Kami
Hôm vừa rồi có đọc bài "Nhìn ngược thì lóa" của ThS Đăng Minh trên
báo CAND nói về việc tranh luận các vấn đề xung quanh bản "Tuyên bố 258"
của Mạng lưới bloggers Việt nam. Nội dung bài viết cũng không có gì
mới, tuy nhiên cái tựa bài "Nhìn ngược thì lóa" đã để lại cho tôi ấn
tượng về sự khéo léo trong việc đánh tráo khái niệm. Nếu câu đó là "Nhìn
ngược sáng thì lóa", thì chả có gì để bàn vì điều đó đã thuộc về chân
lý. Còn ở đây, tác giả đã cố ý khẳng định chính kiến của đảng và nhà
nước Việt nam cũng như của Nhóm phản bác Tuyên bố 258 là chân lý. Kiểu
nếu ai "Nhìn ngược (điều tôi đồng tình) thì lóa" thì khó mà chấp nhận
được.
Thực ra nếu ta nhìn ngược một vấn đề với người khác không phải bao
giờ cũng là sai, vì chắc gì cánh nhìn nhận và đánh giá vấn đề của anh đã
là đúng? Vì trên thực tế chỉ khi ta nhìn vào một nguồn sáng thì mới xảy
ra hiện tượng lóa mắt. Do vậy, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng thì thì
câu "Nhìn ngược thì lóa" chỉ đúng cho những điều được ví như ánh sáng,
như những điều thuộc về chân lý và sự chính nghĩa. Nghĩa là khi ta suy
nghĩ (nhìn) ngược các vấn đề thuộc về chính nghĩa hay là chân lý thì
chắc chắn ta sẽ bị lóa. Trong bài viết "Văn hóa đối thoại và tranh luận
cần được khuyến khích" của mình gần đây, tôi đã viết "Vấn đề ở đây có lẽ
là do sự ngộ nhận của các tác giả nói trên, họ không biết rằng Chân lý
chỉ xuất hiện khi một ý kiến mang tính tổng quát hóa có tính khoa học,
được chứng minh và kiểm nghiệm thực tế, thể hiện tính chất phổ quát và
không tìm được sự kiện trái ngược, thì ý kiến sẽ được coi là đúng. Có
nghĩa là mọi ý kiến ngoài việc mang tính khoa học thì nó còn phải được
chứng minh, kiểm nghiệm thực tế và không tìm được sự kiện trái ngược.
Thì khi ấy ý kiến đó mới tạm được coi là chân lý. Để tìm đến chân lý,
thì biện pháp tranh luận, dùng các luận cứ từ thực tế để chứng minh nhằm
đưa các suy nghĩ trái ngược trở nên đồng thuận chấp nhận. Chứ không ai
bình thường lại tự cho mình quyền khẳng định những ý kiến của họ đưa ra
không thông quan tranh luận là duy nhất đúng, buộc mọi người phải khuất
phục và chấp nhận. Điều đó chỉ thấy ở những kẻ độc tài hoặc điên
khùng.".Điều này xin trích lại ở đây nghĩ cũng không thừa. Nói như vậy
để thấy, không nên sa đà vào chuyện đúng sai, phải trái nếu hai bên
không thông qua tranh luận một các có văn hóa và dùng các lý lẽ hay dẫn
chứng mang tính khoa học, logic và thống nhất cho đến khi một bên không
thể đưa ra các ý kiến trái chiều. Đó là khi các bên đã tìm ra chân lý.
Tóm lại là cái đúng sẽ thuộc về phe theo đuổi và bảo vệ sự chính nghĩa
và cái sai sẽ thuộc về phe theo đuổi và bảo vệ sự phi nghĩa. Có nghĩa là
khi nào hai phe tranh luận để đi đến kết luận cái nào là chính và cái
nào là tà thì mới đến hồi kết.
Trong tranh luận người Việt mình có một thói xấu, cái lỗi này hình
như 99% người Việt là mắc phải đó là thói gia trưởng, vì thế thành ra
sinh ra cái bệnh nhiều người nói hay viết theo kiểu cứ như đúng rồi.
Nhắc đến thói xấu này, đã có người nói rằng "Đa phần người Việt Nam
chúng ta đón nhận những ý kiến phản biện bằng sự suồng sã của con vẹt và
thói hách dịch của kẻ bề trên. Nó là biểu hiện cho sự cùm trói tư duy,
không chấp nhận bất cứ quan điểm nào khác chủ kiến của mình và chỉ gìn
giữ những định kiến mà không cần liên hệ với giá trị hiện thời – tự coi
tầm hiểu biết của mình là chân lý bất biến.". Không những thế, một số
người cứ cố tình sa vào lối chứng minh rằng ông X, bà Y... là người ở
phe nọ, đảng kia (đối diện) có chính kiến khác với họ, thay vì phản biện
bằng lý lẽ vì họ nghĩ ai có suy nghĩ khác họ là những suy nghĩ luôn
luôn sai. Có thể nói đây là lý do phát sinh ra các cụm từ nghe (dùng)
lâu trở thành quen, đó là Rân chủ, Rận... hay Dư luận viên, Dư lợn
viên... dành cho hai phe đối nghịch.
