Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Điếu Cày tuyệt thực


24.07.2013
Từng phút một, hình hài đáng quý trọng ấy có thể giã từ chúng ta, làm thế nào loại trừ để khả năng đáng ân hận ấy không thể xảy ra, không được xảy ra?
Dù chưa bao giờ tuyệt thực nhưng cái đói thì tôi chả xa lạ gì. Lắm người Việt Nam (e) cũng thế. Mà nghĩ cho cùng thì đói ăn, thiếu mặc đều là những chuyện rất bình thường đối mọi công dân nơi đất nước theo chủ nghĩa cộng sản – chứ chả riêng chi ở xứ sở mình.
Chỉ có điều không bình thường là chúng tôi – những sĩ quan của quân lực miền Nam, phần lớn khi tuổi đời vừa mới đôi mươi – đã phải đối diện với sự đói rách một cách hơi quá bất ngờ và vô cùng khắc nghiệt.
Chúng tôi chỉ được chuẩn bị vài ngày thức ăn nhưng lại phải trải qua một chương trình cải tạo kéo dài đến vài năm, hoặc cả chục năm. Và chịu đói là bài học đầu tiên, cũng là bài học duy nhất mà chúng tôi được dậy, và đây cũng là bài học kéo dài mãi cho đến ngày … mãn khóa!

Ở vào hoàn cảnh này khi vớ được mấy củ khoai đào sót, một con nhái chậm chân, một nắm rau rừng cấu vội, hay một vốc gạo thừa – vét được sau những lần tạp dịch dọn kho – mà có sẵn cái lon Guigoz bên mình thì tiện lắm. Nó đòi hỏi rất ít nhiên liệu khi nấu nướng, và gọn nhẹ khi di chuyển hay hay cần cất dấu.
Hằng đêm chúng tôi đều được nghe giảng dậy về một cuộc sống mới không giai cấp, mình vì mọi người, mọi người vì mình, không ai bóc lột ai, mọi sản phẩm đều là của chung, làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu … Chúng tôi tiếp thu tốt, thảo luận tốt, viết thu hoạch tốt, với tinh thần nhất trí rất cao về tất cả mọi khía cạnh tươi đẹp của cuộc sống mới.
Tuy nhiên, ngay sau đó thì mọi người đều lục đục mang cái lon Guigoz của riêng mình đi nấu nướng, rồi tìm một góc khuất ngồi cắm cúi ăn. Hay còn gọi là “sột sệt” theo như cách nói riêng của người tù Bùi Ngọc Tấn.
Kiểu sống này rõ ràng (ngó) hơi kỳ và đáng phải hổ thẹn!
Điều may mắn là đói mãi rồi cũng hoá quen thôi. Cùng lúc, thời gian đã cho chúng tôi cái khoảng cách cần thiết tối thiểu để nhìn lại chính mình, và thay đổi dần thái độ. Những bài học (trời biển) hằng đêm không còn được lắng nghe chăm chú nữa. Những cái lon Guigoz cũng bị dẹp bỏ từ từ, và chỉ còn dùng để cất dấu thực phẩm đun nước pha tra – nếu có.
Lần lượt, chúng tôi họp thành từng nhóm nấu nướng và “sột sệt” chung. Vừa ăn, vừa nói chuyện giễu về những nét khôi hài của chủ nghĩa xã hội và thế giới đại đồng – nơi mà nhà cửa không cần khoá, và của rơi không có người nhặt vì toàn dân không ai có nhu cầu cần thêm một cái cuốc hay cái … thẻ cử tri.
Cuốc, nếu hư, chỉ việc xin thay cái khác. Còn thẻ cử tri thì lại quá dầy, và cũng quá nhỏ, không tiện cho việc vệ sinh thân thể! Chúng tôi đã cố gắng khôi phục lại con người bình thường của mình, bằng những nụ cười lém lỉnh như thế, hằng đêm.
Tất nhiên, cũng có những chiến hữu … một đi không trở lại. Họ vẫn cứ tiếp tục sống lủi thủi và lặng lẽ với cái lon Guigoz của (riêng) mình. Họ trở nên cô đơn và lầm lũi. Họ đâm ra sợ hãi và nghi kỵ tất cả mọi người xung quanh. Họ không bao giờ cười nữa, dù chỉ cười chơi giữa đám bạn bè đồng cảnh. Họ đã tận dụng Chủ Nghĩa Ăn Gô để đối phó với Chủ Nghĩa Cộng Sản (Guigozism v.s Communism) như một phương cách để sinh tồn.
Chúng tôi, tất nhiên, không phải là những tù nhân đầu tiên của chế độ hiện hành. Hơn nửa thế kỷ trước, ngay sau khi nửa nước rơi vào tay của người cộng sản, cũng đã có không ít người phải đi … cải tù.
Tương tự như hoàn cảnh của chúng tôi, họ cũng bất ngờ phải đối diện với cái đói nhưng phản ứng của những bậc tiền bối (xem ra) đáng kính trọng hơn nhiều – theo như lời kể của người tùKiều Duy Vĩnh:
Chánh giám thị Nguyễn Quang Sáng tỏ ra quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, dấn tới một bước nữa.Cấm triệt để làm dấu thánh trước khi ăn cơm. Nhưng lần này thì Nguyễn Quang Sáng phải chịu thua. “Ai cho các anh ăn?” chúng tôi. Chúng tôi cho các anh ăn chứ không có Chúa nào cho các anh ăn cả.” “Cấm cầu kinh, các anh vẫn lén lút cầu kinh vậy bây giờ trước khi ăn, tôi cấm các anh làm dấu. Các anh phải cảm ơn người cho các anh ăn. Đúng lắm, nhưng đó là chúng tôi đây chứ không có chúa nào hết. Không có con mẹ Maria, thằng Jê su nào cả. Biết chưa?” (Nguyên văn như vậy, tôi xin lỗi các vị phải viết đúng, không dám xuyên tạc, bịa đặt, báng bổ gì). Và đến bữa ăn. Quản giáo đứng đó. Mọi lần thì cửa mở, chúng tôi bê cơm vào trong phòng. Đóng cửa lại. Chúng tôi chia nhỏ từng xuất một và ăn. Không có sự hiện diện của ai cả. Nhưng hôm ấy, bê cơm vào, cửa vẫn mở, Quản Giáo đứng đó kiểm soát và nhắc lại lệnh cấm của Ban Giám Thị. Tất cả, cả tôi, không ai phải bảo ai, không chia cơm ra ăn. Đứng mãi chán, Quản Giáo đóng cửa lại đi về. Đến chiều, tù nhà bếp đến lấy thùng. Cơm canh vẫn nguyên. Cơm canh đều chia vào hai cái thùng gỗ to, chứ không chia thành một phần như ở xà lim. Buổi chiều, đích thân Chánh Giám Thị xuống, mọi việc lại diễn ra đúng như buổi sáng. Mặt tái vì giận dữ. Nhưng làm thế nào mà bắt họ ăn cho được? Không có khí thế hừng hực đấu tranh như những người Cộng Sản ở Sơn La, Côn Đảo tuyệt thực, không có hô khẩu hiệu, tất cả đều lặng lẽ ngồi im. Không thể dùng lưỡi lê và sức mạnh để nhét cơm vào mồm họ được. Họ không ăn, thế thôi. Không hò reo, không gõ bát, gõ đĩa, không ai diễn thuyết, kích động, yêu sách điều gì. Im lặng, ai ngồi chỗ ấy. Giám thị Sáng đứng đó, không một ai thèm nhìn vào mặt ông ta cả. Tất cả đều quay mặt đi chỗ khác. Giám thị Sáng đành phải ra về. ……………..
Sáng hôm thứ hai của sự tuyệt thực, tù lại khênh cơm lên.
Quản giáo lại đứng đấy để giám sát. Không ai nhúc nhích gì. Không ai ăn cả, kể cả tôi. Lúc ấy tu sĩ Chính đứng dậy cầm bát chia cơm canh của tôi ra cái thùng gỗ của nhóm năm người, tôi vẫn ăn cùng với tu sĩ. Tu sĩ Chính xúc vào bát của tôi, cơm canh đầy đặn và lặng lẽ bê đến trước mặt tôi.
“Đây phần của anh, anh ăn đi” và về ngồi lại ở chỗ mình.
Một lần nữa tôi lại xin các vị cố hiểu cho tôi và bỏ qua cho tôi.
Tôi không theo đạo Thiên Chúa và không làm dấu thánh bao giờ.
Tôi ăn. Hà tất gì tôi lại nhịn không ăn. Không có điều gì thúc đẩy buộc tôi bắt tôi không ăn cả.
Tôi nghĩ đúng như vậy.
Nhân cơ hội ấy. Quản Giáo bèn lên tiếng:
“Đấy các anh thấy không? Anh Vĩnh, anh ấy ăn cơm không cần làm dấu thánh. Có sao đâu nào. Anh ấy vẫn ăn được một cách ngon lành, thế thì tại sao các anh lại không ăn?
Các anh là đồ ngu dốt, cuồng trí, dại dột dám chống lại Đảng và Chính phủ.
Rồi các anh sẽ biết.”
Không một tu sĩ nào trả lời đáp lại.
