Dani Rodrik | Project Syndicate
Ngọc Hoà dịch
Ngọc Hoà dịch
PRINCETON – Có phải chủ nghĩa Hồi giáo về cơ bản không
tương thích với nền dân chủ hay không? Những sự kiện lặp đi lặp lại buộc
chúng ta phải đặt câu hỏi này. Nhưng nó lại là một câu hỏi gây khó hiểu
hơn là làm sáng tỏ.
Quân đội Ai Cập can thiệp để lật độ Tổng thống Morsi. (Ảnh: Internet)
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Tunisia là những quốc gia rất khác nhau, nhưng
cùng chia sẻ một điều, đó là họ đều có chính phủ Hồi giáo (ít nhất là
trường hợp Ai Cập cho đến gần đây). Tùy mức độ khác nhau, các chính phủ
này đều đã làm suy yếu các chứng chỉ dân chủ của họ bằng cách không bảo
vệ các quyền dân sự và quyền con người, cũng như áp dụng các chiến thuật
mạnh tay chống lại các đối thủ của họ. Mặc dù lặp đi lặp lại lời bảo
đảm, các nhà lãnh đạo Hồi giáo cho thấy ít quan tâm đến dân chủ ngoài
việc giành chiến thắng trong bầu cử.
Vì vậy, những người tin rằng việc loại bỏ chính phủ của Tổng thống
Ai Cập Mohamed Morsi là chính đáng có luận điểm của họ. Khi sự cai trị
của nhóm Anh em Hồi giáo ngày càng trở nên độc tài, nó chà đạp lên trên
những lý tưởng và nguyện vọng của cuộc cách mạng tại quảng trường Tahrir
nhằm lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ mà cuộc đảo chính quân sự nhận được từ những
người Ai Cập tự do khó có thể giải thích. Những trò chơi chữ thông minh
vẫn không thể che giấu bản chất của những gì đã xảy ra: một chính phủ
lên nắm quyền thông qua một cuộc bầu cử công bằng đã bị quân đội lật đổ.
Một số người tin rằng sự can thiệp quân sự có thể giúp điều chỉnh
phương hướng một cách hữu ích. Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry nói rằng
quân đội Ai Cập đã “phục hồi lại nền dân chủ.” Còn cựu đại sứ Mỹ, ông
James Jeffrey dựa trên kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là cuộc đảo
chính năm 1980, để nói rằng quân đội có thể giúp “tiết chế các phong
trào Hồi giáo.”
Quan điểm cho rằng một trọng tài bên ngoài không thiên vị về chính
trị có thể can thiệp để ngăn chặn nạn lạm dụng quyền lực và phục hồi lại
nền dân chủ có sức hấp dẫn của nó. Nhưng nó đi ngược lại với lịch sử
của Thổ Nhĩ Kỳ. Quả thực là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến việc
nhiếp chính trực tiếp, và chuyển giao quyền lực lại cho các chính phủ
dân sự sau các cuộc đảo chính của họ. Mặc dù vậy, những sự can thiệp lặp
đi lặp lại đó vẫn gây ra rất nhiều tổn hại cho sự phát triển một nền
văn hóa chính trị dân chủ.
Nói một cách dứt khoát, nền dân chủ dựa trên một điều kiện trao đổi
ngầm “quid pro quo” giữa các nhóm đối thủ tranh giành quyền lực, theo đó
mỗi nhóm chấp thuận bảo vệ quyền lợi của các nhóm khác để đổi lấy sự
công nhận quyền nhiếp chính nếu một khi nhóm đó giành chiến thắng trong
một cuộc bầu cử. Chỉ riêng các quy định hiến pháp sẽ không thể đảm bảo
một kết quả như vậy, vì những nhóm cầm quyền có thể dễ dàng xóa bỏ
chúng. Thay vào đó, các chuẩn mực về hành vi chính trị đúng đắn cần phải
được áp dụng thông qua các thể chế lâu bền của chính thể – gồm các đảng
phái chính trị, quốc hội, và tòa án – nhằm ngăn chặn nạn lạm dụng quyền
lực.
Để duy trì các chuẩn mực này, phải nhận biết rằng việc phá hoại
chúng sẽ để lại những hậu quả gây thiệt hại cho tất cả các bên. Nếu tôi
không bảo vệ quyền lợi của anh khi cầm quyền ngày hôm nay, anh sẽ có ít
lý do để tôn trọng tôi khi anh lên nắm quyền vào ngày mai.
Khi một lực lượng bên ngoài như quân đội can thiệp vào cuộc chơi
này, hoặc trực tiếp hoặc vì một trong các nhóm đối thủ có thể tranh thủ
sự can thiệp đó, động lực cho hành vi chính trị thay đổi một cách không
thể đảo ngược. Làm đứt đoạn tính liên tục trong các đảng chính trị,
chuỗi quy trình nghị viện, và các tiến trình hoạt động tư pháp sẽ khuyến
khích các toan tính ngắn hạn và cách hành xử phi tự do. Đây chính là
căn bệnh của các nền dân chủ non trẻ.
