Paulo Thành Nguyễn
Đào tạo con người trong chế độ VNCH
Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Việt
Nam Cộng hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn.
Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả,
đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện
ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông
đến kỹ thuật... Ba nguyên tắc "nhân bản" (humanistic), "dân tộc" (nationalistic), và "khai phóng"
được chính thức hóa ở hội nghị này. Đây là những nguyên tắc làm nền
tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong
tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm
1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967).
1.Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản: Triết lý
nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này;
lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này
làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như
một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân,
đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có
sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự
khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay
phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Với triết lý
nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những
cơ hội đồng đều về giáo dục.
2. Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc: Giáo dục
tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ
tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát
huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân
tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo
tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa
khác.
3. Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng: Tinh
thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng
cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa
học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát
triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại
hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế
giới.
Đào tạo "công cụ" trong chế độ VNCS
Mục tiêu phấn đấu chung của cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng của
Việt Nam là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 142 của Bộ Chính trị Đảng
Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết này chỉ rõ những mục tiêu giáo dục như
sau:
"... Xây dựng cho được một độ ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế đông đảo vững mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về trình độ và ngành nghề, vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng,
với giai cấp công nhân, với dân tộc, liên hệ chặt chẽ với công nông,
vừa có trình độ khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ giỏi, nắm vững những quy
luật của tự nhiên và quy luật xã hội, có năng lực tổ chức và động viên
quần chúng, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật và quản lý
kinh tế do thực tế nước ta đề ra và có khả năng tiến kịp trình độ khoa
học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Và quyết định 3704/QĐ-BGDĐT 2013, ban hành từ ngày 10/9/2013 mới đây
cho biết bộ GDĐT sẽ triển khai và đảm bảo 90% HSSV phải học Nghị quyết
của Đảng, chính sách pháp luật và sau năm 2016, phấn đấu đưa tỉ lệ này
đạt trên 99%.
- Nhìn mục tiêu giáo dục con người trong chế độ hiện nay có lẽ không
khác việc sản xuất ra một cái laptop là mấy. Chúng ta được đào tạo cho
những chức năng khác nhau nhưng đều được lập trình trong não trạng bằng
một hệ tư tưởng một chiều, được định hướng bằng những nghị quyết duy ý
chí của một nhóm người tự xưng là đại diện cho chúng ta! Thực trạng giáo
dục của nước ta hiện nay có lẽ không cần phân tích nhiều thì ai cũng
nhận ra được sự yếu kém của nó, những hiện tượng tiêu cực chúng ta đang
nhìn thấy đầy trên mặt báo chỉ là những biểu hiện bên ngoài, trong khi
vấn đề nó nằm ở "liều thuốc độc" bên trong, đó là mục-tiêu- giáo- dục-
con -người -theo định hướng -xã- hội-chủ-nghĩa, có nghĩa là con người
không được đào tạo để trở thành người, mà chỉ được đào tạo để trở thành
phương tiện hay công cụ để phục vụ cho mục tiêu của một đảng phái.