Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Khi cái giả dối không bị trừng phạt

Nguyễn Vạn Phú
Theo blog Nguyễn Vạn Phú
Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Bảy (5-10-2013) có một bài viết ngắn của phụ huynh kể chuyện con tham gia chương trình game show. Đọc xong không khỏi bàng hoàng; nếu câu chuyện đúng như lời kể thì tất cả mọi người đều đang mắc một tội trọng: làm lơ trước cái xấu.
Phụ huynh kể con ông đi thi ra với vẻ mặt buồn bã, bởi, cô bé kể, “... con trả lời đúng hết nhưng chú trong phòng thu bắt con trả lời ba câu theo chú nhưng câu trả lời sai”, có nghĩa để cuộc thi hấp dẫn, bất ngờ, người thi mà cụ thể ở đây là cô bé buộc phải nói sai theo đạo diễn mấy câu. Người phụ huynh viết bài kết luận “Mỗi khi xem truyền hình có chương trình ấy, cháu lại nói: ‘Chương trình xạo, bắt trẻ em nói sai!’”.
Loại game show theo dạng câu đố như thế này cũng từng dính các tai tiếng dàn xếp, tiết lộ đáp án, chọn người thắng giải ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc. Vấn đề là mỗi khi có dấu hiệu gian lận như thế, chương trình bị ngưng ngay và thậm chí người tổ chức gian lận còn truy tố tội hình sự nữa.
Không thể du di nói đó chỉ là trò chơi, cũng là một dạng đóng kịch sao cho hấp dẫn người xem. Nếu suy nghĩ như thế dần dà chúng ta sẽ quen dần với thói nói dối, tặc lưỡi cho qua một chuyện, chúng ta sẽ phẩy tay cho qua hàng loạt chuyện khác.

Ngay cả người phụ huynh khi kể câu chuyện dường như cũng chỉ để cảnh báo các bậc cha mẹ: “Quyết định cho con em tham gia, cha mẹ cần phải giải thích cho trẻ hiểu đây chỉ là trò chơi nên người tổ chức chương trình phải dàn dựng để tạo bất ngờ, hấp dẫn nhằm thu hút người xem, vì vậy thắng hay thua, đúng hay sai cũng là điều bình thường”. Không được - không thể thỏa hiệp với cái xấu, phải đấu tranh để loại bỏ những cảnh buộc con em chúng ta nói dối như trong bài vì tác động của chúng lên đầu óc non nớt của các em sẽ rất nặng nề. Chỉ ước gì học sinh của chúng ta cũng được giáo dục như chúng cần được giáo dục, có nghĩa dạy cho các em hiểu quyền của các em, cách đối phó với cái xấu, cách đối phó với người lớn bày làm chuyện sai. Ví dụ trong trường hợp này tôi tin chắc một em học sinh một nước như Phần Lan chẳng hạn sẽ biết từ chối “đóng kịch” cố ý nói sai và sau đó sẽ biết gởi thư đến đâu để phản đối.
Nếu tờ báo chỉ dừng ở việc đăng bài này không thôi rồi chấm dứt, tờ báo đã bỏ quên nhiệm vụ người làm báo: đi đến tận cùng sự thật. Phải cử phóng viên điều tra, hỏi han, xác minh xem câu chuyện kể này có đúng như vậy không. Và nếu đúng, phải chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để buộc ngưng một chương trình trò chơi mang tính dối trá.
Các chương trình giải trí trên truyền hình thường là chương trình “xã hội hóa”, tức tư nhân thực hiện và giao lại cho đài truyền hình phát sóng. Trách nhiệm của đài truyền hình khi nghe phản ánh về khả năng có gian dối trong một chương trình như thế là phải điều tra, tìm hiểu và chấn chỉnh ngay.
Giới quản lý báo chí, thường rất nhanh nhạy trong những chuyện khác, đến vụ này cũng không nghe nói năng chi. Dường như ai nấy đều suy nghĩ có nói dối một chút cũng không có gì để làm ầm ĩ.
Hãy nghĩ đến tác hại trước mắt vào cô bé đi thi. Phụ huynh kể: “Hôm sau đi học về, con gái tôi khóc và nói rằng các bạn bảo con ngu, còn cô giáo thì nói con rất thông minh, lanh lợi nhưng sao không chú ý nghe kỹ câu hỏi để trả lời sai uổng quá”. Đó là một sự tổn thương rất lớn, có thể ghi vào trí nhớ của em suốt đời.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"