Có tôi lên tiếng:
“Xin lỗi ông, chắc ông đọc lý lịch của tôi thì ông đã rõ, tôi không theo đạo nào cả? Phật không, chúa cũng không, mà lệnh của các ông thì chỉ có cấm làm dấu thánh trước khi ăn mà thôi. Tôi, tôi từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa làm dấu thánh bao giờ. Vì vậy tôi ăn có thế thôi.”
Đứng cho đến lúc tôi ăn xong. Quản giáo thấy trơ trẽn quá, quay gót khóa cửa ra về.
Đến buổi chiều không thấy mặt ai cả. Cả Giám thị, cả Quản giáo cả lính coi tù.
Tu sĩ Chính đứng dậy chia cơm cho một mình tôi. Tôi ăn.
Các đấng bậc và kể cả T.H Liệu cũng không ăn.
Hai ngày trôi qua.
Sáng hôm thứ ba tù khênh các thùng cơm canh nguội lạnh còn nguyên xuống nhà bếp và rồi lại khênh lên với cơm canh mới hãy còn nóng.
Không có ai đi kèm.
Ban Giám thị không.
Quản giáo không.
Khênh cơm canh vào buồng. Khóa cửa lại.
Chia đều.
Và các đấng bậc tu sĩ lại làm dấu thánh trước khi ăn.
Chẳng ai cười cợt, nói năng, hát hò, reo vui gì trước cuộc đấu tranh đã dành được thắng lợi lẫy lừng và vang dội đó …
Và cuộc sống của chúng tôi lại lặng lẽ trôi như thế cho đến khi tôi được về và các vị còn lại chết hết.
Viết tại Hà Nội, Ngày 1 Tháng 8, Âm lịch, năm 1994
Kiều Duy Vĩnh
Ông Kiều Duy Vĩnh qua đời vào năm 2012. Qua năm sau, trên trang Bauxite Việt Nam người ta đọc được một bản tin ngăn ngắn:
“Sáng nay 21/6/2013, sau khi gặp chồng mình tại Trại giam số 5, Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Dương Hà cho biết do Trại giam số 5 Bộ Công an cuối cùng đã phải ra văn bản giải quyết đơn của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nên từ 9 giờ sáng hôm nay ông đã kết thúc tuyệt thực. Từ nhà tù, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ gửi thư cảm ơn đến tất cả mọi người đã ủng hộ cuộc đấu tranh của ông.”
Tiếp theo đó là một bản tin khác của BBC, nghe được vào hôm 21 tháng 7 năm 2013:
“Ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, hiện đã tuyệt thực sang ngày thứ 29 và ở trong tình trạng ‘rất yếu’.
Con trai ông Hải, anh Nguyễn Trí Dũng, vừa có cuộc tiếp xúc kéo dài chưa đầy 5 phút với cha mình hôm thứ Bảy 20/7 tại trại giam số 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Anh cho hay ông Hải tuyệt thực là để phản đối việc Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An không giải quyết đơn khiếu nại của ông. Lý do khiếu nại là ông Nguyễn Văn Hải bị quản lý trại giam ép ký vào một bản nhận tội và khi ông không ký thì bị quyết định biệt giam ba tháng.”

Ảnh: Dân Luận
Về những “tội danh” của Điếu Cầy, ông Hà Sĩ Phu đã bình luận như sau:
“Qua thực tiễn, nghiệm ra rằng chỉ có mấy ‘tội’ này là nặng nhất, bị nhà nước ta ‘ghét’ nhất: thứ nhất là tội xúc phạm đến tình hữu nghị 16+4 , hai là tội lập tổ chức ‘ngoài sự lãnh đạo’, ba là tội bướng – nhất định giữ khí phách, lương tâm và danh dự cá nhân, không chịu phục tùng. Ba ‘tội’ hàng đầu này Điếu Cày đều dính cả, trọng tâm là tội thứ nhất, nói nôm là ‘tội chống Tàu xâm lược’!
Hơn nửa thế kỷ trước những tu sĩ công giáo đã thắng, sau một cuộc tuyệt thực để bảo vệ đức tin của họ, trong trại Cổng Trời. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng vừa thành công sau một cuộc tuyệt thực đòi bảo vệ nhân phẩm và sức khoẻ của tù nhân, tại trại giam số 5 – Thanh Hoá.
Ở trại giam số 6, Nghệ An, cuộc chiến đấu của Điếu Cầy – rõ ràng – gian nan và phức tạp hơn. Ông không chỉ phải đối địch với cái nhà nước toàn trị hiện hành mà còn cả với đất nước “hữu nghị” láng giềng nữa. Ý chí của Điếu Cầy có thể dư nhưng thể lực của ông thì lại là chuyện khác:
“Từng phút một, hình hài đáng quý trọng ấy có thể giã từ chúng ta, làm thế nào loại trừ để khả năng đáng ân hận ấy không thể xảy ra, không được xảy ra?”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"