Nguyễn Văn Thạnh
Dân Luận
Trong dịp về thăm nhà vừa rồi, tôi có xuống Qui Nhơn thăm bạn bè. Năm 2002, tôi có ôn thi đại học ở đây hơn nửa năm.
Từ đó đến nay, cũng có vài lần tôi ghé lại Qui Nhơn nhưng cũng chỉ
thoáng qua, thấy thành phố cũng không có thay đổi mấy. Đợt này có nhiều
thời gian hơn với lại được bạn bè đón tiếp nồng nhiệt (trong số này có
nhiều bạn bè tôi mới quen qua các bài viết của tôi trên diễn đàn) nên
tôi có dịp đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều hơn. Tôi thấy Qui Nhơn cũng
có nhiều thay đổi như khu sân bay cũ sầm uất, khang trang hơn, đường ven
biển Xuân Diệu làm cho thành phố thơ mộng và thoáng đãng hơn, khu đầm
Thị Nại với cầu vượt biển trông khác xưa nhiều, chợ Lớn Qui Nhơn được
xây lại khang trang (nhờ bị cháy rụi năm 2006),...
Tuy nhiên về tổng thể trong thời gian trên 10 năm, những thay đổi như
vậy là quá ít. Tôi hình dung khối lượng công việc đó làm trong 4-5 năm
là cùng, với lại những cái làm được cũng không có gì nổi bậc hay tạo
tiền đề cho thành phố phát triển. Cái khu công nghiệp Nhơn Hội được
quảng bá rầm rộ, tôi đi ra xem thấy toàn cát là cát, không thấy bóng
dáng nhà máy xí nghiệp, chỉ thấy những con đường rộng lớn, tít tắp với
những khu cát được qui hoạch vuông vức.
Tôi nghe bạn bè và người dân đồn rằng cây cầu này, nay chỉ để làm
cảnh thôi; lý do là do bị rút ruột nặng quá, xây dựng chất lượng kém nên
xe trọng tải lớn qua không được. Nghe mà nẫu cả ruột.
Những năm tôi còn học ở Qui Nhơn, nghe dân tình đồn về một cây cầu
vượt biển kỷ lục với khu công nghiệp đầy tiềm năng, dù mình không có sở
hữu gì ở đó nhưng chúng tôi cũng thấy vui. Thời gian rảnh rỗi sau khi
học, chúng tôi thường hay bàn luận sôi nổi những chuyện như vậy. Chúng
tôi không chỉ nói về dự định, tương lai của mình mà còn nói về tương lai
của quê hương, đất nước. Không biết bạn bè tôi năm xưa, nay làm ăn bốn
phương trời có còn mang theo trong mình giấc mơ quê hương giàu có năm
xưa không? Tôi nghĩ nếu còn nhớ thì họ cũng sẽ buồn khi về thăm lại Qui
Nhơn như tôi.
Điều tôi thấy là rất nhiều vỉa hè ở đây được thay mới và một số vỉa
hè đang gỡ lên để thi công. Nhìn ngắm vỉa hè mới toanh như còn thơm mùi
gạch, mùi đá, tôi bỗng nhớ đến vụ lùm xùm thay mới vỉa hè ở Hà Nội cách
đây vài năm. Năm đó Tp Hà Nội định thay mới vỉa hè khu vực Hồ Gươm,
đã nổ ra cuộc tranh luận nên hay không nên. Người ủng hộ thì bảo Hà Nội
là thủ đô, là bộ mặt đất nước nên cần làm mới cho khang trang dù có lãng phí,
người phản đối thì bảo đất nước còn nghèo, nhiều cháu học sinh còn phải
bơi sông đi học,…Vụ tranh cãi làm cho chính quyền lúng túng phải thông
báo hoãn rồi lại thông báo làm và cuối cùng thì làm thật.
Vỉa hè lát đá và bo bằng đá hẳn hoi. Rất khang trang. Tôi có dịp ra Hà Nội và nhìn ngắm vỉa hè trong nhiều suy tư.
Trong khi con em chúng ta ngồi học trong ngôi trường thế này
Tôi cứ nghĩ đây chỉ là chuyện ở Hà Nội như là cái duy nhất vì nó là thủ đô nhưng rồi tôi thấy người ta cũng thay mới nhiều đoạn vỉa hè còn khá tốt ở Đà Nẵng như đường Trần Phú, đường Hoàng Sa,… cũng rất khang trang, cũng ốp vỉa bằng đá.
Cách đây một tháng tôi đi Tp HCM, có ghé thăm anh Lê Thăng Long ở
quận 1, quan sát tôi cũng thấy các vỉa hè ở đây cũng rất khang trang với
vỉa ốp bằng đá xanh. Thật sự lúc này tôi giật mình.
Đến khi ngắm các vỉa hè thay mới ở Qui Nhơn, tôi không còn giật mình nữa mà là run người. Quá lãng phí!
Nhớ lúc xưa, khi xem tivi đưa tin các cán bộ, quan chức xúm xít nhau
để khởi công hay khánh thành một công trình gì đó, bố tôi thường hay nói
“chúng vẽ chuyện để kiếm ăn là chính”. Tôi không ngờ một người nông dân
như ông mà nhìn thấu tim can cả một hệ thống chính trị, kinh tế như
thế.
Tôi không cực đoan đến mức để nói rằng họ không làm được gì hết nhưng
tôi không thể chống lại được suy luận là rất nhiều công trình được đầu
tư, xây dựng là do động lực kiếm chát (phần trăm hoa hồng) chi phối.
Và còn nhiều người mưu sinh, kiếm ăn qua ngày thế này
Trong bao việc bộn bề, dân còn nghèo đói đến mức nhiều nơi trẻ con không có thịt để ăn, học trò phải bẫy chuột để ăn, cô giáo đi bắt nòng nọc ăn cùng cơm thì ở nơi phồn hoa đô thị người ta hết láng vỉa hè bằng xi măng rồi thay bằng gạch con sâu rồi lại gỡ lên ốp đá.
Hàng ngàn tỷ đồng quí giá thay vì đến các nhà máy hiệu quả, đến các
cánh đồng xanh tươi để đi vào sản xuất, tạo ra công ăn việc làm cho hàng
triệu người với dòng của cải tuôn trào thì nó lại đi vào hàng triệu mét
vuông vỉa hè, nằm đó. Có thể vài năm trôi qua chúng lại cựa mình để vùi
lấp thêm vài ngàn tỷ nữa khi mà hàng triệu công nhân, hàng triệu nông
dân, hàng triệu viên chức kịp dành đồng tiền lương còm cõi đóng thuế để
xây dựng tổ quốc.
Thì những vỉa hè được lật lên thay mới liên hồi không chỉ ở thủ đô mà khắp thành thị
Đó chưa phải là điều buồn nhất. Điều đáng buồn hơn là phần lớn người
dân khắp nước như dân quê tôi, họ không biết đây là một trong những
nguyên nhân đẩy cuộc sống họ ngày càng cơ cực hơn trong khi xã hội ngày càng nhiều đại gia ăn chơi phè phỡn hơn.
Chưa hết, các đại gia này và các quan chức ra sức tô hồng thành tích,
tung hô thể chế. Họ không muốn thay đổi. Họ bỏ tù bất cứ ai mong muốn
thay đổi dù trong ôn hòa và trí tuệ như ông Trần Huỳnh Duy Thức (và các
bạn của ông). Họ chỉ muốn quyền lực họ vững bền. Họ chỉ muốn họ giàu có;
ai nghèo khổ, ai bệnh tật, ai sống chết,… mặc!
Dưới góc nhìn của tôi, chuyện thay mới vỉa hè không chỉ là chuyện “vẽ
chuyện kiếm ăn” mà là một nạn dịch. Nó “giết người” không thua bất cứ
nạn dịch nào, thậm chí là dịch hạch nhưng chỉ có điều nó âm thầm, lặng
lẽ.
Tôi thấy, tôi lên tiếng nhưng rồi cũng như một tiếng nói trong cõi hư không mà thôi!
Nguyễn Văn Thạnh
Bài tiếp: Quốc nạn đớp hít-vấn đề và giải pháp.