Lê Thị Thanh Tâm
Lời giới thiệu:
"Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai ?
Non sông đã mất, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi."
- XUẤT DƯƠNG LƯU BIỆT (Người dịch: Tôn Quang Phiệt)
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai ?
Non sông đã mất, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi."
- XUẤT DƯƠNG LƯU BIỆT (Người dịch: Tôn Quang Phiệt)
Mình còn nhớ mình đã từng học thuộc bài thơ này hồi lớp 11, tuy nhiên
cho đến tận thời khắc của những năm gần đây mình mới cảm nhận được
những ẩn ý trong những câu thơ chan chứa tình cảm của cụ Phan Bội Châu.
Bài viết của cụ mang mục đích kêu gọi đồng bào thời ấy, nhất là “đám”
thanh niên hãy hưởng ứng, giúp đỡ phong trào “Đông Du”, vì sự sống còn
của đất nước chỉ còn cách du học. Du học để tự mình khai sáng bản thân,
mặt khác thông qua giáo dục để thức tỉnh nhân dân trong nước, hy vọng
một ngày nào đó đất nước sẽ dành được dân chủ, độc lập.
Trong số những người ra đi mang trong mình “lòng ái quốc”, trước tiên
phải kể đến cụ Phan Bội Châu, sau là Cường Để (1), và nhiều anh em khác
như Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điền, Lê Khiết, hai anh em Lương Ngọc
Quyến...
Trong số đó có chắc hẳn rất nhiều nhân vật không được nhắc đến nhiều,
cũng như việc không được biết đến trong lịch sử phong trào Đông Du ví
dụ như cụ Trần Đông Phong trong bài viết dưới đây. Vậy Trần Đông Phong
là ai? Ông đã làm gì để một nhân vật như Cường Để phải nể phục, đích
thân đứng ra xây mộ cho ông? Lý do một phần xương cốt của Cường Để được
chôn cùng Trần Đông Phong là gì? Hy vọng bài viết của tác giả Lê Thị
Thanh Tâm dưới đây sẽ giúp chúng ta giải đáp được một phần nào những câu
hỏi “bí mật” này.
* * *
Trước ngày tôi đến Nhật (với tư cách là người nghiên cứu thời gian
ngắn), thầy tôi đã căn dặn: Khi đến Tokyo, em nhớ thăm mộ cụ Trần Đông
Phong nhé. Tôi nhớ lời và có xin thầy bản đồ hướng dẫn đường đến nghĩa
trang có mộ cụ ở Toshima.
Mùa thu đầu tiên ở nước Nhật, đất dậy sóng của phong trào Đông Du
cách đây hơn trăm năm, tôi vẫn còn thơ thẩn với bao dự định. Tôi vẫn cứ
loay hoay mãi với sách vở, nghĩ suy và sự hòa nhập không dễ dàng với một
đất nước Đông á duy nhất từ lâu đã thành cường quốc, tôi chưa thể nghĩ
đến việc đi thăm cụ Phong như lời thầy dặn.
Rồi cơ duyên cũng đến. Một hôm, một đồng nghiệp lớn tuổi người Hà Nội
(đã làm việc ở Nhật gần 20 năm) tâm sự: vừa rồi con trai bị ốm mãi
không khỏi, chắc phải đi xin cụ Phong thôi. Dù đã được thầy nhắc nhở
phải cố đi thăm cho được mộ chí sĩ Trần Đông Phong, nhưng tôi cũng không
hình dung hết được sự tôn kính và niềm tin đến vậy của những người Việt
xa xứ đối với cụ. Nghe câu chuyện các sinh viên Việt Nam kể cho nhau,
tôi càng ngạc nhiên hơn. Họ nói: Sinh viên ở đây xin cụ gì cũng được,
xin gì cụ cũng cho. Nghe cứ như một truyện truyền kỳ nào đó.
Ngày chúng tôi đến thăm mộ cụ là một buổi sáng nắng ấm, sau những
ngày mưa bão dữ dội. Từ ga chính Shinjuki, sau khi bắt tuyến Amanote
chạy vòng trung tâm Tokyo, chúng tôi chuyển sang tàu điện nhỏ xíu khá cũ
chạy leng keng trên mặt đường phố quận Toshiba, gọi là tàu điện tuyến
Toden Arakawa. Người đồng nghiệp Hà Nội bâng khuâng bảo: giống tàu điện
xưa ở Hà Nội đấy. Không chỉ tàu điện nhỏ, quận Toshiba sao cũng buồn
vắng như cái không khí có trong mấy tấm ảnh cũ cũ về ba mươi sáu phố
phường đất kinh kì.
Đến nghĩa trang Zoshigaya Reien, chúng tôi theo phong tục người Nhật,
định mua ngay được hương, hoa và xách một xô nước bằng gỗ có chiếc gáo
nhỏ tròn rất xinh, cùng với một cây chổi thanh thanh để quét dọn mộ.
Nhưng hôm ấy lại là ngày nghỉ. Chúng tôi đứng ngơ ngẩn. Không ai bán
hoa, bán hương, không xô nước, không chổi. Sao thế nhỉ? Đồng nghiệp tôi
nói: Biết làm thế nào. Hay là khấn không thôi nhỉ. Vào khấn thôi. Nghĩ
thế, tôi thấy thương cụ quá. Con cháu đi thăm mà không có gì để phúng
viếng. Ít phút sau, bỗng dưng có người phụ nữ Nhật lớn tuổi mở cửa, cười
rất tươi. Bà nói hôm nay ngày lễ nghỉ, nhưng nếu mọi người muốn vào
viếng thì bà tặng hương, không cần mua. Hoa thì có thể mua cửa hàng bên
cạnh (khi ấy cửa hàng bên cạnh cũng tự nhiên hé mở), chỉ còn mấy bó
thôi. Xô nước và chổi bà cũng cho mượn. Mừng quá.
Người dẫn đường của chúng tôi không hiểu sao lại nhầm đường. Mãi gần
một tiếng mà vẫn không tìm được mộ. Mấy con quạ đen cứ bay nhao nhác.
Tôi lỡ thắp hương nên cứ cầm trên tay mãi, vừa cầm hương vừa đi tìm mộ
cụ. Thi thoảng hương cứ lóe cháy phừng phừng rất lạ. Đặc điểm thế nào
cô? Mộ cụ cũ, không giống mộ người Nhật lắm, trông rất đơn giản; Đường
vào có cây thông nhỏ thấp nghiêng nghiêng. Trời, chỗ nào cũng có thể có
cây thông nghiêng nghiêng.
Tôi nhớ đến câu chuyện của thầy tôi kể. Khi xưa thầy đến thăm mộ cụ
Phong, đi cũng khá đông người, tìm cả ngày không ra mộ. Đến khoảng 6 giờ
chiều, tuyệt vọng, tất cả kéo nhau ra về. Nhưng cứ đi ra hướng cổng thì
lại lạc vào trong, cứ đi ra lại là đi vào, trời đã tối dần, rồi thầy
bảo, tự nhiên như có ma lực, trong bóng chiều sắp tối, tất cả lại đi vào
trong nghĩa trang theo một sự hướng dẫn nào đó vô hình, và hơn mươi
phút sau đã tìm thấy mộ. Mọi người xúc động quá, trước mắt là bia mộ ghi
rõ dòng chữ Hán: Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ. Khấn vái xong,
thầy về nhà mà đắp chăn, người cứ ớn lạnh từng cơn. Sao cụ lại thiêng
đến thế.
Đến lượt chúng tôi, lát sau cũng tìm được mộ. Mà tìm được là vì vô
tình có một bà cụ người Nhật sống lâu ở nghĩa trang chỉ cho. Mộ nằm trên
dãy 1-4A-14. Tôi có cảm giác rất lạ khi đứng trước mộ cụ. Tôi nhìn rõ
hai bó hoa ai đó viếng còn mới thơm cắm ngay ngắn cùng với hai bó hương
đã tàn. Vậy là vừa có sinh viên hay người Việt Nam đến viếng. Mọi người
đã nói với tôi, mộ cụ lúc nào cũng có hương hoa, lúc nào cũng được dọn
sạch cỏ. Trong tôi trào lên một nỗi niềm không sao tả được. Nơi này, từ
tên quận, tên đường, tên nghĩa trang, tên khu mộ, đều không có lấy một
dòng chữ Việt Nam. Nhưng lại có một “đồng bào chí sĩ” ra đi từ phong
trào Đông Du nằm yên đã trăm năm.
Nơi này, một con người đã tuẫn tiết ở tuổi hai mươi với lá thư tuyệt
mệnh: “Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây
học phí trong trường, chỉ là nhờ Nam Kỳ cấp cho anh em, tôi đã nhiều lần
viết thư về nhà, khuyên cha tôi bắt chước làm như ông Trương Tử Phòng,
phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi nghĩ tôi là con một nhà
giàu, xấu thẹn với anh em quá, nên tôi phải tự vẫn cho cha tôi biết chí
tôi, và cũng để tạ tội với anh em”. Những dòng chữ nghĩa khí tiết liệt
đã khiến Kỳ ngoại hầu Cường Để kính phục đến mức đích thân người đã xây
mộ cho ông ngay trên đất Nhật, và về sau, xương cốt Cường Để một phần
cũng nằm trong ngôi mộ của chí sĩ này.
Chúng tôi cắm hoa, thắp hương cho cụ. Ngôi mộ cực kỳ giản dị, không
hề có một nét hoa văn nào. Tường mộ lấm rêu, nhiều phần xi măng mỏng vỡ
loang. Cảm giác gặp được người Việt ở nước ngoài bình thường đã khiến
tôi cảm động. Nhưng cảm giác tìm được nấm mộ người xưa ở nước ngoài là
một kinh nghiệm rất đặc biệt. Nhất là mộ của một chí sĩ đã chết “độc
nhất vô nhị” trong lịch sử dân tộc: “Nhà tôi giàu có nhưng đất nước có bị diệt vong cũng không giúp được gì thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa...”.
Tự sát ở chùa Tohoji nơi xứ người, Trần Đông Phong đã để lại một câu
chuyện cảm động kỳ lạ về lòng ái quốc. Một trí thức ưu tú, người làng Di
Luân, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, xuất thân từ một gia đình giàu
có bậc nhất ở Nghệ An, đã chết theo cách riêng của mình, mà lập luận dai
dẳng đắng cay cho đến lúc chết là: có tiền mà vong quốc thì không thể
sống được. ý nghĩ giản dị này ám ảnh tôi mãi, nó sống trong tâm trí tôi
hơn vô số những khẩu hiệu quen thuộc được dán đầy ở các cung đường chính
nơi quê nhà. Chao ôi, ý nghĩ giản dị và quí giá đó nếu như được nuôi
dưỡng trong tâm hồn người Việt bao lâu nay thật mạnh mẽ và sâu sắc thì
hẳn mọi sự làm giàu đều chính đáng, đều hướng đến sự sang trọng đúng
nghĩa của nó, cái sang trọng đích thực sẽ đẻ ra một nền văn hóa cao cấp,
nền văn hóa của tự do (chứ không phải một cơn khát làm giàu đầy ngạo
mạn mà vẫn nô lệ).
Có tiền mà vong quốc thì không thể sống được- quan niệm tử sinh gắn
liền với quan niệm giá trị của Trần Đông Phong được đảm bảo tính trung
thực bằng cái chết. Những dòng chữ cuối cùng để lại của cụ không phải là
lời nói suông, không phải là lời thề sáo rỗng. Cái chết của Trần Đông
Phong thực sự bất tử, không phải là sự bất tử tự nó, mà lịch sử và những
khúc quanh của thời đại ở xứ sở cội nguồn người Việt đã làm cho cái
chết ấy càng sáng lên nhiều giá trị, càng bắt người ta phải đối diện lâu
dài và bền bỉ với công cuộc “chấn hưng” hồn vía và văn hóa dân tộc.
Cách đây hơn một thế kỷ, người ta sẵn sàng hy sinh mạng sống vì quyền
được thoát khỏi “phận dã man”, đời nô lệ; Người ta sẵn sàng bỏ thân vì
không chịu nổi sự nhục nhã của cảnh ngộ đồng tiền đang vô tâm ngự trị
trong sự khốn cùng của đồng bào, đất nước. Nỗi thao thức về đồng tiền
trong cuộc duy tân và hiện đại hóa dân tộc (tuy không được nói nhiều,
bàn nhiều, như là đề tài cấm kỵ vô hình) từ những năm đầu tiên của thế
kỷ XX của một chí sĩ Việt Nam vẫn là câu chuyện dài của thế kỷ XXI, thậm
chí câu chuyện ấy ngày càng nhiều biến thái, nhiều kịch bản hơn… Hẳn
những bậc hào kiệt năm xưa khi xuất dương không tưởng tượng nổi 100 năm
sau, cũng ở ngay trên xứ sở “đồng bào”, báo chí đăng nhan nhản cái cụm
từ tham nhũng là quốc nạn như một thứ tin tức hằng ngày, đến nỗi dường
như nó là điều bình thường không có gì phải nghĩ. Ngày nay, người ta
cũng có thể nghĩ đến tự sát, có thể chết vì đồng tiền, nhưng chắc chắn
không phải với cái nghĩa khí đáng tôn vinh kia, mà chết vì không thể vơ
vét được nhiều hơn nữa…
Lịch sử ghi lại hằng hà những tấm gương nghĩa khí, nhưng cái chết của
Trần Đông Phong là trường hợp quá đặc biệt: chết vì hổ thẹn, chết không
vì lỗi của mình, mà vì gia đình mình không hy sinh của cải cho đất
nước. Điều này vượt ra ngoài phạm vi, ngoài hành vi của một con người cụ
thể, vượt ra ngoài cái nghĩa khí thông thường. Câu chuyện về lòng ái
quốc hòa quyện trong câu chuyện biết xấu hổ, câu chuyện nhân cách. Mà
điều ấy, thời xưa đã hiếm, thời nay còn hiếm gấp bội; xảy ra ở nước
người cũng là quí, xảy ra ở nước ta còn quí gấp bội… Tôi càng ngẫm nghĩ
càng thấy vẻ đẹp cao thượng này của chí sĩ Trần Đông Phong quả thực là
một ẩn số của lịch sử. Trong câu chuyện ấy, sao mà có quá nhiều thứ để
hậu thế suy gẫm, cái chết ấy là thứ kỷ luật của tâm hồn, đạo đức của tâm
hồn, là tấm gương một liệt sĩ-chí sĩ (chết vì suy nghĩ, vì đẳng cấp
nhân cách), là niềm tin của hiện tại đối với… quá khứ, là sản phẩm của
tinh hoa giáo dục truyền thống (cá nhân chịu trách nhiệm cho gia đình),
là câu hỏi về mục đích và ý nghĩa chân chính của sự làm giàu, …
Từ một chí sĩ, cụ Trần Đông Phong giờ giống như vị thần hoàng trong
đình làng Việt Nam ở ngay trên đất Nhật. Người ta mặc nhiên cúng tế,
sùng tin. Người đi trước mách người đi sau. Kẻ du học cũng như người lập
nghiệp. Người ta tin cụ, đến viếng cụ, xin cụ cho học giỏi, cho sức
khỏe, cho danh vọng… Có người đến viếng cụ vì thương cảm, cảm phục, cũng
có người đến cụ vì nghe nói cụ rất thiêng, cũng có người đến để biết mộ
người Việt ở nghĩa trang Nhật Bản thế nào. Tôi trộm nghĩ biết đâu cái
xứ Thần Đạo này vì cảm thương linh hồn xa xứ của cụ, cũng để cho cụ nhập
vào cái tâm linh mênh mông của họ, nên giờ đây cụ cũng là “vị thần” cho
các lưu học sinh, người Việt Nam đang sống và học tập ở nước Nhật này.
Tôi nhìn mộ cụ, không có ảnh, đúng như mộ người Nhật. Cả trăm năm cụ
vẫn nằm đấy, lặng lẽ vô hình phù hộ cho những ai là con dân Việt Nam
bước chân đến Nhật, không biết có phải vì hồn linh ấy mãi hướng về cố
quốc, hay bởi ánh sáng của phong trào Đông Du năm xưa vẫn còn le lói
trong một nấm mồ? Tôi nghe nói dường như qua con đường tâm linh nào đó
liên quan tới cụ Koyama Katsuzo – người có công thành lập “Hội Giáo dục
Việt Nam của thành phố Gunma” tại Nhật - người ta được biết hồn cụ Phong
mong được về lại Việt Nam bởi cụ đã biệt xứ đến trăm năm có lẻ.
