Hữu Quả (Nhà báo đã nghỉ hưu)
Ngày 19/09/2013, ông Nguyễn Lân Dũng, cựu ĐBQH, đương kim Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học – giáo dục, trực thuộc
UBTƯMTTQ Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn
đài BBC. Nội dung phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, tuy ngắn gọn, nhưng dư
luận cảm thấy băn khoăn ở một số khía cạnh, lời lẽ mà ông Dũng nêu ra.
Sau đây, tôi xin dẫn chứng và phân tích một số nội dung mà dư luận còn
băn khoăn.
Điều đầu tiên, ông Nguyễn Lân Dũng cho
rằng, không nên sốt ruột quá, với việc chống tham nhũng. Mới nghe ông
nói vậy, tôi tưởng như ông từ một “hành tinh khác”, vừa mới đến Việt
Nam. Sao lại không sốt ruột cho được, nó là “giặc nội xâm”, đã và đang
từng ngày từng giờ, đục khoét nội lực quốc gia. Ví như đàn mối, nếu nó
đã đục được và trong thân cây rồi, thì cần có ngay biện pháp cấp bách để
loại bỏ nó ra, nếu như không muốn nhìn thấy cảnh, toàn thân cây bị
ruỗng nát và “sụp đổ!”.
Vấn đề chống tham nhũng đâu phải là
chuyện mới; nó đã trải qua hàng thập niên rồi, nhưng hiệu quả đem lại
đến đâu thì ai cũng biết, huống gì ông là người có vị trí, vai vế? Vì
vậy, việc sốt ruột là lẽ đương nhiên, bình chân như vại mới là điều lạ,
sao ông lại phải trấn an dư luận, bằng câu nói nửa vời như vậy? Ông còn
cẩn thận nhắc, đây là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp nên không thể sốt
ruột được. Trình độ dân trí nước ta bây giờ, ai mà chẳng hiểu được tính
chất phức tạp của cuộc đấu tranh như điều ông nói. Trong bài trả lời
phỏng vấn này, ông thích nhắc vai trò quan trọng của BCT trong chỉ đạo
chống tham nhũng; tiện thể tôi nêu sự việc gần đây, ông TBT và BCT đã
quyết định thành lập bảy đoàn cấp cao, đi kiểm tra các cơ quan trọng yếu
chống tham nhũng (tức thanh kiểm tra chồng lên thanh kiểm tra), nhằm
tìm hiểu và lý giải xem, vì sao đấu tranh chống tham nhũng không đưa lại
hiệu quả như mong muốn?! Qua việc này, có phải biểu hiện rõ, từ cơ quan
lãnh đạo cấp cao nhất, cho đến từng người dân, đều sốt ruột với cuộc
đấu tranh chống tham nhũng, như đang có “sức ì”, đó sao? Chắc ông là
người biết rõ và có thể lý giải về “sức ì” của cuộc chống tham nhũng
này, mà nguyên nhân sâu xa vì đâu?! Với tư cách là một nhà khoa học, và
hiện nay có vai trò phản biện, đáng lẽ ông nên thẳng thắn tham gia góp ý
kiến với cơ quan lãnh đạo đảng và nhà nước, để ngõ hầu tìm ra bài thuốc
hiệu nghiệm, chữa căn bệnh này cho đất nước, cho dân tộc nhờ; ông lại
làm cái việc của cơ quan tư tưởng, chấn an dư luận – “không sốt ruột”.
