Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Tự xử dân chúng hay tự xử chính quyền?

Phạm Chí Dũng
Thói hoang tưởng quyền lực được sinh thời bởi ý thức hệ cầm cố đã tạo nên vô số món nợ phải đòi trong đầu óc dân quyền. Tự xử của dân cũng vì thế mang hơi hướng tự xử của chính quyền.
5 ngày sau vụ Đặng Ngọc Viết bắn các cán bộ quản lý quỹ đất ở Thái Bình, một số đại biểu quốc hội Việt Nam mới lần đầu tiên “thảo luận tập trung” về hiện tượng “tự xử” đang có chiều hướng lan rộng và “có dấu hiệu nguy hiểm” trong dân chúng.
Tự bắt trộm chó, tự thuê xã hội đen đòi nợ, tự thiêu, tự bắn cán bộ… - những hành tung mang tính “tự xử” đã xảy ra suốt mấy năm suy thoái kinh tế vừa qua, nhưng cho đến tận bây giờ mới được thừa nhận “có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Cho đến khi cơn khủng hoảng chết chóc đã cận kề ngay trước mũi, vài người đại diện cho dân chúng mới dám hé lộ ngoài hành lang về tình trạng “chính quyền địa phương bất động”.
Với tất cả những động thái “hành là chính” đang có chiều hướng bất động một cách nguy hiểm như thế, hẳn đó cũng là một nguồn cơn để nảy sinh ra lời “hiệu triệu cứu quốc” dưới đây.
Hiệu triệu cứu quốc!

Thông báo với toàn thể nhân dân. Hiện nay đang có một đám người lạ mặt, đầu trọc, xăm trổ đầy mình, có hành vi côn đồ, dùng kiếm, dùng dùi cui, đuổi đánh, dọa đâm, chém, giết dân lành. Mọi người, ai có cuốc, xẻng, gậy gộc ra ứng cứu. Giặc đang càn quấy dân làng, mọi người tập trung mau để đánh giặc! Loa, loa, loa…” - ông trưởng thôn Đồng Quân gào vào loa phóng thanh, và từ chiếc loa này như vang dội âm thanh hiệu triệu một mất một còn vào những ngày kháng chiến cứu quốc.
Tháng 6/2013, xóm núi heo khuất ở vùng Ninh Bình lại một lần nữa giận dữ cùng rạo rực. Người dân đang nhìn thấy một đám cướp cạn giữa ban ngày ban mặt. Nhưng người dân cũng đang phải chứng kiến một biểu tả không thể bàng quan hơn của các nhân viên công lực địa phương khi để mặc đám côn đồ thỏa sức hành hung những người bám đất.
Đã hơn 25 năm qua, bãi đất nơi xảy ra tranh chấp giữa người dân Đồng Quân với Công ty cổ phần du lịch Cúc Phương là nguồn sống của dân, bằng chăn nuôi gia súc, trồng ngô và trồng đậu. Cư trú trên địa bàn này chủ yếu là người dân tộc Mường, được di dời từ rừng quốc gia Cúc Phương ra từ năm 1988.
Khoảng gần chục năm trước, Công ty Cúc Phương bắt đầu về xây dựng trên khoảng 15 ha bãi đất. Nhưng vài năm trở lại đây, công ty này lại có những hành vi định chiếm nốt 25ha đất còn lại.
Ở một thái cực còn lại, ông trưởng thôn Đồng Quân khẳng định là không hề nhận được thông báo nào từ chính quyền về việc cho công ty Cúc Phương thầu thêm 25 ha đất.
“Cho dù có thông báo thỏa thuận từ chính quyền về việc sang nhượng đất, chúng tôi cũng không bao giờ đồng ý. Vì 25 ha đất này là nguồn mưu sinh của người dân, bán nốt thì biết làm gì để sống!” - một người dân địa phương thét lên.
Nhưng vào lúc việc tranh chấp còn chưa ngã ngũ thì Công ty Cúc Phương đã liên tục điều “xe múc” vào đào đất.
“Người dân ngăn cản là đương nhiên. Vì thế mà cho côn đồ đến hành hung dân lành là điều không thể chấp nhận được!” - ông trưởng thôn quyết liệt.
Thái độ không khoan nhượng của người dân xóm núi Đồng Quân đã được biểu thị ngay tức thì: ngay sau tiếng loa xé nát buổi trưa hè yên ả, nhân dân hai thôn từ người già, thanh niên đến phụ nữ lập tức túa ra đầy đường. Dân hai đầu dồn lại đánh trả đám côn đồ. Từ bộ dạng hung tợn lúc đầu, bọn côn đồ phải dần rút lui, để cuối cùng đã phải nhận một trận đòn nhớ đời.
“Người dân xóm núi đại thắng!” - một tờ báo trong nước giật tít đầy hả hê. Nhưng còn hả hê hơn nhiều, vào một lần hiếm hoi “luật rừng” đã thành công.
Trong cái tâm cảm “luật rừng” ấy, cả hai phía chính - tà đều hiện diện. Nhưng nhân tố đáng ra phải có mặt - lực lượng bảo vệ pháp luật - thì lại vắng bóng đến không thể hiểu nổi.
Như một thói quen đã trở thành cố tật, chỉ sau khi trận đánh không chính danh trên kết thúc, công an huyện Nho Quan mới chính thức ló mặt tại hiện trường để làm nốt công đoạn cuối của việc “phá án”.
Tự xử dân chúng
Những tay blogger có đầu óc hài hước nhất vẫn thường chua chát giễu cợt” Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng chỉ có một thứ duy nhất được dùng là luật rừng”.
“Phép vua thua lệ làng” cũng từ cổ chí kim được viện dẫn và hành xử như một thói quen văn hóa độc đáo của người dân Việt, đặc biệt ở những vùng nông thôn miền Bắc.
Từ năm 2010 về trước, khi kinh tế còn tạm đủ sức cầm cự với lạm phát và phân hóa xã hội chưa lộ ra cái hố đen ngòm ngoác rộng của nó, phân cực dân sinh cũng âm thầm tiềm ẩn hơn chứ chưa bị đẩy tình thế vào cảnh hỗn mang như hiện nay.
Nhưng khi hiện tượng “rào làng” bắt đầu xuất hiện ở những địa phương như vùng phố núi Ninh Bình, người ta cũng bắt đầu chứng kiến cảnh đồng tâm hiệp lực giữa những gia đình cùng làng xã để bảo vệ quyền lợi “giết trộm”. Cảnh sắc đó đã vừa diễn ra ở Bắc Giang, nơi có đến 800 người dân đồng ký vào một lá đơn chưa từng có tiền lệ: nhận tội danh đánh đến chết những kẻ trộm chó.
Trước hành động phản ứng chưa từng có trên, chính quyền và ngành công an Bắc Giang trở nên lúng túng và rơi vào thế bị động. Thay cho việc bắt giữ vài người dân đầu trò trong vụ đánh chết cẩu tặc, vào lúc này nhà chức trách phải đối mặt với một thái độ có thể được xem là vượt qua sợ hãi để “sống chết có nhau” của dân làng. Tinh thần tập thể hành động như thế hẳn làm dư luận nhớ đến 13.000 người dân ở làng Ô Khảm của Trung Quốc, vào năm 2011 đã rào làng để phản kháng chế độ trưng thu đất đai vô lối mà đã gây ra cái chết của một trong những người cầm đầu nhóm phản kháng trong đồn công an địa phương.
Không hề có dấu hiệu hoang tưởng từ những người dân Bắc Giang, mà tinh túy hơn thế nhiều, 800 người dân đồng ký đơn nhận tội ở Bắc Giang đã công khai phơi bày một chủ đích có tính toán và mang dấu ấn thách thức chính quyền. Suy luận đơn giản là chính quyền không thể khởi tố tất cả dân làng, nhưng suy diễn phức tạp hơn là không phải chính quyền muốn làm gì thì làm trong bối cảnh đầu óc dân chúng đã tràn ngập tư tưởng bất mãn và sẵn sàng đối đầu nếu “cần thiết”.
Bắc Giang lại là địa phương mà đã nổ ra những vụ đòi đất tập thể, tương tự Hưng Yên, Thái Bình, ngoại thành Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định… Đến lượt những địa phương này lại nằm trong cách nhìn thường trực của chính quyền về một loại “điểm nóng” cần phải tiễu trừ.
Đất đai đã làm nên một biến động lịch sử khôn lường ở nông thôn miền Bắc Việt Nam, kể cả không khí manh nha “hồi tố” như trong cuộc cải cách ruộng đất vào giữa thế kỷ 20.
Trước vụ Đặng Ngọc Viết, một thanh niên ở Quảng Nam cũng đã dùng dao đâm vài cán bộ hiệp thương giá đền bù đất đai. Người thanh niên này say khi gây án đã chạy về nhà đâm dao vào ngực mình. Nhưng rất may trong vụ đó cả hung thủ lẫn nạn nhân đều bảo toàn được mạng sống.
Còn với trường hợp Đặng Ngọc Viết, động cơ trả thù đã trở thành đỉnh điểm của công tác “hồi tố”. Những quan chức nhà nước thực thi mệnh lệnh cao cả về thu hồi đất của dân với giá bèo đã phải trả một cái giá đắt ngang với sinh mạng của họ. “Tự xử” cũng vì thế đã biến diễn đến mức cực đoan và chắc chắn vượt trên rất nhiều “dấu hiệu nguy hiểm” mà các đại biểu quốc hội đang than thở.
Tự xử chính quyền
Một lần nữa trong rất nhiều lần, dư luận và công luận Việt Nam phải khẩn thiết nhắc lại “cách mạng Thái Bình” mười sáu năm trước. Thế nhưng sự bất hạnh lại lộ đến chân tơ kẽ tóc: đã chẳng có một bài học nào được những người cầm cân nảy mực rút ra từ lịch sử. Mọi chuyện và thế sự vẫn trì miết trong một lối mòn tham lam, lũng đoạn và không kém ngu ngốc. Thói hoang tưởng quyền lực được sinh thời bởi ý thức hệ cầm cố đã tạo nên vô số món nợ phải đòi trong đầu óc dân quyền.
Vụ xả lũ bị coi là hành động “giết sống” người dân mới xảy ra vào tháng 9/2013 ở Đắc Lắc cũng là một ý thức hệ táng tận lương tâm của giới quan chức điều hành thủy điện và chính quyền địa phương. Thời điểm ấn định xả lũ là vào 8 giờ sáng, nhưng phải đến một tiếng rưỡi đồng hồ sau thông báo này mới được phát ra. Đó cũng là khoảng thời gian vừa đủ để dòng lũ đỏ ngầu cuốn tung mọi thứ, từ tài sản tích góp cả đời đến ít nhất 12 sinh mạng con người, xuống vùng trũng niềm tin dân chúng…
Với những gì đã hiện tồn cay đắng đến thế, điều bị xem là “vô cảm quan chức” vẫn còn là lời cảnh báo đầy tính nhân đạo. Giờ đây, vượt hơn thế nhiều, nhiều chính quyền địa phương càng như chìm trong cơn hôn mê vô trách nhiệm và chẳng hề đồng cảm với đồng loại. Hàng loạt điểm nóng có thể dẫn đến điểm nổ về đất đai, môi trường, tôn giáo… đã chỉ bị ụp lên bởi hàng núi công văn giấy tờ “xin ý kiến chỉ đạo”, trong đó không thiếu lời quy kết cho hành động của người dân là “xách động, manh động, chống đối…”.
Tâm trạng xã hội rối loạn trong dân chúng cũng tương tác hầu như trực tiếp với tâm lý thoái thác trách nhiệm ở các cấp chính quyền. Vụ việc càng “nhạy cảm” thì các cơ quan từ địa phương đến trung ương càng gia cố sức ép đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, và trên hết là quá khó để nhận ra một lãnh đạo nào dám chịu trách nhiệm cuối cùng. Trong khi đó, thời gian không ngừng trôi và hậu quả chẳng bao giờ ngừng lại. Rất thường là đến một thời điểm nào đó, tình hình trở nên xấu tệ để mọi chuyện có thể nhanh chóng rơi nhanh vào tình trạng mất kiểm soát.
Tự xử của dân chúng cũng rất có thể dẫn tới hành động tự phát nối kết, liên kết và gắn bó với nhau giữa các nhóm dân đấu tranh cho quyền lợi, cho dù không phải bao giờ quyền lợi của dân cũng đồng nhất với nhau. Đó cũng gần như là hình ảnh chan hòa giữa những dân oan không tôn giáo với các tín đồ - một hiện tượng đã và đang diễn ra ngày càng rộng tại vùng đáy niềm tin chính thể.
Nếu hiệu ứng vô chính phủ xảy ra, không thể nói khác hơn là tình trạng mất kiểm soát ở Việt Nam có thể trở nên vô phương cứu chữa, rút ngắn tính chính danh của chính thể và ghê gớm hơn nhiều là xâm hại những gì còn lại của một lịch sử văn hóa.
Tự xử của dân cũng vì thế mang hơi hướng tự xử của chính quyền. Tất cả những gì mà một chính thể không thể đáp ứng sẽ luôn phải trả bằng cái giá chân đứng của chính quyền từ bị mài mòn đến tự mục rã.
Nông thôn và một số đô thị ở miền Bắc đang chứng thực xu hướng chuyển động có tính song trùng tự xử rệu mục như thế. Dù chưa có một nghiên cứu nào phân tích về khả năng song trùng này, nhưng đáp án rõ rệt cho bài toán tự xử luôn là một điểm giao thoa, tại một thời điểm được xác định, giữa hai hành động vừa đồng pha vừa ngược chiều nhau – một thuộc về chính quyền và hành động kia bùng phát từ dân chúng.
P.C.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"