Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Phép biện chứng trông gà hóa cuốc

Xích Tử
Trong cuộc tranh luận với các tiếng nói đòi thay đổi một cách cơ bản Hiến pháp 1992, nhất là với Bản kiến nghị và Dự thảo Hiến pháp của nhóm 72 ở nội dung liên quan đến Điều 4, các nhà lý luận có nhãn mác học hàm học vị trong hệ thống học thuật quan phương và chức sắc tuyên giáo của đảng đã thay đổi chiến thuật. Thay vì dùng thứ vũ khí đã trở nên lặp, nhàm, phản tác dụng và có chiều hướng giảm dần sức thuyết phục về mặt lịch sử là kể công đảng lãnh đạo toàn dân đánh thắng nhiều kẻ thù lớn (lại không thể kể cả kẻ thù trong chiến tranh biên giới Tây Nam 1975 – 1989 và biên giới phía Bắc 1979 - 1985) để giành, giữ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, họ đưa ra và bám vào 2 lập luận mới:
1. Đảng có công khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới để giải cứu đất nước ra khỏi khủng hoảng và tiếp tục phát triển.
2. Đảng cộng sản Việt Nam không có đối thủ.
Lập luận thứ nhất được hình thành trong hoạt động tuyên truyền của đảng ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, bắt đầu bằng cái gọi là “đổi mới tư duy”, tức là dùng những bộ não cũ để làm ra tư duy mới, rồi đến “đổi mới” trong các hoạt động thực tiễn như đổi mới kinh tế, văn hóa, giáo dục..., với cách diễn đạt được đóng khuôn rằng chỉ có đảng (mới có thể, có quyền...) là người (duy nhất) khởi xướng và lãnh đạo (thành công) công cuộc đổi mới đất nước. Kiểu giành công lấy được ấy được nâng lên và làm gọn lại dưới dạng mệnh đề bằng cách phát biểu thô ráp, thiếu căn cứ trí tuệ của nguyên tổng bí thư Đỗ Mười (nhưng hoàn toàn chính xác về mặt logic), “không có đảng cộng sản thì không có đổi mới”.

Gần đây, một trong những giáo sư “đầu ngành” về lý luận, người đã có công tập thành tài sản lý luận về đổi mới cho đảng qua một công trình rất lớn, tốn nhiều tiền của, đã đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân điện tử ra ngày 25/8/2013 một bài minh họa cho học thuyết Mười’s kể trên trong tiêu đề Trọng sự thật và chân lý để hành động có trách nhiệm. Bài viết cố chứng tỏ tính chuyên nghiệp về lý luận và tuyên truyền với lòng nhiệt huyết và độ trung thành cao bằng lời văn bay bướm, âm điệu du dương, từ ngữ tráng lệ, rằng, “hơn một phần tư thế kỷ qua, kể từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay, Đảng là người khởi xướng đường lối đổi mới và lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới theo cương lĩnh và chiến lược mà Đảng đã vạch ra”, và rằng, “công cuộc đổi mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng kịp thời những mong đợi của quần chúng nhân dân và nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của đông đảo bạn bè, đối tác trên thế giới.”, v.v...
Đàng sau sự lòe loẹt lấp lánh trang kim của thứ ngôn ngữ báo chí mà K. Marx đã nói “ quảng cáo biến thành xã luận, còn xã luận thì biến thành quảng cáo” đó, ngữ nghĩa của thông điệp vẫn không có gì mới.
Ở đây, xin nói toạc ra những yếu tố ngụy biện, lập lờ trong phép “biện chứng” của giáo sư đầu ngành nói trên :
1. “Đổi mới” không là gì cả đối với qui luật phát triển bình thường, được áp dụng bình thường ở những nước bình thường. Do toàn bộ cuộc “cách mạng” do đảng lãnh đạo ở Việt Nam không bình thường, bị thất bại nên khi trở lại bình thường, không biết gọi thế nào (vì sợ lặp với “cải cách” ở Trung Quốc, “perestroika” ở Liên Xô thời đó, hay như “cập nhật” của Cuba hiện nay) nên dùng tạm là “đổi mới”.
2. Khái niệm “đổi mới”, sau này thường được dùng phiên ngữ tiếng Anh là renovation là không chính xác, đầy đủ và hợp lý. Renovation có nghĩa là làm mới lại một cái vốn là mới, nhưng qua thời gian đã cũ (tức là mất đi tình trạng mới ban đầu). Theo nghĩa đó, nó cũng có nghĩa là cải thiện, phục hồi; kết quả của làm mới và phục hồi như vậy là trở lại nguyên trạng (hình thể, chức năng, công năng của đối tượng được làm mới). Cơ sở của những thao tác làm mới là so sánh trạng thái ban đầu của đối tượng với trạng thái (cũ đi) đang có. Với nội hàm của chính sách “đổi mới” của đảng cộng sản Việt Nam, hoàn toàn không có diễn biến biện chứng này. Đổi mới không phải là làm cho một cái đang bị cũ trở lại như mới (vì như vậy sẽ lặp lại lịch sử); cũng không có gì so sánh để chứng minh cái trạng thái Việt Nam năm 1986 là cũ (so với cái gì?); và do vậy đổi mới cũng không theo một mô hình so sánh cũ/mới nào; “đổi mới” chỉ có con đường đi tới một cách mạo hiểm, đôi khi vô định; vừa muốn giữ cái cũ, vừa muốn trở lại làm bình thường như người ta. Tình trạng bế tắc cả lý luận và thực tiễn ấy thể hiện trong hàm ý của Cương lĩnh 1991 rằng, vừa làm vừa học; vừa đi vừa tìm đường. Nói chính xác bằng một cách khác của “đổi mới” là “đổi khác”, vì dần dần, nội dung thực tiễn của đổi mới là làm khác, làm ngược lại hoàn toàn với đường lối xây dựng “chủ nghĩa xã hội” bằng đấu tranh giai cấp trước đây, tự phản bội mục tiêu đấu tranh cũ, phản bội những hy sinh xương máu của nhân dân khi được dùng vào cuộc đấu tranh cũ. Sự phản bội đó không phản động nhưng lại là tội ác, là lừa dối và không chính danh vì nhân dân không được hỏi ý kiến và được giải thích một cách công khai, đường đường chính chính.
3. Về quan hệ nhân – quả lịch sử và logic, đảng đã làm ra cái cũ thì đương nhiên cũng phải có trách nhiệm đổi mới, nếu đảng tự nhận thức ra điều ấy. Do vậy, “đổi mới” không phải là công lao gì cả. Không ai có thể tự cấy virus gây bệnh cho mình, rồi tự chữa bệnh lại đi huênh hoang rằng mình rất có công và sáng suốt vì việc ấy.
4. Đảng đã giành chiếm độc quyền lãnh đạo, thậm chí là quản lý, quản trị toàn bộ và toàn diện đời sống xã hội của đất nước thì cũng đương nhiên đảng là lực lượng “duy nhất” khởi xướng và lãnh đạo “đổi mới”. Tình trạng duy nhất đó không chứng tỏ năng lực hay uy tín của đảng, mà chỉ là sự thể mặc định hết sức tiêu cực của đời sống chính trị nước ta.
5. Đảng đổi mới là để tự cứu sự sụp đổ của chính mình vì những bế tắc trong chính sách và sự lãnh đạo thực tiễn dẫn đến khả năng sụp đổ không thể tránh được của đất nước trong giai đoạn ấy. Sự sụp đổ, nói khác đi là chết, là dự báo có thể vật chất hóa ở thời điểm 1985 – 1986, trước hết là sự sụp đổ của tổ chức đảng, vì khủng hoảng chính trị vì những bế tắc nói trên, và sau đó là chết thật vì không còn nguồn lực vật chất để nuôi sống tổ chức đảng. Đất nước bị kiệt quệ vì hậu chiến và chiến tranh, vì cấm vận; kinh tế xã hội chủ nghĩa bị đình đốn, sự phá sản không thể cưỡng được của chính sách giá – lương – tiền dẫn đến lạm phát gần 4 con số; đồng tiền từ sáng đến chiều đã mất giá...Như vậy, “đổi mới” là tự cứu mình khỏi chết vì sụp đổ chính trị và vì đói; đảng, nhà nước và cả xã hội đều cùng đói. Đó là một phản xạ tư vệ thích ứng chứ không phải là một chiến lược chính trị có trù liệu. Thực chất, những thay đổi dần trong nông nghiệp như khoán 100, khoán 10 và một số cải cách nhỏ giọt trong công thương nghiệp trước hết là để dân có cái ăn, cái mặc và không làm loạn vì đói; rồi từ đó nhà nước có cái thu để tự nuôi mình, tiến dần đến vận động xóa bỏ cấm vận, xúc tiến ngoại thương để sau này mới có cơ “hội nhập”. Xét về chiến lược, tất cả đều là thế bị động của đảng.
