Nói đến Trung thu là nói đến bánh Trung thu, lồng đèn và ….mưa. Chẳng biết ngày xưa Má sanh tôi có bị đẻ ngược hay không mà nào giờ tôi làm gì cũng theo trình tự ngược. Bởi vậy, bây giờ bàn về Trung thu, tôi cũng muốn bắt đầu bằng cái mục cuối cùng là mưa.
Cái mục ướt át tưởng như chẳng hề liên quan gì đến dịp tết của trẻ em, nhưng trên thực tế thì hầu như tôi chưa từng thấy có đêm rằm Tháng Tám nào mà không bị mưa, nhẹ thì lâm thâm lắc rắc, nặng thì tầm tả. Trung thu nào cũng vậy, Nhà Thờ, Chùa và Phường đều chuẩn bị các chương trình cho trẻ em giàu hay nghèo cũng đều được chơi Tết. Năm nào các Tổ chức này cũng chuẩn bị phông màn ngoài trời để rồi khi lễ diễn ra nửa chừng, mọi người lại phải túm tụm chạy vào núp dưới các mái hiên, lũ con nít thì chìa tấm lưng và mái đầu bé bỏng ra để che cho chiếc lồng đèn quý báu của mình. Thế rồi cuộc vui cũng tàn theo cơn mưa, lũ trẻ lại lúp xúp tay che đầu, tay cầm lồng đèn, so vai rụt cổ chạy về nhà, cứ như thể mưa sẽ chừa bớt phần nào của mái đầu bé nhỏ khi cái cổ đang cố rút sâu vào trong vai vậy. Chẳng thế mà khi còn bé, hầu như Trung thu nào tôi cũng thầm cầu nguyện sao cho tối nay đừng mưa.
Nói tới bánh Trung thu thì…thiệt tình là tôi ghét nó gì đâu, cho nên tôi sẽ dành thời gian để nói về nó nhiều nhất cho….bõ ghét. Đầu đuôi cũng do nhà tôi có cái nghề làm bánh dẻo, được mọi người biết đến nhiều từ những năm 1980. Bánh nhà tôi làm rất ngon và vệ sinh, mọi thứ đều làm thủ công nên cực lắm. Để làm cho ra được cái bánh thì cả nhà tôi phải xúm vào phụ nhau.
Đầu tiên là Má tôi sẽ phụ trách vụ nấu nước đường, làm nhân bánh. Nội vụ nấu nước đường không cũng đã kỳ công rồi. Khi nấu phải để lửa riu riu và ngó chừng hoài không thôi đường sẽ bị trào, lúc gần sôi thì đập lòng trắng trứng vào khuấy để nó quến đi hết mấy chất bẩn còn bám trong đó. Tới đây thì cần tới thợ chính là…tôi và anh Tám.
Tôi lo phần khuấy bột. Việc này rất tỉ mỉ và không nóng vội được, tay vốc một nắm bột nếp đã rang chín, tôi cứ thả từ từ từng nhúm nhỏ vài hạt xuống rồi khuấy. Hễ thấy bột dính lại thành óc trâu là phải tán nó nhuyễn ra ngay, cứ thế cho tới khi thau bột quánh lại nặng tay thì cho dầu bông bưởi vào. Kế đó tôi múc phần bột này vào một cái chậu khác đã được lót sẵn bột khô ở dưới và cứ thể tôi từ từ lật trở, nhồi cục bột ướt trong thau để nó dần trở nên khô ráo vừa đủ để anh Tám có thể cán. Tới đây thì Anh Tám cho từng cục bột được cân lượng vừa đủ cho một cái bánh vào mâm phủ sẵn bột khô và cán. Anh cứ phải thấm bột khô vừa đủ vào hai mặt cục bột rồi cán cho đến khi bột vừa cứng thì cho cục nhân Má làm sẵn vào gói lại rồi đóng khuôn.
