Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Sự thiết lập sơ khởi trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam

Mạnh Kim
Theo blog Mạnh Kim
Trong cuộc gặp tại Nhà trắng giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang, bức thư Chủ tịch HCM gửi Tổng thống Harry Truman lại được nhắc đến như bằng chứng cho sự thiết lập sơ khởi trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Thử nhìn lại tiến trình này…
Khi Hiến chương Đại Tây Dương công bố hè 1941, ông HCM đã nhìn thấy vận hội cho công cuộc tranh đấu giành độc lập từ thực dân Pháp. Hiến chương ra đời với sự đồng thuận của Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã nêu rõ sự tôn trọng chủ quyền quốc gia cũng như sự tái lập nền độc lập đối với các quốc gia bị tước chủ quyền. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên mà ông HCM nghĩ đến như một sự trợ giúp cần thiết thời điểm đó. Và cơ hội đầu tiên đã xuất hiện vào năm 1944, khi một máy bay Mỹ bị tai nạn trên bầu trời Cao Bằng. Viên trung úy phi công Mỹ William Shaw được Việt Minh cứu sống và lập tức đưa đi khỏi địa điểm bị nạn. Ngay hôm sau, quân Pháp vây kín khu vực, tháo máy bay và tìm viên phi công. Tiếp theo Pháp là Nhật. Tuy nhiên, Shaw đã được đưa đến thôn Lũng Bó, vào lúc ông HCM chuẩn bị đi Côn Minh (Trung Quốc). Chủ tịch HCM lệnh cho tiểu đội du kích của Lê Quảng Ba bảo vệ Shaw và sau đó yêu cầu đưa Shaw đến gặp. Cuối buổi nói chuyện, ông HCM hứa trả Shaw cho quân Đồng minh tại Côn Minh. Trước khi chia tay, ông HCM yêu cầu Shaw giao lại cho thượng cấp bản tiếng Anh của “Cương lĩnh Mặt trận Việt Minh”.

