Xã hội, bất cứ hình thức xã hội gì, cũng đều được xây dựng trên nhiều
nền tảng, nhưng một trong những nền tảng căn bản và quan trọng nhất là:
truyền thông. Không có truyền thông, một tập thể người, dù đông đảo đến
mấy, cũng không thể trở thành một xã hội.
Điều kiện để một xã hội được hình thành không phải là số đông mà là sự nối kết. Điều kiện để có sự nối kết là một mẫu số chung nào đó.
Điều kiện để một xã hội được hình thành không phải là số đông mà là sự nối kết. Điều kiện để có sự nối kết là một mẫu số chung nào đó.
Cái mẫu số chung ấy, dù rất hiển nhiên, như là huyết thống và quyền
lợi kinh tế, vẫn không thể được ghi nhận và chia sẻ nếu thiếu một yếu
tố: truyền thông. Đó là lý do tại sao, ngay từ xưa, trong quá trình lập
quốc, người ta đã đề cao việc có một ngôn ngữ chung; trường hợp không có
một ngôn ngữ chung, người ta cố gắng xây dựng một hệ thống chữ viết
chung (như trường hợp chữ Hán của Trung Hoa).
Theo Benedict Anderson, trong cuốn Imagined Communities
(Verso, 1983), hầu hết các biến chuyển lớn ở Tây phương thời hiện đại
đều gắn liền với kỹ nghệ ấn loát mới với việc nở rộ của sách và báo khắp
châu Âu. Trước, La Mã dễ dàng đánh bại mọi kẻ thù nhờ họ làm chủ một
phương tiện truyền thông hoàn hảo và có ưu thể hơn hẳn (tr. 39). Sau,
với sự xuất hiện của máy in, kiến thức được phân phối rộng rãi và tự do,
làm cơ sở cho sự nảy nở và phát triển của phong trào Cải cách, dẫn đến
sự ra đời của đạo Tin Lành với vai trò nổi bật của Martin Luther, người
có sách bán chạy nhất trong nửa đầu thế kỷ 16 – được xem là tác giả
best-seller đầu tiên trong lịch sử (tr. 39). Kỹ nghệ ấn loát mới cũng
dẫn đến sự hình thành của quốc gia và chủ nghĩa quốc gia (nationalism):
Qua sách báo được xuất bản, mọi người, bất kể những khác biệt về huyết
thống, giai cấp và phái tính, có một ký ức chung và một tưởng tượng
chung vốn là những yếu tính để hình thành một cộng đồng có tên là dân
tộc hay quốc gia.
Giống xã hội hay quốc gia dân tộc, các cuộc cách mạng cũng được xây
dựng trên truyền thông. Xin lưu ý, cách mạng là một khái niệm khá mới,
chỉ xuất hiện trong thời hiện đại. Xưa, người ta có thể cướp ngôi nhau
nhưng lại không có cái gọi là cách mạng. Để được xem là cách mạng, ngoài
việc thay đổi tầng lớp thống trị, người ta còn phải thay đổi cả hệ
thống quyền lực và ý thức hệ làm nền tảng cho hệ thống quyền lực mới ấy
cũng như toàn bộ cấu trúc xã hội. Với ý nghĩa như thế, hai cuộc cách
mạng lớn được ghi nhận nhiều nhất là: một, cuộc cách mạng tư sản Pháp
vào năm 1789 và cuộc cách mạng vô sản ở Nga vào năm 1917.
Hai cuộc cách mạng vừa kể khác hẳn nhau, trong đó, hai sự khác biệt
lớn nhất là: một mở đầu cho trào lưu dân chủ và một mở đầu cho hệ thống
toàn trị; một thành công, càng ngày càng thành công, và một thất bại
sau hơn 70 năm thử nghiệm một cách đẫm máu. Tuy nhiên cả hai lại giống
nhau ở một điểm: tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại. Trong
Cách mạng Pháp, truyền đơn và các cuốn sách tuyên truyền mong mỏng
(pamphlet) được in và phân phát khắp nơi. Trong Cách mạng Nga cũng vậy.
Ngoài truyền đơn, lãnh tụ của cuộc cách mạng Lenin còn là một tác giả có
sức sáng tác dồi dào dưới nhiều hình thức khác nhau (sau, ở Nga, người
ta sưu tập và in các tác phẩm của ông thành 54 tập, mỗi tập dày khoảng
650 trang, như vậy, tổng cộng khoảng 35000 trang!).
