Admin TA
1.
Nếu ai đó có cơ hội quan sát những nhóm người ở các đất nước có tình
trạng giao thông tốt và cùng với nhóm người đó sinh sống ở các nước có
cơ sở giao thông chưa được tốt lắm thì họ sẽ nhận ra một điều rằng:
Dường như sau một thời gian sinh sống ở môi trường thứ hai, nhóm người
đó có xu hướng phóng nhanh hơn, hay phạm luật hơn và dễ dãi với các hành
vi phạm luật hơn. Tôi đã thấy điều này ở nhiều du học sinh sau khi trở
về từ những quốc gia phát triển.
Nguyên nhân là do đâu? Đạo đức? Một phần. Pháp luật? Một phần khác.
Ảnh hưởng từ môi trường? Lý thuyết cửa sổ vỡ được đưa ra bởi J.Willson
và G.Kelling giải thích cho thực trạng này. Người ta đã làm một thí
nghiệm như sau: Họ đặt 2 chiếc xe đắt tiền tại hai đầu của một khu phố -
nơi sinh sống của những người trung lưu trong xã hội Hoa Kỳ - một chiếc
xe bình thường và một chiếc bị đập vỡ kính và tháo mất biển số. Kết quả
- chiếc xe thứ hai bị trộm sau một tuần trong khi chiếc thứ nhất không
việc gì. Họ lại đập vỡ kiếng cửa của chiếc thứ nhất – sau đó một tuần
nữa, đến lượt chiếc xe này bị trộm.
Lý thuyết cửa sổ vỡ được phát biểu như sau: Khi một tấm kính cửa sổ
bị vỡ và không được sửa chữa – người ta sẽ cho rằng hành động đập vỡ
cánh cửa được dung túng và sẽ có thêm những tấm kính cửa khác. Những
cánh cửa sổ bị phá vỡ này lại gây ra cảm giác hỗn loạn – và những hành
động phạm tội tương tự có thể bùng nổ trên diện rộng.
2.
Hoàn toàn không phải sự ngẫu nhiên khi những hành động phạm tội
thường được gắn liền với những khung cảnh bề bộn, sự vô tổ chức và thái
độ bàng quan của những người xung quanh. Cũng theo lý thuyết này, những
hành vi phạm tội này thường bùng nổ theo dây chuyền – một đống rác vứt
bên vệ đường – một bức tường bị vẽ nham nhở - những ngõ tối nhem nhuốc –
đều có thể là „tấm kính bị vỡ đầu tiên“ gây ra một loạt những hành vi
phạm tội khác.
Chúng ta quay lại một câu chuyện gây nhức nhối trong dư luận gần đây
mà tôi sẽ còn có dịp bàn đến: Nạn trộm chó! Thực ra thì chính tình trạng
thả chó đi hoang không người quản, sự lơ là của người dân và thiếu quản
lý ở các vùng nông thôn Việt Nam là „tấm kính đầu tiên“, tức môi trường
thuận lợi lý tưởng để những kẻ trộm chó hành nghề - và những vụ trộm
tràn lan như một kết quả tất yếu.
Lý thuyết này cũng chỉ ra hiểm họa khôn lường từ việc chúng ta dần
trở nên thích ứng với việc phong bì lễ lạt, với thói nhũng nhiễu cửa
quyền và thói hạch sách đòi hỏi của các cơ quan công vụ. Chính sự bàng
quan của người dân, thậm chí còn cho đó là những điều tất nhiên – làm
cho nạn tham nhũng lan rộng và đã trở thành một vấn đề không thể được
giải quyết trong một sớm một chiều.
Thờ ơ với những cái nhỏ - những vấn nạn lớn hơn sẽ bùng phát.
3.
Làm sao chúng ta có thể thay đổi đạo đức xã hội, nếu mỗi người trong
chúng ta không tự ý thức về trách nhiệm của mình. Khi mọi thứ vẫn lộn
xộn và chúng ta vẫn quá thờ ơ với trách nhiệm của mình?
Chúng ta than thở về tình trạng bạo lực đang lan rộng. Những vụ án có
số lượng và cả tính chất nghiêm trọng tăng dần. Không có năm nào đất
nước không chấn động bởi những kẻ giết người máu lạnh, những nghi vấn
tham nhũng, những phát ngôn gây sốc. Quan trọng hơn, chúng ta đang dần
quen thuộc với chúng. Chúng ta không còn quá bất ngờ và lo lắng khi đọc
những tin tức như vậy nữa.
Lật ngược quá khứ của những kẻ tội phạm, chúng ta đều thấy có „một
tấm kính đầu tiên“ nào đó. Sự thờ ơ của gia đình, xã hội, bạn bè. Sự vô
tổ chức. Những hành vi xấu âm thầm len lỏi trong đời sống hàng ngày. Sự
dễ dãi của các nhà quản lý. Sự bệ rạc của các cơ quan công quyền. Chúng
ta có thể tử hình những người phạm tội, nhưng tất cả là một vòng tròn
luẩn quẩn. Tấm kính cửa đã vỡ, nhưng chưa ai sửa chữa.
4.
Có một câu chuyện này mà nhiều trang mạng đã ghi lại: Những bến xe
điện ngầm ở New York vài mươi năm trước chấn động với những tên tội
phạm: những vụ trốn vé , nạn buôn bán ma túy diễn ra công khai và cả các
tệ nạn xã hội. Sau đó tỉ lệ tội phạm đã giảm hẳn. Người ta đã làm thế
nào vậy? Không có gì cao xa cả - họ không cần hô hào đánh hội đồng những
kẻ phạm tội. Người Mỹ đã bắt đầu sửa chữa lại từ những điều nhỏ nhất:
Những bức tường loang lổ hình vẽ được sơn phết lại. Những toa xe đầy rác
được làm sạch. Những đường hầm được dọn dẹp. Những tay bảo vệ vô trách
nhiệm làm việc cho qua được thay bằng những người nghiêm khắc thực sự
mạnh tay với những kẻ phạm pháp. Kết quả lượng tội phạm giảm đáng kể.
Việc làm trên của những người Mỹ có làm chúng ta suy nghĩ gì không?
Bài viết và hình ảnh: [Admin TA]
Bản quyền © Wegreen Vietnam
Bản quyền © Wegreen Vietnam