hovo-oss1945.jpg
Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và nhóm OSS năm 1945
Cuối năm 1944, ông HCM sang Côn Minh. Shaw được đi theo để được trở về Bộ tư lệnh không quân Mỹ tại đó. Khi đoàn đến Thiên Bảo, huyện trưởng Tĩnh Tây báo cho Trần Bảo Phương (tướng của Tưởng Giới Thạch); và ông HCM được yêu cầu giao Shaw cho họ. Đây là một âm mưu “cướp công” – nói theo tác giả Mai Văn Bộ trong quyển Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh. Tại Côn Minh thời điểm trên, ngoài tổng hành dinh Không đoàn 14 Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng Claire Chennault, còn có Tổng cục chiến lược vụ (OSS – tiền thân Cơ quan tình báo Mỹ CIA) và Cơ quan cứu trợ không quân (AGAS). Khi đến Côn Minh, ông HCM liên lạc ngay với AGAS. Khi nghe thuộc cấp kể về việc Việt Minh cứu Shaw, chỉ huy AGAS Charles Fenn lập tức đồng ý gặp ông HCM. Sau cuộc tiếp xúc ngày 17-3-1945, Charles Fenn và ông HCM lần thứ hai vào ngày 20-3-1945 và sắp xếp cuộc tiếp xúc với Claire Chennault.
Cần nhấn mạnh rằng, trong cục diện chính trị thập niên 1940, khi Đông Nam Á trở thành một trong những điểm nóng nhất thế giới, Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến Đông Dương. Tướng William Donovan – chỉ huy trưởng OSS – đã bí mật cử hai viên chức tình báo sang khu vực: đại tá John Whitaker và trung tá Archimedes Patti nhằm nghiên cứu tình hình thực tế. Đến Côn Minh ngày 14-4-1945, Archimedes Patti nhanh chóng nhận ra sự phức tạp của bàn cờ Đông Dương, khi quân Nhật có khả năng tấn công lên Tây Nam Trung Quốc, khi Pháp thất bại hết trận này đến trận khác, khi quân Tưởng tiếp tục là thế cờ khó giải trong cục diện chính trị Trung Quốc…
Archimedes Patti cũng được nghe về sự lớn mạnh của Việt Minh. Sau khi nghe báo cáo về việc Việt Minh cứu Shaw cũng như các cuộc tiếp xúc của ông HCM với Claire Chennault và Charles Fenn, Patti quyết định trực tiếp gặp Chủ tịch Hồ. Chiều 27-4-1945, Patti đến quán trà tại ngoại ô Tĩnh Tây, chờ Vương Minh Phương (người móc nối liên lạc giữa Việt Minh và tình báo Mỹ). Chập choạng tối, ông Vương đến, dẫn Patti đến ngôi làng nhỏ cách Tĩnh Tây khoảng 10km. Trong cuộc gặp, Chủ tịch Hồ đi thẳng vào vấn đề: “Việc hợp tác với Đồng minh chống Nhật trên chiến trường Đông Dương mà chúng tôi đã làm, trên thực tế, chứng tỏ rằng chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Mỹ”. Patti cũng kể rằng tên tuổi của Chủ tịch Hồ thật ra không xa lạ gì với chính giới Mỹ, từng được nhắc đến trong các tài liệu Bộ ngoại giao Hoa Kỳ…
Về yêu cầu trợ giúp, ông HCM nói: “Nếu Mỹ sắp xếp được với Đồng minh cung cấp những thiết bị liên lạc và một số vũ khí nhẹ, đủ để trang bị cho một đơn vị nhỏ và phái người huấn luyện việc sử dụng các vũ khí đó, chắc rằng tình hình sẽ thay đổi”. Một trong những điểm mấu chốt cuối cùng trong đợt liên lạc này là sự thỏa thuận cho tình báo Đồng minh vào căn cứ Việt Minh. Ngày 15-4-1945, nhóm tình báo Đồng minh được đưa vào căn cứ Việt Minh. Ông HCM dặn ông Cao Hồng Lĩnh và Quốc Văn: “Đây là đám Đồng minh nói là chống phát xít, ngoài việc chúng nắm tình hình Nhật, đồng thời cũng nắm tình hình của ta. Đây là nhóm tình báo chuyên nghiệp, ở Đông Dương đã lâu. Đã cho chúng vào rồi thì trong quan hệ hàng ngày nên xử trí như thế nào cho được việc của họ và cũng có lợi cho ta. Ba phương châm các chú phải nhớ để giải quyết mọi công việc: Thứ nhất là làm gì có lợi cho hợp tác với Đồng minh, không có hại cho công việc của ta. Thứ hai là không từ chối một việc gì có ích chung nhưng cũng không hứa hẹn một điều gì không làm được. Thứ ba là nên khôn khéo đối xử, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng người, linh hoạt giải quyết mọi công việc để tranh thủ họ”.
Đầu tháng 5-1945, Chủ tịch Hồ quyết định chuyển căn cứ về xuôi. Trước khi đi, ông HCM gửi thư và hai tài liệu khác cho Patti, nhờ đại diện Mỹ chuyển lên Liên Hiệp Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc chiến giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Cuối tháng 5-1945, ông HCM gửi tiếp thư cho Patti, thông báo việc Nhật mở rộng công trình công sự tại Cao Bằng và nhắc Patti chuyển hai văn kiện đến San Francisco. Vấn đề hợp tác tình báo đã được cụ thể hóa bằng việc toán tình báo Con nai do thiếu tá tình báo Mỹ Allison Thomas nhảy dù xuống Tân Trào giữa tháng 7-1945. Tiếp xúc Thomas, ông HCM một lần nữa khẳng định Mặt trận Việt Minh là tập hợp các đảng chính trị được tổ chức với mục đích duy nhất là đấu tranh cho tự do dân tộc. Ngày 25-7-1945, ông HCM yêu cầu Thomas nhờ trung gian Mỹ báo cho Pháp biết mình có thể nói chuyện với đại diện Pháp tại Côn Minh hoặc Bắc Kỳ. Yêu cầu này được Thomas chuyển cho Bộ chỉ huy AGAS ở Côn Minh.
Đầu tháng 8-1945, ông HCM chọn 100 du kích để biệt đội Con nai huấn luyện sử dụng vũ khí. Ngày 6-8-1945, nhờ điện đài Thomas, ông HCM biết tin Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima (Nhật). Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp tốc hội ý Ban thường vụ Trung ương, quyết định tổ chức tổng khởi nghĩa. Phần mình, người Mỹ bắt đầu thay đổi chiến lược cho cục diện Đông Dương. Chiều 25-8-1945, Chủ tịch Hồ về đến Hà Nội. Trước đó ba ngày, phái bộ Mỹ do Patti dẫn đầu đã có mặt tại Hà Nội. Trong Vietnam – a history, tác giả Stanley Karnow thuật: Tháng 7-1945, trước khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật, các nhà lãnh đạo Đồng minh đã họp tại Potsdam (ngoại ô Berlin, Đức). Họ lập kế hoạch giải giới quân Nhật tại Việt Nam đồng thời ủng hộ Pháp tại mặt trận Đông Dương.
Tối 30-9-1945, trong lần gặp cuối cùng với Patti, Chủ tịch Hồ khẳng định: “Nếu người Pháp cố tình quay trở lại Việt Nam, như là những tên thực dân đế quốc bóc lột, tàn sát và giết hại đồng bào tôi, thì tôi dám khẳng định với họ và thế giới rằng đất nước Việt Nam có thể biến thành tro bụi nhưng chính sách của Chính phủ tôi sẽ là một chính sách tiêu thổ kháng chiến đến cùng!”...

Tài liệu

1- Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Mai Văn Bộ, NXB Trẻ TP. HCM, 2004
2- Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao, Vũ Dương Huân, NXB Thanh Niên, 2005
3- Ho Chi Minh, William J. Duiker, NXB Hyperion, 2000
4- Choosing War: The Lost Chance for Peace and the Escalation of the Vietnam War, Fredrik Logevall, NXB University of California Press, 1999
5- Vietnam – a history, Stanley Karnow, NXB Penguin Books, 1997
>>>>>
Trích phát biểu của Tổng thống Obama trong cuộc gặp Chủ tịch Sang:
"At the conclusion of the meeting, President Sang shared with me a copy of a letter sent by Ho Chi Minh to Harry Truman. And we discussed the fact that Ho Chi Minh was actually inspired by the U.S. Declaration of Independence and Constitution, and the words of Thomas Jefferson. Ho Chi Minh talks about his interest in cooperation with the United States. And President Sang indicated that even if it's 67 years later, it's good that we're still making progress..."

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"