Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

BỘI THỰC PHIM TÀU

Việt Dũng
Cứ bật TV lên là thấy phim Tàu. Tàu  Hồng Kông, Tàu Đài Loan,  Tàu Đại lục. Phim lịch sử, dã sử, võ hiệp, liêu trai,  kinh dị, hình sự, hài, tình... thứ gì cũng sẵn. Tây Du kýchiếu kênh này, Tân Tây Du ký chiếu kênh kia, Tiếu ngạo giang hồ rồi Tân tiếu ngạo giang hồ,Tam quốc rồi  lại Tân Tam quốc, Hồng Lâu Mộng, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài,  Hoàn Châu công chúa, Võ Tắc Thiên, rồi Võ Tắc Thiên bí sử, Bao Công rồi Bao Thanh Thiên, Thi Công kỳ án, Danh gia vọng tộc, Thiếu Lâm Tự, Thiếu Lâm truyền kỳ, Đại náo nữ nhi quốc, Cơn lốc của rồng, Ngân Hồ về đêm, Đêm Thượng Hải, Mẹ chồng  hắc ám, Tranh quyền đoạt vị,  Tể tướng Lưu gù, Hòa đại nhân, Tây Thi, Lữ  Bố, Kinh Kha, Thủy Hử, Lưu Bá Ôn, Tần Thủy Hoàng,  Khang Hy ... Vài chục trang giấy cũng chưa chắc  thống kê hết những bộ phim Tàu đã và đang chiếu trên các đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương nước ta.
 
Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Văn Tạo,ngao ngán nói với tôi:
               
- Bội thực phim Tàu rồi ông ơi!
               
Anh  ấy vươn cổ, há miệng, lè lưỡi ra như  cố nuốt  mà không nuốt nổi , rồi dằn  giọng  bức xúc:
               
- Trên biển, Hoàng sa Trung quốc chiếm,  xây  cái gọi là thành phố Tam sa  đưa người ra sinh sống, ngư dân ta đánh bắt cá  bị tàu Hải giám nó săn đuổi, cướp phá.  Trên đất liền, các cửa khẩu biên giới không ngăn được nạn buôn lậu, để gia cầm mang dịch bệnh và hàng hóa  độc hại Trung quốc tràn sang .  Trên màn hình  phim Trung quốc phủ sóng.  Còn gì là độc lập, tự chủ và  nền văn hóa giàu  bản sắc dân tộc,  hả ông nhà báo?
               
Nghe ông đại tá  một thời là chính ủy trung đoàn hỏi, tôi đắng lưỡi chằng nói lên lời. Một nhà báo quèn  lề trái  như tôi , trả lời sao được vấn để gai góc đó.
               
Tôi nghe một người quen trong ngành phát hành phim cho biết, trước kia việc xét duyệt nội dung phim chiếu trên TV rất cẩn trọng và nghiêm túc. Hồi 1992, ông Trần Bạch Đằng,  mang từ Hồng Kông về bộ phim Võ Tắc Thiên, Ban tuyên huấn rồi Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh  cân nhắc, duyệt đi duyệt lại,  rồi mới cho HTV chiếu hạn chế vào đêm khuya.
           
Bây giờ hình như  đã mở toang cánh cửa cho dòng thác phim Tàu  ào ạt chảy vào Việt Nam, xuất hiện ngập ngụa trên TV.
                
PhimTrung quốc  ca ngợi Trung Quốc, đương nhiên rồi,  còn bóp méo lịch sử để khẳng định chân lý thuộc về họ, và  hầu  như  không có bộ phim lịch sử nào  của Trung quốc không  phô trương sức mạnh  đại Hán.
              
Những bộ phim võ lâm bay nhảy , chém giết tứ tung,  tưởng là mua vui nhưng thực ra là để ca ngợi những anh hùng hảo Hán. Phim kiếm hiệp mang đậm triết lý thiên mệnh  của Kim Dung . Phim dã sử , lịch sử đề cao mưu lược, và quyết tâm  làm bá  chủ thiên hạ cùa “Thiên triều” ...
               
Hãy nghe Tần Thủy Hoàng nói với Lã Bất Vi  : “ Nay mai  các nước Yên,Tề, Ngụy, Ngô, Sở  làm gì còn mà hòa hiếu, mà oán trách ta. Thiên hạ này là của hoàng đế nước Tần, kẻ nào không cúi đầu vâng mệnh sẽ phài chết!”  Hãy nghe  Khang Hy nhắc đi nhắc lại khi  vi hành phương Nam: “ Tất cả  trời,  đất  này  là của Đại Thanh ta, nước sông Hoàng Hà chảy đến đâu đều là nước của Đại Thanh ta!”
              
Tham vọng bành trướng  sâu xa và nhất quán trong từng bộ phim lịch sử, dã sử của Trung quốc,  được gài cắm  rất tinh vi vào từng bộ phim , để khằng định rằng đó là mệnh trời.  Phim Thủy Hử đề cao nhân vật Tống Giang, vì gã áp ty này dù phạm tội giết người, phải thích chữ vào mặt bắt  đi đày, vẫn một lòng trung với vua,  đã dùng uy tín của mình thuyết phục 108 anh hùng Lương Sơn Bạc bỏ vũ khí,  quy phục triều đình, cầm gươm  chém giết đồng bào và những người bị áp bức như mình để lập công chuộc tội. Phim “ Thiên Hạ ” khằng định  cái quyến khuynh loát cùa vương triều.
            
Những  phim mang tính thời sự của Trung quốc  cũng mang đậm màu sắc bành trướng, kẻ cả, giành quyền đoạt vị bằng mọi giá. Họ không từ một thủ đoạn xảo quyệt , gian  ác nào để đánh bại kẻ thù.  Mỗi bộ phim đều ngầm nói lên rằng người Trung quốc dù chính hay tà, đều rất tài giỏi, đối dầu với họ chỉ có chết.
              
