WASHINGTON DC (NV) .- Ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước CSVN, bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ bằng cuộc tiếp xúc với ba bộ trưởng Thương Mại, Nông Nghiệp và Ngoại Giao tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry giới thiệu ông Mike Froman, Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, với ông Trương Tấn Sang trong khi dân biểu Sander Levin nhìn (từ bên trái) trong bữa ăn trưa ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 24/7/2013. (Hình: AP Photo/Charles Dharapak)
|
Ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước thứ hai sau chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm Mỹ kể từ khi hai nước cựu thù lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1995.
Khởi đầu các cuộc tiếp xúc, ông Trương Tấn Sang và phái đoàn đã đến Bộ Thương Mại, gặp bộ trưởng Penny Pritzker. Hai nước đang có các cuộc đàm phán để Việt Nam gia nhập Hiệp ước mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) gồm 12 nước.
Bản thông cáo báo chí của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ về cuộc tiếp xúc này cho hay bà Pritzker nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu của nước Mỹ là kết thúc đàm phán TTP sớm trong năm nay.
“Bà Bộ trưởng cả quyết với chủ tịch nước CSVN là Hoa Kỳ cam đoan hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để đạt sự đồng thuận của những nước cùng chia xẻ tầm nhìn về thương mại và đầu tư trong thế kỷ 21”. Bản thông cáo của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ viết.
Theo cơ quan này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nếu tham gia TTP nhờ sẽ tăng hàng hóa xuất cảng. Hiện Việt Nam xuất cảng $95.5 tỉ USD hàng hóa các loại mà gần $17 tỉ USD hàng hóa bán sang Mỹ. Bà Pritzker và ông Trương Tấn Sang cũng đề cập đến cả vấn đề năng lượng hạt nhân dân dụng và năng lượng tái tạo là những mặt Việt Nam cũng rất chú trọng.
Sau Bộ Thương Mại, ông Trương Tấn Sang và phái đoàn đã đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khoản đãi bữa ăn trưa mà cả hai ông đều đọc diễn văn. Ông Kerry nhắc đến mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước tiếp tục được cải thiện.
“Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam loan báo ý định tham gia Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình LHQ kể từ năm 2014 và chúng tôi sẽ giúp họ chuẩn bị cho những chuyến công tác đầu tiên”. Ông Kerry nói.
“Trong khi chúng ta nhìn về tương lai mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, chúng ta nên nhớ rằng sự bình thường hóa quan hệ đã không thể thành hình nếu không có các cuộc thảo luận thành thật, ngay thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội, ngay cả những vấn đề nhậy cảm như nhân quyền.” Ông Kerry nói.
Đáp lời ngoại trưởng Mỹ, dịp này ông Trương Tấn Sang nói rằng nước ông “coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ vì là một trong những đối tác hàng đầu. Hai nước không chỉ hợp tác song phương mà còn cả trên bình diện toàn cầu của các vấn đề cùng quan tâm từ chống khủng bố, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu.
Ông Sang hoan nghênh “Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Á Châu Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”.
“Đặc biệt chúng tôi cùng chia xẻ quyết tâm kết thúc sớm các cuộc đàm pháp về TTP vì cũng là lợi ích của các bên”. Ông nói.
Sau đó, ông Sang có cuộc tiếp xúc với ông Tom Vilsack và bàn về một số vấn đề song phương.
Nhưng về mặt nhân quyền mà chế độ Hà Nội đang bị áp lực mạnh mẽ, ông Sang cho thấy CSVN vẫn coi sự tồn tại của đảng CSVN quan trọng hơn là nới lỏng nhân quyền và đưa đất nước tiến đến dân chủ thật sự.
“Hai nước chúng ta vẫn tiếp tục duy trì đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm trong đó có nhân quyền. Qua đối thoại, chúng ta đạt được sự hiểu biết nhau hơn, đặc biệt về các tiếp cận riêng của mỗi nước và hoàn cảnh lịch sử, văn hóa khác biệt. Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để bảo vệ và cổ võ nhân quyền, nhờ vậy mà người dân được hưởng những thành quả tốt đẹp nhất của tiến trình cải cách hiện còn đang diễn tiến”.
Dịp này, ông Trương Tấn Sang cho hay tháp tùng ông còn có một số chức sắc tôn giáo đi giải thích cho các người Mỹ quan tâm về các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Những nhân vậy này, thường được gọi là chức sắc tôn giáo “quốc doanh” mà ông hy vọng giúp “hiểu hơn” tình hình tại Việt Nam.
Một viên chức ngoại giao Hoa Kỳ từng kêu rằng đối thoại nhân quyền với Hà Nội như đối thoại giữa hai người điếc. (TN)