Nhưng nếu đưa cụ về Việt Nam thì những người đến Nhật như chúng tôi
lại thiếu vắng lắm... Cụ đã chết như một võ sĩ đạo, dưới gốc cây một
ngôi chùa, khác nào câu chuyện chỉ có trong kịch Nô, trong tiểu thuyết
Nhật, nhưng đối với tâm linh và văn hóa Việt Nam, điều cao quí hơn trong
cái chết vì đại nghĩa ấy, theo tôi, là sự nhắc nhở âm thầm sâu sắc về
sứ mệnh của trí thức đối với giống nòi. Tôi vẫn mãi băn khoăn: nền giáo
dục nào, hệ tư tưởng nào, tầng văn hóa nào đã tạo ra những con người khí
phách và cao thượng đến dường ấy…
Tôi đứng nhìn ngôi mộ Trần Đông Phong đơn sơ giữa nước Nhật giàu có.
Mộ cụ vẫn như ngày chôn cất năm xưa, nước Nhật vẫn là cường quốc Đông á,
Việt Nam vẫn còn đang trên đường “hứa hẹn” hiện đại hóa; du học sinh
Việt Nam vẫn nhiều, và ngày càng nhiều hơn thế kỷ trước, nhưng khí khái
và hoài bão của Đông Du chí sĩ ngày nào chắc phần lớn chỉ còn trong kỷ
niệm, bảo tàng, hội thảo. 100 năm trước đây, biết bao chí sĩ từ đất Việt
ra đi đến xứ mặt trời mọc với tâm niệm và sứ mệnh cao cả: cứu nước bằng
ánh sáng trí tuệ. Mấy chục năm sau, cho đến bây giờ, vẫn ồ ạt những
cuộc du học bằng đủ mọi phương tiện hỗ trợ, và “chắc là”, cũng hướng đến
văn minh, hiện đại, xây dựng Tổ quốc cách này cách khác... Những chuyến
đi vẫn tiếp diễn, các chí sĩ được thay bằng các lưu học sinh đủ mọi lứa
tuổi, nguồn tài chính không quá ngặt nghèo như trước nữa, không “bi
kịch” như trước nữa… Mọi thứ bề thế hơn, dễ dàng hơn, nhân danh điều này
điều khác nhiều hơn, duy chỉ có niềm khát vọng thoát khỏi “phận dã man”
của những tâm hồn vì giống nòi thì vẫn cứ là… khát vọng, thậm chí vẫn
cứ là… hoài vọng.
Tôi nghĩ đến hoài bão cháy bỏng của lớp thanh niên trí thức hồi đầu
thế kỷ của phong trào Đông Du. Rồi lại nghĩ đến hàng vạn người dân trong
nước mong ngóng tìm việc làm ở nước ngoài với giá nhân công rẻ mạt và
bao rủi ro khốn đốn… Cảm giác “tủi phận dã man” ngày trước có cái gì
thật cao cả, bây giờ cũng vẫn cảm giác “tủi phận” đó, chỉ có điều ít
nhiều nó được gắn thêm cái tiếp vĩ ngữ “đói nghèo”, “lạc hậu” nữa.
Viếng thăm nấm mộ một anh hùng Việt Nam ngay trên đất Nhật, biết đâu
người ta mới đủ cảm xúc và dư chấn để nghe được một cách rõ ràng hơn
tiếng vọng hoài bão người xưa, biết đâu từ khoảnh đất được đánh số lạnh
lẽo ở nghĩa trang lại dấy lên chí lớn và những nghĩ suy về dân tộc, và
biết đâu, nấm mộ đơn sơ lấm rêu này sẽ là một chứng tích vô giá cho
những ai có cơ hội vượt qua biên giới xứ sở để hiểu được, dù là một
chút, số phận và vinh dự, cái chết và sự sống, lòng ái quốc và đức hy
sinh, tình yêu và dự cảm của những anh hùng lưu biệt một thời.
