Vũ Quang Việt
Dù không nói ra, nhưng chính
sách thành thị hóa [của Trung Quốc] rõ ràng là chính sách kích cầu lần
thứ hai và có thể tốn kém hơn nhiều. Trừ trường hợp tạo thần kỳ lần hai,
chính sách trên nếu đi quá đà có thể làm nền kinh tế TQ phá sản.
Việt
Nam có lẽ chẳng có một viễn kiến gì từ thành thị hóa đến phát triển
nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam có ngày nay là tự dân chúng vận động
sau khi nhà nước không còn kiểm soát giá. Nhưng cho đến nay nhà nước vẫn
áp dụng một số chính sách lỗi thời và vi phạm nhân quyền [...] Tất
nhiên quyền của nông dân Việt Nam hiện nay không hơn nông nô ngày trước
vì đất đai không thuộc họ mà thuộc sở hữu “toàn dân”, cơ bản do quan lại
định đoạt.
Tờ Thời báo New York (New York Times) đã cho xuất bản loạt bài với tựa đề Cuộc trốc rễ vĩ đại ở Trung Quốc: đẩy 250 triệu người vào thành phố, và Cạm bẫy đón chờ chính sách thúc ép từ nông thôn vào thành thị ở TQ.
Bài báo nói về chính sách của Thủ tướng mới Lý khắc Cường, đã tuyên bố
khi nhậm chức là thành thị hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chủ
trương và kế hoạch cụ thể chưa chính thức ra đời, tuy nhiên ở khắp nơi
chủ trương này đã đang trong được thực hiện.
Theo
kế hoạch này, cứ mỗi năm 21 triệu người từ nông thôn sẽ được đưa vào
thành thị và đến năm 2025 250 triệu nông dân sẽ biến thành thị dân, nâng
tổng số thị dân lên 70% dân (nếu lấy thông kê bây giờ thì với dân số TQ
là 1.300 triệu sẽ có 900 triệu người là thị dân).
Một
số nhà kinh tế cho rằng mỗi năm phải chi tới $600 tỷ USD cho chương
trình này, trong đó có việc xây hạ tầng cơ sở cho trung tâm đô thị,
trường học, nhà thương, nhà ở. Các quan chức TQ hy vọng sẽ đẩy mạnh chi
tiêu của dân TQ, như TV, tủ lạnh, hàng hóa, v.v. Và chương trình này
thật ra đã bắt đầu rồi; nhiều nông dân sau khi bị tập trung vào các khu
phố, theo bài báo, đã hồ hởi mua TV, tủ lạnh nhưng rồi không dám dùng vì
tiền điện quá đắt không đủ khả năng trả.
Theo
bài báo, nông dân sẽ được trợ cấp về nhà ở (1/4 cho không, 1/4 vay
không lãi suất, còn lại 2/4 là phải tự trả). Không rõ phần đất nông thôn
sẽ được đền bù như thế nào. Nhưng ở Trùng Khánh, cuộc điều tra năm 2011
đã cho thấy là 43% nông dân cho rằng quan chức chính quyền đã cướp hoặc
định cướp đất của họ, so với 29% trong cuộc điều tra năm 2008 (n a 2008
survey).
Một số câu hỏi được đặt ra là:
1. Chính sách thành thị hóa này có đúng không?
2.
Nếu những người bị thành thị hóa này không có việc làm ở thành phố thì
họ lấy tiền đâu để trả và chi tiêu ở mức cao hơn này (kế hoạch chạy theo
số người bị đẩy vào thành phố hình như không đi với kế hoạch tạo việc
làm?)
3. Chính sách ở TQ có thật sự tự nguyện không? (Theo bài báo thì không vì nhiều nông dân đã bị bắt buộc rồi).
4. Nhà nước lấy tiền đâu để chi cho chương trình này? Sẽ có tham nhũng, lạm phát không?
5. Nhà nước làm gì với đất nông nghiệp?
Ở đây tôi sẽ trả lời hai trong số những câu hỏi đặt ra ở trên.
Chính sách thành thị hóa có đúng không?
Về
vấn đề này, tôi nghĩ TQ có cái nhìn đúng, đó là: phát triển đi liền với
thành thị hóa, và nếu thành thị hóa được hoạch định tốt thì nông dân sẽ
không tự chạy ồ ạt vào một vài thành phố. Đất nông nghiệp do đó có thể
sử dụng hiệu quả hơn bởi những nông dân còn ở lại.
