Mạc Việt Hồng
Theo Đàn Chim Việt
Cách đây gần 8 năm, ngày 24/10/2005 thế giới mất đi một con người
vĩ đại, một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tới nhân loại trong
thế kỉ 20. Đó là một phụ nữ da đen bà Rosa Parks.
Chuyện giành ghế của bà thợ may
Điều đặc biệt, bà không phải là trí thức, một lãnh đạo hay một nhà tư tưởng. Rosa Parks làm nghề khâu vá.
Cho tới ngày 1/10/1955, chưa ai biết tới người thợ may 42 tuổi này là
ai. Bà chỉ được nhắc đến sau 1 sự kiện. Hôm đó, trên chuyến xe buýt, bà
đã nhất định không nhường chỗ cho một người da trắng, bất chấp lời dọa
dẫm từ tài xế xe buýt. Bà đã bình thản ngồi trên chiếc ghế đó để chờ
cảnh sát tới bắt đi. Và bà đã bị bắt đúng như lời hăm dọa.
Rosa Parks bị bắt khi không chịu nhường ghế.
Phiên tòa sau đó đã xử phạt bà 14 USD. Hành động bị cho là cứng đầu
cứng cổ đó khiến bà bị mất việc, bị dọa giết, nhưng nó đã khiến không
chỉ nước Mỹ mà thế giới này thay đổi, mở ra một kỷ nguyên mới về bình
đẳng sắc tộc.
Tháng 2 vừa qua, một buổi lễ trang trọng đã diễn ra tại Quốc hội Mỹ
nhằm vinh danh bà và một bức tượng đồng lớn của bà được đặt tại trụ sở
Quốc hội. Đây là tác phẩm điêu khắc đầu tiên của một phụ nữ da mầu có
mặt trong tòa nhà Quốc hội, bên cạnh những nhân vật vĩ đại nhất của lịch
sử nước Mỹ như George Washington.
Tại buổi lễ đó, Tổng thống Obama đã phát biểu: “Hôm
nay, chúng ta mừng một người thợ may, nhỏ nhắn về bề ngoài nhưng to lớn
về lòng dũng cảm. Bà thách thức những sai trái, thách thức những bất
công.”
Nếu không có hành động phản kháng của người thợ may da đen ngày đó,
thì chưa chắc đã có một Tổng thống da mầu của nước Mỹ như ngày hôm nay.
Hành động của bà cho thấy rằng, sự thay đổi lớn lao, hay nói một cách
hoa mỹ là Cách mạng có khi chỉ bắt đầu bằng sự phản kháng của một cá
nhân, chứ không nhất thiết từ một học thuyết hay lý tưởng vĩ đại nào đó
như nhiều người vẫn rao giảng.
Không thiếu những bức xúc
Nhưng hơn nửa thế kỉ sau câu chuyện của bà thợ may, biết phản ứng
trước những việc làm sai trái vẫn là một bài học tươi mới còn nguyên giá
trị của nó. Nhìn vào xã hội Việt Nam hiện nay, có thể nói, bất công đầy
dẫy, ra ngõ gặp chuyện bực mình nhưng sự lên tiếng hay tranh đấu chống
lại những tệ nạn này còn quá yếu ớt và đơn lẻ.
Liệu có ai ở đất nước này chưa từng biết đến hay chưa từng là nạn
nhân của tệ phong bì, phong bao? Nạn đưa phong bì xảy ra ở mọi nơi, mọi
lúc nhưng đau lòng nhất là ở bệnh viện. Đến bệnh viện phải kính thưa các
loại phong bì, từ bác sĩ khám xét tới bác sĩ mổ xẻ, rồi y tá cho mỗi
lần tiêm chọc, thay băng. Bà mẹ đang còn đau đớn sau ca sinh nở phải dúi
vào tay y tá chút tiền để họ tắm rửa nhẹ tay với đứa con mới sinh của
mình. Không ai nỡ nhìn con mình bị quăng quật mạnh tay hay bị giựt cái
băng rốn đến tóe máu. Bệnh nhân tai nạn giao thông, gẫy giập nát đùi,
chuyển tới bệnh viện, nhưng bác sĩ không ngó tới vì còn chờ người nhà
bệnh nhân đem tiền tới nộp… Những chuyện như thế xảy ra hàng ngày ở Việt
Nam nhưng chưa có ai làm thật ráo riết với nó, chưa có một người không
chịu đưa phong bì nhưng kiên quyết đòi hỏi quyền lợi của mình.
Một chuyện nữa diễn ra từ Bắc tới Nam, ai cũng biết, nhưng ngoài
vài vụ ồn ào đem quan tài diễu phố tất cả lại đâu vào đấy. Nếu có một
thống kê nghiêm chỉnh, ngành công an Việt Nam chắc chắn phải đứng đầu
thế giới về tỉ lệ các vụ đánh chết người, nhưng sự việc nọ vẫn nối tiếp
sự việc kia chìm vào quên lãng với vài ba cái án xử chiếu lệ.