* * *
Trở về tìm những gì được nói lên từ trái tim, từ khối óc cụ Trần Đông
Phong, tôi thấy đủ cả tâm lí họa phúc đắp đổi, bĩ cực thái lai, hùng
tâm tráng chí và khát vọng hưng quốc mãnh liệt chưa từng thấy"
“Họa hề phúc sở ỷ
Phúc hề họa sở phục”
Gẫm đạo trời khi bĩ có khi hanh
Mở mắt coi thế giới văn minh
Ai cách mạng, ai cộng hòa, ai dân chủ, ai dân quyền
Những ai ấy cạnh tranh thời đại
Năm canh trót nghĩ đi rồi nghĩ lại
Giọt vắn dài riêng tủi phận dã man
Mấy năm nay đứt ruột với giang san
Vua như thế, quan như thế, mà quan sau cũng như thế
Anh em thảy đồng bào tương hệ
Tính răng đây? sao nỡ ngáy khò khò
Trên đã đành giáo huấn không lo
Dưới ta phải tu sinh cho hợp đạo
Bỏ ý gian tham, bỏ lòng kiêu ngạo
Bỏ riêng, bỏ, bỏ vơ, bỏ váo
Bỏ dại, bỏ khờ, bỏ lường, bỏ láo
Bỏ cho hết thói cũ sạch sành sanh
Trên đã đành năm triệu chẳng lành
Của của mình, nhà nhà mình, nước nước mình
Nỡ để ấy ai dành mà ai dỗ
Có khó mới biết khôn, muốn khôn phải chịu khó
Gánh thảo ngay dành để cho ai
Còn non, còn nước, còn dài
Phúc hề họa sở phục”
Gẫm đạo trời khi bĩ có khi hanh
Mở mắt coi thế giới văn minh
Ai cách mạng, ai cộng hòa, ai dân chủ, ai dân quyền
Những ai ấy cạnh tranh thời đại
Năm canh trót nghĩ đi rồi nghĩ lại
Giọt vắn dài riêng tủi phận dã man
Mấy năm nay đứt ruột với giang san
Vua như thế, quan như thế, mà quan sau cũng như thế
Anh em thảy đồng bào tương hệ
Tính răng đây? sao nỡ ngáy khò khò
Trên đã đành giáo huấn không lo
Dưới ta phải tu sinh cho hợp đạo
Bỏ ý gian tham, bỏ lòng kiêu ngạo
Bỏ riêng, bỏ, bỏ vơ, bỏ váo
Bỏ dại, bỏ khờ, bỏ lường, bỏ láo
Bỏ cho hết thói cũ sạch sành sanh
Trên đã đành năm triệu chẳng lành
Của của mình, nhà nhà mình, nước nước mình
Nỡ để ấy ai dành mà ai dỗ
Có khó mới biết khôn, muốn khôn phải chịu khó
Gánh thảo ngay dành để cho ai
Còn non, còn nước, còn dài
Bài ca trù này có thể chỉ được tìm thấy trong sách khảo cứu về thơ ca
Đông Du, nhưng thực ra, nó đã sống với anh linh Trần Đông Phong và con
đường thăng trầm hiện đại hóa của nước Việt ta suốt cả thế kỷ nay.
===================
Đọc thêm: Đỗ Thông Minh - Thăm mộ chí sỹ Trần Đông Phong
http://www.nsvietnam.com/online/binhluan/121910-tham.pdf
Chú thích:
(1)Cường Để: Kỳ Ngoại hầu Cường Để (chữ Nho: 畿外侯彊柢; 1882-1951) là Hoàng thân triều Nguyễn (cháu năm đời của Nguyễn Phúc Cảnh), và là một nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
(1)Cường Để: Kỳ Ngoại hầu Cường Để (chữ Nho: 畿外侯彊柢; 1882-1951) là Hoàng thân triều Nguyễn (cháu năm đời của Nguyễn Phúc Cảnh), và là một nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Biên tập: [Admin Hitomebore]
Hiệu chỉnh & Hình ảnh: [Admin Mizzou] @ Wegreen Vietnam
Hiệu chỉnh & Hình ảnh: [Admin Mizzou] @ Wegreen Vietnam