David Brown | Asia Sentinel
Lê Anh Hùng chuyển ngữ
Lê Anh Hùng chuyển ngữ
Thử đi thì mới biết
Hà Nội rất cần đến hiệp định thương mại toàn diện này nhưng Washington sẽ đưa ra nhiều đòi hỏi khó khăn
Sự thịnh vượng của một khu vực phụ thuộc nhiều vào kết quả của các cuộc đàm phán thương mại đa phương, cho dù chúng không phải là loại sự kiện khiến người ta phải hồi hộp. Minh chứng ở đây là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP): 12 quốc gia vốn rất khác biệt gặp nhau ở Brunei từ ngày 23 đến 30.8 để tiến hành vòng đàm phán thứ 19, và rồi tin tức duy nhất sau một tuần nỗ lực khác là họ lại lần nữa trì hoãn việc đưa ra quyết định.
Sẽ không có một hiệp định nào cho các vị nguyên thủ quốc gia ký vào tháng Mười tới đây cả. Liệu đấy có phải là dấu hiệu xấu, nếu bạn là một thương nhân tự do? Một dấu hiệu tốt, nếu bạn là một người theo chủ nghĩa bảo hộ (protectionist) hay nằm trong số những người vẫn coi “toàn cầu hoá” là một từ bẩn thỉu? Hay đây chỉ là một bằng chứng cho thấy rằng những chính phủ vẫn đang giám sát đến 40% số của cải trên toàn thế giới sẽ dành bất cứ thời lượng nào để làm cho ra nhẽ thứ mà Washington gọi là “hiệp định thương mại thế kỷ 21” đầu tiên của thế giới?
12 quốc gia này quả là một nhóm khập khiểng và bất đối xứng. Chile, Peru và Mexico. Hoa Kỳ và Canada. Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam. New Zealand và Australia. Rồi giờ là cả Nhật Bản, nhưng đáng chú ý là sự thiếu vắng của cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc. 12 nước tham gia đàm phán, người ta nói vậy, bởi cách thức duy nhất để thuyết phục một đối tác cụ thể như Washington mở cửa thị trường hơn nữa cho những hàng hoá mà họ sản xuất tiến vào là đáp ứng đòi hỏi của những ngành công nghiệp thâm dụng tri thức ở Hoa Kỳ – ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, viễn thông, dược phẩm, giải trí – để đổi lấy cơ hội tiếp cận bình đẳng tới các thị trường nước ngoài và sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Đây là vấn đề phức tạp và thực sự đòi hỏi tri thức chuyên sâu, điều chưa hề làm nản lòng các nhà phân tích chính sách khiến họ khỏi đưa ra những giải thích khác nhau. Hai nỗ lực nổi bật trong phạm vi 20.000 từ nằm ở đây và ở đây.
Một cách khác để hiểu được những kịch bản cố hữu trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là xem xét cuộc đàm phán từ góc độ quốc gia – chẳng hạn như từ phía Việt Nam. Tại sao một nước vừa mới thoát ra khỏi ranh giới nghèo đói lại khát khao chạy đua với những gã khổng lồ?
Theo quan điểm của một số nhà phân tích – chẳng hạn như Greg Rushford (“Báo cáo Rushford” là một tài liệu mà các nhà vận động hành lang chính sách thương mại ở Washington không thể bỏ qua được) – đối với Việt Nam, chuyện này chỉ là về dệt may và da giày mà thôi. Kể từ khi vứt bỏ chủ nghĩa xã hội cách đây hai mươi lăm năm, Việt Nam đã tạo được một ngách thị trường chắc chắn ở Mỹ với các sản phẩm xuất khẩu là áo sơ mi, giày thể thao, v.v.
Dệt may và da giày là những ngành thâm dụng lao động và liên tục chiếm khoảng 20% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Chúng bắt đầu tiến ra thị trường thế giới những năm 1990, bởi theo chương trình quota của EU và Hoa Kỳ lúc đó thì các sản phẩm dệt may và da giày xuất khẩu của Trung Quốc bị khống chế số lượng. Một số dây chuyền sản phẩm cuối cùng được chuyển sang Việt Nam để khai thác lợi thế quota ở đây. Những nhà máy này là làn sóng đầu tiên của chính sách công nghiệp hoá lấy xuất khẩu làm động lực của Việt Nam. Chúng hoạt động hiệu quả đến mức vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chế độ quota chấm dứt và thực sự giành được thị trường.
Những sản phẩm chuyên môn hoá được các nhà bán lẻ cung cấp; họ cũng thu xếp nguồn cung cho các loại vải, da, chỉ, dây khoá kéo, cúc… chủ yếu là từ Trung Quốc; sản phẩm được gia công trong các nhà máy sử dụng nhân công giá rẻ ở Việt Nam rồi sau khi hoàn tất vận chuyển tới Hoa Kỳ, EU hay Nhật Bản. Cạnh tranh diễn ra khốc liệt.
Vài năm trước, Việt Nam được ca ngợi như một “Trung Quốc tương lai”. Người ta kháo nhau là các nhà sản xuất dệt may và da giày ở Quảng Đông sắp sửa chuyển hàng loạt sang Việt Nam, trước sự cuốn hút của mức chi phí nhân công chỉ bằng 30% ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó đã không xẩy ra. Với công việc cắt may, hoá ra là lực lượng lao động thậm chí còn rẻ hơn lại sẵn có ở Campuchia, Bangladesh hay Myanmar, địa chỉ ưa thích mới. Với mọi thứ còn lại, các nhà máy ở Trung Quốc đơn giản là hoạt động hiệu quả hơn.
Các nhà sản xuất theo đơn hàng ở Việt Nam phải chịu áp lực cắt giảm lương rất lớn. Công nhân thì vẫn không ngừng đòi hỏi lương thưởng cao hơn, trong khi chỉ một số ít chủ nhà máy dệt may hay da giày là có khả năng đầu tư vào những máy móc thiết bị hiệu quả hơn. Đối với họ, TPP giống như chiếc phao cứu sinh. Hà Nội nhận thấy cơ hội khác thường để mở rộng thị phần của mình trong thị trường trang phục thể thao mênh mông của Mỹ mà kẻ chịu thiệt hại là Trung Quốc – tức là, nếu Washington hợp tác.
K-Mart và Wal-Mart, Nike và Levi Strauss, cũng như các nhà bán lẻ khác vẫn tìm nguồn hàng từ nước ngoài đang thúc đẩy các nhà đàm phán thương mại Hoa Kỳ trở nên hữu ích. Các công ty vẫn đang quay sợi bông ở Mỹ thì lại không. Họ đang gây áp lực rất lớn lên Washington là đòi duy trì một hệ thống gọi là “yarn forward” [i] và giữ nguyên chế độ bảo hộ thuế quan đối với ngành dệt may của Hoa Kỳ, hiện đánh thuế bình quân 17% lên hàng hoá của Việt Nam. Tương tự, các nhà sản xuất giày cuối cùng của Mỹ cũng đang gây sức ép đòi duy trì thuế suất nhập khẩu từ 11 đến 70%.
Nguyên tắc “yarn forward” đòi hỏi mọi công đoạn của quy trình sản xuất một sản phẩm dệt may phải diễn ra hoặc ở Hoa Kỳ hoặc ở mối đối tác thương mại được hưởng quy chế ưu đãi, chẳng hạn, nếu TPP có hiệu lực, như ở Việt Nam hay các thành viên TPP khác. Ngay cả một mẩu thành phần ngoài TPP cũng khiến cho sản phẩm may mặc đó không còn đủ điều kiện để hưởng thuế suất 0% nữa. Yêu cầu “yarn forward” sẽ phá vỡ các chuỗi giá trị vẫn cung ứng vải, da, chỉ, dây khoá kéo, cúc… của Trung Quốc cho các nhà máy gia công ở Đồng bằng Sông Hồng và vùng ngoại ô Tp Hồ Chí Minh. Các nhà đàm phán Việt Nam phản đối rằng “yarn forward” là điều khoản khiến đàm phán bế tắc. Nhưng, nếu tin đã được tiết lộ trên truyền thông Việt Nam là chính xác thì bên Việt Nam đã được Washington đống ý đến một giai đoạn điều chỉnh kéo dài 3 năm. Và nếu Việt Nam nhanh nhạy thì đó là tất cả những gì mà họ cần để được chén bữa ăn trưa của Quảng Đông.
Trong kịch bản này, trớ trêu thay, những người được hưởng lợi lại không phải là các nhà sản xuất sợi của Mỹ mà lại là những doanh nhân Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc có thể đã cấp tập di chuyển các nhà máy sản xuất chỉ, vải, cúc và khoá kéo vào Việt Nam, trước sự khích lệ từ các khách hàng Mỹ của mình. Nếu không có gì thay đổi, thu nhập từ xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên rất lớn. Viện Peterson (Peterson Institute) dự đoán, đến năm 2025 Việt Nam sẽ giàu có hơn 14% so với mức độ nếu họ không tham gia TPP. Đó là trừ khi Trung Quốc cũng tham gia TPP, không phải là một triển vọng trong tương lai gần nhưng cũng không phải là điều mà người ta không thể nghĩ tới. Thiết tưởng không cần phải nói thêm ở đây rằng các nhà phân tích thương mại thống nhất là trong số 12 nước đang tham gia đàm phán, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ sự ra đời của TPP.