6. Toàn bộ công cuộc “đổi mới” đó đều tốn kém của dân, từ hội họp để ra chính sách, nghiên cứu, thí điểm, chỉ đạo, sửa sai, tổng kết “lý luận”... Nếu không tạo ra cái cũ thì không có sự tốn kém đó (cái đúng của Mười’s Theory là chỗ này). Như vậy là đảng có tội gây lãng phí của cải đất nước. Những nước chung quanh không có đảng độc quyền lãnh đạo toàn diện tuyệt đối toàn bộ, không kiên định học thuyết hay con đường xây dựng bất cứ chủ nghĩa nào. Họ không cần phải khởi xướng, bảo vệ, tuyên truyền cho đổi mới nên họ không gây tốn kém cho nhân dân của họ vì những “loay hoay”(từ dùng rất hay của blogger Đoan Trang) rất trẻ con đó. Tuy tốn kém tiền của, năng lượng tinh thần (như kiểu mỗi năm phải học cả chục nghị quyết đảng) của đất nước như vậy nhưng khối lượng tăng trưởng GDP, phát triển chất lượng sống của xã hội trong toàn bộ thời kỳ đổi mới vẫn không bằng theo so sánh đương đại và tuyệt đối cùng giai đoạn với các nước chung quanh; như vậy là sự lãng phí tăng lên gầp bội.
7. Đảng đổi mới cũng không hỏi ý kiến nhân dân; tự mình làm cũ rồi cũng tự mình đổi mới; nhân dân vẫn bị cưỡng chế vỗ tay và phục tùng. Cũng không có thông tin nào tường minh cho việc thế giới ủng hộ “đổi mới”; do vậy, không thể có cách nói hàm hồ “công cuộc đổi mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng kịp thời những mong đợi của quần chúng nhân dân và nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của đông đảo bạn bè, đối tác trên thế giới.” của vị GS rất khó khả kính ở trên được.
Về lập luận thứ hai, rằng đảng cộng sản Việt Nam đã và hiện không có đối thủ chính trị nên việc xác lập vai trò lãnh đạo của đảng trong Hiến pháp là tất yếu, xét thấy không cần phải tranh biện gì nhiều, vì cách nói lấy được dùng cái hiện thực bị hợp lý hóa bằng bạo lực để thay cho sự thuần khiết của phép biện chứng ấy. Thực tế là từ năm 1945, đảng đã bằng mọi cách thủ tiêu, bức tử các lực lượng chính trị khác trong đất nước, bằng nhiều phương pháp bạo lực “cách mạng“ khác nhau để hình thành một hệ thống nhất nguyên độc tài một đảng, tiến đến trấn lột quyền chính trị của toàn dân bằng Điều 4 của Hiến pháp 1992. Trong hoàn cảnh như vậy, làm gì có đối thủ chính trị để cạnh tranh và khẳng định uy tín chính trị như trong đời sống chính trị của các quốc gia khác. Tuy nhiên, sự bác bỏ cách nói lấy được của nhà lý luận nói trên không mặc nhiên chấp nhận “chân lý thực tiễn” đó
và cảnh báo với các nhà lý luận học phiệt cùng lãnh đạo của họ rằng, ở Việt Nam, có một lực lượng chính trị là đối thủ vô địch của đảng cộng sản : nhân dân. Cứ cho họ tham gia vào một cuộc trưng cầu dân ý công khai, minh bạch, tư do, có sự giám sát của quốc tế thì sẽ biết sức mạnh vô địch đó như thế nào.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"