Phạm Chí Dũng
Tỷ phú hay hóa rồng?
Gần như ngay sau vụ giám đốc doanh nghiệp nhà Vĩnh Hưng bị bắt giữ ở
Hà Nội, một trong những đầu tàu bất động sản của Việt Nam là ông Đoàn
Nguyên Đức lại khoét thêm một lát cắt vào vết thương hoại tử đang ngoác
rộng của thị trường địa ốc quốc gia này, với việc lần đầu tiên thừa nhận
công khai về Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ “say goodbye” miền đất đã
từng làm nhiều đại gia được ních chặt túi.
Báo chí Việt một lần nữa có được đề tài để bàn luận, lồng trong
không khí rệu rã của thị trường bất động sản thời suy thoái. Tuy thế,
ngay cả tiếng nói của những nhà báo vụ lợi nhất cũng như buồn thảm:
trước đó, người ta đã viết và PR quá nhiều, quá đậm cho sự hồi phục của
thị trường, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu khả quan nào
cho chế độ tiêu thụ căn hộ tồn kho.
Chế độ chính sách đặc thù và đặc lợi dành cho nhóm lợi ích bất động
sản và các ngân hàng đang ôm hàng tồn kho căn hộ cũng vì thế đang trở
nên vơi cạn ý nghĩa thiết thân về quyền lực và chỗ đứng trong lòng người
tiêu dùng.
Giờ đây, người được giới cuồng nhiệt bóng đá quen gọi là bầu Đức lại
chuyển sang tìm kiếm một hứa hẹn nào đó ở miền đất dân chủ còn phôi
thai là Myanmar. Có vẻ bỏ mặc các khoản nợ chồng chất bị đóng kín trong
sổ sách kế toán ở những ngân hàng ruột rà như BIDV, Vietcombank,
Sacombank, ông Đoàn Nguyên Đức chính thức bị dư luận xã hội xem là “bỏ
của chạy lấy người”.
Thực tồn mà Hoàng Anh Gia Lai phải đối diện đang khác xa hai năm
trước – vào lúc bầu Đức còn hăng hái đưa ra tuyên bố chậm nhất đến năm
2014 sẽ trở thành tỷ phú đô la, hay các chính khách vẫn mơ muộn nhất đến
năm 2015 Việt Nam sẽ “hóa rồng”.
2014?
Mới cuối năm 2012, người đứng đầu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai còn
tỏ ra lạc quan về triển vọng của các dự án cao su và thủy điện. Nhưng
đến giữa năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai đột ngột tuyên bố sẽ không còn quá
tập trung vào các dự án thủy điện nữa, bán một phần và chỉ giữ lại phần
nhỏ hơn… Thậm chí, Hoàng Anh Gia Lai còn dự kiến “hy sinh” những dự án
thủy điện mà theo đúng kế hoạch, năm nay bắt đầu hái quả.
Tất nhiên, lời giải thích của ông Đoàn Nguyên Đức luôn có vẻ hợp lý,
nhất là trong bối cảnh Hoàng Anh Gia Lai đang cần tập trung nguồn lực
vốn liếng cho các công trình bất động sản có tiềm năng hơn hẳn ở
Myanmar.
Song khác hẳn với bối cảnh cuối năm 2011 và nửa đầu năm 2012, con số
nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai cho tới giờ phút này đã vượt trên 21.000
tỷ đồng, nằm ngoài dự báo của nhiều chuyên gia và tất nhiên cũng cao hơn
cả con số khoảng 16.000 tỷ đồng nợ vay do chính Hoàng Anh Gia Lai công
bố vào năm 2012.
Đó cũng là bối cảnh mà nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích
bắt làm con tin với hơn 500.000 tỷ đồng nợ xấu và nợ công quốc gia chiếm
đến hàng trăm phần trăm GDP.
Những xáo trộn kinh khủng của thị trường bất động sản trong vài năm
qua đã làm không biết bao nhiêu nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp mất ăn
mất ngủ, để đến nỗi nguyện ước lớn nhất của nhiều đại gia hiện thời là
mong một buổi sáng thức giấc không còn nợ nần. Đó cũng là lý do để tập
đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức không phải là ngoại lệ của nhóm Sông Đà
Thăng Long, Phát Đạt hay Vinaconex, khi cũng phải đối mặt với một cơn
khủng hoảng toàn diện về tồn kho căn hộ trung cấp và cao cấp có thể xảy
đến ngay vào năm 2014.
Hoàng Anh Gia Lai rõ ràng không còn được lợi thế như những năm
trước, dù có thể chưa nằm trong thế suy kiệt như những người khác. Cũng
không còn cái thế khuynh đảo thị trường đất nền và căn hộ. Ngay cả cú
bán phá giá căn hộ được ông Đức tung ra vào cuối năm 2012 cũng không làm
cho tình hình của tập đoàn này được cải thiện hơn.
2013 lại tiếp nối năm ngoái bằng một đợt cáo buộc của một trong
những tổ chức phi chính phủ mạnh nhất thế giới – Global Witness. Những
dự án trồng cao su chưa kịp thu hoạch của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào và đặc
biệt ở Campuchia đã bị lên án sâu sắc về cách thức đối xử với môi
trường và nông dân bản địa của tập đoàn này.
