Lê Minh Khai
Người dịch: Hoa Quốc Văn
Người dịch: Hoa Quốc Văn
Trong nhiều cuốn sử viết về Việt Nam, có một giai đoạn được gọi là “thời Bắc thuộc”.
Khái niệm này hàm nghĩa chỉ giai đoạn từ năm 111 trước Công nguyên đến
năm 939 sau Công nguyên khi vùng đất ngày nay là đồng bằng sông Hồng và
những phần của Bắc Trung Bộ Việt Nam là một vùng lãnh thổ thuộc các đế
chế “Trung Hoa” khác nhau.
Khái niệm này được sử dụng rộng rãi đến nỗi tôi không nghĩ nhiều
người có khi nào đó lại đặt câu hỏi về tính ích dụng của nó, nhưng chúng
ta nên làm như vậy. Cái gì về “thời Bắc thuộc” quan trọng đến nỗi người ta thấy cần phải chỉ rõ quãng thời gian ngàn năm ấy là một giai đoạn riêng biệt?
Các cuốn sử Việt tiền hiện đại như Việt sử lược và Đại Việt sử kí
toàn thư đã tạo ra một dòng mạch tưởng tượng kết nối các thể chế tự trị ở
khu vực này, bắt đầu từ vương quốc Nam Việt/Nanyue mà Triệu Đà/Zhao Tuo
đã thiết lập ở thế kỉ III BC, hay thậm chí là sớm hơn từ các vua Hùng
(tưởng tượng). Sự thôn tính Nam Việt/Nanyue của nhà Hán đã đặt khu vực
này “dưới sự lệ thuộc” (thuộc) nhà Hán, và những cuốn sử này
sau đó cùng góp nhặt lại những thông tin từ các nguồn Trung Hoa về các
viên quan khác nhau đã từng đến cai trị ở đồng bằng sông Hồng trong ngàn
năm tiếp theo.
Đó là một lịch sử chính trị tưởng tượng. Chúng ta không có nổi 1
chứng cứ, chẳng hạn, để chứng minh rằng vương quốc Nam Việt/Nanyue, vốn
đóng ở vùng ngày nay thuộc tỉnh Quảng Đông, [có lãnh thổ] mở rộng đến
tận đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, sự sáng tạo một lịch sử – kết nối vương
quốc Nam Việt với vương quốc ở thế kỉ X của Ngô Quyền, với một thời kì
xen ngang, khi khu vực này nằm “dưới sự cai trị” của các triều đại khác nhau đến từ phương bắc, rõ ràng là một sự tạo tác. Và nó là sự tạo tác dựa trên mục đích chính trị.
Ở thế kỉ XX, các học giả Pháp thời thực dân như Henri Maspero xem thời kì 1000 năm Bắc thuộc là một thời kì rất quan trọng khi “người Trung Hoa” đã giới thiệu cho “người Việt Nam”
một cấp độ văn minh cao hơn. Điều này đương nhiên thích hợp một cách
tinh vi với những gì người Pháp đang làm thông qua sự cai trị thuộc địa
của họ, và vì vậy đó là một tuyên ngôn chính trị, dù Maspero có ý thức
về điều đó hay không.
Rồi ở thời hậu thực dân, các học giả Việt Nam đã làm vô số việc hệt
như những học giả theo chủ nghĩa dân tộc chống thực dân trên toàn thế
giới đã làm cùng lúc đó – họ nắm lấy kiểu tự sự mà những kẻ thực dân đã
tạo ra và đảo ngược chúng, [tức] đặt người bị thuộc địa hoá lên trên.
Ở trường hợp kiểu tự sự về “thời kì [lệ thuộc] Trung Hoa”,
điều này hàm ý lập luận rằng “thời Bắc thuộc” đã chẳng quan trọng đến
thế [trong lịch sử Việt Nam]. Các học giả cho rằng đã từng có một thể
chế và một nền văn hoá phức tạp ở đồng bằng sông Hồng trước thời kì Bắc
thuộc và rằng con người và nền văn hoá từ thời kì đó đã được duy trì
thông qua sự kế tục suốt một nghìn năm mặc dù Trung Hoa cố gắng “đồng
hoá” họ.
Sử gia Mỹ Keith Taylor tán thành công trình của các học giả Việt Nam
và đã viết một bài báo bằng tiếng Anh vào năm 1980 có nhan đề: “Một đánh giá về thời kì Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam”
với một lập luận tương tự. Tuy nhiên, không giống như nhiều học giả
Việt Nam lúc bấy giờ, Taylor đã tự phản tỉnh về những gì ông đang làm và
đã viết những dòng sau ở cuối bài báo:
“Tôi hiểu rằng, bằng cách thay thế giả định của Maspero về tác động của đế quốc thương dân thuộc địa bằng giả thiết phổ biến hiện nay về sự tiếp nối cái bản địa, tôi, không ít hơn ông ấy, cũng chỉ làm cái việc minh họa cho quan điểm hiện hành. Nhưng, tôi tin rằng, khi quan tâm đến chủ đề này, quan điểm của thế hệ tôi rộng hơn quan điểm của thế hệ Maspero”.
Khoảng hơn 3 thập kỉ sau, tôi muốn nói rằng thế hệ hiện tại cần có một quan điểm còn rộng hơn thế. Tại sao lại còn nói về “thời kì Bắc thuộc” ở vị trí đầu?
Nếu chúng ta biến sách lịch sử trở thành công trình nghiên cứu về các
xã hội loài người trong quá khứ, thì làm thế nào việc chỉ rõ một thời
kì dài đến nghìn năm và gọi nó là “thời Bắc thuộc” có thể giúp chúng ta hiểu được các xã hội quá khứ? Nó giúp chúng ta hiểu được xã hội (hay các xã hội) nào?
Khi tôi nhìn vào quá khứ, tôi thấy một “nền văn hoá trống đồng” mở
rộng từ vùng phía Bắc Thanh Hoá ngày nay cho đến các tỉnh như Vân Nam,
Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay. Vâng, sự xuất hiện của những đại diện
của các đế chế “Trung Hoa” khác nhau ở đó lẽ ra phải đem lại sự cáo chung cho thế giới văn hoá ấy, nhưng rốt cuộc, tôi chẳng thấy “sự cai trị Trung Hoa” làm gì nhiều.
Thay vào đó, khi chúng ta nhìn vào 1000 năm đầu sau CN, tôi thấy
nhiều hơn những sự phát triển đã xảy ra vượt ra khỏi phạm vi cai trị của
Trung Hoa, dọc theo bờ biển mà ngày ngay gọi là Nam Trung Bộ Việt Nam. Ở
đó, sự hiện diện của liên bang các thể chế mà chúng ta gọi chung là “Champa”
đối với tôi dường như là chỗ có những chứng cớ rõ nhất để nói về sự
phát triển của các xã hội người ở khu vực rộng lớn hơn đó, trong giai
đoạn đó.
Đối với sự cai trị của Trung Hoa, có một thời điểm mà đối với tôi có
vẻ quan trọng là khi nó tan rã. Mặc dù ở đây một lần nữa, giống như nền
văn hoá trống đồng, nó là một sự phát triển bị giới hạn trong phạm vi
đồng bằng sông Hồng. Thay vì, sau khi nhà Đường trở nên suy yếu bởi cuộc
nổi dậy của An Lộc Sơn năm 755-763, một bộ phận lớn của nhà Đường bắt
đầu phát triển bằng những cách thức độc lập và mang tính địa phương khi
các Tiết độ sứ – những người điều hành phần lớn đế chế này đã đi theo
con đường của riêng họ và tạo ra nhiều “bản sắc” địa phương hoá hơn.
Cũng như vậy, một khu vực văn hoá trống đồng rộng lớn, hay sự hiện
diện của thế giới Chăm (Champa), và sự tan rã của nhà Đường cũng như sự
hiện diện của các thủ lĩnh địa phương – đây là 3 sự phát triển chính mà
tôi nghĩ một công trình lịch sử về khu vực ven biển của phần phía Đông
khu vực Đông Nam Á nên quan tâm.
Vậy thì khái niệm “thời Bắc thuộc” có vai trò gì đối với bất
kì nhân tố nào trong hiện tượng này? Nó giúp chúng ta thế nào trong
việc hiểu được sự phát triển của các xã hội con người ở một phần của thế
giới này?
Tôi chẳng thể thừa nhận là nó giúp nhiều cho chúng ta chút nào. Nó là
một khái niệm xuất hiện vì những nguyên nhân chính trị, và nó đã được
sử dụng cho các mục đích chính trị. Như một công cụ giúp chúng ta hiểu
được xã hội con người trong quá khứ, tôi không thể xem là nó có nhiều
ích dụng.