Florence Knightingale
Gần đây, nhiều học trò Việt Nam bỗng bị ám ảnh về “kĩ năng mềm”. Nguyên cớ giản đơn: thanh niên nước ta giao tiếp kém quá!
Một giảng viên trường tôi từng tâm sự rằng cô ghen tị với đồng nghiệp
của mình ở các nước phương Tây phát triển. Cô kể: “Họ được dạy những
học trò quá hay!”. Trong những chuyến công tác Âu Mỹ, cô giáo tôi đã bị
ấn tượng mạnh bởi những thanh niên tự tin đứng trước lớp mà phát biểu
mọi quan điểm và chính kiến cá nhân của mình. Sinh viên phương Tây sẵn
sàng trao đổi thẳng thắn với giảng viên bằng ngôn từ mạch lạc, dễ hiểu
và logic. Họ sử dụng ngôn ngữ cơ thể rất tự nhiên và sinh động. Họ biết
lắng nghe khi làm việc nhóm, biết ăn nói trôi chảy trước đám đông…
Tất cả những điều hay ho ấy, nơi giới trẻ ngoại quốc, chỉ là vài kĩ
năng giao tiếp rất căn bản, tối thiểu, và quá thông thường. Nhưng với đa
số thanh niên nước mình, và với cô giáo tôi, sự bình thường này xem ra
lại đáng ngưỡng mộ và mơ ước.
Một sinh viên “kiểu Tây”, nếu tồn tại trong giảng đường Việt Nam, sẽ
bị xem như một hiện tượng phi thường hoặc quái dị. Trường học Việt chỉ
biết đến những đứa trẻ im như thóc, ghi chép như máy, và ngây như phỗng
khi đứng trước đám đông. Trong mắt họ, phát biểu chính kiến trước lớp là
một cực hình. Đặt câu hỏi với giáo viên là một sự mạo hiểm ghê gớm.
Phản bác giáo viên là một hành vi hỗn hào và cấm kị. Tất cả những việc
làm thông thường ấy – phát biểu chính kiến, nghi ngờ và phản biện – lạ
lẫm với bọn học trò nhà mình tới nỗi chúng được gán cho tầm vóc của
những sự kiện lớn, và có thể khơi dậy trong lớp học cả một làn sóng bàn
tán xôn xao. Và khi đứng trước giáo viên hoặc trước lớp – thường là vì
bị ép buộc – các học trò Việt Nam thường thể hiện thế nào? Chao ôi là
run, chao ôi là lắp bắp!
Tất cả những điều này làm cô giáo tôi, một giảng viên tiến bộ và yêu
nghề, không tránh khỏi ngán ngẩm. Cô đã vô tình mê tít những thợ săn
kiến thức trong các giảng đường Tây. Vậy thì chịu sao được những đứa trẻ
thụ động ngồi im phăng phắc mà đợi tha nhân nhồi sọ cho đến ngày tốt
nghiệp – chẳng khác bầy ngan há miệng đợi nhồi bánh đúc trước giờ xuất
chuồng? Đầu học kì, cô nhiệt thành tương tác với sinh viên; cuối học kì,
cô đọc - chép.
Đã có những nghiên cứu khẳng định rằng kĩ năng mềm quyết định 75% sự
thành đạt. Dù chưa có dịp đọc và kiểm chứng chúng, tôi cũng phải quan
ngại sâu sắc về những tật nguyền trong năng lực giao tiếp của mình nói
riêng, và của những sinh viên Việt Nam khác nói chung. Trong thực tế, sự
ngây ngô, lủng củng và tối nghĩa của những bài thi văn từng trở thành
trò cười trên báo chí vẫn nồng nặc nơi không ít luận văn tốt nghiệp Đại
học, nơi những lá đơn xin việc, và cả những email gửi khách hàng. Lũ
chúng tôi lắp bắp và thụ động trong lớp học ra sao, thì cũng lúng túng
và trì độn trước những nhà tuyển dụng đầu tiên của mình y như thế. Giờ
đây, chính những khuyết tật giao tiếp từng cản trở tiến trình học tập
của chúng tôi sẽ quay sang phá hoại mọi công việc của tập thể. Mà những
công trình trong đời mình, từ sự nghiệp cho đến hạnh phúc, có cái nào ta
tự hoàn thành được mà không cần người khác đâu!