“Chẳng có bữa ăn trưa miễn phí nào cả”
Theo các nhà phân tích, Việt Nam được chào đón vào TPP chính xác là vì họ không phải là Trung Quốc. Họ lập luận rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận những “nguyên tắc” cơ bản của hiệp định thế kỷ 21 này: một sân chơi bình đẳng cho các chủ thể trong và ngoài nước, việc thực thi chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ, các nghiệp đoàn tự chủ, quyền của nhà đầu tư nước ngoài trong việc đưa sự vụ ra một ban trọng tài quốc tế để phán xét Bắc Kinh nếu nhà đầu tư đó tin rằng quyền lợi của mình đã bị tổn hại.
Một số người phỏng chừng rằng TPP, giống như phần còn lại trong chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ, là nhằm kiềm toả siêu cường đang nổi lên đầy quyết đoán kia. Một cách lý giải tinh tế hơn ở đây cũng có cơ sở: với Việt Nam như một đại diện biết phục tùng, Washington muốn cho Bắc Kinh thấy điều gì là khả dĩ nếu họ lựa chọn hợp tác thay vì đối đầu.
Bất kể theo cách lý giải nào người ta cũng có lý do để băn khoăn là không biết liệu Việt Nam có sẵn sàng tiến tới các nguyên tắc kia hay không, liệu Việt Nam có thực sự đủ năng lực chính trị hay năng lực hành chính để san bằng sân chơi cho các nhà đầu tư nước ngoài hay không.
Hệ thống kinh doanh của Việt Nam chỉ là bán tự do, và chính ở đây có một trở ngại. Suốt hai thập niên, các nhà cải cách kinh tế và những kẻ dàn xếp quyền lực khục khặc với nhau. Bên cạnh một khu vực kinh tế tư nhân năng động và định hướng xuất khẩu thì khu vực DNNN vẫn chi phối nền kinh tế nội địa của Việt Nam. Khu vực DNNN khai thác 60% tổng tài sản quốc gia nhưng lại chỉ sản xuất ra được 40% của cải. Được Ngân hàng Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) khích lệ, các nhà cải cách khao khát chia tách và tư nhân hoá các DNNN, nhưng họ thường xuyên phải thất vọng trước liên minh mật thiết giữa giới quan chức cùng các chiến hữu trong khu vực DNNN.
Một số người phỏng đoán rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ của ông muốn đưa Việt Nam tham gia vào TPP chính xác là vì điều đó cho phép họ khắc chế được phe cánh muốn duy trì hiện trạng trong Đảng CS cầm quyền và ép buộc những thiết chế thủ cựu phải thay đổi. Điều đó có thể đúng; đây không phải là chuyện dễ dàng gì. Cái giá mà Việt Nam phải trả để được tham gia TPP là những cam kết hết sức khó thực thi. Đó là:
- Một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hà Nội sẽ phải chấm dứt việc dành cho các DNNN cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, nguồn tài trợ dưới chuẩn thị trường, ưu đãi thuế, vốn bổ sung, những ưu đãi mua sắm công và những lợi thế khác khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài bị bất lợi về cạnh tranh.
- Xoá bỏ thuế suất nhập khẩu hiện ở mức bình quân gần 10% xuống 0% đối với hàng hoá của các đối tác TPP. Áp đặt mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nhân Việt Nam có đầu óc kinh doanh vẫn thản nhiên sao chép và bán lại bất kể thứ gì mà họ thấy hợp với mình, trong khi những luật lệ về bảo hộ bản quyền và patent lại không được thực thi. Đó là một thông lệ thực sự gây khó khăn cho các ngành công nghiệp âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, phần mềm và dược phẩm của Mỹ.
- Quyền tự chủ cho các nghiệp đoàn. Các nghiệp đoàn lao động của Việt Nam và tất cả các tổ chức dân sự khác là những công cụ kiểm soát của nhà nước. Quyền thương lượng tập thể với giới chủ cũng như quyền đình công bị giới hạn. Tuy nhiên, TPP sẽ đòi hỏi các thành viên phải đáp ứng các chuẩn mực của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
- Bảo vệ môi trường. TPP sẽ đòi hỏi Việt Nam phải trấn áp nạn buôn bán các loài động thực vật đang bị đe doạ tuyệt chủng.
- Giải quyết tranh chấp doanh nhiệp - nhà nước. Bản dự thảo TPP sẽ cho phép những doanh nghiệp nước ngoài nào tin rằng hành động của chính phủ – kể cả những chuẩn mực bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng đã được cải thiện – đã gây tổn hại đến vị thế cạnh tranh mình được quyền yêu cầu trọng tài quốc tế phân xử. Australia kiên quyết chống lại điều khoản này, vì thế họ có thể sẽ không xuất hiện trong bản thảo cuối cùng.
