Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Chị Nhung (của Phương Uyên) và chị Tân (của Hải Điếu Cày)

Phạm Toàn
Doanh nhân trẻ Lê Quốc Quyết giới thiệu với tôi: “Hôm nay thầy có hai vị khách đặc biệt…”. Rồi Quyết tươi cười giới thiệu chị Nhung và chị Tân.
Tôi vồ lấy hai đôi bàn tay của Nhung và của Tân. Tưởng như muốn níu giữ mãi mãi những bàn tay lao động và cao cả trong hy sinh ấy – một thái độ hy sinh hoàn toàn thầm lặng, không cần ai biết, không cần ai hay. Chợt nghĩ: hôm nay đây, được hai người nữ nhi cao cả này tới thăm, thật là một điều vui sướng quá đặc biệt với mình! Quá sức tưởng tượng! Như thể được gặp gỡ, được ngồi bên Phương Uyên và Hải Điếu Cày! Giời xui khiến ra sao mà lại có cuộc gặp này kia chứ?
Tôi dõng dạc tuyên bố:
- Kể từ giờ phút này, Nhung và Tân ngồi cạnh tôi nha, mỗi người một bên nha, không cho ai chen ngang nha… biết sao không? Vì mình ngồi như thế để thỏa mơ ước được gặp lại cả Uyên, cả Kha, cả anh Hải, gặp lại tất cả tất cả… Ôi đau lòng quá! Nhưng thôi, hôm nay thế này là mừng rồi. Nhưng mừng đấy vui đấy mà buồn đấy: biết rồi có còn khi nào gặp lại được hai bạn này nữa không?

Tân an ủi tôi:
- Thầy khỏe đi, thầy cứ làm việc đều, chúng con sẽ còn gặp thầy mà!
Nhung thì im lặng, hai bàn tay hơi thô nháp nắm chặt bàn tay bên trái của tôi, để dành bàn tay bên phải của tôi cho Tân. Tôi ấp những bàn tay Nhung và Tân vào ngực mình:
- Hay lắm! Ngày mai tôi sẽ hủy chuyến đi Hải Phòng thăm ông Bùi Ngọc Tấn, để đưa Nhung và Tân đi thăm thủ đô.
Tân nói:
- Dạ, mai sớm chúng con đi Hải Phòng!
- Sao lại thế?
Bấy giờ Lê Quốc Quyết mới thủng thẳng giải thích: Nhung và Tân từ Sài Gòn ra Hà Nội là để tham dự phiên tòa “công khai” xử Lê Quốc Quân lẽ ra đã xử ngày 9 tháng 7. Hai cô mua vé đi sân bay Cát Bi, Hải Phòng, để trông chừng ngộ nhỡ xuống Nội Bài có những kẻ gian biết mặt biết tên sẽ ngăn hai cô lại không cho đi đâu hết. Từ Hải Phòng lên đến Hà Nội hai cô mới biết tin phiên tòa hoãn xử. Tân nói:
- Mai sớm chúng con đi xe đò xuống Hải Phòng, rồi ra sân bay Cát Bi về Sài Gòn. Bữa nay gặp thầy, thăm sức khỏe thầy…
Tôi gạt phắt:
- Ô, không! Không để hai bạn đi xe đò. Quyết à… Không cho hai chị đi xe đò! Đúng không, Quyết?
- Dạ, trù tính cả rồi, nhất định không để hai chị đi xe đò, em sẽ đưa hai chị về Hải Phòng…
- Đúng thế!
- Nhưng chúng em phải đi ngay bây giờ.
- Tôi đi cùng với. Cho tôi được sống cạnh hai người phụ nữ cao quý thêm vài tiếng đồng hồ nữa.
- Nhưng phải đi ngay bây giờ. Ngày mai em lại có việc bận ở Hà Nội rồi.
- Thì đi ngay bây giờ. Chờ tôi về nhà khóa cửa là chúng ta lên đường.