Kết
luận như trên vì lịch sử phát triển cho thấy phát triển đi liền với
thành thị hóa. Hiện tượng thành thị hóa xảy ra ở mọi nơi, mọi nước và
thay đổi theo thời gian không có ngoài lệ. Càng phát triển thì tỷ lệ
thành thị hóa càng cao. Các nước ở Bắc Mỹ dân đô thị đã chiếm hơn 85%
dân số. Các nước châu Âu từ năm 1950 đến nay đã đẩy tỷ lệ thành thị hóa
từ 17% lên gần 65%.
Nguồn: United Nations, Department of Economic and Social Affairs, Population Division: World Urbanization
Không
những thế, tỷ lệ nông dân và số nông dân tuyệt đối như ở Mỹ cũng giảm;
năm 1980 có 3.3 triệu người hoạt động trong ngành nông nghiệp và liên
quan, năm 2010 chỉ còn 2.2 triệu so với tổng số lực lượng lao động là
139 triệu. Như vậy, ngành nông nghiệp chỉ còn 1.6% lực lượng lao động và
bằng 0.7% dân số. Họ dư thừa nông sản nên dù xuất khẩu khắp thế giới
vẫn phải áp dụng chính sách trả tiền để đất hoang để hạn chế sản lượng.
Còn ở Việt Nam hiện nay, số lao động sản xuất nông nghiệp là 48.4% (số
này kể cả lao động lâm sản và thủy sản, nhưng số lao động lâm sản và
thủy sản rất nhỏ) và dân nông thôn chiếm 70% dân số. Dân số thành thị dù
đã tăng nhiều từ sau năm 1975 nhưng vẫn chỉ có 29% dân.
Liên Hiệp Quốc (UNFPA)
tất nhiên cho rằng thành thị hóa là điều không tránh khỏi vì thành thị
tạo nên lợi ích về kinh tế, dễ dàng trao đổi thông tin, dịch vụ và do đó
gắn bó các hoạt động sản xuất, dễ dàng cho việc xây dựng và quản lý hạ
tầng cơ sở, y tế và giáo dục, tạo thị trường việc làm, và tất nhiên làm
tăng năng suất lao động và thu nhập. Không thể để đô thị tự phát phát
triển như vết dầu loang, chỉ tập trung vào thành phố cực lớn (mega-city)
nhưng LHQ cho rằng quá trình thành thị hóa phải:
(1)
Tôn trọng quyền con người và quyền của người nghèo được sống ở thành
phố. Các chính sách cấm đoán di dân vào thành phố, hạn chế quyền lợi về
giáo dục và y tế đối với những người di dân vừa vi phạm nhân quyền vừa
không giải quyết được vấn đề.
(2) Phải có một
tầm nhìn dài và rộng nhằm giảm đói nghèo và bảo đảm phát triển. Phải quy
hoạch để người dân có nhà ở, tiếp cận được với điện, nước và giao
thông.
Tuy nhiên ta thấy cho đến mới đây ở
Trung Quốc, chính sách hộ khẩu là một chính sách cản trở nông dân vào
thành phố, và nếu họ chui luồn vào được thì họ và con cái họ mất mọi
quyền lợi của một công dân bình thường như được nhận dịch vụ y tế và
giáo dục miễn phí, v.v. Bây giờ TQ nhìn thấy vấn đề là thành thị hóa là
điều không thể tránh được thì họ chủ động làm nhưng lại làm một cách áp
đặt là ép dân chúng nông thôn tập trung vào thành thị mới. Điều này khác
hẳn với phương Tây. Ở phương Tây, quá trình thành thị hóa rất tự nhiên,
vì sức hút của các trung tâm thành thị do thu nhập cao hơn. Vai trò của
nhà nước ở phương tây là cả trăm năm trước họ đã nhìn thấy vấn đề và đã
hoạch định thành phố rất tốt. Ngược lại, ở VN và nhiều nước châu Á,
thành thị hóa hoàn toàn vô tổ chức và hầu hết là để các thành phố cũ tự
mở rộng như vết dầu loang một cách vô tổ chức.
Trung Quốc có thể thành công với chương trình thành thị hóa này không?
Chính
sách thành thị hóa này (TQ gọi là thành trấn hóa, còn VN có khi gọi là
đô thị hóa) theo TQ là nhằm đẩy mạnh tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh ngành
công nghiệp xây dựng và hàng hóa tiêu dùng như tv, tủ lạnh, v.v.
Theo
Thống kê mà tôi có được từ Cục Thống kê TQ, thì tỷ lệ thu nhập của hộ
gia đình trong tổng thu nhập của cả nước giảm từ 67.5% năm 1996 xuống
57.2% năm 2008. TQ muốn tăng tỷ lệ thu nhập của hộ gia đình và từ đó
tăng sức mua của dân chúng, vì từ lâu họ cho rằng chính sách của nhà
nước TQ là nhằm trả lương thấp, tăng lợi nhuận doanh nghiệp, tạo cạnh
tranh về giá thành nhằm xuất khẩu và nhằm thu hút đầu tư nước ngoài để
tập trung vào đầu tư phát triển. Từ nhiều năm nay, các nhà chính sách TQ
bàn luận rất nhiều về chính sách này.