Đâu là phương thuốc cho chứng thiểu năng giao tiếp của thanh niên
mình? Trong những năm gần đây, người ta ưa chuộng những khóa học kĩ năng
mềm ngắn ngày và những cuốn sách mỏng về thuật giao tế. Hai cách trị
liệu này đã trở thành một mốt thời thượng. Mốt này mở ra 1.740.000 kết
quả tìm kiếm trên Google, một thị trường đào tạo đắt khách, và sự thỏa
mãn ảo của không ít thanh niên. Dù sao đi nữa, đây vẫn là một phản ứng
rất đáng mừng. Tuy nhiên, chưa đủ để chữa tận gốc.
Những đợt trị liệu ngắn ngày, và chỉ dành riêng cho một số ít người,
sẽ không ăn thua với một căn bệnh dân tộc. Để chữa lành một tập thể,
chúng ta cần một phương thuốc chung, đến từ một cuộc chẩn bệnh chung.
Vì sao người Việt ta giao tiếp kém hơn hẳn người nước ngoài? Căn
nguyên của tật nguyền này thực ra không khó đoán. Trên một cơ thể sống,
những bộ phận không được dùng đến sẽ nhanh chóng bị thoái hóa hoặc tiêu
giảm. Chẳng hạn, nếu lâu ngày không đi lại, bạn sẽ bị teo chân. Các loài
cá sống dưới đáy biển sâu thường không có mắt: mắt của chúng bị tiêu
giảm, vì thị lực là vô nghĩa trong môi trường sống mà bóng tối bao trùm.
Tương tự, người Việt không biết nói là điều hiển nhiên, khi mà từ bẩm
sinh họ đã không được nói. Trong một môi trường sống bị bao trùm bởi sự
phục tùng bạo lực trong lặng câm, mọi kĩ năng tranh luận, thuyết phục,
hùng biện và tìm đồng thuận của con người chắc chắn phải bị thoái hóa
đi, vì chúng hoàn toàn vô dụng, và thậm chí còn có hại. Kết quả là trong
việc giao tiếp, chúng ta không chỉ thiếu kĩ năng, mà còn bị thiểu năng.
Người Việt Nam chưa bao giờ được mở mồm. Kể từ ngày lập nước cách đây
mấy ngàn năm, chúng ta đã chỉ chung sống với nhau trong những chế độ
độc tài, ngoại thuộc hoặc phong kiến. Đặc điểm chung của các thể chế này
là sự độc đoán trong việc ra và thực thi quyết định. Trong mọi tập thể
người Việt Nam truyền thống, kẻ mạnh áp đặt lẽ phải, rồi dùng bạo lực để
cưỡng ép kẻ yếu tuân theo. Trật tự bệnh hoạn này đã nhào nặn tâm thức
của mọi người Việt Nam từ khi mới ra đời. Trong các gia đình Việt Nam,
trẻ em ngoan là lũ cún con tuyệt đối phục tùng mọi mệnh lệnh của người
lớn. Trong các trường học Việt Nam, học trò ngoan là những con vẹt răm
rắp lặp lại những gì thầy cho là phải. Trong nước Việt, công dân tốt là
đám robot được lập trình bởi kẻ cầm quyền tối cao. Trong mọi trường hợp,
chúng ta không sống như những con người, vì không có quyền con người.
Khổng Tử dạy: “Vua bảo phải chết mà không chịu chết là bất trung, cha
bảo phải chết mà không chết là bất hiếu”. Nhưng NÓI là một năng lực đặc
biệt của CON NGƯỜI, chứ không phải của con cún con, con robot, hay con
vẹt. Chúng ta bị thiểu năng giao tiếp vì bị nuôi nhốt tự bẩm sinh.
Sinh trưởng trong cái chuồng văn hóa gò bó, em bé Việt không thể phát
triển tự nhiên như những con người bình thường. Trong các tập thể
truyền thống của xã hội Việt Nam, chúng ta ra quyết định bằng cán chổi
của cha mẹ, bằng cây thước kẻ của thầy cô, bằng dùi cui và nòng súng của
quan lớn. Mọi quyết định đều dựa trên khả năng áp đặt bằng bạo lực,
thay vì dựa trên thỏa hiệp và đồng thuận. Trong một môi trường như thế,
ta cần gì phải trao đổi, đàm phán, hùng biện, thuyết phục để đạt tới
thỏa hiệp hoặc đồng thuận với nhau? Nếu phạm thượng là một điều cấm kị,
thì chúng ta có kĩ năng đặt câu hỏi, tư duy độc lập, phản biện, tranh
luận… để làm gì? Và nếu chỉ kẻ im lặng phục tùng mới được sống sót để
vươn lên, thì sự tự tin để diễn thuyết trước đám đông có là gì, ngoài
một nguồn cơn của tội chết?
Truyền thống độc tài đã để lại dấu răng trên mọi hoạt động giao tiếp
của người Việt. Cái run rẩy của một học trò Việt khi đứng trước tập thể
lớp cũng chính là cái run rẩy muôn triệu kiếp người Việt từng bị tập thể
gia đình, làng và đất nước định đoạt hoàn toàn số phận, tước bỏ mọi
quyền tự quyết cá nhân. Chúng ta thừa hưởng từ tổ tiên vẻ khúm núm, lúng
túng và ngờ nghệch trước cơ quan công quyền. Vì quen dùng bạo lực để áp
đặt nhau, chúng ta mù văn hóa tranh luận, nhưng hay ngụy biện và chửi
bới. Vì quen đánh đồng chân lí với lời dạy của bề trên, chúng ta đánh
mất tư duy động lập, kĩ năng đặt câu hỏi và thói quen phản biện. Kĩ năng
mềm thui chột vì quyền lực cứng lên ngôi.
Toàn cầu hóa đến, húc đổ lũy tre làng. Thế giới mở ra, buộc người
Việt Nam tăng cường giao tiếp. Và chúng ta gặp rắc rối lớn vì cái lưỡi
dị tật. Vì những hạn chế trong năng lực truyền thông và tổ chức, chúng
ta thua kém trong việc khai thác con người – tài nguyên kì diệu và quan
trọng nhất của mọi đoàn thể và quốc gia. Vì quen ra quyết định bằng bạo
lực, thay vì bằng các cuộc thảo luận trong tinh thần cởi mở, bình đẳng,
ôn hòa và duy lí, chúng ta để vuột mất cơ hội canh tân đất nước và giành
độc lập trong hòa bình. Cuối cùng, thay vì đối thoại để tìm một giải
pháp chung cho quốc gia, chúng ta bẻ đôi quốc gia, rồi tàn sát nhau suốt
30 năm nội chiến. Còn kết cục nào xứng đáng hơn cho một dân tộc mà
trong mọi gia đình và ở mọi ngôi trường, người ta đều thuyết phục nhau
bằng đòn roi, thay vì bằng trò chuyện?
Giao tiếp tạo nên các cộng đồng. Giao tiếp tồi tạo nên những cộng
đồng lộn xộn và rệu rã. Hãy thử theo dõi những cuộc thảo luận chính trị
của người Việt Nam - tức những cuộc thảo luận để tìm giải pháp cho các
vấn đề của cộng đồng dân tộc Việt. Trong hầu hết các trường hợp mà tôi
từng chứng kiến, người ta đàm luận không phải để tìm đồng thuận, mà để
thể hiện bản lĩnh và phân thắng thua. Thay vì trao đổi hoài bão và ý
tưởng trên tinh thần đa nguyên, tương kính và duy lí, người ta dành hầu
hết thì giờ để nhục mạ, mạt sát nhau bằng những ngôn từ hạ cấp, rồi ngụy
biện để bảo vệ mình. Thiên hạ thảo luận chính trị để đoàn kết trên một
con đường chung, chúng ta thảo luận chính trị để chia rẽ.
