Điều trần
Joseph Yun
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng, Vụ Đông Á – Thái Bình Dương
Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng, Vụ Đông Á – Thái Bình Dương
Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương
Washington, DC | 5.6.
2013 | Thưa ngài Chủ tịch Faleomaveaga và các thành viên Tiểu ban, rất
cám ơn quý vị hôm nay đã mời tôi đến đây để điều trần về mối quan hệ của
Hoa Kỳ với Việt Nam. Đây còn là niềm vinh hạnh của tôi khi được điều
trần với người đồng nghiệp, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer đến từ Vụ
Dân chủ, Lao động và Nhân quyền. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer sẽ
thảo luận chi tiết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trong phần điều
trần của mình, tôi sẽ phác hoạ một bức tranh tổng quan về mối quan hệ
kinh tế, an ninh, quân sự – quân sự và nhân dân – nhân dân với Việt Nam.
Mối quan hệ song phương với Việt Nam đang phát triển thành một mối quan
hệ đối tác quan trọng và ngày càng rõ nét. Hiện nay, chúng ta đang phát
triển trên nền tảng lợi ích chung của mình trong một Châu Á – Thái Bình
Dương ổn định, an ninh và thịnh vượng. Nỗ lực của chúng ta ở Việt Nam
tập trung vào việc thúc đẩy một nền kinh tế theo định hướng thị trường,
một nền kinh tế mở cửa với hàng hoá và đầu tư từ Mỹ; thúc đẩy hoà bình
và an ninh khu vực; nâng cao thái độ tôn trọng dành cho nhân quyền, tự
do tôn giáo, quản trị nhà nước hiệu quả (good governance) và pháp trị
(rule of law); và thúc đẩy phúc lợi và sức khoẻ cho con người.
Tôi
muốn nhấn mạnh rằng mối quan ngại của chúng tôi về nhân quyền là một
nhân tố xuyên suốt mọi khía cạnh liên quan đến cách tiếp cận chính sách
và sự can dự của chúng ta với Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc Chính
phủ Việt Nam dành thái độ tôn trọng tốt hơn cho nhân quyền sẽ giúp đảm
bảo cho sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước này
trong tương lai và cho phép tăng cường mối quan hệ song phương với chúng
ta. Chúng tôi đã nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng nhân dân
Mỹ sẽ không ủng hộ việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ song phương nếu không
có tiến bộ rõ rệt về nhân quyền.
Thật
hữu ích khi đánh giá xem chúng ta đã đi tới đâu trong mối quan hệ song
phương của mình kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao
năm 1995. Mười tám năm trước, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ
và Việt Nam chỉ là 450 triệu USD, gần như chỉ bằng sai số làm tròn
trong giá trị giao dịch thương mại toàn cầu của chúng ta. Với việc hoàn
tất hiệp định thương mại song phương năm 2001, quan hệ kinh tế đã cất
cánh. Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều của chúng ta với Việt Nam
đạt tới gần 25 tỷ USD mỗi năm, và Việt Nam đã thu hút trên 10 tỷ USD
đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ – một lợi ích đáng kể cho cả hai quốc gia.
Quyết định của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thập niên 1980 khi vứt bỏ
chế độ kế hoạch hoá nhà nước theo kiểu Soviet và đưa Việt Nam hội nhập
vào hệ thống thương mại toàn cầu đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành
quả trong tăng trưởng kinh tế và phát triển. Đúng là Việt Nam vẫn tiếp
tục phải vật lộn với những vấn đề về tham nhũng, về các DNNN thiếu hiệu
quả, và về sự phân phối của cải bất bình đẳng, song điều quan trọng là
phải thừa nhận những thành tựu của Việt Nam về xoá đói giảm nghèo, đặc
biệt là trong hai thập niên vừa qua. Tôi tin rằng sự can dự về mặt kinh
tế của Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển tiếp
đang diễn ra ở đây.
