Theo blog Công Lý cho Đoàn Văn Vươn
Như đã thông báo, vào ngày 28/06, chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại
tới Chánh án Tòa án Nhân dân Quận 4 (sau đây viết tắt là TANDQ4) về việc
TANDQ4 yêu cầu chúng tôi đưa tác giả bài viết “Thực hư về những người khởi xướng: Công lý cho Đoàn Văn Vươn”
vào mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời xác định họ
tên và địa chỉ nơi cư trú của tác giả. Yêu cầu này, theo chúng tôi, là
không có căn cứ pháp lý thỏa đáng.
Vào ngày 12/07, chúng tôi đã nhận được Quyết định giải quyết khiếu
nại của ông Phạm Lương Toản, Chánh án TANDQ4. Qua quyết định này, ông
Phạm Lương Toản giữ nguyên yêu cầu trên đối với chúng tôi. Điều này đồng
nghĩa với việc nếu chúng tôi không đưa tác giả bài viết vào mục người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời xác định họ tên và địa chỉ
nơi cư trú của người này thì đơn khởi kiện của chúng tôi sẽ không được
thụ lý.
Hãy giả định rằng bạn bị một website của một tổ chức nào đó đăng bài
viết xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bạn. Bạn không biết
tác giả bài viết là ai vì tác giả không công khai danh tính và trên thực
tế rất khó để xác định thông tin về người này. Rồi bạn quyết định khởi
kiện tổ chức đó ra Tòa án, yêu cầu tổ chức đó gỡ bỏ bài viết. Tuy nhiên,
Tòa án trả lời bạn rằng để đảm bảo yêu cầu khởi kiện của bạn, bạn phải
đưa tác giả bài viết vào đơn khởi kiện với tư cách là người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan và phải xác định họ tên và địa chỉ nơi cư trú
của người đó.
Liệu điều đó có hợp lý không? Theo cách giải quyết này của Tòa án,
một tổ chức có thể đăng bài viết của một kẻ vô danh tính xúc phạm một ai
đó nhưng không bao giờ phải ra tòa chỉ vì người bị xúc phạm không thể
xác định được kẻ vô danh tính là ai!
Liệu điều đó có đúng pháp luật không? Theo quy định tại khoản 4, Điều 56, Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Trong
trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi,
nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia
tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà
án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan.” Như vậy, một khi chúng tôi không đề nghị đưa
tác giả bài viết vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan mà Tòa án thấy rằng phải đưa tác giả bài viết vào
tham gia tố tụng với tư cách đó, thì trách nhiệm xác định thông tin của
tác giả để đưa vào tham gia tố tụng thuộc về Tòa án.
TANDQ4, khi lấy Điều 56 làm căn cứ cho việc yêu cầu chúng tôi đưa tác
giả bài viết vào mục người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cố tình
bóp méo điều này, đẩy trách nhiệm xác định thông tin về tác giả cho
chúng tôi, trong khi người này trên thực tế không có quyền lợi gì đối
với chúng tôi, đồng thời chúng tôi không đòi hỏi nghĩa vụ gì từ người
này.
Trong những vụ án tương tự về việc tổ chức đăng bài viết xúc phạm cá
nhân, đơn khởi kiện của nguyên đơn vẫn được thụ lý bình thường mặc dù
nguyên đơn không đưa tác giả bài viết vào mục người có quyền lợi, nghĩa
vụ liên quan (một khi đã đảm bảo các yêu cầu về hình thức và nội dung
của đơn khởi kiện). Vì vậy, quyết định giải quyết khiếu nại của ông Phạm
Lương Toản buộc chúng tôi phải nghi ngờ về tính không khách quan của
ông cũng như của TANDQ4. Chúng tôi có cơ sở để cho rằng tính không khách
quan này xuất phát từ việc bị đơn là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh, trường Đại học Luật TP. HCM.
Một cách dứt khoát, chúng tôi không chấp nhận giải quyết khiếu nại
của Chánh án TANDQ4. Do đó, chúng tôi tiếp tục khiếu nại. Đơn khiếu nại
của chúng tôi đã được gửi tới Tòa án Nhân dân TP. HCM vào ngày 25/07 vừa
qua, như là bước tiếp theo trong việc vận dụng pháp luật để bảo vệ danh
dự, nhân phẩm và uy tín của chính mình.
Sài Gòn, 27/07/2013
Xem đơn khiếu nại của Nguyễn Trang Nhung TẠI ĐÂY
Xem đơn khiếu nại của Bùi Quang Viễn TẠI ĐÂY
Xem đơn khiếu nại của Phạm Lê Vương Các TẠI ĐÂY