Hoàng Long
từ Manila, Philippines
từ Manila, Philippines
Tôi nghe được thông tin về cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Philippines từ báo chí trong nước chứ không phải từ báo chí Philippines. Ở đất nước này, bạn có thể nghe mọi anh tài xế taxi giới thiệu một cách đầy tự hào về xã hội tự do của họ, vậy nên một cuộc biểu tình bảo vệ chủ quyền hoàn toàn không phải là điều gì to tát đến mức trở thành một sự kiện nóng trên cộng đồng mạng như ở Việt Nam.
Tuy vậy, ở một trường đại học nổi tiếng với nhiều Tổng thống từng là sinh viên như Đại học UP (University of the Philippines), thông tin này được nhiều nhóm sinh viên quan tâm và chuẩn bị biểu tình từ trước đó nhiều ngày. Họ cũng cho biết một số nhóm khác từ Đại học Tổng hợp Ateneo cũng sẽ tham dự cuộc biểu tình này cùng với các giáo sư của họ. Trên thực tế, học sinh, sinh viên và thanh niên là những người rất tích cực trong cuộc biểu tình ngày 24/7 này.
Tôi bắt một chuyến xe Zeepny (một loại xe lam tự chế từ xe Zeep) đến trước trụ sở lãnh sự quán Trung Quốc trên đại lộ mang tên vị cựu Thượng nghị sĩ Gil Puyat vào lúc 12 giờ trưa. Lúc này đoàn biểu tình đã có khoảng 1.000 người với rất nhiều cờ phướn, băng-rôn, khẩu hiệu và đủ các loại âm thanh. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Rafael và Hạ nghị sĩ Roilo Golez - hai người rất nổi tiếng ở Philippines, đang trả lời phỏng vấn báo chí.
Bỗng tôi thấy một biểu ngữ có chữ “Vietnam” được một nhóm người giương lên. Cánh phóng viên lập tức phát hiện ra và chĩa mọi ống kính vào đấy. Nhiều người Philippines nhận ra thì rất ngạc nhiên, vì có vẻ điều này chưa từng xảy ra trong các cuộc biểu tình của họ. Tôi lập tức đến gần và thấy biểu ngữ được một người Việt Nam và một người Philippines căng hai đầu, cả hai đều hô to hưởng ứng mỗi khi ban tổ chức bắt nhịp. Biểu ngữ ghi rõ “Philippines - Việt Nam cùng nhau chúng ta chống Trung Quốc” và logo của tổ chức Liên minh biển Tây Philippines bên cạnh logo No-U (nói Không với đường 9 đoạn chữ U phi pháp của Trung Quốc) của đoàn Việt Nam.
Anh tự giới thiệu tên là Thắng, là thành viên của nhóm này và giải thích cho tôi về ý nghĩa của logo. Là kỹ sư xây dựng, anh có sở thích chụp ảnh và rất tâm huyết với vấn đề Biển Đông. Cuộc nói chuyện giữa anh và tôi bị đứt quãng khi anh vội chạy lên thùng xe ban tổ chức bố trí sẵn cho cánh phóng viên để chụp cảnh cử hành quốc ca.
Một số người Philippines tiến gần hỏi tôi đến từ Việt Nam à, tôi bảo vâng, họ bắt tay niềm nở và luôn miệng nói “We are all friends” (chúng ta đều là bạn). (Cũng cần phải mở ngoặc là bên cạnh tiếng bản xứ là Tagalog, người Philippines nói tiếng Anh rất thành thạo. Đây là ngôn ngữ chính thức của họ, kể cả trong trường học). Một sinh viên người Philippines của Đại học UP thì chia sẻ về những vấn đề chung mà Việt Nam và Philippines đều gặp rắc rối với Trung Quốc và mong muốn hai nước phối hợp với nhau vì lợi ích chung. Anh cũng giới thiệu cho tôi về những người đang đứng phát biểu trên sân khấu. Họ đều là các quan chức cấp cao, nghị sĩ, ca sĩ, diễn viên, giáo sư nổi tiếng ở quốc đảo này và rất nhiệt tình trong suốt cuộc biểu tình.
Tôi giới thiệu cho họ mấy người bạn Việt Nam mới quen. Cuộc gặp gỡ bất ngờ hóa ra lại đầy cảm xúc. Có khoảng hai chục người Việt Nam đứng gần chỗ tôi, là du học sinh, nhân viên văn phòng, Việt kiều, có cả người Việt Nam sang đây đi du lịch như anh Thắng. Không hẹn mà người Việt Nam khắp ba miền gặp nhau ở xứ người, lại trong một sự kiện hướng về Tổ quốc như thế này, khó có thể nói hết được sự xúc động.
Chúng tôi đều có chung một nhận xét rằng người Philippines rất hiếu khách và thân thiện. Hiếu khách và thân thiện thực sự chứ không giống như những lời nói sáo rỗng của ngành du lịch nước ta. Và có vẻ như chúng tôi đều dành cho đất nước này sự kính trọng và yêu mến thực sự. Philippines không giàu. Thu nhập bình quân đầu người của họ chỉ là 2.600 USD/năm. Ngay tại thủ đô Manila cũng có nhiều khu ổ chuột và nhiều người phải qua đêm ở vỉa hè. Nhưng họ luôn tận tình với người nước ngoài và dễ dàng tin người lạ một cách đáng ngạc nhiên. Có vẻ như truyền thống Công giáo ở đây đã giúp họ luôn có một đức tin vững chắc trong tim, cũng giống như cách họ biểu tình chống Trung Quốc một cách rất có văn hóa. Từ khẩu hiệu, lời nói cho đến thái độ đều biểu thị một thứ văn hóa biểu tình cao cấp và rất ôn hòa. Điều đó cho phép lực lượng cảnh sát gần như chỉ có mỗi một việc là đứng yên quan sát.
Khi cuộc biểu tình đã gần kết thúc, anh Thắng tiến lại chỗ tôi và khoe về một bức thư của ban tổ chức. Tôi đọc và rất bất ngờ. Lá thư có ý muốn đoàn kết giữa người Philippines và người Việt Nam để cùng chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Tôi không nghĩ có một ngày nào đó lại có những sợi chỉ nối liền trái tim hai dân tộc như thế này.
Cuộc biểu tình kết thúc sau hai giờ đồng hồ. Chúng tôi chia tay nhau, mỗi người trở về với cuộc sống của mình. Riêng tôi thì vội về gửi bài ngay cho báo. Mỗi ngày trôi qua trên đất nước này đều cho tôi những trải nghiệm thật đặc biệt. Hôm nay đó lại là một trải nghiệm về Việt Nam. Dù hôm nay khuôn mặt đất nước còn vương nhiều nỗi buồn và ám ảnh, nhưng đó vẫn là nơi tâm thức của chúng ta luôn thuộc về. Tôi biết chắc rằng tôi không thể khác được.
Hoàng Long (từ Manila, Philippines)