Nguyễn Công Bằng
Theo tinh thần bản ‘Tuyên ngôn về Quyền của các Dân tộc Bản địa’ do
Liên Hiệp Quốc vận động thành hình và đã được 150 quốc gia (kể cả Việt
Nam) chấp thuận, thì nước ta phải có ít nhất là 30 dân tộc bản địa. Qua
lăng kính nhân bản, đây là một thực tế lịch sử và chính trị không thể
nào nhìn khác hơn. Và do đó, vấn đề hiện nay không còn là « Việt Nam có
Dân tộc Bản địa hay không? » mà là Chính phủ Việt Nam phải công nhận sự
hiện hữu của các dân tộc bản địa và cần có chính sách tương đồng với
khuynh hướng chung của cộng đồng thế giới tiến bộ.
Với thực tế có 54 dân tộc đã và đang sống trên lãnh thổ từ Bắc chí
Nam, Việt Nam mặc nhiên là một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa. Dù
người Kinh chiếm đa số (86%) dân số song cộng đồng các dân tộc bản địa
vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng, vì lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã
có công lao khai phá, phát triển của nhiều thế hệ dân tộc bản địa. Hơn
nữa, Việt Nam sẽ không thể có hòa bình thực sự nếu như chính phủ không
nhìn nhận nguồn gốc các dân tộc bản địa, đặc biệt là là tập thể người
Tây Nguyên, người Champa và người Khmer-Krom. Các chính sách kỳ thị,
ngược đãi chỉ gây ra thêm nhiều mâu thuẫn nguy hại, làm mất uy tín quốc
gia và gây cản trở cho tiến trình hòa đồng dân tộc. Vai trò của các cộng
đồng người thiểu số cũng có ý nghĩa tương tự.
Rượu cần- Nét văn hóa của dân tộc thiểu số.
Rượu cần- Nét văn hóa của dân tộc thiểu số.
Rượu cần- Nét văn hóa
của dân tộc thiểu số.
của dân tộc thiểu số.
Từ nhận thức đó, ý nghĩa của cụm từ « Dân tộc Việt Nam » cần phải
được hiểu một cách rộng rãi như là sự hoà hợp giữa người Kinh cùng các
dân tộc bản địa và sắc tộc thiểu số, chứ không phải chỉ là tập thể người
Kinh thuần túy. Một khi quan niệm Dân Tộc Mới được nhìn nhận, tất cả
công dân Việt Nam đều là một thành phần chính thức của Dân tộc Việt Nam —
không phân biệt sắc tộc. Có thể nói, ý niệm sắc tộc Kinh, sắc tộc bản
địa hay sắc tộc thiểu số chỉ là những từ ngữ nhằm xác định nguồn gốc
chủng tộc cho những lãnh vực nghiên cứu chuyên môn, chứ không phải là
tiêu chuẩn để phân định giai cấp xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế hay
bất cứ quyền lợi nào khác.
Việt Nam là một dạng hợp chủng quốc và đa số người Việt ngày nay là
con cháu bao đời của nhiều dòng máu sắc tộc khác nhau. Chữ « Đồng Bào »
ngày nay không còn ý nghĩa hạn hẹp của những người cùng một « bọc mẹ
trăm con » như truyền thuyết, mà là những thế hệ con người đã cùng chia
sẻ vinh nhục, thăng trầm, vui khổ trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.
Nhìn nhận được ý nghĩa này thì tất cả chúng ta — không phân biệt người
Kinh, người bản địa hay thiểu số — sẽ có thể cảm thông, gắn bó với nhau.
Từ đó, những va chạm trong lịch sử sẽ được nhìn một cách trung thực,
khách quan hơn; bởi lẽ những đau thương của lịch sử không phải chỉ có
các dân tộc bản địa gánh chịu, mà người Kinh cũng đã có vô số tổn hại to
lớn bởi chuỗi chiến tranh gây ra bởi các dân tộc bản địa, và nội chiến
giữa người Kinh. Nói cách khác, lịch sử đau thương không phải chỉ là sự
mâu thuẫn, đàn áp của người Kinh với các dân tộc bản địa, mà còn là giữa
người Kinh với người Kinh, và giữa các dân tộc bản địa với nhau.
