Trà Giang
Khu Liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ Việt Nam – Singgapore (VSIP) thứ
năm được khởi công trang trọng, hoành tráng và đấy xúc cảm tại xã Tịnh
Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vào giờ hoàng đạo Bính Ngọ, ngày
Nhâm Ngọ, tháng Tân Dậu, năm Quí Tỵ, tức Thứ sáu, 13/9/2013.
Công trình đầu tư được nhà nước Việt Nam, trung ương cũng như địa
phương, xem là biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị truyền thống và bền
vững Việt Nam – Singapore. Tỉnh Quảng Ngãi cũng thêm vào đó vài cái nhất
để bù lại cho thứ tự 5 so với cả nước: đầu tiên ở miền trung; giải
phóng mặt bằng nhanh nhất; và thêm, có Thủ tướng 2 nước dự khởi công.
Những cái nhất đó sẽ được tính vào công trạng của những người trực tiếp
chỉ đạo, vận động và xúc tiến đầu tư để chuẩn bị cho những tiền đồ toan
tính khác.
Nhìn khuôn mặt rạng ngời, tươi cười của các vị lãnh đạo tỉnh khi chào
đón, trao hoa cho ông Lý Hiển Long, trùm sò của nhà nước tư bản tài
phiệt quốc đảo Singapore, tôi bỗng nhớ lại sự tươi cười của người dân
Quảng Ngãi khi được chính quyền Việt Minh huy động ra dọc đường thiên lý
để chào đón Phái bộ Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật phía nam vĩ tuyến
16 năm 1945, tươi cười có chuẩn bị để chào đón một số đồng bào miền Bắc
di cư năm 1954, tươi cười của trẻ em nhận kẹo của lính Mỹ và người dân
nhận thùng dầu ăn có in hình biểu tượng bắt tay của Hội Việt - Mỹ những
năm 60 của thế kỷ trước trên Tạp chí ảnh “Thế giới tự do” của VNTTX và
Tạp chí Life, tươi cười có tổ chức chào đón Phái đoàn kiểm soát đình
chiến 4 bên của Liên Hiệp Quốc sau hiệp định Paris 1973...
Đúng là sự kiện bước ngoặt, vô tiền khoáng hậu ở cái tỉnh lẻ này. Với
nguồn vốn dồi dào và rất có trách nhiệm khi triển khai dự án, nhà đầu
tư sẽ sớm tạo ra ở đây những tiền đề để tỉnh Quảng Ngãi cất cánh, cơ bản
trở thành tỉnh công nghiệp năm 2020.
Không vui, tươi cười sao được khi giấc mơ truyền kiếp của người dân
vùng lúa gieo, quanh năm thiếu nước một thời “đóng nhanh lúa tốt càng
mau thắng thù” của phía bắc đông bắc Quảng Ngãi này.
Qua chiến tranh, hòa bình trở lại, họ thực hiện công cuộc làm cho
“Núi Ấn sông Trà nở hoa” bằng cách theo đảng làm ăn hợp tác, song càng
cố càng đói nghèo. Những năm 1976 - 80, nhiều người dân của nơi ấy chỉ
biết lấy bao đựng cát làm công sự của lính Nam Hàn làm quần áo lao động.
Phần lớn cư dân phiêu dạt vào kiếm ăn ở Sài Gòn, đi kinh tế mới, vất vơ
như một lũ ma đói.
Bây giờ với sự kiện ấy, giấc mơ được chắp lại, một cơ hội lên thiên
đàng khác được tái khởi động với sự kiên quyết đầu tư của nhà tư bản
ngoại quốc giẫy chết tại đất nước của họ nhưng lại sẵn lòng vô tư giúp
nước ta xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhân sư kiện ấy, tờ báo đầy sức chiến đấu của tỉnh phỏng vấn nhiều
nông dân trẻ của xã Tịnh Phong. Tất cả đều tươi cười và đồng loạt trả
lời rằng “ra đi trong hân hoan”. Xin cảm ơn sự đồng thuận vốn dĩ, bản
chất của nông dân, sự hào phóng có tính chất xã hội chủ nghĩa của các
ông tư bản Singapore, cảm ơn sự nỗ lực không chùn bước của các vị lãnh
đạo tỉnh.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc mấy ông tư bản, trong qui hoạch của VSIP
Quảng Ngãi, cần dành phần cho mấy huyệt mộ, phòng 49 năm nữa, khi hết
hạn thuê đất, Việt Nam đã tiến lên chủ nghĩa xã hội, các ông phải tự
chôn mình ngay tại mảnh đất đã có lời thề chủ nghĩa cộng sản cuối cùng
của trái đất này.