Điều thứ hai ông nói, ông rất tin tưởng,
“tin tưởng lắm” (ngoặc kép do BBC đặt), vì đảng đã có chủ trương và biện
pháp chống tham nhũng quyết liệt. Chẳng dẫn chứng đâu xa, cứ hàng ngày
bật ti-vi lên, toàn dân cũng được no nê từ “quyết liệt”, “quyết liệt”,
mà ông tâm đắc rồi sao? Có niềm tin là tốt, tuy nhiên, ở cương vị ông là
một nhà khoa học, để có được niềm tin, chắc ông phải phân tích cơ sở
của niềm tin đó chứ? Như ông nói, đảng đã có chủ trương và biện pháp
quyết liệt chống tham nhũng, nên ông “rất tin!”. Như vậy là, phải chăng
ông tin ngay từ khi mới có chủ trương. Còn đại đa số người dân thì không
dễ tin như ông, bởi qua trải nghiệm thực tế, lòng tin của họ đã bị
nhiều lần thử thách. Chẳng lẽ hàng thập kỷ đã qua, đảng chưa có chủ
trương và biện pháp quyết liệt chống tham nhũng đó sao?! Hay chủ trương
nghị quyết đã quá “bão hòa”; còn kết quả thực tế thu được thì quá nhỏ
nhoi?! Dư luận đặt câu hỏi, liệu chỉ lấy giá trị vật chất qua chống tham
nhũng thu hồi về được, có đủ bù đắp cho mọi chi phí tốn kém vô cùng lớn
của cuộc đấu tranh này, hay không? Hay ngân sách tiếp tục chịu thiệt
đơn thiệt kép? Đến đây, tôi có thể nghi ngờ điều ông nói là, ông rất tin
tưởng, “tin tưởng lắm” đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước
ta. Mong niềm tin của ông có cơ sở, để nước ta được gặp “hồng phúc”; nạn
“giặc nội xâm” sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi; dân tộc ta sẽ “thoát họa,
phúc lai”; bạn bè quốc tế chắc sẽ mừng cho Việt Nam. Còn tôi, nếu có tin
và lạc quan, thì cũng lạc quan “dè dặt”, tùy theo thực tế của sự vận
động và phát triển, chứ không “tin tưởng lắm”, như ông.
Điều băn khoăn thứ ba của dư luận, khi
nghe ông Nguyễn Lân Dũng nói, “chỉ cần kê khai tài sản”, như ban Nội
chính Trung ương đề ra, là “mọi việc sẽ được làm sáng tỏ”; và việc chống
tham nhũng sẽ có hiệu quả. Theo ông Dũng “không thể nào dấu được tài
sản”; “tham nhũng thì không cất tiền đi đâu được, mà phải biến thành tài
sản”. Theo niềm tin của ông Dũng, tôi hiểu rằng, việc kê khai tài sản
như là một “bảo bối”, một “thanh bảo kiếm”, để đấu tranh chống tham
nhũng có hiệu quả, vậy. Như ông Dũng đã biết, chủ trương kê khai tài sản
của đảng và nhà nước đã có từ mấy năm nay, đâu phải bây giờ mới có.
Nhiều nước trên thế giới đã làm từ lâu lắm rồi; nhưng họ gắn việc kê
khai tài sản, với việc kiểm soát hành vi tham nhũng có hiệu quả thiết
thực. Phần lớn các nước này có hệ thống hiến pháp và pháp luật tiến bộ,
theo mô hình tam quyền phân lập, nên hạn chế quyền lực, tránh được độc
tài, độc đoán, nên phát huy được hiệu quả kiểm soát quyền lực như hình
thức kê khai tài sản nói trên. Còn nước ta chỉ làm hình thức, nên chưa
có hiệu quả trong việc phát huy tác dụng chống tham nhũng được. Nghe ông
trả lời phỏng vấn của đài BBC, hơi quá lạc quan, nếu như không muốn nói
là quá giản đơn, về cuộc đấu tranh đầy cam go với nạn “giặc nội xâm”
này, tôi có cảm giác buồn! Buồn bởi, những nhà thông thái của đất nước,
mà chưa có cái nhìn nhận thật sâu vào bản chất của sự việc, để góp phần
lý giải, tháo gỡ ách tắc, “sức ì” của cuộc đấu tranh này.
Điều băn khoăn thứ tư của dư luận, khi
ông Nguyễn Lân Dũng trả lời câu hỏi của phóng viên đài BBC là, có hay
không, sự can thiệp trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng? Ông
Dũng đã trả lời dứt khoát, đầy tự tin, rằng: “không hề!”. Một lần nữa,
tôi không khỏi ngạc nhiên; vừa nghe bằng tai, vừa đọc lại cả bằng mắt,
thì đúng là ông có nói “không hề”; tôi lấy làm ái ngại cho cách trả lời
của ông. Ông khẳng định một điều mà không đúng sự thật của tình hình
thực tế, không chỉ làm ảnh hưởng uy tín của riêng cá nhân ông; mà còn
làm bạn bè quốc tế nghi ngờ Việt Nam nói dối. Trong tình hình công nghệ
internet phủ sóng rộng khắp; xu hướng toàn cầu hóa và minh bạch hóa,
người ta cần cung cấp cho nhau thông tin chính xác để hợp tác làm ăn và
cùng phát triển tiến bộ. Nếu nước nào chậm chân nắm bắt và tận dụng cơ
hội này, sẽ bị loại ra khỏi “sân chơi”, bị nhân loại tiến bộ đào thải.
Tôi lại nghĩ, hay là vì ông trả lời báo chí nước ngoài, nên thận trọng,
sợ không khéo bị “thế lực thù địch”, lợi dụng chăng? Còn đối với dư luận
trong nước, ông có dám khẳng định và trả lời dứt khoát là “không hề” có
chuyện can thiệp trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, không?
Ông trả lời dứt khoát là “không hề”, do ông “thiếu thông tin”, hay do
“thừa niềm tin”?! Nếu nói ông thiếu thông tin, thì khó mà nghe lọt được
cái lỗ tai. Bởi ông đã từng là ĐBQH mấy khóa liền, ông có quyền đi sâu
tìm hiểu vấn đề này, vì trách nhiệm trước cử tri; là chuyện dễ ợt, đối
với ông. Một thực trạng đáng buồn, làm nhức nhói dư luận nhiều năm qua
mà ai cũng biết là, nhiều vụ án tham nhũng, trong quá trình điều tra,
đến truy tố, xét xử, đã có sự “can thiệp ngầm”, chắc không phải là “thế
lực thù địch” rồi; mà những kẻ có “quyền” và có “tiền”, thao túng, lũng
đoạn, mà ta gọi là “chạy án”. Chẳng lẽ tệ nạn chạy án, có thể nghe được
từ các cơ quan công sở, đến các quán nước bên đường, bá tánh đều nghe
được, đều biết thực trạng này, chẳng lẽ ông không nghe, không biết, thực
sao? Có thể ông cho rằng, đó là những phao tin đồn nhảm, không thể tin,
không phải nguồn thông tin chính thống. Điều ông tin, có lẽ khi nào
chính mắt ông được đọc các văn bản chính thức, có đóng dấu đỏ hẳn hoi?!
Thôi, cái chuyện ông có tin hay không, tin ai, tin nhiều hay ít, bao
nhiêu phần trăm, … đó là quyền của ông. Tôi chỉ khẳng định một điều,
tình trạng “can thiệp ngầm” vào các vụ án trong quá trình điều tra tham
nhũng, là có thật! Đây là một lực lượng, một thế lực “cực mạnh”, “siêu
mạnh”, có khả năng làm khuynh đảo cuộc đấu tranh; chúng “thò bàn tay tội
lỗi” vào đâu, là y như các vụ án bị “biến dạng”, thay đổi “bản chất”
các vụ án, như có phép thuật của phù thủy. Từ là trọng án, thành án
thường; từ hình sự, thành hành chính; các tình tiết tội phạm được đẽo
gọt, cắt bỏ, được kéo dài thời gian, “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Những
“thế lực” đứng đằng sau “giặc nội xâm”, chúng xứng đáng bị nhân dân phỉ
nhổ và có thể gọi là “Việt gian, phản động”. Chúng là một thực thể tồn
tại, đầy quyền uy, ngăn chặn có hiệu quả cuộc đấu tranh, chứ không phải
như lời ông khẳng định khi trả lời phỏng vấn của đài BBC là: “không hề”.
Nếu ngày nào còn “thế lực này” chưa được lột mặt, lên án, chưa được
loại trừ; thì chắc chắn rằng, sự nghiệp đấu tranh chống tham nhũng chỉ
là một cuộc dạo chơi, gây tốn kém công quỹ của đất nước, và góp thêm
trong đội quân cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất trong quá trình
tham gia thực thi nhiệm vụ khó khăn này./.
Hữu Quả