- Tôn trọng nhân quyền. Ngoài việc yêu cầu các thành viên tôn trọng quyền tự do của lao động để tổ chức và thương lượng tập thể, TPP sẽ không xử lý thông lệ nhân quyền của các thành viên. Tuy nhiên, một nhóm ngày càng đông dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ lại có cái nhìn tiêu cực về cách thức Hà Nội vẫn đối xử với những người bất đồng chính kiến và có thể nêu những hạn chế về tự do ngôn luận như một lý do để phản đối việc phê chuẩn TPP, hoặc thay vì thế, để loại trừ Việt Nam.
Sáu năm trước, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được ca ngợi như một bước đi đảm bảo cho sự cạnh tranh thành công của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Điều đó đã không hoàn toàn diễn ra như thế. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã ồ ạt đổ vào Việt Nam như kỳ vọng, song quá nhiều dòng tiền lại được chuyển hướng sang các DNNN để rồi chúng lại vung vãi vào các dự án đầu cơ.
Sau hai cơn lạm phát mạnh mẽ và một nỗ lực vô vọng hòng duy trì tốc độ tăng trưởng cao trước ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu, nguồn vốn đầu tư nước ngoài mới đã cạn kiệt và nền kinh tế Việt Nam lâm vào suy thoái. Chính phủ rốt cuộc thắt chặt tín dụng vào năm 2011, điều này tránh thêm nhiều vụ vỡ nợ nhưng lại khiến cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam rơi vào tình cảnh thiếu hụt nguồn vốn mà nó cần để hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây các nhà tư bản nội địa đoản vốn của Việt Nam vẫn đang phải vật lộn trong khi, trớ trêu thay, khu vực đầu tư nước ngoài lại đang bùng nổ.
Như vậy, bên cạnh việc phải ứng phó với sự kháng cự của những thành phần thủ cựu trong bộ máy, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn phải đương đầu với sự hoài nghi rằng TPP sẽ không đáp ứng được những kỳ vọng mà người ta đã quảng bá từ trước. Phần lớn các chuyên gia kinh tế và doanh nhân Việt Nam sẽ vui mừng khi được chứng kiến những cải cách mà hiệp định TPP bắt buộc song lại nghi ngờ rằng chúng sẽ được hiện thực hoá. Đồng thời, ý thức rõ về những rào cản mà người Mỹ nặn ra để hạn chế tôm và cá da trơn nhập khẩu của Việt Nam, họ cũng băn khoăn là không biết liệu cụ thể ở đây là Hoa Kỳ có thực hiện đúng những cam kết mở cửa thị trường của mình hay không.
Bất chấp những nghi ngại, dường như Hà Nội đã quyết tâm hướng về phía trước. Những bài bình luận trên các phương tiện truyền thông gần gũi với chế độ thừa nhận những thách thức nhưng đồng thời cũng bày tỏ niềm lạc quan. “Hiệp định TPP là một sân chơi tốt để những nền kinh tế như chúng ta thúc đẩy sự phát triển của những lĩnh vực then chốt như dệt may, da giày và nông sản”, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định. “Sau khi chúng ta tham gia hiệp định, dòng hàng hoá và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam, đem lại động lực mới để đất nước tăng trưởng mạnh hơn.” Và, nhiều người hy vọng, động lực để cải cách mạnh hơn nữa.
David Brown là quan chức ngoại giao hồi hưu của Mỹ, người chuyên về Đông Nam Á và đặc biệt lưu ý đến những vấn đề của Việt Nam
Nguồn: Asia Sentinel / Defend the Defenders
____________________
[i] Tạm dịch: tính từ sợi. Đây là nguyên tắc xuất xứ hàng hoá cơ bản của ngành dệt may trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA – gồm Hoa Kỳ, Canada và Mexico). Điều này có nghĩa là sợi để sản xuất ra vải, thứ sau đó có thể được sử dụng để sản xuất quần áo hay các mặt hàng dệt may khác, phải có nguồn gốc từ một nước thuộc NAFTA thì sản phẩm dệt may ấy mới được coi là có nguồn gốc từ nước thuốc NAFTA đó. Như vậy, một chiếc áo sơ mi sản xuất ở Canada từ vải dệt ở Canada mà sợi len (wool yarn) dệt vải lại do Argentina sản xuất thì chiếc áo đó sẽ không được coi là có xuất xứ từ một nước thuộc NAFTA. Tuy nhiên, nếu sợi bông Argentina được nhập khẩu vào Canada và cuốn thành sợi len ở đây rồi được dùng để dệt vải thì chiếc áo sơ mi đó sẽ được coi là có xuất xứ từ Canada. (ND)