Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Ngoại cảm, tìm mộ liệt sĩ và sự tha hóa không giới hạn của con người?




Featured Image: Lưu Thuận Thời

Sự thật về việc đi tìm hài cốt liệt sĩ của các “nhà ngoại cảm”
Chương trình “Trở về từ kí ức” do VTV thực hiện được đăng tải trên kênh Youtube đã tiết lộ một bí mật chấn động về việc tìm mộ liệt sĩ thông qua các “nhà ngoại cảm”.“Gần như 100% các mẫu xương tìm theo lời của nhà ngoại cảm mang đến giám định đều cho kết quả sai. 2-5% số xương mang đến không phải xương người”. “Hàng loạt các cuộc quy tập hài cốt liệt sĩ gian trá do các “nhà ngoại cảm” mà Viện Pháp y Quân đội giám định cho kết quả là xương động vật, là đất đá… Tỉ lệ chính xác được kết luận bằng 0 kể cả bà Phan Thị Bích Hằng, Vũ Thị Hòa cùng Đoàn tâm đức Yên Bái …
Bạn có thể xem đoạn phóng sự ở đây(từ phút 02:33 đến 17:18):
Chương trình cũng nêu ra một số trường hợp đau lòng vì quá tin “nhà ngoại cảm” mà các gia đình đã mang các xương động vật về thờ cúng trang nghiêm, lót trong quốc kỳ trang trọng.
Một vụ điển hình chương trình nhắc đến là vụ tìm mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên vào tháng 9-2009. Liệt sĩ Phùng Chí Kiên là một bậc tiền bối cách mạng, Ủy viên Trung ương Đảng năm 1935, người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm tướng. Đồng chí hy sinh năm 1941, bị Pháp tra tấn và chặt đầu treo để thị uy. Năm 1990, phần thân thể của tướng Kiên đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ, còn phần thủ cấp, Bộ Quốc phòng và gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chỉ giúp.
Sau giám định, thứ mà bà Hằng nói là hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên là những mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật (răng lợn). Bà Phan Thị Bích Hằng sau đó vẫn đi tìm hài cốt liệt sĩ và không cần có một sự giải thích nào về vụ tìm kiếm gây bức xúc như trên.
Ngoài bà Phan Thị Bích Hằng, chương trình còn nhắc đến trường hợp Vũ Thị Hòa (cùng đoàn Tâm Đức Yên Bái). Bà Hòa trước đó từng làm nghề buôn bán động vật hoang dã, sau chuyển qua khai quật lừa đảo tìm mộ liệt sĩ để kiếm lời. Thậm chí bà Hòa và đồng bọn còn tạo hài cốt giả để đánh lừa gia đình và đồng đội các liệt sĩ.
Sự tha hóa không giới hạn của con người
Tôi xem được đoạn phóng sự này ngay sau khi tôi vừa gấp cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” của tác giả Larry Berman lại. Mọi thứ như đang đùa giỡn tôi chăng, một sự thay thế điên khùng của cảm xúc. Khi những cảm xúc tri ân, kính phục các anh hùng trong chiến tranh đã hi sinh máu xương, thời trai trẻ hay có khi là cả cuộc đời vẫn chưa lắng xuống, tôi lại chịu đựng những cảm xúc phẫn nộ, đau đớn, uất ức khi theo dõi từng chi tiết của đoạn phóng sự. Ồ, thật mỉa mai, máu xương các anh đã đổ xuống để các thế hệ sau có được hòa bình, vậy mà giờ đây chính máu xương các anh lại bị các thành viên của thế hệ sau đó xem như một món hàng để kiếm chác chút bạc tiền bẩn thỉu.
Cha anh chúng ta đã ngã xuống ở vô số các chiến trường trên đất nước Việt Nam, cho đến nay, rất nhiều, rất nhiều chiến sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt. Xương cốt các anh vẫn phải nằm lại đâu đó trên đất mẹ Việt Nam, ở những nấm mồ vô danh hay ở cả những thước đất mà người ta không thể biết đó là một ngôi mộ.
Tìm mộ liệt sĩ là một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ nhất tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của nhà nước và nhân dân ta. Sự mong mỏi đưa từng hài cốt liệt sĩ về đoàn tụ với đồng đội ở các nghĩa trang, để gia đình và bạn bè nhang khói, bù đắp cho các anh những năm tháng nằm nơi đất lạnh là sự mong mỏi chính đáng, sự mong mỏi tâm linh của người thân các liệt sĩ. Vậy mà các “nhà ngoại cảm” được nêu trong đoạn phóng sự lại lợi dụng nghĩa cử đó, việc làm đó, tinh thần đó, lợi dụng sự mong mỏi đó để trục lợi, để kiếm ăn một cách tàn nhẫn và vô nhân tính. Xót xa thay!
Chúng ta thử đặt mình vào vị trí người thân, bạn bè của liệt sĩ, khi khắc khoải và mỏi mòn, tìm mọi cách để có thể đưa hài cốt liệt sĩ về nhang khói, đoàn tụ lại gặp phải những con buôn vô nhân tính, ngã giá trên cả máu xương của liệt sĩ. Chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào khi phải đặt vào bao nhiêu tình cảm, tốn bao nhiêu công sức, thậm chí tiền bạc để đi tìm hài cốt người thân, để rồi nhận được một vài mảnh sành, xương động vật, mùn đất mang về thờ cúng. Chua xót và đau đớn bao nhiêu khi lá quốc kỳ bất đắc dĩ trở thành mảnh vải che đậy và ôm ấp sự giả dối.
Các “nhà ngoại cảm” nêu trong chương trình, họ biết rõ mộ mà họ dẫn các gia đình, các đơn vị tới khai quật là mộ giả. Thậm chí họ còn tạo hiện trường giả để đánh lừa gia đình và thân nhân các liệt sĩ. Họ lập ra các hội, các đoàn như “Đoàn Tâm đức Yên Bái” để người ta dễ bề tin tưởng và họ dễ bề lừa đảo. Đồng tiền chắc chắn đã chiếm lĩnh tâm hồn họ, và mọi thứ khác chỉ là phụ, không đáng quan tâm. Than ôi! Ở Việt Nam ta quả là có nhiều cách kiếm tiền “ngoại hạng”.
Khi các phương tiện truyền thông và dư luận vẫn đang “bận” mổ xẻ một vụ phẫu thuật làm đẹp gây chết người thì tiếp tục xuất hiện một ví dụ minh họa cho sự tha hóa của con người, về sự kiếm tiền bất từ thủ đoạn. Nhưng đây không chỉ đơn thuần chỉ là sự kiếm tiền, ở đây còn là sự lừa dối, sự phỉ báng, sự sỉ nhục, sự vong ân bội nghĩa, sự chà đạp niềm tin của các “nhà ngoại cảm” tự xưng đã bị đồng tiền che mắt, làm hoen ố tâm hồn và đức hạnh.
Chợt thấy chua chát và cay đắng khi nhận ra, sự tha hóa ở con người đã trở nên không có giới hạn!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"