Đây cũng là vấn đề gây tai hại cho nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù có
hồ sơ ghi chép dài hơn. Khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdoğan và Đảng Công
lý và Phát triển (AKP) lên nắm quyền vào năm 2002, nó không chỉ thiếu
một nền văn hóa dân chủ, nhưng cũng còn lo sợ xem giới quân sự thế tục
cũ có thể sẽ phản ứng ra sao. Vì vậy, nó cư xử đúng theo nỗi sợ hãi của
nó, tung ra một loạt các vụ xử công khai nhắm vào các quan chức quân sự
cấp cao và các đối thủ khác. Khi chính phủ Erdoğan sau cùng đánh mất sự
ủng hộ của những người theo chủ nghĩa tự do, những kẻ đã hỗ trợ nó lúc
ban đầu, nó quay ra đàn áp các phương tiện truyền thông và tự do ngôn
luận.
Trong bối cảnh xảy ra đàn áp và những đứt đoạn về dân chủ này, sự
thất bại của người Hồi giáo ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ ít cho chúng ta biết
về khả năng tương thích của chủ nghĩa Hồi giáo với dân chủ hơn là chúng
ta nghĩ. Có phải ông Morsi và Erdoğan cư xử như vậy vì ý thức hệ tôn
giáo của họ, hay là vì hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị tìm cách nắm
giữ quyền lực đều đã hành động theo cách tương tự ở địa vị của họ? Ở Mỹ
Latinh, nơi mà chủ nghĩa Hồi Giáo không nắm giữ vai trò chính trị nào,
cũng không thiếu các nhân vật mạnh mẽ theo đuổi chủ nghĩa dân túy và
thường xuyên vi phạm các quyền tự do dân sự và quyền chính trị.
Không điểm nào trên đây bỏ qua việc các nhà lãnh đạo Hồi giáo lạm
dụng quyền lực. Nhưng cũng giống như sự can thiệp lặp đi lặp lại của
quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại một mối đe dọa Hồi giáo được cảm nhận
đã gây trở ngại cho nền dân chủ, việc quân đội Ai Cập đã lật đổ ông
Morsi sẽ không giúp khôi phục lại nó. Không thể dựa vào một chính thể
độc tài và phân cấp tự nhiên để bảo vệ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi
dân chủ. Có thể đưa ra một trường hợp quân đội can thiệp khi một quốc
gia thấy nó lâm vào tình trạng xảy ra nội chiến, như Thổ Nhĩ Kỳ vào năm
1980 (và có thể là như Ai Cập vào tháng Bảy), nhưng người ta không nên
nhầm lẫn giữa việc khôi phục lại trật tự ổn định với việc khôi phục lại
nền dân chủ.
Trong khi cuộc chiến vì dân chủ sẽ phải được quyết định thắng hay
thua ở trong nước, người bên ngoài cũng đóng vai trò góp sức. Những tác
nhân quốc tế như các tổ chức nhân quyền có thể lưu trữ và công bố những
hành vi vi phạm nhân quyền và những hành vi lạm dụng quyền lực khác.
Các nước dân chủ – đặc biệt là Hoa Kỳ và các thành viên của Liên
minh châu Âu – có thể tố cáo các hành vi độc tài bằng một sự lên tiếng
rõ ràng và chống lại sự cám dỗ của việc dựa dẫm vào các nước bá quyền
khu vực để đổi lấy lợi ích chiến lược ngắn hạn. Trong bối cảnh toàn cầu
hóa về kinh tế và thông tin liên lạc toàn cầu, các nhà lãnh đạo chuyên
quyền gần như là nhận được nhiều sức mạnh từ vị thế quốc tế của họ tương
đương với sức mạnh mà họ có được từ việc kiểm soát các tổ chức trong
nước.
Những gì không hỗ trợ – và trên thực tế lại gây phản tác dụng – đó
là khiến cho người ngoài nhìn nhận cuộc khủng hoảng chính trị trong các
xã hội Trung Đông như là kết quả của một phân chia giữa phe Hồi giáo và
phe thế tục. Quan điểm này tiếp sức trực tiếp cho các nhà cầm quyền độc
tài như Erdoğan, những kẻ có thể tận dụng nỗi ám ảnh Hồi giáo của các
cường quốc nước ngoài để huy động các nền tảng chính trị của họ. Vi phạm
nhân quyền và vi phạm các quy định của nhà nước pháp quyền phải bị lên
án vì chính bản thân chúng – mà không cần liên kết chúng với văn hóa hay
tôn giáo.
[*] Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu
cao cấp, Princeton, New Jersey. Ông là tác giả của cuốn sách Một nền
kinh tế, nhiều phương thức: Toàn cầu hóa, các thể chế chức, và tăng
trưởng kinh tế, và gần đây nhất là Nghịch lý Toàn cầu hóa: Dân chủ và
tương lai của nền kinh tế thế giới.
Nguồn: Dani Rodrik, “The Problem is Authoritarianism, Not Islam“, Project Syndicate, ngày 12 Tháng Tám 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle