Văn Chóe 2
Cải tổ kinh tế hay còn gọi khác đi là tái cấu trúc nền kinh tế được
đại đa số hiểu một cách ngắn gọn là: sắp xếp, thu hẹp doanh nghiệp nhà
nước bằng cách tư nhân hóa, cổ phần hóa; thực hiện bình dẳng giữa các
thành phần kinh tế, thúc đẩy kinh tế tư nhân, trong đó bao gồm cả kinh
tế đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ; tách bạch vai trò quản lý nhà
nước với quản trị doanh nghiệp nhà nước... Đây cũng chính là những yêu
cầu có tính quốc tế để Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường
và nắm bắt, không bỏ lỡ cơ hội gia nhập TPP, hội nhập sâu vào nền kinh
tế thế giới.
Tuy nhiên theo như những phát biểu dưới đây, sát sao về cả lời văn và
tinh thần của người dứng đầu Chính phủ cho thấy, tuy chuyển đổi kinh tế
được hô hào với quyết tâm cao nhưng ý chí thực chất thì chưa hẳn đã như
vậy.
"Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong mọi
thông điệp của mình đều luôn khẳng định phải đảm bảo sự bình đẳng cho
các thành phần kinh tế, tuy nhiên, trong tất cả các cuộc làm việc với
các tập đoàn kinh tế nhà nước được Chính phủ tổ chức thường niên, ông
đều luôn đề cao, ca ngợi và khẳng định vị trí không thể thay thế của
khối này.
Như trong cuộc gặp diễn ra hồi đầu năm, Thủ tướng nói: “Tôi đi đến
đâu cũng thấy doanh nghiệp nhà nước có đóng góp ở các vùng nghèo, xây
nhà cho người nghèo, cầu đường, trường học...”.
Rồi ông dẫn chứng: “Những năm trước điện cắt cúp phập phù, nay đã
khác, điện đã đủ cho sản xuất, cho tiêu dùng, tập đoàn điện lực đã nỗ
lực rất lớn, dù phải hoạt động trong bối cảnh hết sức khó khăn. Thủy
điện Sơn La ai làm, từ thiết kế, đầu tư đến thi công đều là doanh nghiệp
nhà nước. Với viễn thông, tôi không nói quá cao, nhưng thực sự là lĩnh
vực này của chúng ta là khá trên thế giới, từ chất lượng đến giá cả. Ai
làm, còn ai nếu không phải là các tập đoàn kinh tế nhà nước? Với hàng
không thì nhiều hãng trên thế giới phá sản nhưng chúng ta vẫn trụ được,
tiếp tục đưa máy bay mới về. Sân bay Phú Quốc vừa được khánh thành, lần
đầu tiên Việt Nam tự tay làm được trọn vẹn một cái sân bay theo tiêu
chuẩn quốc tế. Rồi đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ, đạm Ninh Bình, không phải
doanh nghiệp nhà nước thì còn ai?...”.
Có thể nhận thấy, sau những vụ đổ vỡ 'nghìn tỉ' kinh hoàng của
Vinashin, Vinaline... và gần nhất, sau vụ các lãnh đạo tự chi cho mình
mức 'lương khủng' ở một loạt các doanh nghiệp công ích nhà nước TP. HCM
thì người dân đã thất vọng tràn trề, nếu không muốn nói là mất niềm tin
hoàn toàn đối với doanh nghiệp nhà nước.
Nhiều người đang trông chờ với áp lực quốc tế, TPP có thể là 'cú
hich' cho Việt Nam cải tổ nền kinh tế một cách mạnh mẽ và thực chất.
Tuy nhiên, muốn vậy, điều trước tiên là từ người lãnh đạo trở xuống,
chúng ta phải thoát được khỏi não trạng về vai trò chủ đạo của kinh tế
quốc doanh. Đồng thời xã hội phải hình thành được thể chế giám sát, ngăn
chặn các nhóm lợi ích muốn níu kéo sự tồn tại, bành trướng lâu dài của
doanh nghiệp nhà nước, không có thực tâm chuyển đổi.
Văn Chóe 2
Nguồn tư liệu cho bài viết:
VnEconomy
http://vneconomy.vn/20130902105150932P0C9920/tpp-co-tao-duoc-suc-ep-cai-cach.htm