Việc
nêu bật vai trò thiết yếu mà những người Mỹ gốc Việt vẫn đang đóng góp
cho sự phát triển của Việt Nam là điều rất quan trọng. Chúng tôi coi
cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một đối tác chủ chốt trong việc tăng
cường mối quan hệ song phương, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá cao cuộc
đối thoại thường xuyên của chúng tôi với nhóm người ủng hộ then chốt
này. Như là một phần trong nỗ lực liên tục này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt
Nam David Shear đang thực hiện chuyến viếng thăm California tuần này và
sẽ tổ chức một số sự kiện tại toà thị chính ở cả Quận Cam (Orange
County) lẫn thành phố San Jose để lắng nghe những quan ngại của người Mỹ
gốc Việt và thảo luận chính sách của chúng ta đối với Việt Nam.
Các
doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Mỹ gốc Việt đã đầu tư hàng trăm
triệu USD vào Việt Nam, và ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt sang làm
việc tại Việt Nam, nhiều trong số đó là giám đốc điều hành trong các
công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam. Lượng kiều hối khoảng 7 tỷ USD
từ Mỹ gửi về Việt Nam hàng năm cung cấp nguồn vốn cho những hoạt động
kinh doanh mới và thúc đẩy tiêu dùng. Tầm ảnh hưởng của người Mỹ gốc
Việt vượt ra ngoài kinh doanh và bao gồm các mối liên kết quan trọng về
văn hoá, giáo dục và gia đình. Sự liên hệ đó là vô cùng hữu ích, và
chúng tôi muốn khuyến khích nhiều hơn thế, đặc biệt là trong số các thế
hệ trẻ hơn. Chắc chắn là ở đây vẫn tồn tại những bất đồng và những mối
nghi ngại đeo đẳng, vốn là di sản của cuộc chiến tranh Việt Nam. Những
Việt kiều muốn quê hương mình trở nên cởi mở, dân chủ và thịnh vượng hơn
thường xuyên bị soi xét với con mắt nghi ngại từ phía lực lượng an ninh
Việt Nam. Chúng tôi đã hối thúc Chính phủ Việt Nam mở rộng vòng tay hơn
nữa với những người Mỹ gốc Việt và giải quyết những quan ngại về nhân
quyền của cộng đồng này, một mối bận tâm mà Chính phủ Mỹ chia sẻ.
Trọng
tâm trong nghị trình kinh tế của chúng ta với Việt Nam là Hiệp định Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do khu vực
trong thế kỷ 21 giúp hội nhập nền kinh tế Việt Nam với các quốc gia ở
cả hai phía của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Để thu được lợi ích
kinh tế từ việc tham gia hiệp ước thương mại và đầu tư thượng thặng
trong khu vực này, Việt Nam cần phải mở cửa các thị trường hàng hoá,
dịch vụ và đáp ứng những tiêu chuẩn cao trong một loạt lĩnh vực, bao gồm
việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sự minh bạch và công khai trong thông
lệ mua sắm của chính phủ, việc thắt chặt ưu đãi dành cho các DNNN, sự
tự do hoá thông tin nhằm thúc đẩy nền kinh tế số (digital economy), các
biện pháp bảo hộ lao động hữu hiệu dành cho công nhân, v.v và v.v. Hoàn
tất bản hiệp định sẽ là một thách thức, song phần thưởng từ đó lại đáng
kể – phân tích sơ bộ cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những đối tượng
thụ hưởng nhiều nhất từ TPP. Sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Mỹ vẫn tiếp tục
nhằm trợ giúp Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết một loạt vấn đề
thương mại và đầu tư mới nằm trong nghị trình đàm phán của TPP và nhằm
giữ đà cho những cải cách thị trường, hiện đại hoá và hội nhập của Việt
Nam. Ngoài việc tham gia TPP, Việt Nam còn có nhiều tham vọng phát triển
một nền kinh tế kỹ thuật cao và dựa vào tri thức, song những dự thảo
quy định nhằm kiểm soát internet và quản lý nội dung phát sóng của các
đài truyền hình nước ngoài lại đi ngược lại mục tiêu đó. Chúng tôi
thường kéo các quan chức Việt Nam vào cuộc để nhấn mạnh rằng, xây dựng
một nền kinh tế năng động, sáng tạo đòi hỏi phải cho phép mọi người tự
do suy nghĩ, sáng tạo và tận dụng hết lợi thế của môi trường thương mại
và đầu tư mà TPP sẽ tạo ra.
