cái vụ Phương Uyên đó.
Trà Mi: Vậy là trong quá trình chờ cái ngày chuẩn bị đi thụ án, thì Kha mới bị bắt chung cái vụ với Phương Uyên.
Mẹ Uy Kha: Nó quen thằng Thành lúc mà nó đang buồn đó cô, nó cứ tâm sự với tôi hoài, nó nói là nhà nước này bất công. Đáng lý nó phải tù treo vì nó vô ý mà cô, mà mấy ông công an này ép nó vô tội cố ý.
Trà Mi: Có thể nói là năm 2012 là Kha bắt đầu có những cái tinh thần bất mãn rồi có những cái bất bình với xã hội, và bắt đầu quan tâm tới xã hội.
Mẹ Uy Kha: Nó nói con ông lớn thì, bạn nó con ông lớn thì được đi học trường này trường kia. Học dốt thì thi đậu. Tối ngày những chuyện bất bình này nọ nó hay kể tôi nghe.
Trà Mi: Được biết là con mình bị ép cung như vậy, thì gia đình có dự định can thiệp gì không? Để mà kêu cứu cho em.
Mẹ Uy Kha: Tôi kêu cứu Viện Kiểm Sát thì VKS nói tôi là: không có tư cách đi thưa cho con tôi, người mẹ mà không có tư cách đi thưa cho con. Họ trả lời bằng biên bản, họ nó chỉ có thằng Kha mới được thưa thôi.
Trà Mi: Sau khi được biết như vậy? thì Kha có dự định là khiếu nại cái việc mình bị ép cung không? Theo gia đình được biết
Mẹ Uy Kha: bây giờ là ngày 30 tây này là gia đình tôi gặp nó nè, nhưng mà hôm nay tôi nói chuyện với cô đây thì không biết họ có cho tôi gặp nó không nữa nè. Tôi rất sợ cô à, mỗi lần tới cái ngày thăm, tôi nói thiệt với cô là tôi rất sợ họ không cho tôi gặp cháu Kha.
Trà Mi: Đã gần 1 năm rồi gia đình mới được thăm Kha có 2 lần đó thôi?
Mẹ Uy Kha: 2 lần mà cô biết không? Hai lần đó là nhờ tôi la lên, tôi lên tiếng họ mới cho tôi gặp đó, chứ công an là dứt khoác không lần nào hết.
Trà Mi: Những cái lý do mà họ đưa ra trước đây về cái việc họ ngăn cản không cho gia đình thăm gặp con mình, họ nói như thế nào ạ?
Mẹ Uy Kha: Họ không có nói, tôi đem đơn vô họ biểu tôi ngồi chờ ở trước cái trụ sở đó mà ngồi đợi họ xách vô rồi họ trình cho thủ trưởng. Tôi đợi cả tiếng đồng hồ, họ xách ra.
Rồi thủ trưởng không duyệt rồi, đi về. Chỉ nhiêu đó thôi trong nhà tôi biết bao nhiêu tờ giấy như vậy đó, họ không có duyệt cho gặp.
Trà Mi: Cùng một vụ án với Uyên, nhưng mà trường hợp của Uyên có vẻ khá hơn, thì gia đình có cái suy nghĩ như thế nào? Vì sao có cái sự khác biệt giữa vụ án Kha và Uyên trong khi cả 2 người cùng tham gia vào một cái vụ án.
Mẹ Uy Kha: Tôi cũng có làm đơn tôi gởi. Tại sao 2 đứa giống nhau, cùng hoạt động, cùng bị bắt, cùng ở tù chung hết, mà taị sao ra tòa lại Phương Uyên tù treo còn con tôi là tù ở 4 năm. Tôi có hỏi cháu Kha nó nói, tại người ta nói con là chủ mưu nên con nặng hơn Phương Uyên. Rồi tôi mới phân tích cho nó là không! Con đừng có tin họ, công an nó không bao giờ nói sự thật hết trơn. Phương Uyên được tù treo rõ ràng có 1 sự áp lực nào, nhưng mà họ không muốn thả con với Phương Uyên 2 đứa một lượt, 2 đứa là phải 1 đứa ở lại. Vấn đề 4 năm này là không bao giờ mẹ chấp nhận hết trơn đó, đó là cái sự bất công cho con, và bất công cho người nào có cái tâm họ đều thấy đó là sự bất công.
Trà Mi: Thưa bà Liên, có sự khác biệt này là có một cái áp lực gì đó buột họ phải thả một trong 2 người. Vì sao dựa vào những cái yếu tố này nó lại tác động mạnh hơn về phía Phương Uyên hơn là Nguyên Kha ạ?
Mẹ Uy Kha: Tại vì Nguyên Kha của tôi họ vịnh vào cái vụ án của nó đó, theo cái luật của họ là có tiền án rồi là không có được thả tù treo, theo luật sư của tôi trình bày cho tôi biết là vậy đó, thành ra họ cứ bám vô cái vấn đề vụ án của nó nên họ cho nó án 4 năm, tôi sẽ đưa vụ án này lên giám đốc thẩm, tôi sẽ làm tới nữa.
Trà Mi: Về cái trường hợp của anh Uy đó, cho tới nay gia đình đã có làm đơn 3 lần để bảo lãnh cho anh Uy ra ngoài
Mẹ Uy – Kha: lúc bắt thằng Uy đó, còn 1 tháng nữa là đám cưới nó, họ đâu có cho tôi gặp thằng Uy đâu, gần tới đám cưới rồi, thiệp đồ tôi làm sẵn rồi, tôi sợ lỡ dỡ tình duyên nó. Tại vì họ mới bắt tạm giam nó thôi, nên tôi xin làm đơn bảo lãnh nó, Họ mới bắt họ điều tra có 3 tháng thôi. Tôi đem xuống dưới tôi nộp rồi mấy ổng nói mấy ổng nghiên cứu rồi giải quyết
Rồi 1 tháng sau tự mấy ổng kêu 2 vợ chồng tôi xuống nữa, mấy ổng nói bây giờ làm lại một cái bản cam kết nhưng không có tại ngoại họ cho ra luôn. Nhưng mà phải về, giáo dục nọ này kia thằng Uy lại, để đừng cho nó làm cái này kia nọ đó. Ờ tôi nói rồi, tôi đồng ý luôn, rồi lần thứ 2 cũng không xử. Lần thứ 3 là cái lần xử Uyên – Kha kêu 2 vợ chồng tui xuống nữa, kêu là cái bản cam kết này phải viết tay, tự tay tôi viết chứ không có đánh máy đơn nữa, mà ngay bữa đó tôi viết xong rồi, họ còn bắt tôi đọc rồi họ quay phim nữa đó cô, tới xử án thằng Kha con Uyên rồi họ im luôn, giờ hết hạn 3 tháng rồi họ đưa hồ sơ qua tòa họ xử
Trà Mi: Những cái lần cam kết 2 ba lần như vậy họ vẫn im hơi lặng tiếng, rồi họ có nêu cái lý do gì ra không?
Mẹ Uy Kha: Họ nói là họ phải trình bên này hai ba bên lận, bên tòa bên viện gì đó, họ cũng muốn thả lắm nhưng mà phải vậy vậy nó, Thì hổm rầy tôi cũng nghi vấn những giấy mời của tôi đó, chị hai thằng Kha cũng bị mời nữa. Họ làm như vậy là chỉ tác động thằng Kha tôi thôi, thì nó thấy như vậy rồi nó mới ký nhận tội khủng bố mà mấy ổng đưa ra đó.
Trà Mi: Uy đó họ bắt với cái lý do họ đưa ra là nghi anh phạm vào cái điều luật 258, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước. Gia đình qua luật sư qua gia đình tìm hiểu khi tiếp xúc với chính quyền đó, thì những cái bằng chứng, họ đưa ra để kết tội anh theo điều này thưa bà, những cái bài viết nào họ đưa ra và theo họ là xâm phạm lợi ích nhà nước.
Mẹ Uy Kha: Lần thứ 3 mà viết cam kết bảo lãnh thằng Uy đó, tôi có hỏi ông Nguyễn Thanh Sơn là thủ trưởng cơ quan điều tra đó. Tôi hỏi con tôi bây giờ cái điều 258 mấy anh bắt con tôi là cái tội đó nó ra làm sao, nó làm gì mấy anh. Ổng nói là nó chửi tụi tui, ổng nói nôm na vậy đó, thiếu gì người chửi sao mấy anh không bắt sao mấy anh lại bắt nó. Những bài viết của nó tôi thấy còn trên mạng đó, những bài viết đâu có chửi gì đâu? Nó chỉ bức xúc vấn đề em nó, bức xúc vấn đề đi nộp đơn cũng không ai giải quyết, y như tôi vậy đó, mà vấn đề là của gia đình nó, của em nó thôi chứ nó không có đếm xỉa gì vấn đề xã hội hết, những bài viết của nó nói vấn đề em nó, cái chuyện chủ quyền. Cái chuyện chống Trung Cộng là có. Nhưng những cái vấn đề ở đây như đời sống dân chúng là nó không có viết nhưng mà nó chống Trung Cộng là tôi đồng ý. Nó dám đi xâm lên người nó bản đồ có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà. Cô biết là nó đau cỡ nào, nguyên cái bắp tay của nó. Nó rồi rồi mẹ đừng có lo cho con, họ dám xử con ở tù thì con ở tù, trả lời đanh thép như vậy, nó nói con không có tội gì hết đó, họ bắt con là họ ép thằng Kha mình thôi, nhưng họ không biết làm cách nào để thả con ra thôi, họ dám buột tội con thì con ở tù. Ba mẹ cứ coi con với thằng Kha đi học xa đi.
Trà Mi: Xin trở lại trường hợp anh Kha, tại cái phiên sơ thẩm đó. Anh Kha tuyên bố là trước sau anh vẫn là 1 người yêu nước, yêu dân tộc. Anh không chống đối dân tộc, mà chỉ chống đảng cộng sản, mà chống đảng là không có tội. Qua cái phiên tòa phúc thẩm thấy anh Kha nhận tội nhưng không được giảm án, những cái thay đổi về thái độ, về tinh thần về cái cách ứng phó.
Mẹ Uy Kha: Cháu Kha nhà tôi lúc ở trong tù cháu nói là cháu bị khủng bố tinh thần, làm theo ý công an công an thôi, bắt nó từ chối luật sư luôn, không có gia đình vô, không cho thăm gặp thì có phải khủng bố tinh thần không? Kha nói giờ con biết rồi, họ lừa con họ nói là không bắt ba mẹ, không bắt anh ba, thả anh ba ra hết,mà giờ không có. Mà đã vậy họ còn đưa cái bản của viện kiểm soát đưa con vô cái khoản 1 là tù từ chung thân tới tử hình nữa chứ. Bây giờ mẹ mướn thêm luật sư cho con, con không có chịu tội khủng bố. Nó nói con sẽ phản cung tới cùng. Họ cứ kéo dài thời gian hoài, rồi tới cận ngày xử án thì họ đưa hồ sơ cho luật sư đọc. Thì cận ngày xử án rồi luật sư làm sao mà ra rồi, tôi đi lên tòa này tòa kia tôi đi trại giam liên tục luôn, với cái tuổi như tôi mà bệnh nữa. Nhưng mà vì hai đứa con tôi trong tù, tôi phải rang chạy lên chạy xuống mà cô biết không? Khoản cách là mười mấy cây số, hai ba chỗ mà ngày nào cũng vậy hết trơn. Họ xử nó thì kết quả bao nhiêu thì tôi không cần biết, nhưng mà tôi sẽ phúc thẩm tới cùng.
Trà Mi: Ở Việt Nam cái tội danh mà dung chất nổ, dung hóa chất hay là bị gán vô tội danh gọi là Khủng bố đó, thì nó cũng là rất hiếm và nó cũng thường rất nặng. Gia đình có nhiều hy vọng không, trong vụ sắp tới ạ?
Mẹ Uy Kha: Hy vọng chứ cô, tại vì tôi còn nhiều đồng bào ủng hộ tôi mà. Tôi biết họ muốn lôi cái vụ này lên cho mạnh mẽ để cho nước ngoài này nọ họ tránh xa con tôi ra, đừng có lên tiếng ủng hộ nó. Tại vì ở nước ngoài họ rất ghét 2 từ “Khủng Bố” tại vì họ không ở Việt Nam họ tưởng như nước ngoài khủng bố bom đặt xập nhà, chết người. Việt Nam làm gì có khủng bố, đạn mìn đâu mà khủng bố nhà nước quản lý hết trơn, cô muốn mua cây súng cũng đâu phải đễ đâu. Nhưng mà họ muốn cái từ đó để cho người ta tránh xa con tôi ra, tránh xa gia đình tôi ra. thì tôi dứt khoác rồi tôi sẽ theo đuổi tới cùng.
Trà Mi: là một người mẹ có 2 người con đang vướng vào vòng lao lý, thì bà Liên có những suy nghĩ có những trăn trở gì muốn chia sẽ với những người cùng quan tâm?
Mẹ Uy Kha: Bây giờ tôi chỉ mong sau cuộc nói chuyện này mọi người sẽ hiểu rõ hơn 2 đứa con của tôi, hiểu rõ hơn 1 người mẹ như tôi, từ một người mẹ dốt nát quê mùa như tôi, tôi phải tìm hiểu về mọi mặt luôn, về luật pháp về ngoại giao về công nghệ thông tin, vừa phải nuôi sống bản thân tôi ở đây nữa. Tôi mong rằng sau cuộc nói chuyện này thì mọi người sẽ hiểu rõ hơn, sẽ lên tiếng mạnh mẽ, giúp đỡ gia đình tôi. Để cho cái nhà nước này họ xét xử phiên tòa cho đúng, tôi muốn mọi người ủng hộ tôi, đồng tâm hiệp lực với tôi cho vấn đề đi tìm công lý cho cháu Kha tôi, qua sự việc Uy đó, làm hai ba cái bảo lãnh họ có thả đâu? Qua tới vụ thằng Kha nữa họ hứa nhận tội đi rồi họ cho cái này cái nọ rồi họ đưa bản cáo trạng ra bắt nó nhận tội này nọ. Bây giờ tôi không bao giờ tin nữa, tôi hết tin rồi cô à. Bây giờ họ thương lượng với tôi cái gì tôi sẽ không tin nữa, cứ đưa pháp luật ra xét xử đi nhưng mà phải có nước ngoài này nọ dòm ngó vào không để coi để xem họ có xử đúng theo pháp luật những gì đã ký với Liên hiệp quốc với tổ chức nhân quyền thế giới thôi, tôi chỉ hy vọng như vậy rồi con tôi bao nhiêu năm tôi cũng chịu.
Trà Mi: Xin cám ơn bà Liên rất nhiều đã giành thời gian cho cuộc nói chuyện của chúng tôi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"