Lý Khắc
cương coi đây là chính sách chuyển đầu tư sang tiêu dùng. Tôi thì nghĩ
ngược lại. Chuyển hướng thành thị hóa đòi hỏi đầu tư lớn, mà như tính
toán của một số nhà kinh tế để chuyển 250 triệu dân vào các khu vực thị
trấn, chi phí hàng năm có thể lên tới $600 tỷ US. So với số chi ngân
sách của TQ của năm 2011 là $1.685 tỷ US, chi phí thêm hàng năm vào
chương trình thành thị hóa sẽ chiếm đến 35.6% ngân sách. Con số chi này
còn vĩ đại hơn nhiều so với con số chi kích cầu những năm 2008-2011. Số
liệu thống kê những năm này cho thấy bình thường trước đó TQ chi ngân
sách là khoảng 18.7 % GDP, nhưng những năm kích cầu, TQ tăng tỷ lệ chi
lên 22.4%, tức là tăng thêm 3.7% GDP. Như vậy trong 3 năm 2009-2011, TQ
chi toàn bộ là hơn $800 tỷ để kích cầu, và mỗi năm trung bình là $268
tỷ. Con số dự định chi hàng năm $600 tỷ là con số quá lớn, không thể nói
là không kích cầu. Chương trình này không nhằm xuất khẩu do đó nó có
rất nhiều khả năng kích lạm phát và kích tham nhũng, có thể dẫn tới việc
nông dân do bị áp đặt và tham nhũng trở thành kẻ thù của nhà nước. Nhìn
vào số liệu tốc độ phát triển của kinh tế Trung Quốc ở dưới, ta thấy
kích cầu những năm 2009-2010 chỉ thành công lúc đầu nhưng rồi giảm dần.
Dù không nói ra, nhưng chính sách thành thị hóa rõ ràng là chính sách
kích cầu lần thứ hai và có thể tốn kém hơn nhiều. Trừ trường hợp tạo
thần kỳ lần hai, chính sách trên nếu đi quá đà có thể làm nền kinh tế TQ
phá sản. Làm sao tăng lương? và nếu tăng lương liệu TQ có thể đi vào
cạnh tranh ở các công nghệ tiên tiến hơn với năng suất cao hơn để phù
hợp với lương cao hơn không?
Nhìn lại Việt Nam
Việt
Nam có lẽ chẳng có một viễn kiến gì từ thành thị hóa đến phát triển
nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam có ngày nay là tự dân chúng vận động
sau khi nhà nước không còn kiểm soát giá. Nhưng cho đến nay nhà nước vẫn
áp dụng một số chính sách lỗi thời và vi phạm nhân quyền sau:
1.
Tiếp tục áp dụng chính sách hộ khẩu của TQ dù có thay đổi một phần.
Điều này chỉ bần cùng hóa nông dân. Lý luận của nhà nước là giữ chặt
nông dân ở nông thôn với chính sách “ly nông nhưng không ly hương”.
2.
Tiếp tục chính sách đòi hỏi nông dân trồng lúa vì cái gọi là “an ninh
lương thực”. Các nước đều có quy định/quy hoạch khu đất đất nông nghiệp,
đất rừng, khu thương mại, khu nhà ở và khu công nghiệp. Tuy nhiên đối
với khu đất nông nghiệp, người dân được toàn quyền chọn cây trồng và
giống nuôi. Không thể ép nông dân cứ trồng lúa khi giá lúa quá thấp vì
mức sản xuất quá lớn phải xuất khẩu hàng năm. Tất nhiên quyền của nông
dân Việt Nam hiện nay không hơn nông nô ngày trước vì đất đai không
thuộc họ mà thuộc sở hữu “toàn dân”, cơ bản do quan lại định đoạt.
3.
Dân số ngày càng tăng, đất đai thì không thể tăng cho nên đất đai khai
thác sau khi phân chia trở nên manh mún khó đẩy mạnh việc chuyển trồng
lúa sang trồng cây thương nghiệp hay chăn nuôi lớn.
***
Chúng
ta nên theo dõi kế hoạch thành thị hóa này của TQ, không phải để bắt
chước nó mà để tìm ra cách làm hay hơn, nhân đạo hơn và phù hợp với sự
phát triển bền vững của nền kinh tế. Nếu không thế chúng ta sẽ bịt mắt
chạy theo anh cả [Trung Cộng] một cách điên rồ.
V.Q.V.
Bauxite Việt Nam