Ở Việt Nam, vào đầu thế kỷ 20, trong cuộc vận động chống lại thực
dân Pháp để giành độc lập, hầu như tất cả các sĩ phu yêu nước đều ý thức
rất rõ tầm quan trọng của truyền thông. Họ làm thơ và viết văn để cổ vũ
lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết cũng như bất khuất. Quan
trọng nhất, họ sẵn sàng hy sinh tự ái dân tộc để chấp nhận chữ quốc ngữ
do các cố đạo Tây phương sáng chế và được thực dân Pháp ủng hộ như hệ
thống chữ viết mới cho cả nước, thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm, với hy
vọng, với thứ chữ viết mới ấy, trình độ dân trí sẽ nhanh chóng được nâng
cao và quá trình hiện đại hóa đất nước sẽ dễ dàng được thực hiện.
Ngay từ giữa năm 1944, chưa cướp được chính quyền, Việt Minh, dưới
sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, cũng đã ý thức được ngay tầm quan trọng của
truyền thông. Đội quân chủ lực đầu tiên do họ thành lập mang tên là
Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với hai nhiệm vụ chính: vừa quân
sự vừa chính trị, trong đó, chính trị được xem là quan trọng hơn quân
sự. Thực chất đó là “đội tuyên truyền”.
Ngay sau khi cướp chính quyền, Hồ Chí Minh đã nêu lên ba nhiệm vụ chính
của chính phủ mới: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm.
Nhiệm vụ trung tâm của chiến dịch “diệt giặc dốt” là phong trào Bình
dân Học vụ nhằm xóa nạn mù chữ để ai cũng có thể đọc được… truyền đơn.
Chính vì ý thức rất sớm tầm quan trọng của truyền thông như vậy nên
trong suốt thời gian đảng Cộng sản cầm quyền, từ năm 1954 ở miền Bắc và
từ năm 1975 trong cả nước, giới lãnh đạo Cộng sản luôn luôn chủ trương
độc quyền về truyền thông. Kinh tế có thể đa nguyên hóa. Giáo dục có thể
đa nguyên hóa. Xã hội có thể đa nguyên hóa. Nhưng với truyền thông thì
tuyêt đối không: Tất cả mọi cơ quan truyền thông, từ xuất bản đến báo
chí, từ báo in đến báo nói và báo hình, đều nằm trong tay nhà nước và
đều bị kiểm soát và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Giới lãnh đạo xem đó là một
trong những biện pháp chính yếu để bảo vệ quyền lực của họ.
Nói chung, có ba loại quyền lực chính: Thứ nhất là quyền lực ý
tưởng (idea power) thể hiện qua các phương tiện truyền thông, nhằm chinh
phục cả trái tim lẫn khối óc của quần chúng để họ không những tin và
phục mà còn sẵn sàng vâng lệnh nhà cầm quyền. Thứ hai là quyền lực kinh
tế (ở Việt Nam, trước, thể hiện qua chính sách phân phối lương thực,
sau, qua vai trò ưu tiên của hệ thống quốc doanh) nhằm kiểm soát bao tử
và túi tiền của dân chúng khiến họ phải khuất phục. Và thứ ba, quyền lực
vật lý (physical power) thể hiện qua quân đội, cảnh sát, công an, hệ
thống tòa án và nhà tù nhằm làm cho mọi người khiếp sợ.
Đối với ba loại quyền lực trên, những nhà đối kháng và muốn đấu
tranh cho dân chủ, phần lớn chủ trương bất bạo động, đã né tránh việc
đối đầu với chính quyền ở góc độ quyền lực vật lý và, thành thực mà nói,
hoàn toàn không có điều kiện và khả năng để thách thức chính quyền về
quyền lực kinh tế. Chỉ còn một không gian duy nhất có thể biến thành nơi
tranh chấp và có thể làm xuất hiện một thứ đối-quyền lực (counterpower)
với chính quyền: quyền lực ý tưởng.
Tập trung vào quyền lực ý tưởng là chọn truyền thông làm mặt trận chính.
Cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay,
chủ yếu là cuộc đấu tranh trên phương diện truyền thông để giành giật
phần thắng về ý tưởng. Trong cuộc đấu tranh ấy, người Việt có một phương
tiện mới rất đắc dụng: internet.
Với internet, người ta có thể xây dựng được một thứ quyền lực từ
dưới lên (power from below), hay nói theo chữ của Vaclav Havel, “quyền
lực của những kẻ vốn không có quyền lực” (the power of the powerless).
Nhưng đó là chuyện dài. Xin đề cập sau.
© Nguyễn Hưng Quốc – VOA