Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Tư duy cực đoan và tư tưởng dân chủ xã hội

Nguyễn Thành Công
Cựu chiến binh QĐND Việt Nam
Trong những ngày nằm bệnh, ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên Cộng Sản Việt Nam đã viết bức thư dài "kiểm điểm" lại cuộc đời mình. Ông kêu gọi xây dựng một đảng chính trị mới, gọi là đảng Dân Chủ Xã Hội, nhằm làm đối trọng với đảng Cộng Sản, xây dựng nước Việt Nam theo hướng dân chủ. Bức thư của ông làm dư luận sôi động, có ủng hộ, có phản đối, đặc biệt ngay cả những người xưa nay chống cộng quyết liệt cũng phản đối. Để hiểu được tình trạng trên, có lẽ phải rà soát lại tư duy cực đoan trong đời sống xã hội Việt Nam.
Có bạn sẽ hỏi: Thế nào là cực đoan? Cực đoan, hiểu theo nghĩa thông thường là "quá mức cần thiết". Nói theo triết học thì "cực đoan" có nghĩa là quá "độ". Triết học đưa ra khái niệm "chất", "lượng", "độ"; mọi sự vật phát triển đúng "độ" là đẹp nhất, nếu quá "độ" thì sự vật sẽ chuyển thành trạng thái khác, thậm chí là "chất" khác. Bạn nấu cơm thì phải cố đạt trạng thái "chín tới", đây là trạng thái vừa đúng "độ", cợm ăn ngon nhất. Nếu quá lửa, cơm bị "khê", "khét" thì ăn không ngon, nói theo kiểu triết học thì là quá "độ". Triết học chúng ta học trong trường chỉ nói chung chung như thế, nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể làm thế nào để đạt đúng "độ" là cả một vấn đề. Vì triết học là lý luận định tính, không định lượng, ở mỗi trường hợp cụ thể người vận dụng phải liên tục thử-sai nhiều lần để rút kinh nghiệm. Thử-sai đối với việc cụ thể như nấu cơm còn dễ chứ thử-sai khi lập chính sách xã hội thì rất khó, có khi biết là sai thì bộ phận xã hội chịu ảnh hưởng của chính sách đã "tan hoang" rồi, cứu lại không được nữa. Chính vì vậy, những ai liên quan đến việc đề ra chính sách phải vô cùng thận trọng trong hành động, tránh mọi tư duy cực đoan.

Điều đáng tiếc là tư duy cực đoan luôn phát triển mạnh trong xã hội, đã thế còn được dán nhãn là "tích cực", "triệt để". Phong trào cộng sản hình thành đã sinh ra những đồng chí "cộng sản cực đoan" thì những người chống cộng cũng sinh ra nhóm "chống cộng cực đoan". Đã là cực đoan thì có hại, dù đó là "cộng sản cực đoan" hay "chống cộng cực đoan" cũng vậy thôi.
Trước hết, phải nói rằng chủ nghĩa Mác sai ngay từ gốc khi xoá bỏ chế độ tư hữu, có thể nói bản thân chủ nghĩa Mác đã là lý luận "cực đoan" so với tư duy thông thường. Nhưng ngoài phần cực đoan, chủ nghĩa Mác còn tiếp thu nhiều ý kiến của các nhà tư tưởng khác, và phần này thì không cực đoan. (Điều này giải thích vì sao đến nay vẫn còn có người đề cao Mác, họ dựa vào phần không "cực đoan" mà Mác tiếp thu được và biến đổi thành cái của mình). Điều đáng tiếc là các học trò của Mác sau này tiếp thu rất nhiều phần "cực đoan", đặc biệt trong "lý luận về chuyên chính vô sản" mà bỏ quên những lý luận không "cực đoan" của Mác. Chính Mác đã cảnh báo về tư duy "cực đoan" khi nói đến "Chủ Nghĩa Cộng Sản trại lính". Có không ít ví dụ về "Chủ Nghĩa Cộng Sản trại lính" nhưng điển hình nhất có lẽ là chế độ cộng sản của Pôn Pốt-Iêng Xary. Thời kỳ Pôn Pốt mới nắm quyền, Cộng Sản Việt Nam khen lấy khen để là "độc đáo, sáng tạo". Đến khi Pôn Pốt tấn công Việt Nam, tàn sát người Việt thì Cộng Sản Việt Nam mới giẫy nẩy lên, bảo rằng Pôn Pốt không dính dáng gì đến chủ nghĩa Mác, lịch sử sẽ không biết xếp chế độ Pôn Pốt vào phương thức sản xuất nào? Đối với những nhà quan sát khách quan thì rất đơn giản, xếp chế độ Pộn Pốt vào nhóm "cộng sản cực đoan". Ông Lênin đã từng viết tác phẩm "Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản" để phê phán các đồng chí "cộng sản cực đoan" trong đấu tranh chính trị. Sau khi cách mạng tháng Mười thành công, nhiều nơi ở Liên Xô bắt đầu tiến hành hợp tác hoá với tốc độ nhanh bằng các biện pháp hành chính. Ông Lênin lại kêu gọi: "Chúng ta phải ăn ở thuận hoà với nông dân", nhằm giảm tốc độ hợp tác hoá đến chóng mặt ở Liên Xô. Ấy thế mà sau năm 1954, đảng Cộng Sản ở Việt Nam để ra chính sách hợp tác hoá, hoàn thành vẻn vẹn trong 3 năm. Tư duy "cộng sản cực đoan" để dấu ấn trong nhiều chính sách tai hại như đào tận gốc trí, phú, địa, hào; cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp...làm nền kinh tế bị phá hoại trầm trọng. Hãy nhớ lại thời kỳ cải cách ruộng đất, các cố vấn Trung Quốc lý luận như thế này: Xã hội nông nghiệp có 90% là nông dân, 5% là địa chủ, còn lại là các thành phần khác. Áp dụng vào thực tiễn, bất kể ở địa phương nào các cố vấn cũng đòi lên danh sách đủ 5% địa chủ để...xử bắn. Đấy chính là thứ tư duy "cộng sản cực đoan", vì theo Mác, đánh giá địa chủ phải dựa trên bóc lột địa tô chứ không phải dựa trên tỉ lệ dân số. Tôi được đọc trên mạng nhiều câu chuyện khóc ra máu mắt, chẳng hạn có người vì gài bút bi có hai mầu xanh đỏ ở túi mà bị các đồng chí dân quân đem ra xử bắn vì cho rằng đấy là mầu lá cờ tam tài của Pháp. Chuyện khá điển hình cho một thứ tư duy "chống Pháp cực đoan". "Cộng sản cực đoan" thì thời nào cũng có, ngay sau ngày 30/4/1975 ở các đô thị miền Nam đã sản sinh ra một lớp "cách mạng 30", còn "triệt để" hơn cả những "nhà cách mạng 45", gieo rắc đủ mọi thứ sợ hãi cho nhân dân miền Nam.
Nếu phong trào cộng sản đã đẻ ra các đồng chí "cộng sản cực đoan" thì ở phía đối nghịch, các đồng chí chống cộng cũng sản sinh ra "chống cộng cực đoan". Ngọn lửa chiến tranh đã tắt từ lâu nhưng các đồng chí "chống cộng cực đoan" vẫn chưa chịu nhận thất bại, bắt nguồn từ việc không đánh giá đúng tình hình thực tế, từ đó không có cách ứng xử phù hợp với tình hình mới. Các đồng chí "chống cộng cực đoan" luôn đổ lỗi thất bại cho những nguyên nhân "ngoài mình", chẳng hạn như bị Mỹ bỏ rơi, thiếu súng đạn, cộng sản "ác" quá mà "chúng ta" thì hiền...Đánh giá sai lệch như vậy dẫn đến những yêu cầu vừa ngô nghê, vừa buồn cười. Chẳng hạn có đồng chí "chống cộng cực đoan" đòi chiến sĩ miền Bắc phải "xin lỗi" nhân dân miền Nam. Các đồng chí đó quên mất rằng nếu nói đến việc xin lỗi thì chính các đồng chí trong quân lực Việt Nam cộng hoà phải công khai xin lỗi nhân dân miền Nam vì đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ miền Nam, phải xin lỗi nhân dân miền Bắc vì không bảo vệ được thành quả xây dựng một chế độ văn minh tại miền Nam, làm tấm gương cho nhân dân miền Bắc, phải xin lỗi quân đội nhân dân Việt Nam vì đã thể hiện là một đối thủ hèn nhát, vứt súng tháo chạy, một đối thủ không xứng tầm đối với người anh em miền Bắc. Hàng nghìn năm nay, trong các cuộc chiến tranh luôn có một quy định: Quân thua chém tướng. Người sĩ quan tự trọng thì phải biết tự xử. Không có gì nhảm nhí bằng việc kẻ thua đòi hỏi người thắng phải "xin lỗi"(?). Kết thúc chiến tranh rồi thì kẻ thua phải bồi thường chiến phí, không phân biệt ai chính nghĩa, ai phi nghĩa.
