Hôm qua đọc tin “Ca sĩ Ngọc Sơn mua bảo hiểm trinh tiết 1
triệu đô”, có lẽ nhiều người chỉ biết cười buồn, rằng tính lá cải của một số tờ
báo đã đạt thêm một mốc mới. Nhưng loại tin này vô hại vì ai cũng thấy nó nhảm
nhí.
Ngược lại, bài viết “Một
góc nhìn về cơm 2000 đồng” trên BBC Tiếng Việt mới thật sự nguy hiểm. Bây
giờ tôi mới thấy thấm thía câu nói “A little learning is a dangerous thing”.
Nó nguy hiểm ở chỗ, sẽ có người do tin tức lan tỏa về các
quán ăn từ thiện 2.000 đồng từng muốn làm một điều gì đó, chung một tay cho nỗ
lực này nhưng vì nhiều lý do chưa làm gì được, nay đọc xong bài trên BBC Tiếng
Việt bèn bật lên tiếng chà – thế à và đánh mất luôn ý hướng thiện vừa mới chớm
nở. Có lẽ ít người bị tác động như thế nhưng dù chỉ một người cũng là gây tác
hại bằng ngòi bút.
Bài viết của tác giả Nguyễn Quảng, ghi là “gửi cho BBC từ
Milton Keynes, Anh Quốc”, lập luận: “Về mặt kinh tế, rõ ràng khi quán 2 nghìn
bán được 1 suất cơm, đâu đó ở thành phố, một quán cơm bình thường sẽ ế một suất
cơm”; “Cứ một quán cơm 2 nghìn được mở, đồng nghĩa một quán cơm bình thường
khác phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt lao động bị mất việc”.
Rất dễ phẫn nộ khi nghe người ta nhân danh kinh tế học, đưa
ra những lập luận phi lý như thế. Người viết có biết gì về tương quan quy mô
cung cầu mà dám nói như thế? Một vài quán cơm 2.000 đồng ở một thành phố 10
triệu dân sẽ tác động dữ dội lên hàng chục ngàn các quán cơm bình dân khác đến
thế sao? Hay nói như Linh Hoang Vu, market distortion đâu ra mà dễ xuất hiện
đến thế!
Tác giả lập luận tiếp: “Hẳn chúng ta đều đã nghe câu: hãy
cho kẻ khốn khó cần câu, thay vì con cá? Quán cơm 2 nghìn chính là con cá, nó
không giúp được vào trọng tâm của vấn đề”.
Nghe qua thì dễ bị thuyết phục (nên tôi mới nói là nguy hiểm)
nhưng thử hỏi chênh lệch giữa 2.000 đồng và 14.000 đồng (giá trị thật của bữa
ăn) có thể gom lại mua được cái cần câu gì (cần câu theo nghĩa đen có mua nổi
không)? Tại sao cứ bám vào những cliché con cá cần câu mà không chịu hiểu bữa
cơm 2.000 đó chính là cần câu, để những người ăn dùng nó biến thành sức lao
động, cày bừa tiếp tục nuôi sống gia đình họ? Nghĩ được như thế thì mới thấy
chính những quán cơm từ thiện đang trao cho họ những chiếc cần câu sử dụng
trong ngày đó thôi.
Tác giả lập luận tiếp, quán cơm 2.000 sẽ khuyến khích di cư
vào thành phố theo kiểu “Quá nhiều lao động ngoại tỉnh tràn vào thành phố đã
khiến khắp nơi quá tải và ngột ngạt. Phần đông số này xả rác khắp nơi, phóng uế
bừa bãi, ngủ vạ vật gầm cầu mái hiện thậm chí giữa hè phố và vô luật pháp”. Cái
lập luận này nó phát xít, nó xuẩn ngốc quá nên thôi không nói làm gì. Họ bị
cuốn vào một cuộc sống đầy bất trắc như được mô tả chỉ vì quán cơm 2.000 đồng
ư?
Chỉ còn một lập luận sau cùng cần nói, là quán cơm 2.000
đồng có thể bị lợi dụng, anh xe ôm vào ăn để dành tiền chiều lại đi uống bia…
Tác giả ở bên Anh vì sao không chịu hiểu, người vào quán cơm từ thiện họ không
chỉ bỏ ra 2.000 đồng để mua xuất ăn, họ bỏ thêm vào đó Một Phần Phẩm Giá của
họ, không tính được bằng tiền nhưng lớn lắm. Lớn đến nỗi nó sẽ ngăn người tự
trọng bước vào quán ăn nếu họ còn có thể xoay xở ăn ở quán bình thường. Ngược
lại, giá trị xã hội của phần cơm không chỉ 2.000 đồng, nó có sức lay động lòng
người, khích thích thiện tâm sẵn có ở mọi người, nó góp một phần rất lớn vào
“vốn xã hội” mà có lẽ tác giả cũng từng được học qua.
Tác giả và những người làm trang BBC Tiếng Việt ở nước ngoài
ắt cũng biết các soup kitchen mà hiện nay hoạt động càng lớn mạnh do khủng
hoảng kinh tế đi kèm với chính sách thắt lưng buộc bụng ở cả Mỹ và châu Âu. Nỡ
nào BBC Tiếng Việt đăng bài theo dạng biết là sẽ gây tranh cãi để câu người vào
bình luận. Làm thế có khác gì đăng tin “Ca sĩ Ngọc Sơn mua bảo hiểm trinh tiết
1 triệu đô”.