Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Một bài báo "siêu đạo văn" của Petrotimes!

Tâm Sự Y Giáo: Báo PetroTimes vừa có bài Hiểm họa từ Facebook và Blog, đúng vào ngày 2-9-2013 (không biết có ẩn ý gì không?). Chưa rõ cái hiểm họa mà PetroTimes cho rằng từ Facebook và blog là gì, nhưng cái ‘hiểm họa’, thậm chí là ‘thảm họa’ mà bài báo này gây ra cho độc giả khi nghĩ về báo chí VN chính là sự đạo văn một cách trắng trợn đến mức khủng khiếp: chép nguyên xi rất nhiều đoạn từ ít nhất là 5 bài của báo Nhân Dân (trớ trêu thay!), từ đoạn đầu tiên là lời dẫn nhập cho đến đoạn cuối cùng, không thèm ghi nguồn cũng như tên tác giả!
Mà hài hước làm sao, bài của báo PetroTimes đã ‘cực lực lên án” nạn đạo văn bằng những lời vô cùng mạnh mẽ như sau: “Xâm phạm bản quyền trở thành một bài toán hóc búa chưa có lời giải. Rất nhiều báo mạng đăng lẫn của nhau, không trích nguồn, “quên” luôn cả tên tác giả. Các sản phẩm trí tuệ trên mạng cứ như không thuộc về ai, chủ các blog gom về nhà mình như nhặt tiền rơi giữa đường, không một lời cảm ơn, không một lời hối lỗi. Họ sao chép bất hợp pháp bất cứ thứ gì trên mạng internet, nhất là các bản tin, bài báo, tranh đồ họa, các tac phẩm âm nhạc điện ảnh. Họ còn download và upload bất hộp pháp các phần mềm chương trình máy tính. Trơ tráo hơn, họ còn cắt xén, sửa chữa, làm sai lệch các tác phẩm văn học, các tác phẩm viết, tranh ảnh, đồ họa”.
Thật là trên cả sự trơ tráo, trơ trẽn mà tiếng Việt chưa biết gọi là gì!

Vì bài báo của PetroTimes đạo từ nhiều nguồn khác nhau nên TSYG xin mượn 5 màu để chỉ bài gốc. Vẫn có thể còn nguồn thứ 6, thứ 7... nữa, nhờ bà con phát hiện tiếp.
Có thể nói không ngoa một chút nào rằng: đây là một trường hợp ‘đạo văn siêu kinh điển’, hoặc nói một cách vắn tắt là ‘siêu đạo văn’! TSYG đã chụp lại toàn bộ bài báo để làm "bằng chứng", chỉ xin trình ra đây ảnh chụp đầu và cuối bài.
Nào, xin mời bà con:

HIỂM HỌA TỪ FACEBOOK VÀ BLOG

(PetroTimes) - Sự phát triển của Internet đã hình thành nên một “xã hội Internet”. Tuy nhiên, đó là một xã hội đầy khiếm khuyết, lẫn lộn giữa ảo và thật. Xã hội này được quản lý lỏng lẻo đến mức người ta có thể đàng hoàng ăn cắp thông tin trước mặt chủ nhân của thông tin đó. Vô số quan hệ giữa con người với con người trong “xã hội Internet” đã phát sinh và mâu thuẫn giữa môi trường mở và quản lý ngày càng phức tạp.
Trên Internet xuất hiện nhiều loại hình giao dịch dân sự, kinh doanh, tuyên truyền, thông tin đa dạng không khác gì xã hội bình thường. Xen lẫn cái tốt và cái hữu ích là cái xấu, cái nguy hại với đủ các kiểu lừa đảo, trộm cắp, đánh cắp email, mật khẩu, thông tin, xâm phạm đời tư, vu cáo và bịa đặt… “Xã hội Internet” khác với xã hội bên ngoài ở chỗ, hầu như các quan hệ xã hội trên mạng chưa được pháp luật điều chỉnh, mà cơ quan pháp luật chỉ vào cuộc khi đã xảy ra hậu quả liên quan đến sử dụng mạng Internet. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ này, cũng như cần có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước đối với mạng Internet.
Xã hội ảo, thiệt hại thật
Mạng xã hội và blog là hai sản phẩm được sinh ra trên nền tảng công nghệ Internet, đã gặt hái khá nhiều thành công. Quá trình phát triển của hai sản phẩm này có nhiều thay đổi so với mục đích ban đầu. Những mạng xã hội (MXH) ra đời đầu tiên vào những năm 90 của thế kỷ trước chỉ nhằm mục đích kết bạn, tạo diễn đàn trao đổi nội bộ cho các thành viên trong nhóm, không hề hoặc rất ít liên quan chính trị, kinh doanh. Tuy nhiên, ảnh hưởng và lực hấp dẫn của các MXH ngày càng lớn và nó dần dần được các đại gia tài chính, các thế lực chính trị và nhiều đối tượng khác khai thác để kiếm lợi.
Twitter là một thí dụ. Khởi điểm là một dịch vụ nhắn tin di động, đến nay, mỗi ngày MXH twitter có khoảng 600 triệu lượt người truy cập. Ðể duy trì hoạt động, MXH này đã chấp nhận các khoản đầu tư của các công ty như Digital Sky Technologies có trụ sở tại LB Nga và thực hiện các điều khoản cam kết với công ty này. Còn blog phát triển từ “nhật ký điện tử” lên thành các trang tin tổng hợp, bình luận, câu lạc bộ, một số blog còn tạo ra hình thức giao diện và nội dung không khác gì báo điện tử. Hai sản phẩm này đã góp phần mở cửa” xã hội, làm cho thông tin thông thoáng, cập nhật, đa dạng. Về góc độ tâm lý xã hội, chúng đang góp phần làm thay đổi thế giới.
Trong khi đó, những hậu quả do MXH và blog gây ra ngày càng lớn. Mới đây, dư luận Italia đã hết sức bức xúc vì sau khi một video clip về một em gái được đăng tải trên facebook, Carolina Picchio 14 tuổi đã tự tử bằng cách nhảy xuống đất từ tầng ba. Hiện tượng tự tử vì bị bôi xấu trên facebook không phải lần đầu tiên xuất hiện ở Italia. Năm 2012, một nam sinh 15 tuổi tại Rome cũng tự sát sau khi bị chỉ trích là người đồng tính trên facebook. Tương tự như vậy, là các vụ tự tử do bị xúc phạm trên Internet, như các cái chết tức tưởi của Chevonea Kendall-Bryan ở London (Anh), Amanda Cumming ở NewYork (Mỹ). Trong số nữ sinh ở Ðà Nẵng bị vu cáo, bôi nhọ, xúc phạm trên trang facebook tên là “Bộ mặt thật của các hot teen Ðà thành”, một nữ sinh đã tự tử bằng thuốc an thần nhưng may mắn được gia đình phát hiện kịp thời. Trước đó, một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội cũng tự tử bằng thuốc diệt cỏ vì bị ghép ảnh trên facebook...
Ở nước ta, không ít nghệ sĩ bị “chơi bẩn” trên MXH, mà thủ đoạn của kẻ xấu là lập trang facebook giả lấy tên của nghệ sĩ, rồi post lên đủ thứ lố lăng như ảnh ghép, comment sốc, gán cho nghệ sĩ là gái bao, đồng tính, đưa ra phát ngôn khiến người thiếu thông tin hiểu lầm đó là quan điểm của nghệ sĩ. Như gần đây trên facebook, một số người nhận được lời mời kết bạn với trang facebook của nhà thơ Hữu Thỉnh và họ đã vui vẻ nhận lời; vì không tin sao được khi giao diện của trang facebook là ảnh nhà thơ tươi cười và trụ sở Hội Nhà văn ở số 9 phố Nguyễn Ðình Chiểu. Nhưng sau khi kết bạn, mọi người mới biết đó là trang facebook giả.
Trong lĩnh vực kinh tế, phải kể tới vụ ba đối tượng tung tin bịa đặt trên mạng về việc bắt giữ lãnh đạo một ngân hàng. Dẫu chỉ là tin đồn trên blog, được MXH lưu truyền song trên thực tế đã gây ảnh hưởng rất lớn tới thị trường chứng khoán, khiến gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, tỉ giá USD liên ngân hàng đã tăng từ 20.900 VND/USD lên 21.000 VND/USD. Thiệt hại là vậy, nhưng theo pháp luật hiện hành, hành vi của các đối tượng này chỉ có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin với mức 10-20 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, một số người đã sử dụng blog để bôi nhọ, làm nhục người khác, dùng thông tin thiếu căn cứ để hạ uy tín người khác. Thậm chí có blog đưa thông tin bịa đặt về chính quyền, tình hình đất nước, tùy tiện đăng lại thông tin, hình ảnh của báo chí mà không xin phép, thậm chí xào xáo thành tài sản của mình. Có blogger chưa ý thức nghiêm túc về hậu quả của việc truyền bá tin tức sai lạc, miễn là kêu gọi được tài trợ để hoạt động. Hiện tượng bịa đặt thông tin, vu cáo, bôi nhọ, lừa đảo đang xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet.
Xâm phạm bản quyền trở thành bài toán hóc búa chưa có lời giải. Rất nhiều báo mạng đăng lẫn của nhau, không trích nguồn, “quên” luôn cả tên tác giả. Các sản phẩm trí tuệ trên mạng cứ như không thuộc về ai, chủ các blog gom về “nhà mình” như nhặt tiền rơi giữa đường, không một lời cảm ơn, không một lời hối lỗi. Họ sao chép bất hợp pháp bất cứ thứ gì trên mạng Internet, nhất là các bản tin, bài báo, tranh ảnh đồ họa, các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh. Họ download và upload bất hợp pháp các phần mềm chương trình máy tính. Trơ tráo hơn, họ còn cắt xén, sửa chữa, làm sai lệch các tác phẩm văn học, các tác phẩm viết, tranh ảnh, đồ họa.
Nhìn lại vai trò “ngòi nổ” của Internet được thúc đẩy qua các MXH trong “mùa xuân Arập” năm 2011 ở các quốc gia Bắc Phi, có thể thấy phương Tây đã sử dụng MXH như một phương thức chiến tranh tâm lý để tập hợp, kích động các lực lượng nổi dậy, đồng thời thu thập thông tin tình báo qua hệ thống điện tử một cách tinh vi. Gần đây, các MXH tấn công có chủ đích vào chuyện nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra rất nhiều phiền phức cho quốc gia này.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hết sức tức giận với sự lan truyền thông tin sai trái và gọi twitter là “mối đe dọa tồi tệ nhất đối với xã hội” vì có hàng triệu tin nhắn trên mạng này kêu gọi biểu tình chống chính phủ. Ông công khai nói trước truyền thông rằng, các thế lực nước ngoài, các nhà đầu cơ tài chính và khủng bố âm mưu lật đổ chính phủ của ông bằng cách tạo ra sự hỗn loạn trên đường phố. Những câu chuyện như vậy được thổi phồng để kích động dân chúng và gây mất ổn định xã hội. Nhưng việc đóng cửa tất cả các MXH là giải pháp không khả thi chút nào trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, nhà điều hành MXH có thể phải bắt tay với các thế lực ngầm vì lý do tài chính.
Điển hình trong các hoạt động xâm phạm quyền riêng tư chính là vụ cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ thông tin về chương trình do thám điện thoại và Internet ở Mỹ (PRISM). Với cái cớ để theo dõi các công dân nước ngoài bị nghi ngờ hoạt động khủng bố hoặc do thám, các cơ quan tình báo của Mỹ trên thực tế thu thập mọi dữ liệu mà họ cho là cần thiết. Họ có thể thu thập đầy đủ tiểu sử, hình ảnh, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, giao dịch làm ăn của các tổ chức, cá nhân. Trong phút chốc, không ít người sử dụng Internet ngỡ rằng đã tìm được thế giới riêng cho mình trên Internet, lại bỗng dưng trở thành “con tin”, bị theo dõi hoặc can thiệp đời tư mà không hề hay biết. Tự do mà nhiều người tưởng rằng có được sẽ bị tước mất, bị đánh cắp bởi những thỏa thuận ngầm giữa các công ty Internet với NSA.
Vừa qua, bằng các thủ đoạn phao tin, dựng chuyện, thổi phồng, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng Internet để bóp méo hình ảnh đất nước Việt Nam. Qua những gì được miêu tả qua những trang web hay blog của các đối tượng chống hoặc bất mãn với chế độ thì tình hình nước ta chẳng khác gì đang trong cơn nước sôi lửa bỏng, xã hội rối ren, người dân chả thiết làm ăn chỉ lo chống chế độ, đời sống nhân dân cơ cực trăm bề...! Vụ Cù Huy Hà Vũ “tuyệt thực trong tù” đã được một số trang mạng chộp lấy rồi thổi phồng quá cỡ, đến mức tất cả đều bẽ bàng khi sự thật được phanh phui. Còn trang thegioinguoiviet.net thì toàn copy các bài viết về các vụ án hình sự trên báo chí trong nước rồi kết luận “xã hội Việt Nam sắp loạn”!
Ngăn ngừa hiểm họa thế nào?
Hiện nay, rất nhiều tổ chức tình báo, các chính phủ thúc ép các công ty điều hành MXH và các doanh nghiệp điện tử phải cung cấp thông tin về khách hàng, về thói quen lướt mạng, địa chỉ IP, email, điện thoại… của người sử dụng Internet. Trong khi đó, chính sách riêng tư của nhiều trang mạng không bảo đảm an toàn cho khách hàng. Mặc dù các trang mạng đều đưa ra chính sách không tiết lộ thông tin cá nhân, nhưng thực tế có khoảng 70% trong số 90 trang mạng được khảo sát ở Mỹ đã bán thông tin do sức ép tài chính và sức ép chính trị. Ngay cả những công ty cố gắng bảo vệ khách hàng cũng không thể chắc chắn điều gì, vì chính bản thân họ cũng trở thành nạn nhân của hacker và tội phạm bất kể lúc nào.
Vấn đề riêng tư trên Internet là một nghịch lý, vì Internet được thiết kế mở cho tất cả mọi người, không phục vụ cho sự riêng tư hay an ninh. Bên cạnh đó, Internet tạo ra một sự ẩn danh hoàn hảo, hầu hết người sử dụng đều có cảm giác họ không thể bị trông thấy. Trên thực tế thì việc thâu tóm thông tin cá nhân chỉ có thể thực hiện được khi người sử dụng tự nguyện khai báo thông tin thực về bản thân. Cảnh báo về việc tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng xuất hiện khắp mọi nơi nhưng chúng thường ít được để ý. Beth Given, Giám đốc Công ty Quyền riêng tư Clearinghouse cho rằng: “Nhiều người nghĩ về quyền riêng tư nhưng không thật sự quan tâm cho đến khi có chuyện xảy ra với họ”.
Trước tình trạng vi phạm quyền riêng tư, lừa đảo, xâm phạm an ninh quốc gia trên Internet ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia đã tăng cường biện pháp quản lý nhà cung cấp dịch vụ mạng, quản lý người sử dụng Internet. Nhưng quản lý mạng xã hội và blog là công việc hết sức khó khăn về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng thường lý sự rằng, họ chỉ “xây nhà rồi cho thuê”, người ở thuê mất tài sản thì phải tự chịu chứ không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm!
Tuy nhiên Internet không phải là “ngôi nhà vật chất”, mà là “ngôi nhà tinh thần”, thông tin của các blogger, thành viên MXH có được công bố, lan truyền hay không, phụ thuộc vào việc được tạo điều kiện để thông tin lưu thông. Thử hỏi nếu những người “thuê nhà” hút hít ma túy, tàng trữ vật liệu nổ hay súng đạn trái phép thì chủ nhà có phải chịu trách nhiệm gì không hay vô can? Thiết nghĩ, không chỉ chủ website, blogger, thành viên MXH phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi xâm phạm đạo đức và pháp luật, mà nhà cung cấp dịch vụ cũng liên đới. Thử hỏi, lương tri của người có “nhà cho thuê” để đâu khi một số người Thổ Nhĩ Kỳ dùng twitter để truyền bá lời kêu gọi biểu tình, gây rối loạn và bất ổn chính trị, buộc cảnh sát phải bắt giữ 24 người theo Ðiều 210 Bộ luật Hình sự của nước này vì tội “thúc đẩy hận thù, ác cảm”? Các “chủ nhà” suy nghĩ như thế nào khi ở Bangladesh cảnh sát bắt giữ ba blogger vì bị cáo buộc phỉ báng đạo Hồi, nhà tiên tri Mohammed trên Internet, làm bùng nổ một cuộc diễu hành trên khắp nước này vì những người Hồi giáo đòi tử hình các blogger vô thần?
