GS Nguyễn Văn Tuấn
Xin giới thiệu các bạn một cuộc trò chuyện với phóng viên trên Sài Gòn Tiếp Thị nhân ngày 2/9/1945. Bài phỏng vấn này được phóng viên biến thành một bài viết dưới tựa đề “Tự vấn, tự trọng, tự do, tự đổi mới”. Vì không đủ “đất” nên một số đoạn phải cắt bỏ trên báo. Thời đại internet có cái hay là độc giả có thể đọc nguyên bản (dưới đây) bên cạnh bản in, và có thể rút ra vài nhận xét.
Nguyễn Văn Tuấn
SGTT: Thưa GS, cảm xúc của GS thế nào khi nghĩ về ngày độc lập 2/9 của đất nước?
NVT: Tôi nhìn ngày 2/9/1945 như là một ngày Việt Nam giành quyền độc
lập, không còn lệ thuộc ngoại bang. Có lẽ ấn tượng nhất với tôi là bản
tuyên ngôn độc lập do cụ Hồ Chí Minh đọc và trích từ câu đầu trong bản
tuyên ngôn độc lập của Mĩ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình
đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong
những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh
phúc". Đó là những câu phát ngôn rất đẹp và lí tưởng. Do đó, có thể nói
rằng ngày 2/9 mở đầu cho một lí tưởng nhân văn và cao đẹp cho Việt Nam.
Còn những gì xảy ra sau đó thì cần phải bàn thêm.
SGTT: Ngày Độc lập có gắn với kỷ niệm nào của Giáo sư không?
NVT: Tôi sinh sau ngày 2/9/1945 và ở trong Nam nên không có kỉ niệm
nào với ngày đó cả. Tuy nhiên, Ba tôi lúc sinh tiền thì nhắc đến ngày
này như là một bước ngoặc trong đời.
SGTT: Chúng ta có độc lập gần 70 năm qua, nhưng về mặt phát
triển chúng ta vẫn lệ thuộc nhiều thứ của nước ngoài. (Đơn cử, trong
lĩnh vực y tế, mỗi năm dân ta phải mất rất nhiều tiền để đi các nước
chữa bệnh). GS chia sẻ gì về câu chuyện này?
NVT: Thật ra, hầu như bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến khoa học,
công nghệ, kĩ thuật, chúng ta đều phụ thuộc vào nước ngoài. Nhìn chung,
nhiều kĩ nghệ ở Việt Nam chủ yếu là gia công, chứ không phải thực sự sản
xuất và cũng không có nghiên cứu khoa học. Chúng ta còn lệ thuộc nước
ngoài về khoa học. Khoảng 80% các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt
Nam là do hợp tác với hay qua hỗ trợ từ nước ngoài.
Tôi nghĩ rằng trình độ của chúng ta (người Việt) chưa theo kịp với
những vấn đề mà phát triển kinh tế - xã hội đặt ra. Điểm xuất phát của
chúng ta là một nền văn minh và văn hóa nông nghiệp, và khi trong quá
trình hội nhập thế giới được định hình bởi nền văn minh công nghiệp, thì
nảy sinh rất nhiều vấn đề. Có nhiều sự chênh lệch giữa nhu cầu phát
triển đặt ra và khả năng đáp ứng của nội lực Việt Nam. Điều này có thể
giải thích tại sao các công trình xây dựng, công trình nghiên cứu khoa
học của Việt Nam không đạt chất lượng cao.
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam còn thiếu tính
đồng bộ và thiếu tính hệ thống. Đây đó chúng ta có những chuyên gia có
thực tài, nhưng nhìn chung họ chỉ là những cá nhân đơn lẻ, không đủ để
định hình một nền khoa học. Ví dụ như Việt Nam có những bác sĩ phẫu
thuật không thua kém gì so với Singapore, nhưng chúng ta không có một hệ
thống hỗ trợ hậu phẫu để lấy được niềm tin tưởng của bệnh nhân. Có thể
chúng ta chỉ giỏi về kĩ thuật, mà kĩ thuật thì chỉ là một khâu trong
nhiều khâu quan trọng. Chính vì thế mà một số bệnh nhân chưa cảm thấy an
tâm và tin tưởng vào hệ thống y tế của Việt Nam.
SGTT: Khi giành độc lập, VN là một khối thống nhất, triệu con tim
một ý chí quật cường? GS có thể giải mã gì về hiện tượng này dưới con
mắt của một nhà nghiên cứu?
NVT: Tôi nhớ đến câu “Mùa thu rồi ngày 23 / ta đi theo tiếng kêu sơn
hà nguy biến”. Đó lời hiệu triệu chống ngoại xâm. Do đó, tôi nghĩ bởi
đơn giản là lúc đó ai cũng muốn đánh đuổi ngoại xâm để có được độc lập,
tự do, và bình đẳng. Người Việt Nam có thể bất đồng với nhau về nhiều
vấn đề, nhưng rất đồng lòng trong việc đánh đuổi ngoại xâm. Ngày nay
cũng thế, khi có đe dọa hay nguy cơ từ ngoại xâm thì người dân đồng loạt
đứng lên.
Nhưng lịch sử cũng chỉ ra rằng trong thời bình người Việt Nam không
đoàn kết như trong thời chiến tranh chống ngoại xâm. Đất nước đã thống
nhất gần 40 năm, nhưng lòng người hình như chưa thống nhất. Bất công xã
hội ngày càng nhân rộng. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng hơn.
Người Việt trong và ngoài nước chưa thật sự đồng lòng. Tất cả những yếu
tố đó chỉ làm suy yếu cộng đồng dân tộc, và làm cho Việt Nam chưa phát
triển đúng với tiềm năng của dân tộc.
SGTT: Theo GS, vì sao một dân tộc từng ngẩn cao đầu trong những
cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để giữ nước, nhưng lại là một dân tộc
quẩn quanh với mệt nhoài ở những chặng hoà bình tìm kế bứt phá vươn lên?
NVT: Trong lịch sử cận đại, chưa bao giờ nước ta có một thời gian
hoà bình lâu dài như hiện nay. Thế mà cho đến nay, Việt Nam vẫn là một
trong những quốc gia nghèo, có thời gian nằm trong nhóm các nước nghèo
nhất thế giới. Câu hỏi đặt ra là tại sao, và đã có nhiều câu trả lời
cũng như cách tiếp cận câu hỏi đó. Tôi nghĩ lí do gần mà chúng ta có thể
nhận ra được là chúng ta đã dành quá nhiều sức lực và tài nguyên cho
chiến tranh. Đối với các nước lớn, chiến tranh là một cuộc chơi, hay
thậm chí là một thương vụ; nếu không có lợi thì họ rút lui, họ không mấy
quan tâm đến thắng hay thua theo nghĩa kinh điển. Nhưng đối với nước
nghèo như Việt Nam thì khi chiến tranh xảy ra là dốc toàn lực toàn tâm
để giành thắng lợi. Trong cuộc chiến vừa qua, có trên 50 ngàn quân nhân
Mĩ tử vong, nhưng Việt Nam thì trên 2 triệu người tử vong. Sau hơn 20
năm chiến tranh thì xã hội có dấu hiệu mệt mỏi cũng là điều không khó
hiểu.
Nhưng tại sao có những nước, như Hàn Quốc và Nhật, họ lại vươn lên
rất nhanh sau chiến tranh, còn Việt Nam thì vẫn còn nghèo. Có ba giả
thuyết chính được đề ra để giải thích sự khác biệt về mức độ phát triển
kinh tế - xã hội giữa các quốc gia trên thế giới: địa lí / khí hậu, văn
hóa, và thể chế. Có học giả (như Montesquieu chẳng hạn) cho rằng ở những
nước nhiệt đới người dân thiếu óc tò mò, hay bị mệt mỏi, dễ mắc bệnh,
và năng suất lao động thấp, nên mức độ phát triển không bằng các nước ôn
đới. Giả thuyết thứ hai cho rằng yếu tố văn hóa có ảnh hưởng đến phát
triển, và đã có khá nhiều học giả cho rằng một số nét về văn hoá Việt
Nam là những rào cản cho phát triển kinh tế trong thời đại toàn cầu hoá.
Nhưng một giả thuyết mới nhất cho rằng một thể chế thiếu dung hợp là
một yếu tố làm cho đất nước nghèo yếu. Một thể thiếu dung hợp như Phi
Luật Tân, trong đó các nhóm lợi ích và đại gia chiếm đoạt tài nguyên
quốc gia thì đất nước không thể nào giàu được. Có thể nói rằng cả ba giả
thuyết trên đây đều có thể giải thích tại sao Việt Nam nghèo. Chúng ta
không thay đổi được địa lí, nhưng chúng ta có thể thay đổi văn hoá và
tạo ra một thể chế dung hợp hơn nữa, một thể chế mà trong đó mọi thành
viên có cơ hội đóng góp chứ không phải chỉ vài nhóm lợi ích chiếm đoạt
tài nguyên và lũng đoạn quốc gia.
SGTT: Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển đất nước hiện nay, là gì, thưa GS?
NVT: Tôi nghĩ mối đe dọa lớn nhất đến phát triển đất nước hiện nay
là môi sinh và đạo đức xã hội. Nước ta là nước nhỏ (về diện tích), mật
độ dân số khá cao, và môi trường sống đang xuống cấp nghiêm trọng. Sự
phá hủy môi sinh ở Việt Nam rất ư là kinh khủng, và nếu không ngăn chận
hay khắc phục kịp thời, thì chúng ta sẽ không có gì để lại cho các thế
hệ tiếp nối. Kinh nghiệm của các nước như China cho thấy phát triển kinh
tế nhanh nhưng phá hủy môi trường sẽ làm cho sự phát triển trả giá rất
đắt về lâu dài.
SGTT: Theo GS, trong giai đoạn hiện nay, cách thức nào hạn chế những thức thức đó để đưa dân tộc đi lên?
NVT: Tôi nghĩ chúng ta nên quay lại với một lí tưởng quan trọng của
ngày 2/9/1945: đó là tự do. Hai chữ này có thể hiểu rất khác nhau giữa
các cá nhân, nhưng ở đây, tôi muốn hiểu tự do theo nghĩa tự do tinh
thần, tự do chính trị, và tự do kinh tế. Tự do tinh thần đồng nghĩa với
tự do lựa chọn niềm tin, triết lí, và không lệ thuộc vào người khác. Tự
do chính trị là tiền đề của một thể chế dân chủ. Cần phải đảm bảo quyền
tự do ngôn luận và quyền tranh luận của xã hội và công dân đối với những
hoạt động đó. Tự do kinh tế là động lực và cũng là nguyên khí của phát
triển kinh tế xã hội. Do đó, tôi rất tâm đắc với nhận xét của Amartya
Sen (nhà kinh tế học gốc Ấn Độ được trao giải thưởng Nobel kinh tế) rằng
“phát triển như là tự do”.
SGTT: Những trở trăn của GS với ngành y ở Việt Nam là gì? Làm thế
nào để có một ngành y mạnh và theo triết lý phụng sự người dân?
NVT: Tôi nghĩ tình trạng y tế và bệnh tật ở nước ta thật đáng lo
ngại. Trước đây, chúng tôi đã từng lên tiếng rằng số người chết vì tai
nạn giao thông làm nhức nhối xã hội, nhưng nguyên nhân tử vong trong các
bệnh viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp,
tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét
còn cao hơn nhiều. Mẫu số chung của các bệnh này là tình trạng thiếu
dinh dưỡng vì nghèo khó, là môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Nền y tế của VN càng ngày càng bị thương mại hóa. Nhiều người nhìn
thấy ngành y là một môi trường kinh doanh để kiếm tiền nhanh, hơn là một
thiên chức chăm sóc sức khỏe cho người dân. Y đức đang là một vấn đề
nhức nhối, và đang làm rẻ rúng ngành y và suy giảm uy tín của những
người làm trong ngành y.
Chúng tôi từng đề nghị và xin nhắc lại: cần phải tăng đầu tư xây
dựng bệnh viện, xây dựng các cơ sở y tế ở nông thôn và phổ cập bảo hiểm y
tế để người nghèo có thể tiếp cận dịch vụ y tế với phụ phí thấp. Nên có
chính sách miễn phí khám bệnh và phí nhập viện cho người dân nghèo hoặc
cận nghèo.
SGTT: Triết lý phát triển nào cho Việt Nam là phù hợp với bối cảnh hiện nay, thưa thầy?
NVT: Người ta hay nói đến triết lý phát triển, còn tôi thì suy nghĩ
đến nguyên lý phát triển. Tôi nghĩ đến nguyên lý “phát triển bền vững”
sẽ là cách phù hợp nhất để Việt Nam đi lên trong bối cảnh hiện nay. Phát
triển đi đôi với huỷ hoại môi sinh, hay phát triển mà chỉ lệ thuộc nước
ngoài về khoa học và công nghệ, thì không thể xem là phát triển lâu dài
được. Do đó, phát triển bền vững có nghĩa là chú trọng chất lượng cuộc
sống cho người dân, và đồng thời tăng nội lực dân tộc.
SGTT: Câu chuyện giáo dục truyền thống ở những nước phát triển thường được kể lại cho dân họ như thế nào, thưa GS?
NVT: Có danh nhân từng nói đại khái rằng biết được sự thật sẽ làm
cho chúng ta tự do. Sự thật có thể không phải lúc nào cũng đẹp, nhưng
vẫn là bài học để chúng ta vươn lên. Ở Úc, tôi thấy họ lấy cuộc chiến mà
Úc thất trận ra dạy cho học sinh tiểu học và trung học. Họ không mặc
cảm vì thất trận. Nhưng họ cũng không hạ thấp đối phương (là cựu thù).
Trong sách giáo khoa sử của Úc, tôi không thấy những hận thù trong đó,
tất cả sự kiện đều được trình bày bằng một văn phong khách quan và không
cảm tính. Tôi được biết ở Nhật, người ta cũng dạy học sinh rằng Nhật
từng là nước chiến bại.
SGTT: Làm thế nào để những người trẻ ý thức được rằng, để có độc
lập dân tộc ta phải trả bằng máu, vậy đưa đất nước đi lên là trách
nhiệm của những người con người hiện tại?
NVT: Tôi cho rằng, trong việc giáo dục lòng yêu nước, cần phải
truyền đạt cho giới trẻ nằm lòng rằng: làm thế nào để không cần đổ xương
máu mà vẫn có độc lập. Chuyện quá khứ là quá khứ, nhưng chuyện quan
trọng hơn là hiện tại: Việt Nam đang đứng trước một chặng đường đầy nguy
cơ: kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học đều suy thoái, nền tảng đạo
đức xã hội lung lay và trên nhiều mặt ngày càng lệ thuộc vào nước láng
giềng phương Bắc. Để tránh nguy cơ đó, tôi nghĩ mỗi chúng ta phải tự
mình đổi mới. Mỗi chúng ta, chứ không ai khác, có nghĩa vụ đưa đất nước
đi lên.
SGTT: Xin cảm ơn GS!