Phạm Lê Vương Các
Vào ngày 23 tháng 9 vừa qua, 130 nhân sĩ trí thức uy tín trong và
ngoài nước ra "TUYÊN BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị", và qua
đó khởi xướng một "Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần
chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một
cách ôn hòa" dưới tên gọi "Diễn đàn Xã Hội Dân Sự".
Đó là một việc làm ý nghĩa, mang mục đích tốt, rất đáng hoan nghênh,
thể hiện hướng đi hợp thời (dùng XHDS làm nên sự chuyển đổi thể chế
chính trị một cách ôn hòa) với công cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tên tuổi của hơn 100 nhân sĩ trí thức hàng
đầu của đất nước mà chỉ tạo ra một "Diễn đàn" để tập hợp các bài viết
trao đổi về XHDS thì cá nhân tôi cho là "uổng phí", vì các lẽ sau:
Thứ nhất, về hình thức, xây dựng "Diễn đàn"
trên mạng là một điều rất bình thường. Nó không có gì đặc sắc hay mới
lạ, về bản chất của diễn đàn, nó cũng chỉ là một môi trường để mọi người
có quyền bày tỏ chính kiến, quyền tự do biểu đạt, tranh luận, trao đổi
làm sáng tỏ một vấn đề nào đó...
Về hình thức Diễn đàn như thế này thì trên mạng nhiều vô số kể, từ
khi Internet ra đời là đã có những diễn đàn mang mục đích vận động cho
một nền Dân chủ ở nước ta.
Thứ hai, về nội dung, Diễn đàn này bàn về các vấn đề liên quan đến XHDS "với mong muốn xã hội dân sự ở nước ta phát triển".
Về nội dung của XHDS thì không còn gì là mới lạ. Đã có nhiều học giả
và chuyên gia đã nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề XHDS cách đây nhiều năm
trước đó. Đối với tôi, tôi cũng đã tiếp cận vấn đề XHDS cách đây khoảng
5 năm. Trong khoảng thời gian từ đó đến nay, tôi cũng chưa thấy một học
giả hay một nghiên cứu nào nói khác về XHDS ngoài các thành tố như:
trước tiên là ý thức trách nhiệm của một người công dân đối với cộng
đồng, sau đó là niềm tin giữa người với người để hình thành nên vốn xã
hội và qua đó để có thể tin tưởng nhau mà hợp tác chung sức cống hiến
cho cộng đồng, và cuối cùng là nhà nước (yếu tố quan trọng nhất trong
tình hình VN hiện nay) cần phải có môi trường đảm bảo cho XHDS phát
triển sinh động bằng các công cụ như pháp luật tạo điều kiện cho quyền
tự do lập hội, hay các chính sách ủng hộ các hội đoàn dân lập phát
triển…
Các giá trị cố lõi và vấn đề căn bản của XHDS đều đã được làm sáng
tỏ. Nên vấn đề mấu chốt bây giờ là thể chế toàn trị có chấp nhận hay
không mà thôi.
Vì như chúng ta đã biết phong trào, hội đoàn XHDS sẽ không chịu sự
kiểm soát của chính quyền, những người nằm trong phong trào, hội đoàn
này hành động dựa trên sự tự giác và tự nguyện, không chịu sự ràng thuộc
hay “sai bảo” từ chính quyền, mà chính quyền toàn trị thì chẳng bao giờ
muốn thế và cũng chẳng để điều này xảy ra.
Cho nên "mong muốn xã hội dân sự ở nước ta phát triển" bây giờ không
phải là bàn, hay trao đổi nữa mà hãy HÀNH ĐỘNG đi. Không cần gì phải lớn
lao hay quy tụ cho đông, mà hãy làm những việc nhỏ bé và bình thường
trong khả năng của mình.