Công
cuộc hợp tác của chúng ta về những chủ đề khu vực đã tiến khá xa. Kể từ
khi đảm nhiệm rất thành công vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam
đã củng cố vị thế của mình như một nhà lãnh đạo khu vực. Chúng tôi đã
làm việc cùng nhau trong ASEAN và các diễn đàn đa phương khác nhằm
khuyến khích việc thảo luận về an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, và các
chủ đề cứu trợ thảm hoạ mà khu vực phải đối mặt. Hoa Kỳ cũng ủng hộ
những nỗ lực của Việt Nam và các thành viên ASEAN khác trong việc đàm
phán với Trung Quốc về một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông cũng
như trong việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao
hay các biện pháp ôn hoà khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả
Công ước LHQ về Luật Biển. Chúng tôi nhận ra rằng sự thịnh vượng của
khu vực dựa trên sự ổn định liên tục, đặc biệt là trên Biển Đông, và
chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của khu vực trong việc xử lý những tranh
chấp này mà không phải viện đến vũ lực hay đe doạ. Ngoài ra, chúng tôi
còn làm việc với nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển trong tiểu vùng sông
Mê Kông thông qua Sáng kiến Hạ vùng Mê Kông (LMI).
Trên
phương diện ngoại giao của mối quan hệ, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác
chặt chẽ hơn về các chủ đề an ninh khu vực và toàn cầu. Việt Nam và Hoa
Kỳ cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hoà bình và an ninh ở
Đông Nam Á và, rộng hơn, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi
đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc không phổ biến vũ khí hạt
nhân, kể cả việc họ phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung của Cơ quan Năng
lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency’s Additional
Protocol) năm ngoái và hoàn thành việc dỡ bỏ uranium với độ giàu cao ra
khỏi lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Việt Nam nằm dọc theo các tuyến
hàng hải huyết mạch, và Hoa Kỳ đang làm việc với Việt Nam nhằm nâng cao
nhận thức của Việt Nam về lĩnh vực hàng hải và tăng cường lực lượng cảnh
sát biển để Hà Nội có thể trở thành một đối tác còn mạnh mẽ và hiệu quả
hơn trong công cuộc chống buôn lậu ma tuý, cướp biển, cũng như hoạt
động vận chuyển ngầm liên quan đến vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Chúng tôi
đang nâng cao các hoạt động trao đổi quân sự và tiến hành các cuộc huấn
luyện chung trong hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và cứu trợ thảm hoạ. Hoa Kỳ
hoan nghênh các kế hoạch triển khai quân đội ở nước ngoài lần đầu tiên
của Việt Nam nhằm ủng hộ sứ mạng gìn giữ hoà bình của LHQ trước năm
2015. Để hỗ trợ cho nỗ lực này, Hoa Kỳ đang cung cấp các chương trình
giáo dục quân sự chuyên nghiệp với nội dung đa dạng cho quân đội Việt
Nam nhằm giúp họ chuẩn bị cho các sứ mạng này.
Mặc
dù chúng ta dự định theo đuổi mối quan hệ an ninh gần gũi hơn với Việt
Nam, ở đây vẫn tồn tại những giới hạn về mối quan hệ quân sự – quân sự
liên quan đến nhân quyền. Năm 2007, chính phủ Mỹ đã điều chỉnh lệnh cấm
bán hàng hoá quốc phòng cho Việt Nam nhằm cho phép việc bán thiết bị
quân sự phi sát thương trên cơ sở từng thương vụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục
ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện đại hoá quân đội trong phạm
vi phi sát thương nhằm hỗ trợ những ưu tiên về an ninh mà tôi đã phác
hoạ ở trên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nêu rõ với các nhà lãnh đạo
quân sự và dân sự của Việt Nam rằng để Hoa Kỳ cân nhắc việc dỡ bỏ những
hạn chế còn lại đối với các thiết bị quốc phòng xuất khẩu, kể cả các vũ
khí sát thương, Việt Nam cần phải có sự cải thiện liên tục, rõ rệt và
bền vững về tình hình nhân quyền.
Chúng
ta có một lịch sử khó khăn, song cả hai bên đều đi đến giải quyết những
vấn đề di sản chiến tranh theo một cách thức mà qua đó đã giúp xây dựng
lòng tin và thiện chí đáng kể. Hơn hai chục năm nay, Việt Nam đã hỗ trợ
hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Cuộc hợp tác này bắt đầu từ thập niên 1980 và theo nhiều cách khác nhau
đã sưởi ấm mối quan hệ băng giá và xây dựng lòng tin, dẫn đến việc bình
thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1995. Tháng Tư năm nay, 693 bộ hài cốt
đã được phát hiện tại các khu vực bên trong lãnh thổ Việt Nam và chuyển
về cho các gia đình để an táng ở Mỹ. Việt Nam cũng từng bước dỡ bỏ
những hạn chế đối với những khu vực nhậy cảm từng bị cấm chỉ đối với các
đội tìm kiếm của chúng ta.
Chúng
tôi cam kết giúp Việt Nam giải quyết vấn đề bom đạn chưa phát nổ (UXO).
Từ năm 1998, Bộ Ngoại giao, với sự hỗ trợ của Quốc hội, đã cung cấp
trên 35 triệu USD nhằm hỗ trợ hoạt động rà phá bom mìn cùng các chương
trình giáo dục cộng đồng nhằm mục đích giảm bớt thương vong. Mục tiêu
chung của chúng tôi là giảm con số thương vong liên quan đến UXO ở Việt
Nam. Chúng tôi cũng tài trợ cho các chương trình giúp đỡ nạn nhân của
vật liệu nổ trong chiến tranh với hoạt động đào tạo nghề, cung cấp các
bộ phận cơ thể nhân tạo được sản xuất chuyên nghiệp, và các hoạt động hỗ
trợ khác.
Trong
số những vấn đề gắn với cuộc chiến, giải quyết tình trạng ô nhiễm
dioxin là thách thức lớn nhất. Tháng Tám vừa qua, USAID đã bắt đầu thực
hiện dự án xử lý điểm nóng dioxin tại căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Đà
Nẵng. Dự án này là một trong những nỗ lực xử lý phức tạp và tốn kém nhất
mà chính phủ Mỹ từng thực hiện ở nước ngoài. Việc hoàn thành dự án ở Đà
Nẵng đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục của Quốc hội và sự hợp tác chặt chẽ với
các đối tác Việt Nam của chúng tôi. Hoa Kỳ hy vọng rằng trong tương lai
gần, chúng ta có thể làm việc với Việt Nam để giải quyết xong các vấn
đề liên quan đến chất độc màu da cam.
Mối
quan hệ hướng tới tương lai của chúng ta với Việt Nam thể hiện rõ nét
nhất qua hiện tượng bùng nổ các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Chúng tôi tin tưởng rằng, việc xây dựng các mối quan hệ này thông qua
các cơ hội trao đổi, qua sự trau dồi văn hoá, và qua các mối quan hệ
giáo dục là chìa khoá để thiết lập một mối quan hệ đối tác rộng lớn hơn
với nhân dân Việt Nam, một đất nước có 60% dân số ra đời sau năm 1975.