Chưa bao giờ trong lịch sử hoạt động của mình, Tập đoàn Hoàng Anh
Gia Lai lại vướng phải sự cáo buộc nghiêm trọng đến thế từ một tổ chức
phi chính phủ. Hiển nhiên, uy tín của tập đoàn này đã bị sứt mẻ rất
nghiêm trọng trên thương trường quốc tế sau chuỗi bị hạ uy tín trong
quan hệ buôn bán ở trong nước. Trong tình cảnh như thế, rất nhiều người
đã phải ngỡ ngàng khi nghe nói bầu Đức “vẫn ngủ ngon trên đống nợ”.
Cú choàng giấc với còng 88 của giám đốc Công ty bất động sản Vĩnh
Hưng vừa qua cũng làm dấy lên cơn ác mộng về hàng loạt đại gia khác có
thể “nhập kho” trong thời gian còn lại của năm 2013.
Giờ đây, tương lai của Hoàng Anh Gia Lai sẽ và chỉ có thể được quyết
định bởi chính họ. Giờ đây, tất cả những nguyện ước về tỷ phú đô la hay
hình ảnh vươn ra thế giới chắc chắn đã phải tạm dừng. Tất cả còn phải
tập trung vào bài toán giải quyết nợ nần và làm sao thoát khỏi cái thị
trường bất động sản và hậu trường kinh doanh – chính trị khủng khiếp này
càng sớm càng tốt.
“Minsky” chính giới?
Một phương trình với quá nhiều ẩn số đang công khai thách thức giới
điều hành đầy dụng ý cùng các nhóm lợi ích và tài phiệt ở Việt Nam.
Muốn giải quyết nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản nói riêng
thì phải xử lý tồn kho nói chung và tồn kho bất động sản nói riêng; muốn
xử lý tồn kho bất động sản lại phải làm tăng tổng cầu và niềm tin tiêu
dùng cho nền kinh tế. Nhưng ai cũng biết rằng muốn tăng tổng cầu kinh tế
thì phải bơm tiền, trong khi nguồn tiền đang có dấu hiệu cạn kiệt do bị
tồn kho và không giải quyết được nợ xấu. Chưa tính tới yếu tố bơm tiền
hoàn toàn có thể sinh ra lạm phát…
Đây chính là một cái vòng luẩn quẩn mà sẽ dẫn tới “thời điểm Minsky”
– tức thời điểm nền kinh tế phải chịu cảnh đổ vỡ dây chuyền, bắt đầu từ
khối doanh nghiệp con nợ và ngân hàng chủ nợ không thu hồi được các món
nợ, dẫn tới khả năng sụp đổ kinh tế.
Nhiều khả năng triển vọng giải quyết tồn kho bất động sản sẽ rất
chậm và phải kéo dài ít nhất 4-5 năm. Nhưng ngay trong ngắn hạn năm 2013
và năm 2014, tình trạng nợ khó đòi từ các doanh nghiệp bất động sản lại
luôn có thể tạo nên sang chấn bùng vỡ cho giới ngân hàng chủ nợ, mà có
thể kéo theo một làn sóng sụp đổ dây chuyền giữa một số ngân hàng lớn.
Nếu không thể giải quyết núi tồn kho bất động sản vào thời hạn
“Minsky” giữa năm 2014, hoặc chậm lắm đến cuối năm đó, rất nhiều khả
năng nợ xấu bất động sản sẽ làm bùng vỡ nợ xấu quốc gia và đẩy các ngân
hàng vào thế tồn vong. Thế tồn vong đó cũng có thể gây tác động tiêu cực
không nhỏ đến chân đứng của một nền chính trị vốn đang chịu nhiều xáo
động và có thể cả manh động.
Với tất cả những bất cập và bất bình đẳng ghê gớm tích tụ trong suốt
hai chục năm qua, bất động sản hoàn toàn có đủ tư cách để làm lộn nhào
cái nôi của một nền kinh tế thị trường không rõ định hướng nào hết.
Nếu không tự xử lý được phương trình bất động sản với quá nhiều ẩn
số, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng rơi vào một cơn khủng
hoảng mới còn ghê gớm hơn cả khủng hoảng 2008 và đợt suy thoái kéo dài
suốt ba năm qua. Khủng hoảng kinh tế lại rất dễ dẫn đến khủng hoảng xã
hội – một phạm trù vốn đã tiềm ẩn nhiều mầm mống được thể hiện trên
nhiều đường phố.
Ai cũng biết khủng hoảng xã hội một khi đã kết tủa và cộng hưởng với
khủng hoảng kinh tế thì hoàn toàn có đủ tư cách để tạo nên một xung
chấn chính trị đủ mạnh, có thể làm thay đổi cả một chế độ cùng bản chất
tưởng như không thể đổi thay của nó.
Theo quy luật song trùng giữa kinh tế và chính trị, thời điểm Minsky
đáo hạn để thanh toán các khoản nợ tài chính cũng có thể là thời khắc
chuyển từ lời giục nợ thành hành vi siết nợ đối với chính giới điều hành
ở Việt Nam.
Thời khắc ấy đang đến gần, rất gần…
P.C.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN