Alan Phan
Theo blog Góc nhìn Alan
“Tôi nghĩ mình khôn ngoan quá nên đôi khi tôi không hiểu một lời nào mình nói ra” (I am so clever that sometimes I don’t understand a single word of what I am saying.) - Oscar Wilde
Khi đứa con trai thứ hai của tôi ra đời tại California vào giữa thập
niên 70s, các bạn bè chia mừng đây là đứa đầu tiên của gia đình có điều
kiện ứng cử vào chức vụ Tổng thống Mỹ. Hiến pháp đòi hỏi ứng viên Tổng
Thống Mỹ phải là một công dân Hoa Kỳ thực thụ ngay khi sinh ra. Thực
tình, tôi luôn luôn nghĩ làm Tổng Thống Mỹ là một “cực hình” như bị một
lời nguyền đen tối; hơn là một hãnh diện may mắn.
Nhìn tất cả những ông Tổng Thống Mỹ tương đối trẻ và sung sức gần đây
của Hoa Kỳ, như Obama, Bush, Clinton, Carter… người ta thấy rõ ràng là
những áp lực lớn lao không ngừng nghĩ từ mọi phía đã làm các ông này
“già rất sớm”. Sau vài năm đầu của nhiệm kỳ, dù chỉ ở lứa tuổi trên dưới
50s, mái tóc các ông bạc phơ, vết nhăn đầy trên khuôn mặt nhiều phần đã
teo tóp… mặc dù những con người nhiều quyền lực nhất thế giới đang được
những vị bác sĩ giỏi chăm sóc thật chu đáo, 24 giờ một ngày.
Đây chắc chắn không phải là dấu hiệu của một đời sống hạnh phúc, sung mãn và hài hòa.
Có lẽ vì những âu lo, dằn vặt, suy tư… từng giây phút, đã khiến các
Tổng Thống Mỹ phải tìm cách ứng phó để sống sót, nên họ đều chia sẽ một
thói quen rất đáng yêu: họ biết tự “diễu” mình, đem cá nhân mình ra cười
đùa trước công chúng, cho thấy một khía cạnh rất “con người” của họ.
Nhiều bài diễn vẫn ở những bữa tiệc cho cổ động viên, bạn bè, thân hữu,
đồng nghiệp… luôn luôn bắt đầu bằng những câu chuyện khôi hài (jokes) về
chính bản thân mình hay những chuyện đã được các chuyên gia “cười” của
các mạng truyền thông rỉ tai.
Obama thích cười về nguồn gốc da đen của mình, có lần ông hỏi người
nghe là bây giờ người ta có sử dụng đúng từ ngữ khi gọi Tòa Bạch Ốc là
White House? Một lần khác, ông nói về một cái joke đang thịnh hành trên
mạng… Trong một buổi sáng chạy bộ ở Alabama, ông Obama chẳng may bị rớt
xuống con sông sâu, đang cuồn cuộn chảy. May sao, có ba đứa trẻ đang câu
cá dưới giòng, nhanh trí dùng cành cây vớt ông lên được. Obama hỏi tôi
làm được gì cho các ân nhân đã cứu mạng tôi đây? Đứa trẻ đầu mong được
thăm Tòa Bạch Ốc và ngủ đêm tại đó. Đứa thứ nhì mong ông Obama đến lớp
học mình, bắt tay các bạn đồng lớp. Obama nói quá dễ dàng, ông sẽ làm
như vậy. Còn đứa thứ ba thì lại xin ông 1 chiếc xe lăn, có gắn IPod,
IPad và TV 3-D để cậu ta giải trí. Obama nói ông không hiểu, em đang
khỏe mạnh thế này, sao lại muốn ngồi xe lăn? Cậu ta đáp, “Bây giờ thì
khỏe, nhưng sau khi cha tôi biết tôi là người đã cứu sống ông, thì chắc
chắn ông ta sẽ bẻ gãy giò của tôi.”
Ông Bush thì luôn bị chế giễu về trí tuệ cũng như kiến thức của mình
về thế giới. Sự kiện ông bị ghét bỏ vì các chính sách tại Iraq,
Afghanistan… cũng là một đề tài thường trực cho các jokes về cá nhân
mình. Nhưng thú vị nhất là câu chuyện khi ông đi thăm một lớp tiểu học
và cô giáo hỏi các học trò, “Mình đang học về thảm kịch (tragedy). Em
nào cho tôi một thí dụ.” Một em nhanh nhảu ”Em chạy ra đường chơi và bị
xe đụng?” “Không, đó là một tai nạn, không phải thảm kịch” Một em khác:
”Xe buýt của trường rơi xuống hố và nhiều học sinh bị tử nạn?” Đó là
một mất mát lớn lao (great loss) nhưng chưa là thảm kịch”. Đứa thứ ba
giơ tay: ”Khi Tống Thống Bush rớt máy bay chết?” “Đúng rồi, nhưng đâu là
lý do sao em nghĩ đây là thảm kịch?” ”Vì chắc chắn nó không phải là một
tai nạn, hay là một mất mát lớn lao.”