Hoàn cảnh lịch sử luôn oái oăm và tàn nhẫn trong những giai đoạn có
nhiều nghịch cảnh. Nhưng lịch sử là những gì đã qua để chúng ta học hỏi
và rút tỉa kinh nghiệm để làm tốt hơn hiện tại và quá khứ. Vấn đề bây
giờ là nhìn lại quá khứ với tinh thần nào, giải quyết khó khăn của hiện
tại ra sao, và tiến đến tương lai với định hướng gì.
Có phải chăng một trong những điều kiện để phát triển bình đẳng và
nhanh chóng trong thời đại hôm nay là cùng hòa đồng trong tinh thần cảm
thông, tương kính và xây dựng? Tấm gương « melting pot » của Hiệp chủng
quốc Hoa kỳ là một ví dụ điển hình nhất, vì ở nước này, mọi sắc tộc
thiểu số và dân da đỏ bản địa đều được quyền bảo tồn lịch sử và văn hoá
gốc của họ, song đồng thời cũng được chính phủ khuyến khích để hội nhập
một cách bình đẳng vào dòng chính. Nhờ tinh thần đó, Hoa kỳ trở thành
một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần hòa đồng các dân tộc.
Cho nên chính phủ Việt Nam, dù là với chế độ chính trị nào, cũng đều
cần có chính sách phù hợp với nguyện vọng chung của các dân tộc bản địa,
tương tự như chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đối với các bộ lạc người
Da Đỏ. Sự tôn trọng đó là chủ trương cần có để hóa giải dần đi những
cách biệt, mâu thuẫn do hoàn cảnh lịch sử gây ra; đồng thời giúp giữ
vững các sắc thái đặc thù của từng sắc tộc, làm phong phú thêm cho lịch
sử, văn hoá nước nhà.
Để thể hiện tính nhân bản và văn minh, chính phủ Việt Nam cần có
chính sách trợ giúp đặc biệt cho các tập thể đồng bào bản địa và thiểu
số để xây dựng sự bình đẳng cần có cho xã hội. Muốn có hòa bình thực sự
để mọi sắc tộc đều có thể sống một cách hài hòa, tương kính lẫn nhau,
thì mọi hành động kỳ thị hay ngược đãi đồng bào các dân tộc bản địa và
sắc tộc thiểu số cần phải được chấm dứt ngay. Trong tinh thần đó, Đảng
Vì Dân Việt Nam khẳng định chủ trương tôn trọng nguồn gốc, lịch sử, văn
hóa và nguyện vọng chính đáng của các tập thể đồng bào dân tộc bản địa
cũng như sắc tộc thiểu số; đồng thời ủng hộ quyền tự quyết và tự quản
của các tập thể đồng bào dân tộc bản địa trong khuôn khổ Hiến pháp dân
chủ và luật pháp quốc gia ở mai này.
Tóm lại, khi thực tế lịch sử ghi nhận lãnh thổ, dân tộc, lịch sử và
văn hóa Việt Nam ngày nay có sự đóng góp không nhỏ từ các dân tộc bản
địa, thì việc chính phủ công nhận nguồn gốc các dân tộc bản địa là một
vấn đề chính đáng và khẩn thiết. Tạo được sự hòa đồng dân tộc là xây
dựng được một nền tảng vững chắc cho Hợp chủng quốc Việt Nam – một tương
lai tươi sáng chung cho tất cả người Việt Nam mới.
Viết ngày 14 tháng 09 năm 2013
Nhân cuộc ‘Hội Luận về Các Dân Tộc Bản Địa Việt Nam’ tại California
Nhân cuộc ‘Hội Luận về Các Dân Tộc Bản Địa Việt Nam’ tại California
Nguyễn Công Bằng
——————————————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Declaration on the Rights of Indigenous Peoples: http://undesadspd.org/IndigenousPeoples/DeclarationontheRightsofIndigenousPeoples.aspx
(2) United Nations Declarationon the Rights of Indigenous Peoples:
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Declaration on the Rights of Indigenous Peoples: http://undesadspd.org/IndigenousPeoples/DeclarationontheRightsofIndigenousPeoples.aspx
(2) United Nations Declarationon the Rights of Indigenous Peoples: