Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Xương khô mới có giá. Người sống thì không!

Thục Quyên
Sáng nay vừa mở mắt, chưa kịp uống ngụm cà phê, tôi đã lên mạng.
Có lẽ cũng chỉ như đại đa số người Việt khắp nơi trên thế giới, ai cũng theo dõi muốn biết cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng Thống Mỹ Obama ra sao. Lẽ dĩ nhiên cũng chỉ qua tường thuật của báo chí và suy luận này nọ của ký giả này, nhân vật kia. Nhưng không đọc thì cũng nóng ruột.
Mà còn nóng ruột hơn nữa là không biết Blogger Điếu Cày sống chết ra sao. Vợ con không còn được gặp. Thân xác đã suy yếu sau bao nhiêu năm tù tội của anh còn lây lất được tới bao giờ?
Tôi viết vài giòng trả lời anh T. là tôi đã gởi chữ ký về địa chỉ dieucaynguyenvanhai2013@gmail.com của mạng http://boxitvn.blogspot.de/2013/07/yeu-cau-chu-tich-nuoc-va-chinh-phu-viet.html "đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải khẩn cấp giải quyết thỏa đáng vụ việc đẩy Blogger Điếu Cày đến tuyệt thực để đòi công lý. Làm ngơ là cố tình gây ra cái chết của anh Nguyễn văn Hải."

"Đòi hỏi" chứ không phải là "yêu cầu" như các anh chị trong mạng Boxit viết!
Vì tôi khác các anh chị, tôi không sống trong nước, không nằm trong vòng kềm tỏa của nhà cầm quyền Việt Nam, nên tôi không bị rình rập chờ sơ hở để bắt bớ. Sơ hở đây là nói lên sự thật. Như Điếu Cày đã từng làm. Nên tôi đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.
Tôi cũng khác anh T., người gởi mail nhắc tôi vào mạng Boxit ký. Khi anh T. liên lạc với tôi lần đầu, tôi có hỏi thăm xuất xứ thì anh trả lời "ngày trước tôi là Việt Cộng, chị ạ". Anh T. không ở gần thành phố của tôi, biết gia đình tôi là người của VNCH, các anh tôi đã nằm xuống cho lý tưởng tự do dân chủ của miền Nam, và chúng tôi, những đứa nhỏ nhất trong gia đình, đã đi tỵ nạn chính trị năm 75. Tôi không có dịp liên lạc hay sinh họat gì với anh T., tuy vậy trong cơn bĩ cực, đứng trước mạng sống của anh Điếu Cày, thoi thóp như mạng sống của dân tộc ngày nay, anh T. có lòng tin ở sự sáng suốt và tình nghĩa đồng bào ở một con người sinh ra tại Hà Nội nhưng lớn lên hoàn tòan trong sự giáo dục của miền Nam và tinh thần từ bi của đạo Phật. Phần tôi, tôi cũng có lòng tin là sự giận dữ thù oán Nam - Bắc kéo dài sau chiến tranh cũng đã từ từ nhường bước cho tinh thần quảng đại, đùm bọc nhau của ông cha ta để lại. Quan trọng là người cựu chiến binh miền Bắc Điếu Cày đã và đang hy sinh tính mạng tranh đấu cho sự tự do dân chủ của đất nước và quan trọng là hàng ngàn người Mỹ gốc Việt đã ngưng mọi sinh họat để trong đêm tối vượt cả ngàn dặm đến biểu tình đòi công lý cho Điếu Cày, đòi nhân quyền, dân chủ cho đồng bào.
Trong bài "Obama nói gì sau khi gặp Chủ tịch Sang?" trên BBC Việt Ngữ, một đọan dịch bài đọc của TT Obama nói lên được phần nào món hàng ông TTSang đã mang theo để chào bán:
Cả hai chúng tôi tái khẳng định những nỗ lực đã có để giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác tiếp tục của Việt Nam trong cố gắng tìm lại những người mất tích và những người đã chết trong chiến tranh. Và tôi tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ làm việc với Việt Nam quanh một số vấn đề môi trường và sức khỏe đã tiếp tục nhiều thập niên sau đó, vì chiến tranh.
Những mảnh xương khô Mỹ vẫn đáng giá vô cùng vì chính phủ và người dân Hoa Kỳ không phủ nhận trách nhiệm của họ đối với những người lính Mỹ đã bị đẩy vào cái chết vô nghĩa của chiến tranh, trong khi ở Việt Nam mồ mả các người lính VNCH miền Nam bị đào xới, cha mẹ những người chiến binh miền Bắc đã chết thì bị cướp đất đai, còn người cựu chiến binh miền Bắc Điếu Cày đang thoi thóp thì cả ông Trọng lẫn ông Dũng ở nhà đều làm ngơ, và ông Sang ở Mỹ chỉ bận bán xương khô, không nhắc tới.
Sự sống của Điếu Cày chẳng đáng giá đồng xu teng!
Ngay cả mạng sống của những người cựu chiến binh miền Bắc khác, và mạng sống của con cháu họ cũng không có ý nghĩa.
Cứ đọc bài viết "Những mảnh ghép vênh vẹo" của Minh Diện đăng trong blog của Bùi văn Bồng thì ắt rõ:
Ông Lưu thở dài, nói với tôi như vậy, và ông rủ tôi ra bờ sông Cô Giang để xem một “mảnh ghép đáng buồn hơn”.
Dòng sông này chảy qua mấy thôn trong xã, ngày xưa nước trong xanh, giờ đổi màu đen kịt. Ông Lưu nói, nước đổi mầu mấy năm nay rồi, từ khi xuất hiện cái nhà máy cán thép Chen-Lee của người Trung Quốc.
Cái nhà máy ấy, ban ngày cách xa khoảng nửa cây số có thể nhìn thấy ba ống khói màu nâu đậm nhô lên trên các mái tôn hoen rỉ , nhả khói đen xì, còn ban đêm, cách vài cây số cũng nhìn thấy từng quầng lửa đỏ rực bốc cao lên trời.
Ngày ngày những chiếc xe Contener, xe tải bịt kín ra vảo nhà máy. Những con đường bị vằm nát, khói bụi mù mịt. Người dân quanh vùng chỉ biết cái nhà máy của Trung Quốc, trên đất đai tổ tiên ông bà mình như vậy!
Nguyễn Thanh cùng học với tôi hồi cấp hai, đi bộ đội, sau giải phóng chuyển ngành sang công an, mới về hưu, hiện đang sinh sống cách nhà máy Chen- Lee không xa, mà cũng không được biết gì hơn người dân bình thường.
Theo bà con quanh khu vực, năm năm trở lại đây số người mắc bệnh ung thư ruột, ung thư gan trong thôn tăng đột biến. Chỉ trong năm 2012 đã có mười người ở hai thôn Cổ Lạc và Mỹ Lạc tử vong vì ung thư. Phải chăng do bà con uống nước sông Cô Giang bị nhiễm chất độc từ nhà máy cán thép Chen - Lee thải ra?
Tôi gặp Quân, một công nhân trẻ từng làm việc ở nhà máy Chen-Lee.
Nước da xanh xám, hai mắt lõm sâu, Quân dè dặt nói với tôi:
- Tuy làm việc cho nhà máy ấy gần 5 năm, nhưng cháu chỉ là công nhân khuân vác vòng ngoài, phải qua ba vòng, ba trạm gác mới vào vòng trong. Chưa bao giờ cháu dám bén mảng tới đó. Bọn bảo vệ người Trung Quốc sẵn sàng dùng dùi cui cao su đánh vào đầu công nhân Việt nếu vô tình xâm phạm vùng cấm. Theo cháu biết thì không có bất kỳ công nhân Việt Nam nào được lọt vào vòng trong. Ở đó toàn công nhân Trung Quốc đầu trọc. Chúng được tuyển chọn, đưa từ Trung Quốc sang. Hầu hết có vợ con, thành lập một khu tập thể, treo cờ Trung Quốc, cấm người Việt lai vãng...
Theo lời Quân, số công nhân của nhà máy Chen-Lee khoảng hơn một ngàn. Trước kia có khoảng hai trăm người Việt Nam, bây giờ không còn ai. Quân là người cuối cùng bị sa thải cách đây một tháng.
Bọn chủ nhà máy kỷ thị chủng tộc, hay chúng làm chuyện phi pháp, nên giữ bí mật tuyệt đối như thế? Câu hỏi đó giành cho những người có trách nhiệm. Điều có thể khẳng định là nhà máy Chen-Lee đã gây ô nhiễm môi trường một cách khủng khiếp.
Quân nói với chúng tôi:
- Nó chở phế liệu từ Trung Quốc sang, nấu nhôm, sắt thành phẩm chở về Trung Quốc, còn các chất phế thải đổ hết xuống sông!
Ở Trung Quốc bọn chủ nhà máy nhôm này chắc chắn đã bị tẩy chay, nên phải chạy qua Việt Nam. Chúng biến đất nước ta thành những bại chất thải độc hại. Dòng sông Cô Giang trước kia xanh trong thế, giờ đen đặc, bốc mùi thum thủm. Bầu không khí trong lành của miền quê, giờ hầm hập nóng, khét lẹt mùi khói. Mức độ ô nhiễm môi trường đã lên tận đỉnh!
Tại sao ta phải trả cái giá ấy? Bình quân thu nhập của tỉnh nhà thêm được bao nhiêu đô la? Bao nhiêu người dân có công ăn việc làm, khi toàn bộ công nhân nhà máy thép Chen-Lee giờ toàn người Trung Quốc?
.......
Bữa tiệc rượu trở nên nhạt thếch. Những người từng gắn bó vào sinh ra tử với nhau, tưởng hiểu thấu lòng nhau, mà bây giờ lại không hiểu nhau. Một đại tá về hưu không thèm nghe những người lính cũ, bỏ ngoài tai mọi sự trớ trêu, chỉ vì cái sổ hưu 10 triệu đồng một tháng, thì thử hỏi những kẻ đương chức đương quyền mỗi năm kiếm vài chục tỷ chịu nghe ai? Chẳng lẽ cái bức tranh quê hương tôi, đất nước tôi là những mảnh ghép rời rạc, vênh vẹo như vậy chăng?
M.D
Trong hành trang của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có những người sống được mang ra chào hàng, đó là những nạn nhân bột Orange Agent cũng như môi trường sống nhiễm độc của họ. Lẽ dĩ nhiên Tổng thống Obama không thể chối cãi việc làm phi pháp của Hoa Kỳ khi rải Orange Agent và Hoa Kỳ phải hoàn tòan chịu trách nhiệm. VNCH ngày xưa cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trước dân tộc vì đã không đủ sức ngăn cấm việc làm của đồng minh.
Nhưng ngày hôm nay, ngay giờ phút này, những cơ xưởng như nhà máy Chen Len, những nhà thầu Trung Hoa với công nghệ lạc hậu khai thác bô xít Tây Nguyên, tập đoàn kỹ nghệ hạt nhân Nga Rosatom (1)..v.v......đang thải chất độc khắp mọi miền đất nước. Cả những thứ chất độc vài chục ngàn năm chưa hết tác dụng.
Cả dân tộc Việt Nam đành bó tay lặng thinh ngồi chờ ngày bị đem rao bán? Mà bán cho ai?
Trung Cộng và Nga không phải là Hoa Kỳ hay Âu Châu, là những nơi mà "nhân quyền" còn có tiếng nói.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"