Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Ông Sang đến Washington (Phần cuối)

Greg Rushford, Rushford Report, 23/7/2013
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nâng ly chúc tụng hôm 24/7/2013 tại Washington (AFP, Mandel Ngan)
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nâng ly chúc tụng hôm 24/7/2013 tại Washington (AFP, Mandel Ngan)
Một sự kết hợp tế nhị
Chính quyền Obama đã tăng sức ép về những cách hành xử nhân quyền của Việt Nam. Cái giá Việt Nam phải trả để gia nhập TPP, và để xây dựng mối quan hệ chiến lược thực thụ với Washington, sẽ được ràng buộc rõ ràng với tiến bộ “có thể chứng minh được” về nhân quyền, như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nói hôm 1/6 với Việt kiều Mỹ ở Orange County, California. Phát biểu của ngài đại sứ có bối cảnh không thể nhầm vào đâu được: “Kể từ khi đến nhậm chức ở Việt Nam vào tháng 8/2011, tôi vẫn nói với các quan chức cao cấp của Việt Nam rằng nếu người Việt muốn tham gia TPP, nếu họ muốn hợp tác mạnh hơn về ngoại giao trong khu vực dẫn đến một mối quan hệ đối tác chiến lược, thì chúng tôi cần thấy Việt Nam có tiến bộ có thể chứng minh được về nhân quyền”.
Xưa nay chủ trương chính thức của Mỹ thường không đưa ra một ràng buộc rõ rệt như vậy về nhân quyền trong bất cứ cuộc đàm phán thương mại nào. Phát biểu của đại sứ Shear – mà ông từ chối không bình luận thêm – ban đầu bị cho là không nghiêm túc theo nhận định của một số nhà quan sát thương mại dày dạn kinh nghiệm; họ khuyến cáo không nên hiểu lời phát biểu đó sát theo nghĩa đen. Theo cách lý giải này, đại sứ Shear lúc đó chỉ nói với thính giả California những điều họ muốn nghe. Việt kiều Mỹ và các hạ nghị sĩ đại diện cho họ ở Hạ viện Mỹ lâu nay đã chỉ trích đại sứ Shear, với lý do là ông chưa làm đủ để cải thiện những cách hành xử nhân quyền của Việt Nam.
Song, đại sứ Shear là một nhà ngoại giao Mỹ được đánh giá cao với nhiều kinh nghiệm ở Châu Á – ông từng làm việc ở Nhật, Trung Quốc, và Malaysia, nói được tiếng Nhật và Quan thoại. Đại sứ Shear cũng không mang tiếng là nói càn. Trong lần xuất hiện ở Orange County hôm 1/6, ngài đại sứ nói chậm rãi và thận trọng, tạo ấn tượng là ông đang nhắc lại những ý kiến có ủy quyền chính thức. Ngoài ra, việc đại sứ Shear nhắc đến tình trạng thiếu tiến bộ về nhân quyền là rào cản lớn nhất đối với các quan hệ chiến lược Mỹ-Việt mật thiết là hoàn toàn nhất quán với chính sách đối ngoại chính thức của Mỹ như các quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ thường bày tỏ. Quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ là các quan hệ chiến lược Mỹ-Việt sẽ không cải thiện chừng nào chưa có “cải thiện có thể chứng minh được và lâu dài về tình hình nhân quyền”.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đã từ chối đưa ra bất cứ lời đính chính ngoại giao nào để tách biệt chính sách thương mại của Mỹ với phát biểu của đại sứ Shear ở Orange County. Như vậy, có vẻ như Nhà Trắng an tâm với quan điểm cho rằng Đại sứ Shear nói sao thì Việt Nam nên hiểu đúng như vậy.
Xuất hiện cảnh sát thương mại Mỹ
Theo cách nhìn của Việt Nam, những đòi hỏi của Obama về nhân quyền trong các cuộc đàm phán TPP có vẻ như đầy xúc phạm.
Những nhà đàm phán thương mại của Obama lâu nay vẫn nhất quyết đòi hỏi trong TPP Việt Nam phải chấp nhận các yêu sách của giới vận động hành lang của các nghiệp đoàn Mỹ về việc Việt Nam cho phép tổ chức công đoàn độc lập – các quan chức Mỹ nhất quyết đòi hỏi điều này phải có khả năng thực thi. Dưới mắt người Mỹ, kết quả như vậy có thể được xem là tiến bộ về “nhân quyền”.
Trước khi chấp nhận ý tưởng này, Bộ Chính Trị có thể cân nhắc xem những dàn xếp tương tự đã có tác dụng ra sao cho những nước khác gần đây đã ký thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Trong hiệp định thương mại song phương Mỹ-Colombia, quốc gia Mỹ Latinh đó đã buộc phải lập “kế hoạch hành động” về vấn đề lao động bao gồm các “cột mốc” có thể đánh giá được và một “hệ thống thực thi thiết thực”, với các quan chức Mỹ đóng vai trò người thực thi. Theo thực tế ở Washington, giới quan chức Mỹ rất chú ý đến giới hoạt động nghiệp đoàn AFL-CIO; giới này không bao giờ có vẻ hài lòng là người nước ngoài có đủ nỗ lực để đáp ứng các chuẩn mực của Mỹ.
Ngày 11/4/2013, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Lao động khoe họ đã thúc ép được Guatemala đệ trình “một kế hoạch thực thi thiết thực để giải quyết những quan ngại” đã được Mỹ nêu ra trong một khiếu nại về lao động trong hiệp định thương mại ưu đãi có sự tham gia của Mỹ và quốc gia Mỹ Latinh này. Giới chức Mỹ tự chúc mừng mình vì đã buộc Guatemala đưa ra một kế hoạch 18 điểm để thỏa mãn các yêu sách của Washington. Kế hoạch này “bao gồm những hành động cụ thể với các khung thời gian cụ thể mà Guatemala sẽ thực hiện trong vòng sáu tháng để cải thiện việc thực thi luật lao động”.
Đây là trường hợp đầu tiên về vấn đề lao động mà Mỹ đưa vào trong một hiệp định thương mại ưu đãi của mình – nhưng người Việt có đủ lý do để nghi ngờ rằng cảnh sát lao động Mỹ có nhiều ý đồ dành cho họ.
Tiêu chuẩn kép của Mỹ
Giờ đến phần hết sức bẽ bàng cho Obama trong câu chuyện này. Lý do khiến Việt Nam thấy các cuộc đàm phán TPP có sức hấp dẫn là khả năng mở rộng thêm cánh cửa vào các thị thường quần áo và giày dép được bảo hộ của Mỹ – được bảo hộ bằng các mức thuế nhập khẩu cao ở mức 16-18%, nhưng với một số ngành hàng, gấp đôi mức đó. Những nhà đàm phán thương mại của chính quyền Obama lâu nay về cơ bản vẫn đòi hỏi rằng cái giá để cắt giảm bất cứ loại thuế nhập khẩu nào đối với giày dép hay quần áo là Việt Nam đồng ý mua vải từ các nhà cung cấp Mỹ.
Ý tưởng này chẳng có gì hấp dẫn với Hà Nội.
Thứ nhất, như tôi đã viết trong bài Những ưu đãi dành cho các thuộc địa trong một đế chế trên trang này vào ngày 11/9/2012, một trong những nguyên nhân khiến Napoleon đệ tam phái hải quân Pháp chiếm cảng Sài Gòn năm 1859 là để bắt buộc người Việt mở cửa thị trường cho hàng dệt may xuất khẩu của Pháp. Giới kinh tế học ngày nay hẳn sẽ đồng ý rằng áp lực hiện nay của Mỹ trong TPP chỉ là một phiên bản hiện đại chủ nghĩa thực dân Pháp.
Thứ hai, cái gọi là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (“yarn forward”) không có tác dụng. Trong số các mặt hàng quần áo Mỹ nhập khẩu từ Mexico và các nước Mỹ Latinh khác đã bị các nhà đàm phán thương mại Mỹ bắt buộc chấp nhận các quy tắc rườm rà này, chỉ khoảng 17% thực sự được miễn thuế nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu thích đóng thuế nhập khẩu, hơn là phải vượt qua nhiều chướng ngại vật hành chính, chịu gánh nặng thủ tục giấy tờ tốn kém, và trăm thứ khác.
Và cuối cùng, thử nghĩ đến cách Chủ tịch Trương Tấn Sang – bị Washington công kích vì chính phủ Việt Nam can thiệp nhiều vào nền kinh tế – có thể xoay chuyển tình thế với Obama. Ông Sang có thể hỏi: Có hợp lý hay không nếu chính phủ Mỹ gây áp lực buộcnhững tập đoàn lớn của Mỹ như các công ty tên tuổi Levi, Strauss & Co. và Gap, chấp nhận mua nguyên liệu vải denim (nặng) từ các nhà cung cấp Mỹ rồi vận chuyển xuyên qua Thái Bình Dương đến Việt Nam? Có hợp lý hay không nếu Nhà Trắng gây áp lực buộc Hanesbrands tuy có các nhà máy sản xuất đồ lót và chuỗi cung ứng ở các nước Châu Á lân cận như Thái Lan và Trung Quốc nhưng phải mua vải bông từ phần lục địa của Mỹ rồi vận chuyển số hàng đó xuyên đại dương? Còn Patagonia, công ty sản xuất áo khoác bằng lông ở Việt Nam từ nguyên liệu kỹ thuật cao của Nhật, thì sao? Tại sao chính phủ Mỹ lại muốn làm đảo lộn các cơ sở hoạt động toàn cầu của những tập đoàn tư nhân được tôn trọng khác: Nike, Adidas, Macy’s, Nordstrom, và rất nhiều công ty khác nữa?
Dĩ nhiên Obama sẽ phải vất vả nghĩ ra những câu trả lời đáng tin về mặt kinh tế cho những câu hỏi như vậy. Nhưng Nhà Trắng đã nhiều lần nhất quyết là Việt Nam phải ngậm bồ hòn chấp nhận các quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may, và cả các mức thuế nhập khẩu cao đối với giày dép.
Từ góc nhìn của Việt Nam, chiến lược đàm phán TPP gợi nhớ đến cách Tổng thống Lyndon Johnson và Tổng thống Richard Nixon từng đặt các chính sách của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam trên tiền đề là nếu siêu cường quốc giàu có này gây đủ áp lực, quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này rốt cuộc sẽ chiều theo ý muốn của Mỹ. Nhưng trừ phi Việt Nam có được thêm cơ hội có ý nghĩa để tiếp cận thị trường Mỹ mà họ đang theo đuổi trong TPP, khó mà nghĩ ra được lý do nào hợp lý khiến họ phải chịu quy phục.
Triển vọng cho các mối quan hệ Mỹ-Việt mật thiết hơn?
Những điều bất định cuối cùng chính là Việt Nam thực sự muốn gì từ các mối quan hệ với Mỹ.
Học giả Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc lý giải “có một cuộc cờ tế nhị hiện đang diễn ra” trong Bộ Chính Trị. Đây chẳng phải là lần đầu tiên trong lịch sử lâu đời của mình mà Việt Nam đang cố gắng cân đối các mối quan hệ luôn luôn sóng gió của mình với Trung Quốc, nước láng giềng Đông Nam Á gần nhất, và đồng thời với Mỹ. Carlyle Thayer nhận định: “Một số người ở Hà Nội muốn quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, trong khi một nhóm khác muốn phá hoại các quan hệ đó”.
Theo Thayer và những nhà quan sát nhiều kinh nghiệm về Việt Nam được phỏng vấn cho bài viết này, chính nhóm thứ hai [muốn phá hoại quan hệ với Mỹ] dường như đang có ưu thế. Điều đó có thể giúp giải thích tại sao Việt Nam đã bắt giữ hơn 40 blogger hòa nhã trong năm nay, nhiều tù chính trị hơn cả năm 2012 – có lẽ là một tín hiệu thù địch có chủ đích dành cho Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng.
Đương nhiên, với bất cứ vấn đề nào liên quan đến Việt Nam, có quá nhiều hàm ý tinh tế đến nỗi chẳng bao giờ có điều gì đúng hệt như thoạt tưởng. Chuyến đi thăm Trung Quốc ba ngày của Trương Tấn Sang bắt đầu vào ngày 19/6 có thể được lý giải là một dấu hiệu cho thấy các quan hệ Việt-Trung mật thiết hơn đã được cân nhắc. Ngay cả khi đúng là thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc đã làm hỏng các cuộc gặp gỡ đó, Bắc Kinh có thể hồi phục (ví dụ bằng cách bớt hung hăng hơn trong việc tuyên bố chủ quyền các vùng trong Biển Đông mà rõ ràng thuộc Việt Nam).
Nhưng nên lý giải ra sao chuyến đi thăm Lầu Năm Góc của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, hôm 20/6, trong khi Trương Tấn Sang đang ở Trung Quốc? Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã hội đàm với Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Theo nhận xét của một phát ngôn viên của tướng Dempsey, chuyến đi của tướng Tỵ là cuộc viếng thăm đầu tiên của một vị tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam đến Mỹ. Phái đoàn quân sự cao cấp của Việt Nam đáng chú ý còn có Trung tướng Phạm Ngọc Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Hẳn là có chuyện gì đây.
Kết luận tương đối rõ ràng duy nhất tại thời điểm này là Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cân đối chính sách đối ngoại. Và do các vấn đề và những bất đồng chia rẽ Việt Nam, Trung Quốc, và Mỹ quá khó nên không thể giải quyết thật ổn thỏa, tình hình sẽ tiếp tục rối rắm hơn mong đợi.

Nguồn: Greg Rushford, Mr. Sang Comes to WashingtonRushford Report, 23/7/2013.
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"