Năm nay Việt Nam có hơn 15.000 sinh viên đang nghiên cứu tại Mỹ, và là
quốc gia gửi sinh viên sang Mỹ học tập nhiều thứ 8. Đây là một sự thay
đổi ngoạn mục kể từ năm 1995, khi chỉ có 800 sinh viên Việt Nam nghiên
cứu tại Mỹ. Chúng tôi cũng làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và
các đối tác khác về cải cách giáo dục trong nước nhằm tăng cường độ
thuần thục tiếng Anh cũng như những kỹ năng khác, những thứ giúp tạo ra
nguồn vốn con người cần thiết để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào nền
kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, chương trình Fullbright đã tổ chức lễ kỷ
niệm lần thứ 20 vào năm 2012 và ghi nhận Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình
Minh, Phó TT Nguyễn Thiện Nhân và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc
Cường như là những cựu sinh viên của mình. Fulbright và các chương
trình trao đổi khác giúp xây dựng sự tin cậy và sự hiểu biết lẫn nhau,
đóng góp vào hàng loạt mục tiêu chiến lược của chúng ta bằng cách thúc
đẩy mối quan hệ của chúng ta với các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai
của Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chúng
tôi có một nghị trình đầy tham vọng với Việt Nam, một nghị trình bao
gồm việc thúc đẩy tự do thương mại và cải cách kinh tế, tăng cường hợp
tác nhằm duy trì hoà bình và an ninh ở Đông Nam Á, tiếp tục giải quyết
những vấn đề di sản chiến tranh, và tăng cường các mối quan hệ giáo dục
và văn hoá. Trong bản điều trần này, tôi đã cố gắng nêu rõ rằng nhân
quyền không phải là một vấn đề tách biệt duy nhất; đúng hơn, đây là một
chủ đề liên quan đến toàn bộ phương pháp chính sách và sự can dự của
chúng ta với Việt Nam. Nói một cách đơn giản, mối quan hệ của chúng ta
sẽ không đạt đến tiềm năng đầy đủ cho đến khi Việt Nam làm nhiều hơn để
bảo vệ các quyền con người cho công dân của mình và tuân thủ các cam kết
của họ theo Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.
Phó
Trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer sẽ cung cấp thêm chi tiết về chính sách
ngoại giao nhân quyền của chúng ta với Việt Nam, song tôi muốn nhấn mạnh
rằng chúng tôi đang làm việc hết mình với các quan chức Việt Nam hòng
đảo ngược một xu hướng trong vài năm qua, đó là tình trạng gia tăng các
vụ bắt bớ cùng với những bản án khắc nghiệt chưa từng thấy, đặc biệt là
dành cho các blogger. Cho đến thời điểm này của năm 2013, Việt Nam đã
thực hiện một số bước đi tích cực về nhân quyền, trong đó có việc phóng
thích luật sư Lê Công Định (dù kèm theo một số hạn chế) và tiếp đón cuộc
viếng thăm của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) vào tháng Hai. Chúng tôi hy
vọng sẽ được chứng kiến thêm nhiều vụ phóng thích và nhiều cuộc đối
thoại với các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trong năm nay. Về tự
do tôn giáo, chúng tôi cảm thấy được khích lệ khi thấy TBT Đảng CSVN
Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Giáo hoàng Benedict trong chuyến thăm Vatican
vào tháng Giêng của ông. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam có thể đẩy
nhanh việc đăng ký các nhóm tôn giáo, đặc biệt là ở Tây Nguyên và vùng
cao Tây Bắc.
Năm
nay, chúng ta đã được chứng kiến một cuộc tranh luận rất sôi nổi giữa
các cá nhân thuộc mọi thành phần xã hội của Việt Nam khi Việt Nam tiến
hành sửa đổi hiến pháp. Hoa Kỳ tôn trọng độc lập và chủ quyền của Việt
Nam, và chúng tôi tin tưởng rằng tất cả mọi người dân Việt Nam cần có
tiếng nói trong việc quyết định tương lai của Việt Nam. Chúng tôi hối
thúc các nhà lãnh đạo Việt Nam tạo ra một môi trường mà ở đó người Việt
Nam thuộc mọi thành phần khác nhau có thể bày tỏ quan điểm chính trị của
mình một cách ôn hoà và tự do, đồng thời được lắng nghe. Cuộc tranh
luận mở và sự bày tỏ quan điểm công khai như vậy là điều kiện thiết yếu
để Việt Nam hướng tới tương lai ổn định và thịnh vượng mà nó rất xứng
đáng được hưởng.
Xin cám ơn ngài Chủ tịch. Tôi hoan nghênh bất kỳ câu hỏi nào của quý vị.
Nguồn:US Department of State
Bản dịch của Lê Anh Hùng