Nghe kể thì có vẻ gọn hơ vậy đó nhưng công việc thật sự rất vất vả. Bà Nội, Ba tôi và các anh chị đều trở thành thợ phụ cho mục tiêu “tất cả vì tiền tuyến”. Mọi người bò ra đãi đậu, đồ chín, giã đậu, xào nhân, xách xe đạp chạy đi mua đường và bột (ngày đó phải vào mãi Chợ Lớn mua đường và ra tiệm Bảo Hiên trên Sài gòn mới mua được loại bột nếp đặc biệt được rang chín và xay nhuyễn sẵn), đóng hộp, gói bánh và giao hàng. Những ngày đó tôi phải nghỉ học. Làm, ăn và ngủ hầu như tại chỗ. Cái thứ bột bánh dẻo kỳ cục lắm, nó là bột đã chín rồi, chỉ cần có nước là nó trở nên dính dấp khó chịu gì đâu. Làm cực mà tôi đâu dám bật quạt vì sợ bay bột. Vậy mà tóc tôi vẫn phủ bột dính dấp, hai mi mắt mỗi lần chớp là bị dính lại vì bột thấm nước mắt và mồ hôi thành một lớp keo ở đó. Vào mùa bánh khắp nhà đều dinh dính bột mặc dù mỗi sáng đều phải lau nhà cửa rồi mới bắt đầu làm. Lần nào làm bánh xong tôi cũng phát bệnh.
Cực vậy đó, nhưng khi thấy bán đắt hàng thì cũng vui vì thời đó kiếm ra được đồng tiền khó lắm. Cũng có nhiều người bắt chước để làm nhưng bánh không ngon bằng bánh nhà tôi làm hoặc giả họ đang chưa gặp thời nên bánh bán không chạy. Có điều, đã làm qua loại bánh này rồi, tôi không bao giờ dám ăn bánh ở bên ngoài làm nữa. Nhà tôi làm bánh kỹ lắm, thế mà cũng chỉ giữ bánh được tối đa một tuần là bắt đầu bị mốc từ trong nhân. Bây giờ để cả tháng trời mà bánh vẫn không sao thì chắc chắn là người ăn bánh phải có sao rồi. Loại bánh nhà tôi làm ra có màu trắng trong suốt vì bột cán vừa tới và không có chất bảo quản, còn bánh bây giờ cứ trắng đùng đục làm sao ấy. Từ năm 1994, hai thợ chính là Anh Tám và tôi đi ra ngoài làm việc, Má tôi không dám nhận làm bánh cho ai nữa, bà cứ tiếc hùi hụi, nhưng quả thực, bánh nhà tôi phải do cả nhà góp tay vào mới làm thành, thế nên nghề làm bánh của gia đình cũng ngưng từ đó.
Giờ thì tới cái lồng đèn. Khi tôi còn bé, chỉ có loại lồng đèn bằng giấy xếp hoặc giấy bóng kiếng. Loại giấy xếp thì hình tròn, có thể xếp gọn lại hoặc kéo lên cao sau khi đã bỏ nến vào. Tôi không thích loại này vì không đẹp bằng loại bóng kiếng, có hình con bướm, chiếc tàu thủy, máy bay và ngôi sao. Thích hay không thích thì tôi cũng chưa từng có lồng đèn, ngoài trừ một lần duy nhất năm tôi 4 tuổi. Khi đó, tôi đang học mẫu giáo tại Trường Lasan Hiền Vương và được Trường phát cho chiếc lồng đèn hình con bướm. Lúc ấy chừng khoảng 5 giờ chiều, tôi ôm lồng đèn lững thững một mình trong sân trường chờ Chị Vãng xong việc trong trường sẽ đưa về nhà. Tự nhiên có một “anh” lớn hơn tôi vài tuổi tiến lại làm quen và xin cầm thử chiếc lồng đèn. Tuy ngần ngại, tôi vẫn đưa chiếc đèn đầu đời của tôi cho anh. Nhanh như cắt, anh co chân chạy mất tiêu làm tôi ú ớ bật khóc vì mất lồng đèn và sợ bị la nữa.
