Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Chuyến thăm Mỹ của ông Sang được tổ chức 'vội vã'

WASHINGTON DC (NV) .- Chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước CSVN được tổ chức vội vã trong nhu cầu muốn đu dây hiệu quả hơn giữa hai cường quốc Mỹ – Hoa.
Luật sư Lê Quốc Quân cùng nông dân biểu tình chống nhà nước cướp đất ở Hà Nội ngày 21/8/2012. Ông đã bị bắt và đang bị cột cho tội “trốn thuế” dù ông tuyên bố ông đóng thuế đầy đủ. Chủ tịch nước CSVN đang bị áp lực trả tự do cho ông và những người đấu tranh nhân quyền dân chủ tại Việt Nam trong chuyến thăm Mỹ đang diễn ra. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Ông Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc đưa ra một số nhận định dựa trên các thông tin ông có được về chuyến thăm viếng nước Mỹ của chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang.

Theo ông Thayer, chuyến đi Mỹ của phái đoàn ông Trương Tấn sang chỉ có 2 tuần lễ để chuẩn bị. Đây là điều rất bất thường trong các quan hệ ngoại giao quốc tế nếu không vì một lý do gì đặc biệt. Khi thảo luận sắp xếp những điều sẽ được hai bên thảo luận, Hà Nội nhấn mạnh phải có khoản nói về Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) trong bản tuyên bố chung 7 điểm dự trù sẽ công bố sau cuộc họp giữa hai ông Trương Tấn Sang và Barack Obama ngày 25/7/2013.

Kinh tế chắc hẳn chiếm phần quan trọng trong cuộc thảo luận giữa ông Obama và ông Sang. Người ta không tin hai ông sẽ đi sâu vào chi tiết của TTP. Tuy nhiên, các nguồn tin mà ông Thayer có được cho hay Hoa Kỳ có vẻ nhượng bộ bất thường đối với một danh sách gai góc mà Hà Nội đưa ra để đàm phán về Hiệp định TTP.

Tháng Tư 2013, Bộ Chính Trị CSVN đưa ra nghị quyết nêu rõ chủ trương hội nhập vào sinh hoạt thế giới mọi mặt, không riêng gì kinh tế mà còn cả về an ninh quốc phòng. Trong bản nghị quyết đó nhấn mạnh đến vai trò của các cường quốc và các định chế đa phương.

Nếu hướng đi của Hà Nội đúng như thế, nó nhấn mạnh cho thấy Hà Nội đã gặp khó khăn về tranh chấp lãnh thổ biển đảo khi ông Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh hồi Tháng 6. Nếu người ta nhớ lại, bản tuyên bố chung giữa Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình không đề cập gì đến Công ước Quốc tế về Luật Biển  (UNCLOS) mà các bên tranh chấp Biển Đông thường viện dẫn để tránh xung đột võ trang. Vì vậy, nhiều người ở Việt Nam đã cho rằng ông Trương Tấn Sang đã bị ép nhìn nhận một bản tuyên bố chung do Bắc Kinh soạn thảo, không công bằng đối với Việt Nam. Nhiều người còn cho rằng ông đã thất bại trong chuyến đi này.

Tránh né từ “Đối tác chiến lược”

Những thỏa thuận đạt được của TTP giữa Mỹ và Việt Nam có thể là nền tảng để soạn thảo những thỏa thuận chính thức khác. Tuy bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng từng thúc đẩy cho một thỏa hiệp “đối tác chiến lược” giữa hai nước từ năm 2010, nhưng bản thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc nói về chuyến thăm viếng của ông Sang  chỉ “hoan nghênh cơ hội thảo luận với chủ tịch Sang để làm thế nào tăng cường hơn đối tác về các vấn đề chiến lược khu vực”.

Từ ngữ có vẻ tế nhị, nhẹ nhàng hơn, tránh chọc giận Bắc Kinh dù người ta vẫn có thể hiểu ám chỉ đến một thứ hợp tác “đối tác chiến lược”. Khi tham dự Diễn Đàn Đối Thoại An Ninh Khu Vực Shangri-La ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua, ông thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã cho hay Việt Nam muốn trở thành đối tác chiến lược với tất cả các thành viên thường trực của Hội Đồng An Ninh của LHQ.

Cũng có một số tin đồn trên mặt báo rằng các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông cũng được nhấn mạnh trong cuộc thảo luận giữa hai ông Barack Obama và Trương Tấn Sang. Nhiều phần, người ta sẽ chỉ nhìn thấy hai ông lập lại những lời tuyên bố lấy UNCLOS làm căn bản để giải quyết tranh chấp, không được đe dọa võ lực.

Nhân quyền: Hà Nội có thể nhượng bộ?

Trước cuộc thăm viếng của ông Trương Tấn Sang, đại sứ Mỹ tại Hà Nội David Shear tuyên bố với báo chí là “Nếu muốn quan hệ mậu dịch sát hơn, ta cần đến hiệp định TTP. Mà nếu chúng ta muốn gia tăng mạnh mẽ các hợp tác ngoại giao, những nỗ lực đó cần có sự hậu thuẫn chính trị của người Mỹ mà họ cần thấy có sự tiến bộ nhân quyền từ phía Việt Nam”.

Báo chí ở Việt Nam khi loan báo tin này đã cắt bỏ phần đề cập nhân quyền của ông Shear. Nhưng ông Obama có nhiều cơ hội để nói chuyện với ông Sang ở lúc thảo luận riêng, gồm cả bản án tù những nhân vật nổi tiếng như LM Nguyễn Văn Lý, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Lê Quốc Quân.

Theo ông Thayer nhận xét, có thể Hà Nội muốn giữ thể diện nên không thả ngay mà chờ đến ngày 'Lễ 2-9' mới thả một vài người. Bản hiến pháp mới đang được chuẩn bị sửa đổi có thể cũng sẽ “làm rõ hơn” về quyền con người và tự do tôn giáo.

Vận động xin Mỹ bỏ cấm vận võ khí

Ngay trước khi lên đường, ông Trương Tấn Sang, trả lời thông tấn AP, đã kêu gọi Hoa Kỳ bỏ cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Đây là chuyện Hà Nội đã kêu gọi nhiều lần mỗi khi có các lần gặp mặt giữa những viên chức cấp cao hai bên.

Năm 2009, bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khi đến Mỹ đã yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận. Khi Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đến Việt Nam đầu tháng 6 năm ngoái, các lãnh tụ Hà Nội lại nêu vấn đề này và được trả lời lại là cần phải cải thiện nhân quyền. Đó là không kể đến những lần vận động các nghị sĩ nhiều ảnh hưởng như John McCain, Joseph Liebeman, John Kerry (khi còn là nghị sĩ)  “nói dùm”.

“Đã đến lúc để mối quan hệ giữa hai nước chúng ta được bình thường hóa về tất cả mọi mặt”. Ông Sang nói với nhà báo như thế trước ngày đi Mỹ nhưng chế độ Hà Nội có nới lỏng nhân quyền hay không, còn phải chờ xem.

Theo ông Carl Thayer, nếu cuộc thăm viếng Mỹ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn tiến tốt đẹp, nó có thể mở đường cho chuyến đi thăm Hà Nội vào Tháng 10 tới đây của ông Barack Obama khi ông đến Brunei dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các Đối Tác. (TN)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"