Theo ông Molla Nazrul Islam - Phó cảnh sát trưởng Dhaka, thì: “Các blogger đã làm tổn thương tình cảm tôn giáo của người dân khi họ viết ra những lời lẽ chống lại các tôn giáo khác, chống lại các nhà tiên tri và người sáng lập của các tôn giáo, bao gồm đấng tiên tri Mohammed”.
Nước ta có gần 40 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 35% dân số, trong đó có khoảng 15 triệu người tham gia các MXH hoặc là thành viên của MXH. Do phần lớn những người tham gia vào các MXH sở hữu máy tính cá nhân, hoặc thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại di động cao cấp (có chức năng duyệt web), họ trở thành đối tượng tác động, chào mời của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân với những mục đích khác nhau.
Các thế lực thù địch luôn nhắm vào những người sử dụng MXH để tuyên truyền, kích động; phao tin, đặt điều vu cáo các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Chúng moi móc đời tư của các đồng chí lãnh đạo, tung lên mạng thông tin giả nhằm bôi nhọ danh dự, làm mất uy tín của Đảng. Đối với một số người hạn chế về nhận thức, thông tin giả trên mạng thật sự đáng lo ngại vì nó có thể làm cho họ lung lay niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Hiện tượng nguy hiểm này gây bức xúc trong dư luận đồng thời đặt ra yêu cầu về pháp luật, đạo đức liên quan đến blog, mạng xã hội trở nên cấp thiết. Rất nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại trước rủi ro mà mạng xã hội và blog đem tới. Hiện ở Việt Nam, với một số trường hợp, việc sử dụng blog, MXH một cách tùy tiện không còn dừng lại ở phạm vi tiêu cực đối với cá nhân, mà trở thành công cụ để một số người thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội. Vì thế, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung pháp lý đối với vấn đề quản lý Internet sao cho vừa phù hợp với cam kết quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn nước ta.
Vừa qua Chính phủ đã có một bước đi khá cương quyết khi ban hành Nghị định 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Quy định này hướng tới việc chấm dứt tình trạng lấy lại tin bài trên các báo, đăng nguyên văn mà không xin phép, có khi lại sửa đổi nội dung, đưa tít giật gân câu khách của nhiều trang mạng, blog. Ðiều 5 của Nghị định này đưa ra nhiều quy định cấm như cấm gây ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh quốc gia, cấm kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… Tuy nhiên, việc thực hiện là không dễ, nhất là đối với facebook, twitter, youtube hay các blog có máy chủ ở nước ngoài.
Đối với những người viết blog, thì dù thế nào cũng không thể bán rẻ Tổ quốc và lương tâm, từ bỏ trách nhiệm với xã hội. Họ phải chịu trách nhiệm khi làm tổn hại tới danh dự người khác, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước. Nên lưu ý, theo Ðiều 121 Bộ luật Hình sự của nước ta, “tội làm nhục người khác” có thể bị phạt tù đến ba năm, và trách nhiệm xã hội của người viết blog còn được quy định trong nhiều điều luật khác có liên quan.
Nhưng trước tiên, để ngăn ngừa hiểm họa do mạng xã hội và blog có thể gây ra, thì mỗi công dân, tổ chức xã hội cần có ý thức chủ động trong khi đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật, sẵn sàng nhờ tới sự can thiệp của cơ quan pháp luật nếu bị vu cáo, xúc phạm, ăn cắp thông tin qua Internet. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm để xử lý các website, blog, ngăn chặn việc lợi dụng MXH làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng không thể vì lợi nhuận mà lơ là trách nhiệm đối với xã hội, con người. Hệ thống giáo dục nhà trường cần tổ chức các hình thức giáo dục, tuyên truyền giúp học sinh nắm bắt được tính văn hóa khi hoạt động trên Internet. Và khi pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển của Internet, các blogger, người tham gia MXH cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, phát huy tính tích cực xã hội của công dân.
Hà Hồng Hà

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"