Về điều này cá nhân tôi thấy không đồng ý, vì nó có vẻ cực đoan nếu
không nói là thiếu văn hóa mà người tử tế hay có học không nên dùng
những đại từ dạng này. Vì nếu với tư duy chấp nhận sự khác biệt về tư
tưởng, thì chuyện người ta nói khác suy nghĩ của mình là điều bình
thường và nếu là người có tự trọng thì xin khuyên mỗi người nên tự đặt
câu hỏi "Mình là cái thá gì mà cấm người ta nghĩ khác?". Vả lại lao động
là vinh quang, làm nghề gì cũng quý miễn là bỏ công sức ra để kiếm tiền
thì nghề dư luận viên, hay ủng hộ dân chủ cũng chả có gì là xấu. Bởi
cuộc đấu tranh về tư tưởng giữa hai bên, mà người ta thường gọi là lề
trái và lề phải cũng đang ở giai đoạn "Sư bảo sư phải, Vãi bảo vãi hay",
chứ chưa có gì là khẳng định tuyệt đối là bên nào đúng, bên nào sai. Cứ
như bài học "Dù sao trái đất cũng vẫn quay" của Galileo Galilei thì
chân lý đâu thuộc về kẻ mạnh.
Do đó quản trị xã hội theo phương thức Dân chủ hay độc tài nó cũng có
các điểm yếu và điểm mạnh tác động lên xã hội khác nhau, nếu phương
thức Dân chủ là tuyệt vời, là tuyệt đối đúng thì tại sao không chỉ nước
Mỹ mà còn nhiều quốc gia dân chủ khác đã và đang mắc phải hội chứng kiểu
"ObamaCare" hiện nay? Quan trọng là nó bế tắc không chỉ về ngân sách mà
còn nhiều những mặt khác mà các chính quyền cũng như dân chúng trong
thể chế chính trị được coi là tiến bộ sẽ còn phải đối mặt trong tương
lai. Cho dù cá nhân tôi cũng ít nhiều tin rằng nền dân chủ tự do phương
tây tuy không phải là hình thức quản trị xã hội hoàn hảo nhất, nhưng
đến thời điểm này có thể coi là mô hình hoàn thiện và tốt nhất. Với bằng
chứng là sự gia tăng đáng kể của dân chủ trong thế kỷ 20, mà theo tổ
chức phi chính phủ Freedom House ở Mỹ đã tiến hành thống kê cho biết;
nếu ở năm 1900, không có quốc gia nào trên thế giới có nền chính trị đa
đảng mang tính cạnh tranh với hình thức bỏ phiếu phổ thông, và chỉ có
khoảng 12% nhân loại sống trong một hình thức cai trị có thể được xem là
có phần dân chủ. Thì đến đầu thế kỷ 21, 120 trong số 192 nước được quốc
tế công nhận trên thế giới được cai trị bằng các nền dân chủ có bầu cử,
và 60% dân số thế giới sống trong một chế độ có lãnh tụ được bầu cử một
cách dân chủ. Và đây sẽ là con đường của hầu hết các nước khác chắc
chắn sẽ phải tiếp bước.
Bích chương bầu cử của Đảng Công nhân Đức Quốc gia XHCN(Đảng Quốc Xã Đức) vào năm 1932 với nội dung (Dân lao động chúng tôi đã thức tỉnh! Chúng tôi bầu cho Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa!).
Tôi ủng hộ cho xu hướng dân chủ, cũng chỉ vì thiết chế này luôn luôn ở
xu thế hoàn thiện bản thân mình không ngừng do nó có một hệ thống kiểm
tra và điều chỉnh (check and balaced) quyền lực nhà nước để chống sự lạm
quyền của các chính đảng và các chính trị gia. Nói thiết chế Dân chủ có
nhiều ưu điểm cũng chỉ đúng một phần, vì nếu hiểu sâu về dân chủ và
tiến trình lịch sử của thể chế chính trị Dân chủ sẽ thấy, nó còn có
không ít nhược điểm cần phải khắc phục và kiềm chế. Vì một khi người ta
đi đến quyền lực bằng tiền (mua phiếu) thì việc kiếm chác khi đạt được
quyền lực để thu hồi vốn là điều đương nhiên. Vì thực chất chính trị Dân
chủ nếu không hoàn thiện về "luật chơi" thì nó sẽ tạo kẽ hở và là một
nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận không hề ít.
Cũng như thế, đường lối Chủ nghĩa Xã hội của đảng CSVN đang theo đuổi
không phải là hoàn toàn dở nếu luật chơi được hoàn thiện và quan trọng
là sự giả dối vĩnh viễn không được phép có mặt. Không thể chấp nhận kiểu
một mặt chính quyền Việt nam bằng mọi cách đề nghị các quốc gia phát
triển khác công nhận Việt nam là một nước có nền Kinh tế thị trường hoàn
chỉnh, hay việc ca ngợi thành tựu của đảng và chính quyền cải cách và
đổi mới nên đã tạo dựng nên không ít tỷ phú đô la người Việt. Song mặt
khác chính quyền cứ ra rả là đảng và nhà nước kiên định với Chủ nghĩa
Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó dễ làm cho những người có
học sẽ hiểu nhầm K.Marx, VI. Lenin và CT. Hồ Chí Minh... gần đây bị
nhân bản trong phòng thí nghiệm và đến nay có tư tưởng trái ngược hoàn
toàn với những luận điểm Kinh tế-Chính trị cơ bản của Chủ nghĩa
Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nếu các bạn biết rằng, nhà nước độc tài Quốc xã của Andolf Hitler mà
ta thường gọi là phát-xít là một ví dụ điển hình của chính trị Dân chủ
nếu không hoàn thiện về "luật chơi". Ban đầu nó cũng hình thành và ra
đời trong cái mà người ta gọi là dân chủ nghị viện, thông qua bầu cử đa
đảng, song dần bị Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa của
Hitler thâu tóm đa số tuyệt đối ghế trong Nghi viện, biến nó trở thành
hình thức độc tài nghị viện. Thực ra lịch sử chính trị cận đại của Việt
nam từ năm 1945 đến nay cũng đã và đang đi theo vết xe đổ của Adolf
Hitler và Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa. Với điều mà được
mô tả là "biện pháp phòng vệ chống lại những hành động bạo lực phương
hại đến đất nước"của Adolf Hitler và Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội
chủ nghĩa. Thông qua các Nghị định mang nội dung độc tài, chính quyền
của Adolf Hitler và Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa tự cho
phép, như "Hạn chế tự do cá nhân, quyền tự do phát biểu ý kiến, kể cả
quyền tự do báo chí; quyền tụ tập và lập hiệp hội; và những sự vi phạm
tính riêng tư của thư tín, điện tín và điện thoại; và giấy phép lục soát
nhà, lệnh tịch thu cũng như hạn chế về tài sản, cũng được cho phép vượt
quá những quy định khác". Nhưng vì sự chuyển biến này ở Việt nam được
biện minh là do các yếu tố của lịch sử để lại trong một thời gian dài
khiến người ta không để ý. Nhưng thực ra nó là sự tương đồng với các
chính sách của Adolf Hitler và Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ
nghĩa , đó là sự lạm quyền của nhà nước kể cả trong việc vi phạm Hiến
pháp quốc gia, tự cho mình là đảng chính trị duy nhất trong khi ý chí
của dân chúng hầu như bị tê liệt trước sức mạnh của bạo lực. Nếu các bạn
biết được điều này thì xin hỏi sau khi giật mình thì các bạn còn có thể
cho phép mình để "luôn đứng cao hơn hoàn cảnh bản thân mình để viết vì
cái chung, vì điều tối thượng là sự ổn định và phát triển của đất
nước.", hay nói một cách khác là bảo vệ cho tư tưởng của nhà độc tài
phát xít Adolf Hitler như nhà văn Đông La hay không?
Nhắc đến chuyện này cũng để thấy việc tôn trọng sự khác biệt hay cổ
súy cho đa nguyên tư tưởng là điều nên làm, dẫu những điều này không có
lợi cho những kẻ độc tài về tư tưởng khi họ muốn gò ép hoặc bắt buộc tất
cả mọi người hay cả một dân tộc phải có chung một suy nghĩ như họ. Suy
nghĩ của đỉnh cao trí tuệ, điều mà trước đây chúng ta thường thấy xuất
hiện trên truyền thông hay các bài giảng chính trị của đảng. Phần cũng
vì từ bài viết của nhà văn Đông La có đoạn mà mình thích nhất, khi ông
viết "Tôi là một nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, đã có những công
trình được áp dụng vào thực tế và đã và sẽ in nhiều sách, vì vậy tư duy
của tôi luôn mang tính khoa học, luôn logic và thống nhất. Tôi cũng luôn
đứng cao hơn hoàn cảnh bản thân mình để viết vì cái chung, vì điều tối
thượng là sự ổn định và phát triển của đất nước. Chỉ thế thôi! TPHCM
25-3-2013". Điều đó cho thấy, dẫu ai có viết vì cái chung, vì điều tối
thượng là sự ổn định và phát triển của đất nước như họ nghĩ, thì cũng
không phải là phải ca ngợi và cổ vũ cho cả những điều không đúng, không
tốt. Và cũng đừng bất chấp sự thật lẽ phải và đạo lý của con người để
lên gân lên cốt hòng lấy điểm với các thế lực chính trị hay fan cuồng
của mình.
Sự khác biệt giữa những kẻ mà người ta gọi là "bút nô" hay "văn nô" và những cây bút chân chính là như vậy.
Sự khác biệt giữa những kẻ mà người ta gọi là "bút nô" hay "văn nô" và những cây bút chân chính là như vậy.
Ngày 06 tháng 10 năm 2013
© Kami