Từ quán cà phê bên bờ hồ, tôi chạy vội về nhà, bật máy rồi viết nhanh cho Tường mấy dòng: “Mai mày đi HP thăm thằng Tấn một mình. Tao đi tiễn mẹ của Phương Uyên và vợ cũ của Hải Điếu cày. Không đi cùng mày. Bảo thằng Tấn tha tội cho tao”. Rồi tôi khóa cửa chạy vội ra bờ hồ Tây. Xe nổ máy …
* * *
Lê Quốc Quyết đưa chúng tôi len lỏi qua các phố rồi ra đường gọi là “cao tốc” đi Hải Phòng.
Chị Tân “Điếu Cày” kể chuyện mới đi Thanh Chương thăm anh Hải. Chị thực sự giỏi luật pháp hơn tôi. Chị giải thích vanh vách với danh nghĩa nào, theo điều luật gì, theo nghị định bổ sung nào, chị có quyền thực hiện cái trách nhiệm thăm nuôi anh Hải.
Tôi nói với Tân: “Tôi là người rất thích tướng mạo. Tôi rất yêu cái gương mặt rất đẹp và rất đàn ông của anh Hải. Cái xương quai hàm bạnh ra, cái miệng rộng sang trọng, cái dáng người cao mà không lênh khênh. Mà sao anh ấy cười tươi đến thế!…”.
Đáp lại tôi, chị Tân nói đến hoàn cảnh anh Hải mồ côi cha mẹ từ năm bốn tuổi đầu, lớn lên đi bộ đội giải phóng miền Nam trong suốt chín năm trời ở Trường Sơn. Một con người như thế ta khó có thể nghi ngờ anh về tinh thần yêu nước. Cả xã hội thừa thấy rõ rằng bản án cho anh Hải mang một động cơ đen tối khác. Điều kỳ lạ, ấy là khi hai chúng tôi bàn với nhau về bản án họ dành cho anh Hải, điều tôi cảm nhận lại là một tình yêu dào dạt của chị Tân với anh Hải. Cái bản án như một thử thách tình yêu của chị với anh! Cái tình yêu đã nâng bước chân chị Tân lặn lội ra tận trại giam ở mãi huyện Thanh Chương (Nghệ An) để gặp chàng Từ Hải thời hiện đại của đời mình.
Khác với chị Tân, chị Nhung ít nói hơn, nhưng không vì ít nói mà cạn nghĩ. Thương quá, khi tôi nghe chị Nhung hỏi:
- Thầy à, bây giờ làm cách gì cho con được học?
Tôi nói với chị Nhung:
- Bây giờ Nhung đã bốn mươi tuổi, Nhung đừng nghĩ chuyện học để có một bằng cấp nào đó, cũng chẳng cần có hẳn một nghề nào đó đòi hỏi đào tạo dài ngày và tốn tiền.
- Thế con học ở đâu và học cái gì?
- Ờ …
Tôi chưa thể trả lời được Nhung, vì tôi đang giận sôi trong người. Tôi đủ sức hình dung được cách học cho Nhung và những người như Nhung chứ! Họ cần có chỗ học. Họ cần học không để đua chen lấy mảnh bằng rồi chẳng làm gì có ích lợi cho dân cho nước. Trong đám lâu la đánh dân biểu tình chống Tàu Khựa như cháu Phương Uyên, cái bọn mặc sắc phục lẫn với bọn chỉ mặc đồ dân sự, có biết bao anh chị đã đỗ cử nhân và thạc sĩ? Thế mà họ đã hành xử khác gì những côn đồ thất học? Tôi cam đoan đại tá Ca, phó chủ tịch Thoại, chủ tịch Hiền và bí thư Thành dứt khoát đều có bằng tiến sĩ, xoàng ra cũng thạc sĩ, xoàng ra cũng vênh váo có mảnh bằng cao hơn người anh hùng thủy sản Đoàn Văn Vươn!
Chị Nhung không nên và không cần học theo cách học của những nạn nhân của một hệ thống ngu dân. Tôi nghĩ đến một cách học cho chị Nhung và những người như chị trên mảnh đất khô cằn Bình Thuận, học sao để họ biết cách làm ra nhiều thanh long và nho, để họ biết giữ tươi được nhiều thanh long và nho, và để họ biết tìm cách bán sang Mỹ nhiều thanh long và nho hơn nữa. Họ cần đến những chương trình học theo đơn đặt hàng của người học. Họ cần được nhận vào học tại những nhà trường có địa chỉ học sinh rõ ràng, chứ không phải những “nhà trường” chỉ có cái mồm cùng cái loa và rất nhiều cái túi.
Nhưng làm sao có nổi một hệ thống giáo dục nhiều chương trình học khi chắc chắn đang có những nhóm lợi ích đã và đang lợi dụng điều luật “một chương trình – một bộ sách” để thao túng tất cả những gì còn lại. “Những gì còn lại”, đó là những nhóm nhân dân đông đảo sau khi được trừ bớt những gia đình đã tống được con em ra học ở nước ngoài từ lớp thấp nhất có thể. Không du học ở nước ngoài được, thì du học tại chỗ vậy!
Đừng lo họ không có tiền cho con du học chính thức. Tôi được nghe kể rằng ở London có một sinh viên thuê nhà ở hết 2.000 bảng một tuần, trong khi sinh viên bình thường khác chỉ thuê với giá 500 bảng một tháng. Cũng chàng sinh viên vừa nhắc đến bên trên đã mở tiệc chiêu đãi cộng đồng sinh viên hết 65 nghìn bảng để sau đó trong cuộc bầu bán dân chủ gấp nghìn lần cách bầu cử ở những nước “suy đồi sa đọa” khác đã nhận được đủ số phiếu và trở thành đại diện sinh viên Việt trên toàn cõi quốc gia mù sương nhưng có nền dân chủ vô cùng minh bạch kia.
Không, chị Nhung và những người cùng thân phận sẽ không cần du học như thế. Nhưng họ cần được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao như ở nước Anh, sao lại không thể? Nhại lại Archimedes và Leibniz, tôi muốn nói câu này: hãy trao cho những nhà trí thức chân chính một điểm tựa là quyền Tự do và Dân chủ, và rồi một nền Giáo dục đích thực sẽ ra đời đem lại cuộc Chấn hung Văn hóa không thể thiếu cho Dân tộc Việt Nam ta.
* * *
Chúng tôi chia tay nhau lúc một giờ rưỡi sáng ngày 10 tháng 7 năm 2013 ở Hải Phòng. Ngày hôm sau (à quên, lát nữa, và là ngày hôm nay) các chị Nhung và Tân sẽ trở lại Sài Gòn trên chuyến bay an toàn không ghé Nội Bài. Một chuyến đi ngay trên đất nước mình mà như phải đi theo lối tránh giặc. Và tháng nào chị Tân cũng còn phải đi cái chiều dài gần ngang như thế. Chị Nhung cũng sẽ còn phải đi thăm nuôi bé Phương Uyên nếu lý trí chưa đến được với một nhóm người để họ có nhận thức khác đi và dám ra lệnh thả bé Phương Uyên.
Cho tôi xin lỗi Phương Uyên nhé, vì đã dám gọi bạn là “bé”. Nếu bây giờ bạn ra tù, chắc chắn bạn sẽ nhận được lá phiếu của tôi. Hoan nghênh những con người đầy quyền hành đang sàng lọc và dự trữ sẵn trong tù những đại biểu vừa xinh tươi, vừa có học, và rất đáng yêu để nhân dân dồn phiếu cho. Chắc chắn Phương Uyên khi làm một chức gì đó sẽ không bao giờ ngu ngốc nói những lời khẳng định về dân chủ khiến con trẻ cũng biết cười khẩy. Chắc chắn anh Hải khi làm một công bộc cao nhất nhì trong cộng đồng cũng sẽ vẫn tươi như trong tấm ảnh chị Tân chuyển cho mọi người coi, và không bao giờ có thể lỡ mồm để bọn Tàu nó khinh cho và tiếp tục bắt nạt dân mình.
Là nói cái bọn Tàu ở Trung Nam Hải ấy!
Hà Nội, 12 tháng 7 năm 2013
P.T.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"