Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Xử phúc thẩm vụ ông Đoàn Văn Vươn: Pháp luật khó…“thức tỉnh”

Nguyễn Đình Ấm
Blog Bà Đầm Xòe
Vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn (ĐVV) ở cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 5/1/2012 được cả thế giới biết, tóm tắt như sau: Ông ĐVV được thuê đất hợp pháp, huyện Tiên Lãng cưỡng chế đầm ông Vươn là sai cả lý lẫn tình (Lời ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Trước đó, biết mình sắp bị thu hồi đất sai, ông ĐVV đã làm 6 lần đơn kêu cứu không được xem xét, ông kiện lên tòa hành chính huyện Tiên Lãng, bị thua, ông lại kiện lên tòa Hải Phòng, tòa dụ ông rút đơn kháng cáo thì sẽ cho thuê đầm tiếp nhưng khi ông rút đơn, chính quyền dùng lực lượng vũ trang cướp đầm…
Trước hành vi lừa đảo hèn hạ, tính chất lưu manh, vô nhân tính của các cấp quan khiến ĐVV phải chống lại một cách tuyệt vọng bắn súng hoa cải, đốt bình gas cốt “thức tỉnh” pháp luật. Hành động tiêu cực này giống như bà cụ Nguyễn Thị Bương tự thiêu ở tòa huyện Đông Hòa (Phú Yên) do quyền lợi của bà bị tòa buông trôi, anh Nguyễn Tiến Bính ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) chém vào xe chủ tịch tỉnh Lê Văn Chất do bị oan sai kiện cáo 5- 6 năm trời không được ngó ngàng,v.v.và v.v…

Thế nhưng, pháp luật vẫn “không thức tỉnh”.
Sau khi vụ việc nghiêm trọng xẩy ra, thủ phạm vụ việc là chủ tịch huyện Lê Văn Hiền có các hành vi rõ ràng mang tội chủ mưu, xâm phạm nơi ở, hủy hoại, cướp đoạt tài sản công dân…thì chỉ bị “phủi nhẹ” với tội “vô trách nhiệm”; tòa huyện Tiên Lãng đồng lõa với hành vi sai trái của lãnh đạo huyện, tòa Hải Phòng, lừa đảo giúp huyện cướp đầm thì coi như “bình an vô sự” còn nạn nhân ĐVV đã tuân thủ, vận dụng hết những gì pháp luật (trên giấy) cho phép nhưng không thành đành đành dùng biện pháp “đánh trống đình” (nhưng không làm chết ai) phải được trắng án thì ngược lại, bị trừng phạt nặng. Sau vụ việc, kẻ “bật đèn xanh” cho vụ cướp đầm là một lãnh đạo TP Hải Phòng được làm “chỉ đạo” tổ công tác giải quyết vụ việc chỉ đến khi dư luận phản đối quyết liệt thì mới được thay nhưng vẫn là họ với nhau. Đại tá Đỗ Hữu Ca – người trực tiếp chỉ huy “trận đánh đẹp” cướp đầm lại được chủ trò điều tra vụ việc và tất nhiên kết quả như đã rõ. Tòa sơ thẩm Hải Phòng “cầm còi” đồng thời là “cầu thủ” tất nhiên phải giành phần thắng về “đội” mình và trừng phạt “thích đáng” kẻ dám toan sút banh vào lưới của “đội nhà”. Các nạn nhân ĐVV, Đoàn Văn Quý bị quy tội giết người, phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh- kẻ không đồng tình với quan chủ tịch huyện trong vụ cướp bị “tổ chức ưu tú phân công” nhiệm vụ chủ trò ngay cái việc mà mình phản đối để mang tội “hủy hoại tài sản công dân”…
Nếu nhà cầm quyền từ TƯ đến địa phương là vô tư, phục thiện thì không thể có chuyện kẻ làm bậy lại đi điều tra, kẻ gây tội lại chủ trò xét xử để bỏ lọt tội kẻ chủ mưu, xử nặng tội nạn nhân một cách cực kỳ vô lý như vậy. Thế nhưng nó vẫn diễn ra bất chấp liêm sỉ, bất chấp dư luận không đồng tình. Việc phiên tòa công khai nhưng hôm xử cả “rừng” cảnh sát phong toả mọi con đường không cho dân khắp trong nước tự do tiếp cận tòa chứng tỏ chính quyền biết việc làm của mình là bất chính bị dân phẫn nộ phản đối nên mới phải ngăn cấm. Bất kể phiên tòa công khai nào không cho dân tự do đến dự, “công an nhiều hơn dự khán” đều là bất chính!
Vừa qua ông Đỗ Hữu Ca, người nổi tiếng về thành tích trấn áp dân, ca ngợi cuộc “đánh chiếm” đầm, bắn loạn xạ vào nhà nạn nhân không nằm trong phạm vi giải tỏa là “trận đánh cực kỳ đẹp, cực kỳ hay, có thể viết thành sách…”- bôi một vết nhơ không bao giờ phai cho ngành CA- được thăng lên cấp tướng. Chứng tỏ “trận đánh đẹp” không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của ông đại tá mà ngược lại là một thành tích(?). Điều này càng chứng tỏ việc làm kiểu như vụ ĐVV là một chủ trương, “sự nghiệp nhất quán” từ cao đến thấp của nhà cầm quyền. Có thể hiểu chủ trương “nhất quán” này vì đất đai là một trong những nguồn lợi lớn nhất của quan chức (cùng với khoáng sản, rừng…). Ai “phát triển” nguồn lợi ấy thì được ngầm bao che, nâng đỡ, ai ngăn cản “nguồn lợi” đó sẽ bị trừng phạt, cũng là điều tự nhiên….
Hiện tại trước lòng tham vô độ của các nhóm lợi ích, dân ở khắp nơi trong nước không ngớt các cuộc khiếu kiện đòi đất quyết liệt với chính quyền, doanh nghiệp…thì việc nhà cầm quyền “thức tỉnh” làm theo luật, xét xử khách quan, là không thể.
Vì vậy, trong vụ xử phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn, hy vọng pháp luật “thức tỉnh” tuyên vô tội cho ĐVV hăn là rất khó.
NĐA

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"