Trước đây tôi có một bài viết về bệnh trạng của ông Mác, hôm nay qua một anh bạn, tôi mới phát hiện một bài chẩn đoán bệnh của Mác rất đáng chú ý. Trong bài phân tích có tựa đề “The nature and consequence of Karl Marx’s skin disease” (đăng trên tập san British Journal of Dermatology,
số tháng 1/2008), Giáo sư Sam Shuster thẩm định các thư từ của Mác và
nghĩ rằng Mác mắc một căn bệnh mãn tính về da: hidradenitis suppurativa
(viêm tuyến mồ hôi làm mủ).
Bệnh này từng được Bs Alfred Velpeau mô tả tư năm 1839, nhưng rất ít
bác sĩ chú ý. Các nhà sử học đều biết Mác sống rất kém vệ sinh, và bị
bệnh nhọt, nhưng lúc đó không ai nghĩ đến chứng hidradenitis
suppurativa. Khi đọc qua những lá thư của Mác, Gs Shuster chú ý đến
những đoạn Mác than phiền về bệnh tật của mình vào năm 1864 (lúc đó ông
đã 46 tuổi). Dĩ nhiên, có thể Mác đã mắc bệnh trước đó. Năm 1867 Mác
viết thư cho Friedrich Engels và than phiền rằng những mụn nhọt mưng mủ
mọc lên "phía sau mông đít tôi và gần dương vật". (Ông chỉ tâm sự bệnh
này với Engels). Theo giáo sư Shuster, đây là những vùng ảnh hưởng tiêu
biểu của chứng hidradenitis suppurativa.
Việc chẩn đoán bệnh này có ý nghĩa ngoài y khoa. Gs Shuster quan niệm
rằng da là một cơ phận liên lạc (communication organ), và rối loạn da
dẫn đến những rối loạn tâm lí. Người mắc bệnh này thường có tâm lí ghét
người, câm phẫn, thiếu tự trọng, và thậm chí trầm cảm. Mác mô tả những
mụn nhọt mưng mủ như là những con “chó” và “heo” làm ông đau khổ. Nhưng
ông vẫn không quên chính trị hoá nó. Mác tự an ủi rằng mấy mụn nhọt này
đích thị là một căn bệnh vô sản. Trong một lá thư cho Engels (năm 1867)
ông viết: “bọn giai cấp tư sản sẽ nhớ những mụn nhọt của tôi cho đến ngày tàn của chúng”.
Mác là tác giả bộ Tư bản luận và cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản. Câu
hỏi đặt ra là những bệnh tật, đặc biệt là bệnh hidradenitis suppurativa,
có ảnh hưởng gì đến tư tưởng của ông hay không. Không ai biết đích xác,
nhưng những gì ông viết trong thư cho bạn bè thì câu trả lời là có ảnh
hưởng một phần nào đó. Theo một chuyên gia da liễu khác thì người mắc
bệnh này chẳng những có xu hướng dễ phẫn nộ mà còn xa lánh thế tục, và
hai xu hướng này bàng bạc trong tác phẩm của ông.