Còn vô số những điều xấu xa trong xã hội đã trở thành quốc nạn như
tệ mua quan bán chức. Không kể tới các chức tước lớn mà sự mua bán của
nó nghe nói lên tới nhiều tỉ, một sinh viên mới ra trường hiện nay, muốn
trở thành công chức nhà nước cũng phải mất vài trăm triệu tùy theo từng
ngành nghề và từng địa phương. Không những anh cảnh sát giao thông muốn
ra ‘đứng đường’ phải tốn vài trăm triệu mà những nghề đại diện cho
lương tâm của một xã hội cũng phải chạy chọt bằng tiền bạc. Chân giáo
viên biên chế vài trăm triệu, chân bác sĩ bệnh viện lớn có khi tới nửa
tỉ. Những gia đình có tiền thì lẳng lặng thu xếp cho con em mình một chỗ
làm việc trong bộ máy nhà nước; nhà nào không, thì dù có tới 2 bằng đại
học cũng khó kiếm được một công việc tử tế. Sinh viên, thanh niên có đủ
thứ hội đoàn nhưng chưa có hội đoàn nào nói “không” với tệ nạn này.
Chỉ thiếu người lên tiếng
Khoan nói tới bất kỳ một sự thay đổi chính trị nào – vốn là điều
hết sức nhạy cảm ở một quốc gia như Việt Nam – nhưng nếu mỗi người biết
phản kháng hay biết ủng hộ những người phản kháng thì xã hội xung quanh
ta chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Ở Việt Nam, bất kể ai cũng có thể kể ra dăm ba chuyện bức xúc nhưng
rất ít người dám tranh đấu công khai chống lại bất công. Ở một đất nước
mà tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, nhưng chống tham nhũng tích cực nhất
lại là một bà cụ về hưu tuổi đã ngoài 80.
Trong ngành Giáo dục, thầy giáo Đỗ Việt Khoa trở thành người “một mình
chống lại mafia” khi ông lên tiếng nói “không” với căn bệnh thành tích
trong thi cử. Và kết quả, sau sự ồn ào ủng hộ của một số quan chức, ông Khoa từ “người đương thời” trở thành “mất dậy”.
Trịnh Kim Tiến đến với đòi hỏi dân chủ từ nỗi đau gia đình.
Tình trạng công an đánh chết người diễn ra thường xuyên nhưng tranh
đấu một cách trực diện, lâu dài và quyết liệt hình như chỉ có một mình
Trịnh Kim Tiến. Từ phẫn uất cá nhân, cô gái tuổi đôi mươi đã đến với lý
tưởng dân chủ, với chủ quyền biển đảo một cách chững chạc và trở thành
một người được biết đến trong cũng như ngoài nước.
Dân oan hiện nay biết tới một Bùi Hằng với quyền sách giới thiệu về
nhân quyền trên tay. Những người nông dân mất đất biết chị như một
người phụ nữ sẵn sàng bay từ cực Nam của đất nước ra Hà Nội để sát cánh
cùng họ. Nhưng theo chia sẻ của chị, 4 năm trước đây những khái niệm
“nhân quyền” hay “dân chủ” chưa hề xuất hiện trong chị. Sáng lên từ
những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, rồi bị đày đọa trong trại cải tạo
nửa năm trời, nhưng chị tranh đấu bắt đầu từ vụ kiện cáo cá nhân liên
quan tới đất đai thừa kế. Từ đó chị nhìn ra những bất công của xã hội,
sự tham nhũng của hệ thống quan chức và mong muốn có sự thay đổi về
chính trị.
Trở lại chuyện của loạt bài viết này, không phả ai cũng đến với
việc tranh đấu cho dân chủ bằng một lý tưởng hay một quan điểm đã định
hình sẵn trong đầu, mà người ta có thể đến bằng nhiều con đường khác
nhau, kể cả bức xúc cá nhân, hay bất đắc chí để rồi cùng hòa quyện vào
dòng chảy dân chủ. Bùi Hằng hay Kim Tiến chỉ là những ví dụ nhỏ của
những người tới với dân chủ không xuất phát từ một nhận thức. Điều quan
trọng không phải là điểm bắt đầu của mỗi người mà là điểm kết thúc của
người đó.
Nói như một chính trị gia Ba Lan mới đây, ông đã huỵch toẹt trước
công luận rằng, “tôi làm chính trị vì chẳng biết làm gì khác”, nhưng ông
vẫn là một chính trị gia được kính trọng. Xã hội, một cách công bằng,
sẽ đánh giá con người qua những việc họ đã làm được cho cộng đồng, những
giá trị họ để lại hơn là việc nhân danh những lý tưởng cao đẹp. Vậy tại
sao không bắt đầu tranh đấu bằng những điều bức xúc nhỏ nhặt nhất xung
quanh ta?
Trước khi dừng bài viết, xin có đôi lời về câu chuyện của Rosa
Parks. Bà đã làm lịch sử nhờ sự ủng hộ của hàng ngàn người da đen khác.
Họ đã tẩy chay ô tô buýt hơn một năm trời. Chấp nhận đi bộ hàng dặm dưới
nắng gắt hay mưa rét và những đôi chân nứt nẻ, mệt mỏi của họ đã khiến
nhà chức trách Hoa Kỳ nhìn nhận lại sự việc.
Ở Việt Nam đã có những tiếng nói, những hành động đơn lẻ đầy dũng
cảm, nhưng một bà cụ về hưu hay một cô gái mất cha không thể làm nên một
thay đổi lớn nào nếu không có sự ủng hộ của quần chúng, nếu hàng vạn
người khác không hành động cùng họ. Hàng chục nhà dân chủ ở Việt Nam vào
tù ra tội đầy can đảm nhưng đằng sau họ vẫn thiếu một công chúng, thiếu
những bước chân, những bàn tay của những người xung quanh. Sự thờ ơ
lãnh cảm này có thể sẽ chủ đề của một phần viết khác.
Phần tiếp: Nhận tiền của hải ngoại, có xấu hay không?
© Đàn Chim Việt