Chẳng hạn, khi ra đường, thấy ai xả rác ngoài đường, mình sẽ lẳng
lặng nhặt rác bỏ vào thùng giùm người ta… Nếu hành động này có nhiều
người hưởng ứng và ủng hộ thì cứ tập hợp lại thành lập “Hội những người
nhặt rác giùm người khác” và lan tỏa nó đi, như vậy vừa tốt cho cộng
đồng, vừa giúp nâng cao ý thức môi trường, giúp cho người dân từ bỏ thói
quen xấu, và qua đó xây dựng được một phong trào và hội đoàn đúng nghĩa
với XHDS. Nếu nhà nước muốn quản lý, hay muốn đưa “Chi bộ” vào để “lãnh
đạo” Hội này, thì mình sẽ dẹp luôn, không làm nữa, trả lại việc nhặt
rác cho nhà nước, rồi thành lập hội mới để làm việc khác.
Thứ ba, có người nói rằng “Diễn đàn XHDS”
là một phong trào XHDS. Tôi đồng ý với quan điểm này và cũng tin rằng
những người khởi xướng Diễn đàn này cũng nhằm mục đích tạo ra một phong
trào XHDS có tính chất rộng lớn, có tầm ảnh hưởng nhằm “chuyển đổi thể
chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”. Tuy
nhiên với cách thức hoạt động hiện nay khi phong trào chỉ là một “Diễn
đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến” thì tôi e rằng sẽ không có sự tương
đồng giữa “mục tiêu và phương pháp” trong thời điểm hiện tại.
Như đã phân tích ở lý do thứ nhất, hiện nay không thiếu diễn đàn để
“trao đổi và tập hợp ý kiến”. Cho nên xem “Diễn đàn XHDS sẽ mang ý nghĩa
của một phong trào dân sự đầu tiên có tính tập hợp và được định hướng
phản biện trên diện rộng, đại diện cho một số khá đông trí thức và sinh
viên ở Việt Nam” như nhà báo Phạm Chí Dũng đã đánh giá trên BBC, liệu có
tham vọng quá không khi mà một Diễn đàn và cũng là một Phong trào mới
ra đời, theo đuổi một phương pháp cũ, hoạt động trên mạng, không có gì
nổi bật ngoài những nhân sĩ tri thức tên tuổi khởi xướng? Và liệu Diễn
đàn này có thể “qua mặt” được các diễn đàn lâu đời trên các cơ quan
Truyền thông quốc tế, hay các diễn đàn uy tín hiện nay để là nơi tập hợp
các ý kiến phản biện?
Quan sát hoạt động chính trị hiện nay và xu thế vận động dân chủ,
theo quan điểm của cá nhân tôi đã qua rồi cái thời kỳ dùng lý luận để
tranh luận và phản biện để làm sáng tỏ vấn đề “Thế nào là Dân chủ”. Mà
đây là thời điểm cho sự tranh đấu “Khi nào Dân chủ sẽ đến và chúng ta sẽ
sử dụng Dân chủ như thế nào”.
Qua đó cho thấy, Diễn đàn XHDS ra đời vào thời điểm này mà chỉ thể
hiện là một diễn đàn dùng để “trao đổi và tập hợp các ý kiến” thì đó là
một phong trào “đi chậm hơn” rất nhiều so với các phong trào khác trong
công cuộc vận động Dân chủ như NoU, Kiến nghị 72, Tuyên Bố 258…
Dù trong tương lai, cá nhân tôi chưa thể phán đoán Diễn đàn XHDS sẽ
“biến thể” sang một hình thái nào, phải chăng là nơi tập hợp tiếng nói
phản biện như Viện Nghiên cứu Phát triển IDS? Nhưng trước mắt, hướng đến
dân chủ với cách thức và phương pháp này nó đã không tương xứng với cái
tầm, sự uy tín và số lượng của các nhân sĩ trí thức.
Bằng sự kỳ vọng vào một thế hệ tâm huyết đi trước, tôi tin tưởng rằng các vị có thể làm được nhiều hơn thế…
Phạm Lê Vương Các
Mời xem lại: Xã hội dân sự và bản Hiến pháp
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/03/130305_chinhquyen_hienphap.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/03/130305_chinhquyen_hienphap.shtml