Khi cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt lùi xa thì nhân dân Việt Nam lại bước vào trận chiến mới: Đấu tranh cho dân chủ, cho quyền con người. Nhưng đấu tranh bằng con đường nào, phương pháp nào thì vẫn là câu hỏi lớn. Chúng ta nhớ lại những năm 30 của thế kỷ trước, cả nước sôi sục trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Đấy là lúc các sĩ phu thất bại, các chiến sĩ theo trào lưu cách mạng tư sản cũng thất bại. Điển hình là anh hùng Nguyễn Thái Học đã phải bước lên đoạn đầu đài. Con đường cứu nước như không tìm thấy đường ra. Đấy là lúc mỗi ý kiến về một con đường mới đều dễ được đón nhận. Chính ở thời điểm đó, ông Hồ Chí Minh nêu ra con đường mới, con đường cách mạng vô sản và lôi cuốn nhiều người tin theo. Với cái nhìn khách quan phải thấy rằng ông Hồ Chí Minh đã gặt hái rất nhiều thành công khi theo con đường này. Trong việc giành và giữ chính quyền, thống nhất đất nước phải công nhận rằng ông Hồ Chí Minh đạt thành tựu lớn, nhưng ông thất bại trong việc xây dựng kinh tế. Điều này có nguyên nhân sâu xa ở chủ nghĩa Mác-Lênin mà ông tin theo. Chủ nghĩa Mác-Lênin xoá bỏ quyền tư hữu, động lực làm nên phát triển kinh tế, do đó thất bại là tất nhiên, chỉ có điều để nhân dân thấy rõ thất bại này thì phải mất quá nhiều thời gian, tổn thất quá nhiều nguồn lực. Đến nay, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã hoàn toàn thất bại trong việc xây dựng kinh tế, đang thất bại trong việc bảo vệ Tổ quốc, do đó mất uy tín trước nhân dân. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Độc lập nhưng nhân dân phải có tự do, hạnh phúc. Nếu không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì. Căn cứ theo lời dạy này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thì cuộc chiến tranh 30 năm của đảng cộng sản phát động chỉ là cuộc chiến tranh vô nghĩa. Ở đây cần phải có cách đánh giá sòng phằng, minh bạch trong nhận thức. Vô nghĩa chứ không phải là cuộc chiến tranh xâm lược, vì không có yếu tố nước ngoài chiếm đất của Tổ quốc. Nếu sau chiến tranh, đảng cộng sản xây dựng thành công một chế độ tiên tiến, dân giầu, nước mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới thì chắc chắn không có ai đòi đánh giá lại ý nghĩa cuộc chiến, cũng nhự tính chính danh của đảng cộng sản cầm quyền. Nhưng đảng cộng sản yếu kém trong lãnh đạo kinh tế, văn hoá-xã hội đã làm toàn bộ xã hội Việt Nam xuống cấp toàn diện nên dư luận mới đặt ra câu hỏi về cuộc chiến, về tính chính danh của đảng.