Không hiểu các bạn có cảm thấy gai người khi nhìn cảnh bố đẻ và con trai  bắn nhau giành  người tình, cảnh  bố cưỡng hiếp con gái, và nghe  nhắc đi nhắc lại lời Tào Tháo   “Ta  phụ người   chứ không để người phụ ta” trong phim Ngân Hồ về đêm? Không hiểu bạn nghĩ gì khi xem cảnh ăn chơi sa đọa và đâm chém đẫm máu trong phim Đêm Thượng  Hải?
              
Thật đáng buồn khi  người ta thường xuyên chiếu trên  TV những bộ phim  nội dung như thế,  mà lại đi trách học sinh không thuộc lịch sử nước nhà, không ngoan hiền, không sống có văn hóa, ham  đua đòi hưởng thụ! 
Đại tá Nguyễn Văn Tạo nói với tôi:
 
              
- Phim Trung quốc  cùng  với  gươm , súng  đồ chơi  Trung quốc thẩm lậu qua biên giới  làm hư hỏng  hết thanh thiếu niên còn gỉ? Có ở đâu  như ở nước mình không ?
               
Tôi không có điều kiện đi nhiều, nhưng những nơi  may mắn đặt chân đến, tôi  không thấy nơi nào trên TV tràn ngập phim Tàu  như Việt Nam. Tại Hàn quốc, đài truyền hình trung ương  phát kênh 4 của đài truyền hình Việt Nam ,  không phát kênh nào của Trung quốc.  Suốt hơn một tuần ở Seoun ,  đêm nào ở khách sạn tôi cũng dò  các kênh, mà không có bộ phim Tàu nào.  Ở  Nhật, Singapor. Thái Lan cũng vậy.  Tại Tokyo, Nhật bản, khi Trung quốc đưa tàu khiêu khích đào Senkaku, một bộ phim Trung quốc đang chiếu trong một rạp tư nhân cũng lập tức dừng lại để phản đối.
             
Vậy mà ta  cứ vô tư chiếu phim Tàu khi biển đảo  bị Trung quốc chiếm, và ngay giữa lúc   ngư dân ta bị họ bắt  trên biển Hoàng Sa?  
             
Nghe nói Trung quốc  cho  thuê phim rất rẻ, thậm chí cho không. Các nhà đài, đặc biệt là truyền hình cáp đã đặt lợi ích  kinh doanh lên trên mục đích chính trị, văn hóa, giáo dục. Họ thuê phim rẻ, hoặc xin phim vể chiếu cốt để đăng quảng cáo.  Phim càng dài, càng hấp dẫn, càng nhiều quảng cáo và  họ càng nhiều tiền. Mỗi phút phát sóng tốn kém bao nhiêu tiền bạc của nhà nước , nghĩa là tiền thuế của dân họ không quan tâm. Đau đớn hơn,  nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc mà đảng  ta  cố gắng bảo tồn và phát huy, đã và đang bị tàn phá vì loại hình nghệ thuật vô cùng nhạy cảm ấy.
               
Khi Thâm Quyến trở thành một đặc khu kinh tế của Trung quốc, có quan chức trong giới lãnh đạo Bắc Kinh   tỏ ra lo lắng hỏi với Đặng Tiểu Bình:
              
- Làm thế nào  nắm được cả kinh tế lẫn chính trị,  khi Thâm Quyến phát triển kinh tế theo hướng tư bản và chỉ cách Hồng Kông  bốn  chục cây số?
              
Đặng Tiểu Bình chém phập bàn tay ngắn ngủn xuống và nói:
              
- Chỉ cần nắm chặt cái TV! Nắm được cái TV thì nắm được cả thế giới!
              
Trung quốc nắm rất chặt cái TV của họ và đang vươn tay ra nắm cái TV của người khác. Khi trên màn ảnh truyền hình Việt Nam có lần  hiện lên lá cờ Trung quốc năm ngôi sao,  người ta có thể hiểu do vô tình, nhưng liên tục để tràn ngập phim Tàu thì lại là một chuyện khác. Liệu Trung quốc đã nắm được cái TV của ta chưa?
               
Bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” của Việt Nam bị cấm chiếu vì có nhiều cảnh bạo lực. Những ca sỹ  trang phục quá gợi cảm cũng đã bị cấm biểu diển vì thiếu thuần phong mỹ tục. Những việc làm ấy của ngành văn hóa được nhân dân đồng tình . Nhưng  liệu so với việc để cho phim nước ngoài, đặc biệt phim Tàu tràn ngập trên TV  có tương xứng?            
                 
Một điểu cần phải nói thêm là , ngành điện ảnh nước ta  dường như đã “buông tay gác kiếm” đánh mất sân chơi của mình.  Những bộ phim  như : “ Mẹ chồng tôi”, “ Thương nhớ đồng quê”, “ Hà Nội trong mắt ai” ,  “Chạy án”, “ Lắm người nhiều ma”, “ Blue  trắng cứ thưa dần rồi mất hút, thay vào đó là những bộ phim nhạt nhẽo, gượng gạo, sống xít cả hình thức lẫn nội dung.  Những diễn viên một thời được khán giả quý mến trong những vai diễn chính kịch, giờ bỗng hóa thân thành những vai hài rất vô duyên.        
              
Hàng tiêu dùng giá rẻ độc hại của Trung quốc đã và đang tràn ngập Việt Nam bằng những ngả buôn lậu. Phim ảnh không thể vào nước ta bằng con đường nhập lậu, và càng không thể chiếu lậu trên TV.  Ai phải chịu trách nhiệm về sự “Bội thực phim Tàu” này ?
 

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"