Bình luận của Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
Dân Luận
Quang cảnh một phòng bầu phiếu trong ngày bầu cử (Hình: ĐVDVN)
Ngày hôm nay - 28/7/2013 - người dân Campuchia bầu cử Quốc hội lần
thứ 5 kể từ khi cuộc nội chiến đẩm máu chấm dứt qua sự can thiệp trực
tiếp của Liên Hiệp Quốc. Kỳ này, Campuchia có tất cả 8 đảng chính thức
tranh cử. Trong thực tế, dư luận quan tâm nhiều đến hai đảng có tầm vóc
nhất là đảng Nhân dân Campuchia (Cambodian People's Party, tức CPP) và đảng Cứu quốc Cambodia (Cambodian National Rescue Party, tức CNRP).
Theo thực tế chính trị Campuchia, người ta dự đoán là đảng CPP sẽ tiếp
tục cầm quyền, dù là tỷ lệ số ghế trong Quốc Hội mới sẽ có sự thay đổi
đáng kể.
Với những “nút thắt” quyền lợi to lớn và chặt chẽ giữa đảng
CPP với giới quân đội, công an, chính quyền cũng như các tập đoàn tư bản
mới của xứ này, sự tồn tại kéo dài của chế độ đương quyền là điều mà
nhiều người đã dự đoán. Tuy nhiên, với nhiều áp lực quốc tế và nội địa,
nền chính trị Campuchia chắn chắn sẽ có những cải cách mới trong thời
gian tới. Vấn đề là trong bối cảnh chính trị của Campuchia hiện nay,
chúng ta nên nhìn tình hình nước này như thế nào và có thái độ ra sao,
dù là ai sẽ cầm quyền.
Khi đảng CPP tiếp tục thắng cử, người ta sẽ có thể đoán trước được
sắc thái của nhiệm kỳ chính phủ mới, vì những lãnh vực quan trọng sẽ
tiếp nối bằng những chính sách, chủ trương đang có. Tất nhiên là những
tiêu cực trầm kha của chế độ cũng sẽ tiếp tục hiện diện.
Nhưng khó ai có thể nói trước được những gì sẽ xảy ra cho đất nước và
nhân dân Campuchia khi đảng CNRP thắng nhiều ghế trong kỳ này, hay sẽ
liên minh với một vài đảng khác để cùng lập một chính phủ liên hiệp. Nếu
CNRP thắng, Campuchia đã vượt được một bước lớn trong tiến trình phát
triển dân chủ nhưng nguy cơ của một cuộc nội chiến sẽ có thể xảy ra.
Tất nhiên, những mâu thuẫn trong chính trường Campuchia là vấn đề của
người bản xứ. Nhưng vì đất nước và dân tộc, chúng ta cần có một thái độ
chính trị thích hợp và lâu dài cho quyền lợi Việt Nam. Thái độ đó là dù
không thể nào ủng hộ được tình trạng lạm dụng quyền lực ở Campuchia,
song chúng ta cũng không thể ủng hộ cho đảng đối lập CNRP khi đảng này
đã có thái độ hoàn toàn bất lợi cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Và đáng lo hơn nữa, nếu việc kỳ thị, ngược đãi người Việt trở thành
quốc sách của chính phủ mới, và được thực hiện một cách quy mô, thì
chiến tranh với Việt Nam chắc chắn sẽ khó tránh khỏi.
Đối với người Việt đang sinh sống ở Campuchia, phần lớn có cảm tình
với đảng CPP. Sự ủng hộ này không phát xuất từ chính kiến mà từ kinh
nghiệm thực tế: Cá nhân ông Hun Sen và đảng CPP tuy có nhiều vấn đề đối
với người Campuchia, song đối với đất nước và nhân dân Việt Nam thì vẫn
luôn thân thiện. Chính phủ của ông chưa bao giờ có chủ trương ngược đãi
đối với người Việt, kể cả số người Việt không có giấy tờ di dân hợp
pháp. Nhưng ông Sam Rainsy và đảng đứng tên ông thì hoàn toàn ngược lại.
Khi đảng này thống hợp với đảng Nhân Quyền của ông Kem Sokha thành đảng
Cứu quốc Cambodia thì vẫn duy trì chủ trương công khai “bài Việt”, đã
sách nhiễu, hành hung người Việt, đã công khai ngược đãi người Việt ở
Campuchia, và đã tuyên bố một cách ngang ngược về chủ quyền lãnh thổ,
lãnh hải phía Nam của Việt Nam. Nhiều vụ thóa mạ, tấn công người Việt đã
xảy ra trong những ngày sắp bầu cử vừa qua.
Là một quốc gia có 3 nước láng giềng, chúng ta cần có một chính sách
đối ngoại thật thích hợp và khôn khéo để giảm thiểu tối đa các tranh
chấp, khủng hoảng… có thể làm phương hại đến nền an ninh hay quyền lợi
tối cao của đất nước và dân tộc. Việt Nam cần thân thiện, gắn bó với các
nước láng giềng để có thể hỗ tương cho nhau trong tiến trình sinh hoạt
và phát triển. Chúng ta luôn bày tỏ sự cảm thông, thân thiện và đoàn kết
với các dân tộc láng giềng song cũng cần có những thái độ cần thiết mỗi
khi quyền lợi của đất nước và dân tộc bị đe dọa. Chúng ta không xem vào
chuyện nội bộ chính trị của nước bạn song không thể làm ngơ trước những
nguy cơ có thể xảy đến cho đất nước và dân tộc chúng ta. Trong hoàn
cảnh khẩn thiết, thái độ đó phải được đặt trước và trên những dị biệt về
chính kiến.
Nói chung, dù muốn hay không người Việt chúng ta cũng phải quan tâm
và có thái độ hợp lý đối với các vấn đề lớn của các nước láng giềng, để
có thể bảo vệ được lãnh thổ và cùng chung sống trong hòa bình, phát
triển.
Đảng nào cầm quyền Campuchia, đó là vấn đề của người Campuchia. Tuy
nhiên, chúng ta cần phải có thái độ rõ ràng đối với bất cứ thế lực nào
có chủ trương gây phương hại đến danh dự và quyền lợi của đất nước, dân
tộc Việt Nam.
Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)