Lê Diễn Đức
Theo RFA Blog
Anh Đoàn Văn Vươn trong phiên toà sơ thẩm 5/04/2013
Vụ án chống lại cưỡng chế, thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng,
Hải Phòng, được sơ thẩm xử vào ngày 05/04/2013, theo đó, ông Đoàn Văn
Vươn bị án 5 năm tù giam, ba thành viên khác trong gia đình cũng bị phạt
án tù giam.
Sau khi các nạn nhân kháng cáo, Toà án Nhân dân Tối cao sẽ xử phiên phúc thẩm vào ngày 29/7 tới đây.
Mấu chốt của toàn bộ vụ án là kết luận sai, tuỳ tiện của Hội đồng xét xử về tội giết người.
Huyện Tiên Lãng, Hải phòng, đã huy động một lực lượng đông đảo công
an, bộ đội, thực hiện một cuộc cưỡng chế thu hồi đất trái với pháp luật,
mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã công bố với báo chí nàgy
10/02/2012 là "sai toàn diện".
Khi bị dồn vào thế cùng đường, người nông dân Đoàn Văn Vươn đã phải
có hành động tự vệ tối thiểu để bảo vệ thành quả của mồ hôi và nước mắt
của mình gây dựng nên.
Việc chống trả lại lực lượng cưỡng chế cũng đã được anh báo trước, có
nghĩa rằng, nếu gia đình anh bị áp lực, cưỡng bức bất công, sẽ có sự
chống trả nhằm cảnh báo với nhà nước và xã hội rằng, sau nhiều năm khiếu
kiện, các cơ quan đã không đáp ứng yêu cầu, thậm chí lật lọng, cố tình
tước đoạt miếng cơm manh áo, nguồn sống duy nhất mà gia đình đã dày công
làm ra.
Một vụ cưỡng chế mà gần 50 cán bộ, viên chức bị kỷ luật và khởi tố,
còn tất cả sáu người lính và công an bị thương đã từ chối nhận bồi
thường thiệt hại, cho thấy sự sai trái nằm ở phía chính quyền địa phương
Tiên Lãng, cả về lý, lẫn tình.
Khi có hành động chống lại sự sai trái thì phải xem hành động đó là
đúng đắn, không thể là tội. Thực thi cưỡng chế sai pháp luật, một hành
động ăn cướp, không thể xem là "thi hành công vụ". Việc chống trả cũng
không hề gây ra tử vong. Cho nên cáo buộc "tội giết người" là phi lý, là
xung đột với các quy định của pháp luật hiện hành. Đấy là lối xử ép, xử
theo cảm tính, theo lệnh trên, một cách răn đe rằng, chống lại chính
quyền, dù đúng, vẫn sẽ bị trừng phạt. Nhưng, như thế, chứng tỏ đây là sự
bế tắc và cùng quẫn về logic pháp luật của ngành tư pháp Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của dài RFI hôm 5/4/2013, tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:
".... Nó chỉ bộc lộ một sự khốn cùng của nền tư pháp Việt Nam.
Tôi tin rằng những ông công tố và thẩm phán ở Hải Phòng, họ chỉ được
lệnh là phải làm như vậy. Vì theo dõi, khi thấy tranh luận, qua báo chí,
thì thấy các luật sư đã nêu ý kiến của mình. Bản thân các bị cáo cũng
nêu các ý kiến của mình, và bên thẩm phán vẫn giữ nguyên mức phát quyết,
theo như của Viện kiểm sát họ đưa ra, thì thực sự tôi thấy rằng đây là
một kết quả hết sức là đáng buồn, cho nền tư pháp Việt Nam nói chung và
cho toàn bộ cái hoạt động, từ điều tra cho đến khởi tố, phán xét của
Việt Nam.
Phán quyết này của tòa án Hải phòng là một trong những cách rất
hiệu quả để làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với hệ thống tòa án
của Việt Nam nói riêng, và đối với toàn bộ hệ thống chính trị nói chung.
Chính họ là người làm hại nhiều nhất cho uy tín của nhà nước, của lòng
tin của người dân vào nhà nước. Bản thân lòng tin của người dân vào nhà
nước là hết sức quan trọng để phát triển đất nước. Như thế, theo đánh
giá chủ quan của tôi, là những người hành xử tùy tiện như vậy là những
người phá hoại đất nước rất là kinh khủng".
Ngày 4 tháng 7 vừa qua, bà Phạm Thị báu (vợ của anh Đoàn Văn Quý) và
bà Nguyễn Thị Thương (vợ anh Đoàn Văn Vươn) đã được tống đạt hầu tòa
phúc thẩm. Hai người cũng nhận được giấy uỷ quyền của các nạn nhân gửi
từ trong tù ra để thuê luật sư hoặc người có tư cách pháp nhân biện hộ.
Bà Nguyễn thị Thương và Phạm thị Báu bị tuyên án 18 và 15 tháng tù
treo về tội danh chống người thi hành công vụ tại phiên sơ thẩm. Trong
lần phúc thẩm này, hai bà mời ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên Chi hội Nuôi
trồng Thủy sản Nước Lợ huyện Tiên Lãng bào chữa cho hai bà tại tòa, thế
nhưng Tòa phúc phẩm đã bác bỏ yêu cầu này.
Việc bác bỏ yêu cầu, không cho ông Vũ Văn Luân làm người biện hộ trái
với các quy định của pháp luật. Tương tự với luật sư Hà Huy Sơn, người
được hai bà mời thêm, cũng bị từ chối.
Với các nạn nhân, suốt từ ngày bị bắt giam, gia đình không hề được gặp mặt, kể cả sau khi có án sơ thẩm.
Khi đã bức bí về lý, về mặt đạo đức, nhà cầm quyền Việt Nam đã ứng
phó một cách vô nhân đạo. Gây khó khăn cho các nạn nhân chứng tỏ nhà cầm
quyền quá nhỏ nhen, hèn nhát.
Trong phiên toà sơ thẩm, nhà cầm quyền đã phong toả, ngăn chặn từ xa,
không cho người thân và dân chúng tới tham dự, thậm chí bắt giữ đánh
đập. Phiên toà dân sự "công khai" đã được một lực lượng bao bọc bảo vệ.
Nếu không có những khuất tất, không việc gì phải làm như vậy.
"Họ có cả một rừng luật nhưng xử theo luật rừng" quả thực không sai.
Ngay cả dưới thời Pháp thuộc con người cũng không bị cư xử bất công như
vậy. Vụ án đồng Nọc Nạn như một tấm gương phản chiếu toàn bộ sự cùng
quẫn về tư pháp, bất nhân, bất nghĩa về tình người của nhà cầm quyền
Việt Nam.
Nhà cầm quyền Việt Nam dùng luật rừng để đè bẹp sự phản kháng của vài
người dân nông dân. Nhưng hàng triệu dân oan trên khắp ba miền là lực
lượng khó có thể dùng bạo lực để khuất phục. Đất là nguồn sống và máu
thịt của nông dân, từ ngàn đời. Khiếu kiện, khiếu nại sẽ còn tiếp tục
năm này qua năm khác nổ ra trước sự cướp đoạt, trục lợi của các quan
chức tham nhũng móc ngoặc với doanh nghiệp. Tiếng súng của Đoàn Văn Vươn
là con chim báo bão.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog