Joshua Kurlantzick
Diên Vỹ chuyển ngữ
25.07.2013
Con voi trong phòng: The elephant in the room - thành ngữ phương Tây, ám chỉ một vấn đề rõ rệt trước mắt nhưng không ai muốn đề cập đến vì không giải quyết được hoặc không muốn phiền lụy.(ND)
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đang viếng thăm Washington, đây là chuyến viếng thăm cao cấp thứ hai đến D.C. kể từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, mặc dù Washington và Hà Nội vẫn có mối quan hệ gần gũi trong gần một thập niên qua. Một phần, việc tránh né những cuộc viếng thăm công khai đến Washington vì giới lãnh đạo Việt Nam không muốn phải đối diện với những cáo buộc mạnh mẽ từ các dân biểu, báo giới và một số quan chức Hoa Kỳ về hồ sơ nhân quyền đầy xấu xa của Hà Nội, vốn đang tồi tệ hơn trong năm qua với việc bắt bớ ngày càng nhiều những blogger, các nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo.
Dường như hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam là con voi trong phòng trong chuyến viếng thăm này. Trong bài giới thiệu về Chủ tịch Sang tại Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng John Kerry, một trong hai người Mỹ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối lại quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm đầu 1990 (người kia là John McCain) chỉ ca ngợi chung chung về ông Sang và không hề đề cập đến những lạm dụng nhân quyền trầm trọng của Việt Nam. Tổng thống Obama cũng hầu như tránh né chủ đề này, nhưng sự đàn áp của Hà Nội lại là trọng tâm của những bài xã luận viết về chuyến thăm cũng như của những thảo luận về quan hệ hai nước tại Quốc hội.
Song, với Chủ tịch Sang, lại có một con voi lớn hơn, nó cũng không được lưu tâm đến trong chuyến viếng thăm của ông. Mặc dù nhiều quan chức chính quyền và quốc hội vẫn xem Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh, một đối thủ dễ dàng qua mặt Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á khác, trên thực tế, kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục tụt dốc; đảng cầm quyền - và Chủ tịch Sang - dường như bất lực trong việc tìm cách ngăn chặn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng đang đối diện với những khó khăn về kinh tế, nhưng họ lại có phản ứng mạnh mẽ hơn với tình trạng kinh tế trì hoãn, và trở nên minh bạch hơn (đây là điều cần thiết) về những khó khăn của họ hơn là giới lãnh đạo Việt Nam. Các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam vẫn trương phì trong khi số nợ thật sự của chúng đa phần được giấu kín.
Thật thế, Việt Nam không có một nhà cải cách nào được đảng uỷ nhiệm để nhanh chóng cải tạo lĩnh vực kinh tế nhà nước và tìm cách đưa nền kinh tế đi đúng hướng như cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ từng làm. Trên lý thuyết, nhà nước đã thông qua một kế hoạch cải cách và tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp nhà nước đang chồng chất nợ nần cũng như toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia, bao gồm việc thiết lập một công ty quản lý tài sản chuyên giải quyết các món nợ xấu. Nhưng kế hoạch này đang được triển khai vô cùng chậm chạp để có thể gây được hiệu quả, và tính chậm rãi này đang nhiễm độc toàn bộ nền kinh tế. Với những nhân vật cải cách được đề bạt như Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, bản thân họ và các đồng minh chính trị của họ đã bị những kẻ cứng rắn ở Hà Nội trói tay, hoặc bị bổ nhiệm vào những chức vụ hào nhoáng không có thực quyền. Và vì thế kinh tế Việt Nam đã tăng 5% trong quý hai năm nay, nhưng vẫn quá thấp so với tỉ lệ tăng trưởng 7-8% trong hầu hết giai đoạn cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000. Ngay cả sự tăng trưởng trong quý hai này có được là nhờ một phần từ đầu tư nước ngoài và việc ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất, điều này dù quan trọng nhưng vẫn không giải quyết được vũng lầy nợ nần của cả nước. Các hộ dân người Việt không thể vực dậy - chi phí của người tiêu dùng vẫn quá thấp, và vì thế nền kinh tế tiếp tục chững bước. Và, là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất tại Đông nam Á, đúng ra Việt Nam cần phải tăng trưởng nhanh hơn mức 5% để hấp thu hết thành phần thanh niên vào lực lượng lao động.
Cũng như giới lãnh đạo Trung Quốc, những người mà Việt Nam dùng làm khuôn mẫu cho các chương trình cải cách của mình, các quan chức cao cấp của đảng như Chủ tịch Sang đặt toàn bộ tính chính danh của mình vào sức bật kinh tế vì họ không cho phép việc tự do bầu cử và uy tín của họ từ những cuộc chiến tranh trước đây đã phai nhạt dần. Tính chính danh ấy đang suy giảm; nhóm lãnh đạo Việt Nam hiện tại có thể bắt giữ nhiều công dân của mình, nhưng dường như họ không thể bắt giữ được sự suy yếu của Việt Nam.