Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Khi người dân vô cảm ngay với thân phận quốc gia, đó là thảm họa

Nguyễn Quang Vinh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thế này trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua: “Dân nào mà không muốn đấu tranh phòng chống tham nhũng?! Hay là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì? Các đồng chí phải đánh giá cái này đi chứ”.
Ông đã nói đúng thực trạng.
Dân đã quá mất lòng tin vào chính quyền, khi mà nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, nhiều vụ việc trái tai gai mắt góp ý lên, trong đó, có vô cùng nhiều ý kiến của các trí thức, các bậc trưởng lão, nhưng đều rơi tõm trong cái mê hồn trận tầng tầng cấp cấp, rối như canh hẹ, nhưng đều không ai giải quyết và xử lý, hoặc nếu không né được, thì xử lý cầm chừng, xử lý chiếu lệ, xử lý bao che, xử lý " chạy án".
Đến như vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa, người ta đã đưa ra phạt hành chính như ngầm báo rằng, không có chuyện hình sự ở vụ việc này,thì đúng là lòng dân không sôi lên mới lạ.
Đến như vụ chữa cháy ở Hải Dương, quan to quan nhỏ xoen xoét lên ti vi khen nhau, tụng nhau, dối trá leo lẻo, không ngượng mồm khi mà hàng trăm hộ dân đang sống dở chết dở vì vụ cháy này thì đúng là nhân dân gọi miệng quan như trôn trẻ quả không oan.

Đến như tình hình bệnh vô cảm, lười biếng, quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh xảy ra từng giờ từng phút ở các cơ quan quản lý nhà nước, và đi đâu cũng gặp những vị công chức ngồi ườn trên ghế, hờ hững trước công việc, sổ toẹt vào cả nhân cách, đạo đức công chức, căn bệnh ngày càng trở nên trầm kha, lượng công chức vô tích sự nhan nhãn đếm cả năm không hết mà vị Bộ trưởng nội vụ vẫn có thể nói dối chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì đúng là không còn chỗ nào để bình luận thêm.
Từ cán bộ đến quan các cấp, cứ mở miệng là dối trá, là " tự sướng", chà đạp sự thật, chỉ chăm chăm vơ vét, đến mức hễ nhắc đến lãnh đạo là nhắc đến thói tham lam, như là một thuộc tính, một đặc điểm, thì đúng là kinh khủng, " người ta ăn của dân không từ một thứ gì".
Và quan cách mạng giờ như vua chúa, trụ sở như phủ chúa, xây dựng hoàng tráng, vườn hoa cây cảnh, điều hòa chạy ro ro, ngốn tiền dân cả núi, mơ mơ màng màng như kẻ say thuốc khi nhìn cuộc sống, không thể dùng chữ xa dân nữa mà đã bắt đầu quay lưng với cuộc sống nhân dân mất rồi.
Hàng ngàn, hàng chục ngàn vụ việc nhức nhối không xử lý tới nơi tới chốn, đụng vào là đụng đến cả một rừng quan hệ, móc lấy nhau, dây lấy nhau, nhằng nhịt, cho nên cũng chỉ đùng đoàng vài phát trên trời cho ra vẻ có tấn công tham nhũng tiêu cực rồi im ỉm nằm im, lại ăn, lại hô, lại hét, lại vỗ tay.
Từng mớ, từng rổ, từng đống cấp này hàm kia ở các Bộ, ngồi chơi xơi nước, lượn lờ như ong trên trời,ra luật này luật kia, ra xong bỏ đó, thực hiện hay không là việc của ai khác, của trời của đất, rồi luật chưa thực hiện đã lạc hậu, đã sửa, đã thay, những phát biểu của các vị Thường vụ Quốc hội nghe nghẹn trong cổ, chán ngán, bó tay, bất lực trước một rừng quan chức, công chức không biết làm việc vì ai, cho ai...
Không góp ý, không phản biện, không chê trách thì được khen, góp ý, phản biện, chê trách thì bị nâng lên đặt xuống, thậm chí bị trả thù, hậm hà hậm hực, rồi bị quy kết, làm thế thì người dân dần sẽ vô cảm với thân phận quốc gia, không góp nữa, không màng phê phán nữa, không màng quan tâm nữa, thế thì thảm họa sẽ tới thôi.
Một đất nước dày đặc luật,nghị quyết, chỉ thị, nghị định nhưng rồi cũng bó tay trước những thằng ăn cắp, tham nhũng thì đã tới lúc cần phải hú còi báo động cấp cứu rồi.
Và ai cứu? Lại nhân dân thôi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"