Trong tình hình ấy, nếu đảng Cộng Sản biết phục thiện, dám nhận sai lầm và sửa chữa bằng cách mở rộng dân chủ, tuân theo các hiệp dịnh đã ký với quốc tế, trả lại quyền con người cho nhân dân thì chắc chắn nhân dân sẽ hoan nghênh, lại tin đảng như đã từng tin trong quá khứ, vị trí của đảng muôn năm bền vững. Điều đáng tiếc là đảng (thật ra là nhóm lợi ích nhân danh đảng) không phục thiện, không thừa nhận yếu kém, cương quyết dùng bạo lực trấn áp các ý kiến khác với đảng, tăng cường vơ vét làm giầu bất chấp hậu quả như cướp đất trên diện rộng, thực hiện các dự án gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia (bô-xít, Vinaline...). Có áp bức thì có đấu tranh, những người dân mất đất, các bậc trí thức tâm huyết với sự tồn vong của Tổ Quốc buộc phải tìm hướng đấu tranh. Nhưng đấu tranh bằng con đường nào, biện pháp nào để vừa bảo vệ được Tổ quốc, vừa bảo vệ được nhân dân, bảo đảm đất nước phát triển bền vững? Nhìn lại những năm tháng từ 1975 đến nay đã có nhiều cuộc đấu tranh, có khi bắt nguồn từ hải ngoại, có khi bắt đầu từ trong nước, có đấu tranh vũ trạng, có đấu tranh chính trị ôn hoà, tất cả đều bất thành, cho dù đây đó có gây tiếng vang dư luận trong và ngoài nước. Có thể nói, xã hội nước ta hiện nay giống như tình hình những năm 30 thế kỷ trước, đang bế tắc về đường lối. Đúng lúc này có bức thư của ông Lê Hiếu Đằng. Như ánh sao băng vạch ngang bầu trời đêm, bức thư của ông khơi dậy niềm tin cho nhiều người đang đau đáu mong mỏi bình minh. Nếu những năm 30, trong xu thế đòi độc lập lan tràn thế giới, ông Hồ Chí Minh thắp lên ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin để kêu gọi nhân dân, tập hợp lực lượng thì bây giờ, những năm đầu thế kỷ XXI, ông Lê Hiếu Đằng giương cao ngọn đuốc dân chủ xã hội trên nền phong trào cách mạng hoa nhài đang lan tràn khắp các quốc gia độc tài để kêu gọi nhân dân. Việc làm của ông có đạt thành tựu hay không còn chưa biết, nhưng nhờ có ánh sáng này nhiều người yêu nước có dịp soi tỏ chặng đường đã qua, nhen lên ngọn lửa hi vọng cho chặng đường sắp tới. Người xưa nói: "Đồ tể buông dao xuống là thành Phật", không cần biết đến quá khứ của những người như ông Lê Hiếu Đằng, hãy nghe ông nói và nhìn vào việc ông làm hiện nay mà đánh giá. Bây giờ các đồng chí "cộng sản cực đoan""chống cộng cực đoan" đều thống nhất hành động chung trong việc đánh hội đồng ông Lê Hiếu Đằng trên hệ thống truyền thông, nhưng đó cũng là bước sơ khởi của xã hội dân sự. Ở xã hội dân sự lành mạnh, văn minh, mọi ý kiến đều có chỗ đứng trong dư luận. Càng có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều thì xã hội dân sự càng mau chóng trưởng thành. Gạn đục khơi trong, đó cũng là những điều tốt đẹp mà các đồng chí "cộng sản cực đoan""chống cộng cực đoan" đang mang lại cho đất nước.
Khi còn ở tuổi thiếu niên có lần tôi được xem một bức tranh miêu tả về cách mạng tháng 10. Góc trên bên phải bức tranh ghi con số 1917, còn bức tranh vẽ một lính thuỷ đang vun gốc cho một cây non trong giông bão. Cây non tượng trưng cho chính quyền Xô-Viết mới hình thành và đang lớn lên, với sức mạnh của cái mới xua tan cái cũ. Tôi nghĩ bức thư của ông Lê Hiếu Đằng cũng là một mầm xanh gieo vào dư luận, liệu có thể vươn lên thành cây cứng cáp, khoẻ mạnh hay không thì chắc còn phải chờ. Nhưng dù sao cũng ủng hộ tư duy mới, mầm xanh mới bắt đầu ngay từ đống tro tàn của lý luận cộng sản, đó là cái khác biệt cơ bản so với tư duy xã hội dân chủ của các trào lưu gần đây, không có mối liên hệ với chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.
Nguyễn Thành Công

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"