Xã luận Thông luận 256
"... Tuổi trẻ Việt Nam không khác một anh khổng lồ đầy sức lực nhưng hai chân bị cột chặt vào hai tảng đá cực nặng: khoảng trống chính trị và chủ nghĩa luồn lách. Phải chặt bỏ di sản xiềng xích này để thanh niên, và đất nước, có thể có một tương lai ..."
Mọi cuộc cách mạng đều do tuổi trẻ. Tuổi trẻ còn sự bồng bột, chưa bị
kinh nghiệm sống biến thành thực tiễn và nhẫn nhục; tuổi trẻ chưa có
gánh nặng trách nhiệm và có thể làm những điều mình muốn làm; quan trọng
hơn cả là tuổi trẻ được coi là vốn quý nhất của một dân tộc cho nên,
trừ ngoại lệ Thiên An Môn, chưa có chế độ nào tàn sát thanh niên mà
không sụp đổ nhanh chóng trong ô nhục. Các cuộc cách mạng đang diễn ra
tại các nước Ả Rập trước hết nhắc lại cho chúng ta là chuyển động quyết
định đem lại dân chủ cho Việt Nam cũng sẽ đến từ thanh niên. Tuy vậy
thực tế là thanh niên Việt Nam vẫn im bặt. Tuổi trẻ Việt Nam đâu?
Không khác thanh niên các nước Ả Rập hiện nay, thanh niên Hàn Quốc và
Đông Âu trước đây, thanh niên Việt Nam có mọi lý do để phẫn nộ và nổi
dậy. Họ đang sống một thảm kịch. Đời sống vật chất bi đát, phản ánh qua
sự kiện tỷ lệ lớp trẻ từ 15 đến 18 tuổi theo học phổ thông trung học vốn
đã thấp một cách báo động, khoảng 50%, lại liên tục xuống thấp hơn
trong ba năm gần đây, tỷ lệ sinh viên đại học và cao đẳng phải bỏ ngang
khi chưa tốt nghiệp, gần 40%, lại càng đau lòng. Với những người may mắn
tốt nghiệp thì giáo dục cũng đã quá xuống cấp để cung cấp được cho
thanh niên Việt Nam những hành trang tối thiểu khả dĩ có thể tranh đua
một cách không quá thiệt thòi với thanh niên các nước khác. Tương lai
đang chờ đợi họ và đất nước mà họ sẽ thừa hưởng là một tương lai thua
kém. Không những thế họ còn bị tước đoạt luôn hạnh phúc lớn nhất của
tuổi trẻ: ước mơ. Một thanh niên Việt Nam ngày nay có thể mơ ước gì ngay
cả nếu thuộc thiểu số ưu tú tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng? Chắc chắn
không phải là một căn nhà ở thành phố vì một năm lương cũng chưa chắc
đã mua nổi một mét vuông đất. Chắc chắn cũng không phải là một chức giám
đốc chỉ dành riêng cho con cái các đại gia. Giấc mơ đó chỉ có thể là
một việc làm vừa đủ ăn với điều kiện là không có gánh nặng gia đình.
Nhưng định mệnh nào bắt thanh niên Việt Nam phải chịu số phận hẩm hiu
đó? Thanh niên Việt Nam thông minh và chăm chỉ không kém thanh niên Mỹ,
Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật v.v. Họ cũng có quyền có một tương
lai đáng mơ ước như thanh niên các nước này nếu chúng ta thay đổi được
tổ chức xã hội, nghĩa là nếu thay thế được chế độ độc tài này bằng một
chế độ dân chủ.
Thanh niên Việt Nam có thể thay đổi chế độ chính trị. Chúng ta có 25
triệu thanh niên trong lứa tuổi 17-30, trong đó hơn sáu triệu người có
trình độ trên trung học, gần bốn triệu người tốt nghiệp đại học và cao
đẳng, chỉ cần một phần mười khối thanh niên này đứng dậy tranh đấu là
tình thế sẽ thay đổi ngay tức khắc. Và không phải một phần mười mà chín
phần mười đang muốn đứng dậy.
Nhưng tại sao họ chưa đứng dậy? Một lý do là vì chưa có một tổ chức
dân chủ nào đủ mạnh để động viên và lãnh đạo họ, đó là điều mà các thế
hệ cha anh đáng lẽ đã phải tạo ra cho họ. Tệ hơn nữa, lý do khác là họ
đã được cha anh giáo dục để tránh né các vấn nạn quốc gia và để chỉ luồn
lách tìm cách giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá
nhân. Đa số cha mẹ Việt Nam không những không khuyến khích mà còn can
ngăn, thậm chí cấm đoán, con cái chống lại những chính quyền bạo ngược.
Ít ai đủ sáng suốt để thấy rằng đây không phải chỉ là một nhân sinh quan
tồi hèn mà còn là một chọn lựa dại dột. Đó là một trò chơi trong đó mỗi
người chống mọi người và mọi người chống mỗi người với kết quả hiển
nhiên là tất cả đều thua.
Tuổi trẻ Việt Nam không khác một anh khổng lồ đầy sức lực nhưng hai
chân bị cột chặt vào hai tảng đá cực nặng: khoảng trống chính trị và chủ
nghĩa luồn lách. Phải chặt bỏ di sản xiềng xích này để thanh niên, và
đất nước, có thể có một tương lai. Cố gắng này đòi hỏi các thế hệ đàn
anh một thái độ khiêm tốn; một cách cụ thể nếu họ không thể có thông
điệp thông minh nào cho con em thì cũng nên im lặng thay vì áp đặt những
bài học tồi tệ. Nó cũng đòi hỏi thanh niên Việt Nam suy nghĩ bằng cái
đầu của chính mình và sẵn sàng tự quyết định cho mình.
Thông Luận số 256, tháng 03/2011