Rồi Giải phóng, lồng đèn chỉ còn trong giấc mơ của đứa bé còn đói ăn, thiếu mặc. Tuy vậy, ngày đó lại có cái hay của việc “chơi chung”. Trong xóm có mấy anh khéo tay, họ làm được cái lồng đèn bằng lon sữa bò, có bánh xe đẩy, hai đầu lon đục lỗ để tỏa ánh sáng đèn cầy bên trong, khi đẩy cây gậy gắn liền vào lon sữa bò, bánh xe sẽ lăn và có tiếng kêu lách cách của chiếc chong chóng, ánh sáng sẽ tỏa ra lập lòe. Lon ton chạy theo người đẩy xe là “chơi chung” lồng đèn với người ta. Thú thực, dù không thật sự được sở hữu một chiếc lồng đèn, tôi vẫn thấy mình đủ đầy niềm vui Trung thu hơn các bé thiếu nhi bây giờ đang cầm những chiếc đèn nhựa Trung quốc, phát ra tiếng nhạc eo éo từ cái tay cầm có chứa cục pin.
Có một điều dù không đề cập đến ở phía trên như là một phần của Trung Thu, tôi vẫn thấy thiếu nó, Trung thu sẽ không thể trọn vẹn là cái Tết của Thiếu nhi, đó những bài hát về Trung Thu như Rước đèn Tháng Tám của NS Y Vân và Thằng Cuội của NS Lê Thương. Còn nhiều bài hát nữa tôi không nhớ tên, nhưng có những đoạn lời đẹp như thơ: “nghìn năm rồi nhỉ, bên gốc cây đa, Cuội ơi em hỏi Trăng non hay già?” hoặc lời trẻ thơ thắc mắc: “Bà ơi, Chú Cuội, có nhớ nhà không? Sao như cháu thấy, chú đang nhớ nhà”. Nhưng nếu bạn yêu cầu tôi hát một đoạn nào đó về Trung thu chắc chắn tôi sẽ buột miệng hát đoạn lời chế của bài Rước đèn Tháng 8 rằng: “Tết Trung Thu Má đòi đi tu, Ba ở nhà Ba khóc lu bù, thằng Cu Tí nó đòi đi theo…..Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh” bởi vì nó là phần ký ức lộn xộn về Trung thu trong những ngày còn lẽo đẽo theo mấy anh trai lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm của khu xóm nghèo.
———————————————————————————————————–
Viết xong bài rồi thì mới biết được cái bài hát mà mình khen có những đoạn lời đẹp như thơ là bài Vầng Trăng Cổ tích, bài hát hay, giọng con bé Xuân Mai non nớt lảnh lót cứ như đưa mình trở ngược lại về thế giới của trẻ thơ. Chắc lại phải bắt chước Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xin xỏ “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”.
Vầng trăng cổ tích (click vào để nghe nhạc)
Một vầng trăng tỏ, treo trên đỉnh trời
Bay về đâu thế đàn cò trắng ơi
Bà ơi chú cuội có nhớ nhà không ?
Sao như cháu thấy, sao như cháu thấy chú đang xuống trần
Nghìn năm rồi nhỉ, bên gốc cây đa
Cuội ơi em hỏi trăng non hay già
Nghìn năm rồi nhỉ, bên gốc cây đa
Cuội ơi em hỏi trăng non hay già
Một đàn chim nhỏ chơi trăng giữa trời
Biết bao giờ nhỉ cuội được xuống chơi
Bà ơi chú cuội có nhớ nhà không ?
Sao như cháu thấy, sao như cháu thấy chú đang xuống trần
Nghìn năm rồi nhỉ, bên gốc cây đa
Cuội ơi em hỏi trăng non hay già
Nghìn năm rùi nhỉ, bên gốc cây đa
Cuội ơi em hỏi trăng non hay già
Uyển VI – Sài Gòn