Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Việt Nam cô đơn

Song Chi
Ngày 24 tháng Bảy, “Ngày biểu tình phản đối Trung Quốc trên toàn cầu” do người Philippines tiến hành theo lời kêu gọi của nhiều tổ chức, tập hợp trong Liên minh Biển Tây Philippines (WPS), lấy tên từ cách gọi Biển Đông của chính quyền Manila, đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Không chỉ người dân, hàng trăm chính khách Philippines cũng xuống đường biểu tình ở Manila để phản đối chính sách ngoại giao hung hăng, cậy sức mạnh quân sự, bắt nạt các nước láng giềng của Bắc Kinh.
Từ những lời phát biểu đanh thép của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Bộ trưởng Ngoại giao Albert F. Del Rosario, người phát ngôn Bộ ngoại giao Raul Hernandez, cựu Bộ trưởng Nội vụ Rafael Alunan...cho tới việc Philippines gấp rút tăng cường ngân sách quốc phòng, khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, đánh tiếng cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự, cho phép người dân biểu tình phản đối… quốc gia này đang chứng tỏ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc dù nhỏ yếu hơn.

Nhìn vào sự đồng thuận, đoàn kết một lòng từ chính phủ đến người dân trong việc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của Philippines, bất cứ người Việt nào còn có lòng quan tâm đến vận mệnh đất nước chắc cũng đều cảm thấy chạnh lòng. Vì chúng ta không có được một chính quyền đủ dũng cảm, quyết tâm, có lòng tự trọng như vậy. Và vì chúng ta không thể cất lên tiếng nói phản đối TQ mạnh mẽ giữa Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng…như người dân Philippines trên đất nước họ.
Việc Philippines kiện TQ ra tòa án quốc tế hay cho phép người dân biểu tình là những biện pháp khôn ngoan của một nước nhỏ, tự biết sức mạnh quân sự không đấu lại TQ nên phải cần đến sự đồng lòng của nhân dân, dư luận quốc tế, luật pháp quốc tế. Còn nhà cầm quyền VN thì lại tự chặt hết các biện pháp có thể sử dụng này. Biểu tình còn giúp người dân Philippines quan tâm hơn đến đến tình thế của đất nước, mối nguy từ TQ, đánh thức lòng yêu nước của họ.
Trái lại ở VN, việc nhà cầm quyền ra sức ngăn chặn, đàn áp mọi hình thức phản đối TQ xâm lược và bưng bít mọi thông tin có liên quan giữa hai nước, khiến đa số người VN không hiểu rõ thời cuộc và dần dần trở nên bàng quan với thế sự.
Không những thế, người Việt còn đang vô tư tiếp tay cho âm mưu thâm hiểm của Trung Cộng mà không hay biết. Vô tư tiếp tay thương lái TQ làm ăn, gây khó khăn cho chính đồng bào nông dân, ngư dân của mình, phá hoại nền kinh tế nước nhà, đưa thực phẩm hàng hóa độc hại vào đầu độc sức khỏe người VN. Vô tư trương những tấm bảng có chữ Tàu để dễ làm ăn với TQ khiến nhiều nơi giống như phố Tàu trên đất Việt. Vô tư chiếu phim Tàu tràn lan trên khắp mọi kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương, góp phần quảng bá văn hóa Tàu v.v…
VN đang dần dần bị “Tàu hóa, Hán hóa”, còn đất nước, do sự nhu nhược của tập đoàn lãnh đạo, đã hoàn toàn bị trói tay về nhiều mặt trước Trung Cộng.
Có mặt trong buổi biểu tình tại Manila, blogger Nguyễn Lân Thắng của Việt Nam đã đưa tin về việc tổ chức Liên minh Biển Tây Philippines đã gặp và trao anh bức thư “Gửi những người bạn VN”, kêu gọi nhân dân VN đoàn kết với Philippines trong một nỗ lực bảo vệ các lợi ích chung của nhân dân hai nước trước sự đe dọa của chính phủ Trung Quốc.
Trước lời kêu gọi này, người Việt sẽ làm gì hay đành phải lặng im? Để rồi nếu một ngày nào đó, chúng ta cần đến sự lên tiếng hỗ trợ từ nước bạn Philippines cũng như các quốc gia láng giềng khác có cùng hoàn cảnh, bạn có đáp lại?
Người Việt bỗng nhận ra chưa bao giờ dân tộc ta cô đơn như lúc này, trước tham vọng xâm lược ngày càng rõ, sức ép ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Cô đơn trong từng cá nhân dám dũng cảm lên tiếng phản đối Trung Cộng, bày tỏ lòng yêu nước, đòi quyền tự do dân chủ cho mình và cho dân tộc. Hay đơn giản chỉ vì dám thét lên “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”. Bạo lực đàn áp. Những bản án nặng nề 5, 7 năm, 12, 16 năm… sẽ chụp lên đầu họ với những điều luật mù mờ 88, 79, 258….của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Và trong trại giam, tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị tiếp tục là thiểu số phải đương đầu với đủ thứ trò hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần của đám cán bộ trại giam, đôi khi có thêm tù hình sự tham gia theo lệnh của cán bộ.
Như người tù nổi tiếng, blogger Điếu Cày một mình tuyệt thực trong tình trạng bị biệt giam đến ngày thứ 25 gia đình bạn bè mới hay biết. Và dù cho gia đình, bạn bè đã lên tiếng, nhưng vẫn là con số quá ít ỏi so với 90 triệu dân vẫn không hề biết có một câu chuyện như vậy đang diễn ra. Dù cho mạng lưới báo, blog “lề dân” và nhiều cơ quan tổ chức quốc tế đã lên tiếng, nhưng liệu có đủ để các nước phải gây sức ép mạnh lên VN và đủ để nhà cầm quyền VN phải lùi bước, phải thay đổi? Khi mà VN vẫn là một nước nhỏ, không thực sự khiến thế giới trong đó có Hoa Kỳ phải quan tâm, và khi mà mọi mối quan hệ giữa các quốc gia còn vướng mắc, ràng buộc bởi đủ thứ điều khác?
Chúng ta không thể than vãn cũng không thể trông chờ bất cứ sự can thiệp, sức ép nào từ bên ngoài. Vận mệnh VN phải do chính người VN tự đứng lên quyết định. Freedom is not free. Thế nhưng, nỗi cô đơn trong những người đám lên tiếng chính là ở chỗ này-khi đa số trên 90 triệu dân Việt vẫn bàng quan hoặc nhẫn nhục chịu đựng chế độ độc tài.
Chỉ cần một ngọn lửa tự thiêu từ thân thể người thanh niên Tunisia nghèo bán rau trên đường phố Mohamed Bouazizi vào ngày 17 tháng Mười năm 2010, đã bùng lên thành làn sóng cách mạng ở Tunisia và nhiều nước Ả rập khác, dẫn đến sự kết thúc của nhiều chính phủ độc tài mà người ta vẫn gọi là Mùa xuân Ả Rập. Còn ở VN?
Đã có những vụ biểu tình khiếu kiện nhà cầm quyền cướp đất của hàng trăm hàng ngàn dân oan, kể cả xô xát, chống lại nhà cầm quyền nhu vụ án Đoàn Văn Vươn, đã có những vụ đình công đòi cải thiện điều kiện làm việc, lương thưởng của hàng ngàn công nhân, những buổi cầu nguyện, hiệp thông, phản đối đàn áp tôn giáo của đông đảo giáo dân, những vụ nổi dậy đòi tự trị, phản đối những chính sách không công bằng của một vài dân tộc thiểu số…
Rải rác đã có những vụ tự thiêu trong đó có người mẹ của cựu đại úy công an, nhà báo, luật sư, tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần đang phải thi hành bản án 10 năm. Đã có những vụ tuyệt thực trong âm thầm không ai hay biết, hoặc thông tin có lọt ra ngoài, của nhiều tù nhân chính trị thuộc các thế hệ khác nhau mà mới đây nhất là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và hiện tại là nhà báo Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày.
Thế nhưng tất cả vẫn chưa đủ tạo thành làn sóng cách mạng thay đổi chế độ. Bạo lực vẫn thắng thế. Người dũng cảm lên tiếng vẫn phải trả giá đắt.
Những người dám lên tiếng cảm thấy cô đơn, nhân dân VN cô đơn đã đành, ngay chính nhà cầm quyền cũng đang trong tình thế hết sức cô đơn. Cô đơn vì đi theo một con đường lạc loài, một mô hình thể chế chính trị rập khuôn theo Trung Cộng mà ngoài hai nước này ra chẳng có quốc gia nào trên thế giới theo đuổi, một hệ thống lý luận lỗi thời đã bị nhân loại vứt vào sọt rác từ lâu. Cô đơn trong sự đối mặt với mối họa gần kề từ Trung Cộng nhưng lại chẳng có ai là đồng minh chiến lược, là bạn bè thực sự.
Thật ra quốc gia độc tài nào cũng cô đơn, ít bạn bè, đồng minh. Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba hay VN đều vậy. Nhưng Cu Ba không phải hàng ngày hàng giờ đối phó với sự bắt nạt, xâm lược đủ kiểu của Trung Quốc như VN. Bắc Hàn thuộc loại “chí phèo”, hở chút thì đem vũ khí hạt nhân ra hăm họa để đổi lấy lương thực, là cái loại không ai muốn dây vào nhưng vì lý do này lý do khác, không ai muốn lật đổ họ, kể cả Mỹ, Trung Quốc hay Nam Hàn. Trung Cộng, “cường quốc cô đơn” nhưng còn có sức mạnh kinh tế và quân sự để mua chuộc hoặc hù dọa nước này nước khác, còn VN trong tình thế luôn luôn có nguy cơ bị đánh mất chủ quyền, lãnh thổ lãnh hải, chúng ta có gì và phải làm gì?
Sự cô đơn thể hiện rõ qua ví dụ từ chuyến đi sang Hoa Kỳ hiện tại của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Một chuyến đi được chuẩn bị hết sức vội vã, cập rập, với rất nhiều mong muốn được hỗ trợ mặt này mặt khác, từ phiá VN. Nhưng đối với nước chủ nhà Hoa Kỳ thì lại chả có cái gì phải vội vã hoặc quá cần thiết. Trương Tấn Sang có gì để mà nói chuyện với Barack Obama đây?
Báo chí, dư luận trong ngoài nước đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau nhưng tương tự về ý nghĩa để nói lên tình thế của VN hiện tại giữa TQ và Hoa Kỳ, cũng như chuyến đi Mỹ của Trương Tấn Sang. Nào “Việt Nam giữa Mỹ và Trung Hoa, trò bập bênh đau khổ” (RFA), "Chính sách đu dây của lãnh đạo Việt Nam" (Dân Làm Báo), “Chuyến đi Mỹ của Trương tấn Sang: “Trên đe dưới búa”(Dân Làm Báo), "Quan hệ Mỹ-Việt-Trung và chuyến thăm đầy phấp phỏng của ông Sang" (VOA)...Từ cán cân quá lệch giữa nhu cầu của hai bên qua chuyến đi dẫn đến sự đón tiếp ở mức độ “vừa phải” của chủ nhà và những cuộc đối thoại đầy khó khăn quanh chủ đề về hồ sơ nhân quyền tệ hại của VN.
Và “đón tiếp” Trương Tấn Sang còn là những cuộc họp báo, lên tiếng của các dân biểu, nghị sĩ Mỹ đòi Tổng thống Obama phải gây sức ép về nhân quyền đối với VN, những lá thư của các tổ chức quốc tế nhân dịp này đòi nhà cầm quyền VN phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, những lá thư của gia đình các tù nhân lương tâm gửi đến Tổng thống Obama, những cuộc biểu tình của người Việt phản đối Trương Tấn Sang, phản đối VN “hèn với giặc ác với dân” trên đất Mỹ…
Quả là một chuyến đi khó khăn, nhục nhã như mọi chuyến đi đến các nước phương Tây và Hoa Kỳ khác, của các lãnh đạo nhà nước cộng sản VN.
Trương Tấn Sang có cảm thấy cô đơn? Tập đoàn lãnh đạo VN ở Ba Đình có cảm thấy cô đơn, khi đối mặt với Trung Cộng, khi đi ra ngoài ngược xuôi tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước và cả khi cảm thấy nỗi giận dữ uất ức đang phải kìm nén của người dân VN? Và nếu có, họ có tự hỏi vì sao đến nỗi? Và làm thế nào để thoát khỏi tình thế này?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"