Ông Clinton thì mỗi đêm bị các danh hài trên TV đem ra chế giễu về
tật xấu thích lăng nhăng với các phụ nữ ngoài luồng, như cô trợ tá
Lewinsky. Trước mặt ông, nhà phỏng vấn Jay Leno kể lại một khảo sát của
viện thống kể Gallup, về câu hỏi đặt ra cho các phụ nữ, “Cô có chịu ngủ
với Tổng Thống Clinton?” Kết quả là 1% nói “yes”, 2% nói “no” và 97% nói
“không thể có lần khác (never again)”. Một chuyện khác là khi bà
Clinton đi khám sức khỏe, bác sĩ báo cho biết là bà vừa có bầu. Bà giận
quá, vì tuổi đã lớn, còn đang làm vợ Tổng Thống mà có bầu không kế
hoạch, chắc thiên hạ nhạo bang thường trực. Bà bốc phone kêu Clinton,
“Quỷ râu xanh, ông có biết là vừa làm cho bà có bầu hay không?” Điện
thoại im bặt một lúc lâu, mới nghe Tổng Thống nhỏ nhẹ hỏi: ”Bà là ai
vậy?”.
Tổng Thống thích cười và kể chuyện cười nhiều nhất là ông Reagan. Vốn
là một diễn viên điện ảnh, nên ông rất thuyết phục trong các bài diễn
văn, tranh luận. Nhưng điều làm dân chúng ái mộ ông nhất là khả năng tự
cười rất duyên dáng trong mọi trường hợp. Sau khi tỉnh dậy trong một
cuộc mưu sát, người ta hỏi ông cảm thấy thế nào? Ông nói, “ít nhất là
tôi không phải sống ở Cleveland.” Sau ông phải xin lỗi người dân
Cleveland về lời diễu này.
Một lần khác, khi hỏi về nạn lạm phát vừa thừa hưởng từ Tổng Thống
Carter, ông ví von về câu chuyện một Trung Sĩ đang làm trắc nghiệm về
khả năng ứng phó của các tân binh. Anh Trung Sĩ hỏi người lính: ”Anh
đang điều khiển hệ thống xe hỏa ở nhà ga Arlington. Một con tàu từ phía
Bắc khoảng 15 km đang chạy đến nhà ga với tốc độ 60 km một giờ. Trên
cùng một đường sắt, một con tàu từ phía Nam chỉ cách ga có 10km, đang
chạy ngược đường trên cùng đường ray, với tốc độ 50km một giờ. Anh se
phải làm gì?” “Tôi phone về nhà kêu thằng em trai Billy chạy ra nhà ga
gấp.” “Tại sao? Billy là một thần đồng về toán học và quản lý tình thế?”
”Không, hắn chỉ mới 14 tuổi, nhưng hắn chưa bao giờ thấy hai xe lửa
đụng nhau cả.”
Ông Kennedy xuất thân từ một gia đình giàu có, quyền lực nên ông luôn
phải đối phó với lời phê bình là gia đình ông đang cố gắng mua cho ông
chiếc ghế Tổng Thống. Trong cuộc tranh cử ở West Virginia, ông bắt đầu
bài diễn văn bằng cách móc trong túi ra một điện tin ông nói vừa nhận
được từ ông cha: ”Con chỉ nên mua vừa đủ phiếu để thắng thôi. Cha sẽ rất
bực nếu phải trả tiền cho một landslide (một kết quả mà ứng viên thắng
đối thủ quá đậm).”
Trong suốt lịch sử chỉ 200 năm của Mỹ, những chuyện cười về Tổng
Thống hay chuyện cười do các ông kể có thể chứa đầy cả ngàn trang sách.
Tôi cho đây là nét đặc thù quý báu nhất của nền dân chủ Mỹ. Ngay cả một
khai quốc công thần như Washington cũng đầy những chuyện vui buồn về lỗi
lầm, hối tiếc hay ngu xuẩn của cá nhân cũng như của chánh phủ do ông
lãnh đạo. Đây mới thực sự là những công bộc của dân, vì dân và cho dân
(of the people, by the people, for the people). Không ai có một ảo tưởng
mình là thần thánh phải được tôn vinh và thờ phụng. Mọi thành tựu cũng
như thất bại, lầm lẫn… đều được mổ xẻ chi tiết bởi nhiều học giả, bây
giờ và tương lai, ngay cả trong những chuyện riêng tư của đời sống cá
nhân. Khả năng biết tự diễu mình được đánh giá cao vì nó tạo sự gần gủi
giữa nhà lãnh đạo và các người dân thường.
Tôi rất sợ những người lãnh tụ nghiêm nghị, khắc khổ và không biết
cười. Như một đứa bé sợ những ác thần trong các truyện cổ tích. Trong
các câu chuyện lịch sử, tôi để ý là những nhân vật như Tần Thủy Hoàng,
Hitler, Kim Il Sung, Pol Pot… không bao giờ biết cười. Có lẽ vì họ quá
bận rộn với sứ mạng thiêng liêng là phải biến cả dân tộc thành những cỗ
người máy (robots) để phục vụ cho lý tưởng cao vời vợi của họ (cao quá
nên ít người thấy hay hiểu).
Cho nên, mỗi khi đi vào phòng phiếu bầu cử ở Mỹ, nếu không biết rõ về
các ứng cử viên, tôi sẽ chọn một khuôn mặt tươi cười, dễ chịu, thư giãn
và thú vị. Những khuôn mặt táo bón, làm dáng quan trọng và ăn mặc đúng
thời trang… là những lá phiếu thấy nhiều trong sọt rác, vì các cử tri
khác cũng thường có đồng quan điểm như tôi.
Tôi nghĩ nếu có một học giả nào tìm sự liên quan giữa chỉ số hạnh
phúc của người dân và khả năng biết “cười” của các lãnh tụ xứ họ, kết
quả sẽ là một tỷ lệ thuận minh chứng qua suốt bao thời đại. Và ngược
lại.
Alan Phan