Vấn đề nan giải nhất của cộng đồng người Việt Nam là họ không thể
thảo luận ôn hòa về bất cứ vấn đề nào mà họ cùng gặp phải. Chừng nào bãi
lầy giao tiếp chưa được dọn quang, chúng ta sẽ còn lún sâu trong bế
tắc.
* * *
Vậy chúng ta cần giải pháp nào? Giải pháp đầu tiên là một cách nghĩ
khác. Lâu nay, hình như chúng ta mới chỉ mường tượng rằng kĩ năng mềm là
một hành trang cá nhân con con, mà chúng ta dễ có được sau vài khóa học
ngắn ngày, để có thể thăng tiến thuận lợi hơn trong cuộc sống và sự
nghiệp. Nhưng không chỉ có thế: chúng chính là kĩ năng làm người của
chúng ta. Phải tâm niệm rằng truyền đạt và xử lí thông tin bằng ngôn ngữ
là một năng lực đặc trưng của con người, vì thế gắn liền với quyền con
người và thân phận con người của cả cá nhân lẫn dân tộc. Không phải tự
nhiên mà người ta cho rằng một trong những chất xúc tác quan trọng của
Cách mạng Pháp là các cuộc tranh luận bất tận trong các quán café Paris.
Cũng không phải tự nhiên mà Phan Chu Trinh, nhà dân chủ đầu tiên của
nước Việt Nam, cũng chính là người Việt Nam đầu tiên tổ chức diễn thuyết
trước đông đảo đồng bào. Con người là một tập hợp thông tin, một dân
tộc không được tự do phát triển năng lực truyền đạt và xử lí thông tin
sẽ không thể sống như những con người đúng nghĩa.
Từ cái nhìn này, ta nhận diện rõ những công việc cụ thể. Điều mà
người Việt cần làm trước hết là trả tự do cho nhau. Nếu bạn lo lắng cho
tiền đồ của con cái, hãy trò chuyện với chúng, thay vì áp đặt và đánh
đòn. Nếu bạn tha thiết với sự trưởng thành của học sinh, hãy ngừng áp
đặt câu trả lời, rồi dạy chúng cách đặt câu hỏi và phản bác. Nếu bạn là
một chính khách yêu nước, hãy ngừng bưng bít thông tin, và trả tự do cho
những người bị bỏ tù vì nói ra sự thật. Còn nếu bạn chưa được tự do
nói, hãy mạnh dạn nói để có tự do. Và hãy bảo vệ quyền được nói của
người khác như quyền được nói của chính mình. Hãy nói chuyện hiền hòa
như những con người với nhau, thay vì thuyết phục nhau bằng tiếng gầm và
nanh vuốt.
Tiếp đó, hãy nói với nhau, và lắng nghe nhau nhiều nhất có thể. Một
đứa trẻ chưa biết nói phải tập nói cho quen. Chúng ta cần nhiều hơn nữa
những sân chơi mở để trao đổi ý kiến trong tinh thần đa nguyên, duy lí
và ôn hòa. Vậy sao không hình thành những quảng trường Athens, hay những
quán café Musain ngay trên đất nước mình, từ không gian ảo ra không
gian thật?
Ngày nay, việc sử dụng bạo lực để áp đặt quan điểm cá nhân đang ngày
càng trở nên lố bịch và bế tắc. Công nghệ thông tin và bối cảnh xã hội
đang cho chúng ta nhiều thuận lợi hơn bao giờ hết để bắt đầu lên tiếng
và lắng nghe nhau. Chẳng bao lâu nữa, ngụy biện và chửi bới sẽ lạc lõng,
lỗi thời. Mai này, chúng sẽ chỉ tồn tại trong kí ức của chúng ta như
những phút ngọng nghịu đầu đời của một cộng đồng Việt Nam đang tập nói.
Tôi nói đến đây thôi, giờ xin nhường lời cho bạn!
-- FLORENCE KNIGHTINGALE
(Bài đăng trên Nhật Ký Yêu Nước)
(Bài đăng trên Nhật Ký Yêu Nước)