Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Đất nước này cần hệ thống nào? (phần 2)

Từ con trai nhà nông trở thành “hoàng đế” đỏ

Các sự kiện quanh ngày 4 tháng 5 năm 1919 là động cơ chính: niềm tin của giới trí thức trẻ, đứng trước sự lạc hậu của Trung Quốc đã hướng tới những tư tưởng tự do Phương Tây, bị lay động mạnh. Các tấm gương Phương Tây của họ, nhất là người Mỹ, những người rất thích nói về quyền tự chủ của các dân tộc, không muốn cho người Trung Quốc có những điều đó. Với Hiệp ước Versailles, các vùng đất trước thuộc nước Đức trong Trung Quốc được giao lại cho người Nhật. Qua đó, tất cả các hy vọng của một Trung Quốc độc lập và tự chủ đã tiêu tan. Sinh viên nổi giận của Đại học Bắc Kinh sau đó đã tổ chức những cuộc biểu tình sôi sục, lan rộng khắp nước trở thành một phong trào chống đối yêu nước kéo dài nhiều tháng và đã dẫn tới đình công trong các nhà máy và tẩy chay hàng hóa Nhật. Có người gọi các sự kiện này là sự thức tỉnh của quốc gia Trung Hoa. Một nhận thức dân tộc mạnh mẽ tác động đến tất cả các tầng lớp quần chúng và bắt buộc chính phủ Trung Quốc từ chối không ký vào Hiệp ước Versailles. Các cuộc nổi dậy đã đi vào lịch sử Trung Quốc như là “Phong trào ngày Bốn tháng Năm”. Chúng đánh dấu lần bắt đầu của Trung Quốc hiện đại, vì với những cuộc phản đối đó, các sinh viên đã tạo ra một phong trào cách mạng mạnh mẽ, bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại trật tự xã hội cũ. Qua phá vỡ các cấu trúc phong kiến và hiện đại hóa rộng khắp, xã hội sẽ được giải phóng khỏi xiềng xích của truyền thống, cái được xem như là nguyên nhân cho sự yếu ớt của quốc gia. Từ các sự kiện của 1919, sinh viên Bắc Kinh tự xem mình như là đội quân tiên phong về chính trị.

Trên đường tìm gương mẫu mới, những cái có thể dẫn đất nước họ ra khỏi sự khốn cùng của lạc hậu, tầm nhìn của giới trí thức trẻ được hướng đến Moscow và Chủ nghĩa Marx hơn một lần.
Mao Trạch Đông, con trai của một nông dân khá giả, đã tốt nghiệp khóa đào tạo giáo viên ở Trường Sa, trước khi ông đến Đại học Bắc Kinh năm 1918. Tuy ngay trong năm 1919 ông đã trở về lại Trường Sa để dạy ở một trường tiểu học, nhưng lần gặp gỡ các giáo sư và cũng là những người theo Chủ nghĩa Marx Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú đã có ảnh hưởng lâu dài đến ông. Năm 1921, cùng với hai người này, ông thuộc vào trong số những người thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuộc họp thành lập Đảng ở Thượng Hải bổ nhiệm ông làm bí thư của tỉnh Hồ Nam là quê hương của ông, và qua đó đã đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp chính trị nổi tiếng của ông.
Từ khi triều đình bị lật đổ năm 1911, các tướng lĩnh địa phương thống trị nhiều vùng rộng lớn của đất nước nhiều năm liền. Để cuối cùng rồi cũng tái lập được sự thống nhất của đất nước, những người Cộng sản quyết định cùng với những người của phái dân tộc chủ nghĩa chống lại giới quân đội. Thế nhưng liên minh này tan rã chẳng bao lâu sau đó. Sau cái chết của Tôn Dật Tiên năm 1925, Tưởng Giới Thạch tiến lên trở thành quyền lực quyết định trong Quốc Dân Đảng và cũng trở thành chính trị gia dẫn đầu của đất nước sau khi sự thống trị của các tướng lĩnh địa phương chấm dứt. Với sự thăng tiến này của một cựu quân nhân chuyên nghiệp, cuộc cách mạng dân chủ chấm dứt. Dưới thời Tưởng Giới Thạch, đất nước phát triển trở thành một chế độ quân sự độc tài, cái sau một cuộc nội chiến gây nhiều tổn thất để chống lại những người theo Đảng Cộng sản đã tìm thấy sự chấm dứt của nó năm 1949.
Năm 1927, Tưởng Giới Thạch đã gây thảm bại đầu tiên cho những người cộng sản. Những người này tổ chức một cuộc biểu tình ở Thượng Hải, bị đập tan một cách đẫm máu theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Hàng nghìn công nhân và người Cộng sản bị giết chết trong lúc đó. Sau đó, người Cộng sản phải rút lui về nông thôn. Do vậy mà Mao Trạch Đông bắt đầu thăng tiến trong Đảng. Vì khác với các lực lượng theo gương mẫu Nga, nhìn đội ngũ công nhân như động lực cho những biến đổi tận gốc, Mao cho rằng một cuộc cách mạng ở Trung Quốc chỉ có thể xuất phát từ nông dân. Giới công nhân lúc đó chiếm chưa tới 1% của toàn dân cư trong khi nông dân chiếm hơn tám mươi phần trăm. Mao nhận ra rằng, cách mạng, khác với trong nước Nga, phải được mang từ làng mạc vào thành phố. Nhờ nhận thức này mà ông chiến thắng được các đối thủ của ông, những người tiếp tục giữ chặt lấy đường lối của Nga và đứng trong mâu thuẫn sâu sắc với ông. Thế nhưng họ tiếp tục thất bại trong khi Mao với các cơ sở du kích ở nông thôn đã có thể tăng cường ảnh hưởng của những người Cộng sản ở nông thôn một cách bền vững. Ông giành lấy thiện cảm của nông dân bằng cách thực hiện một cuộc cải cách ruộng đất trong những vùng do người Cộng sản kiểm soát, và chia ruộng đất về cho những người nông dân nghèo và không có đất.
Đối với Tưởng Giới Thạch, cuộc chiến chống những người Cộng sản quan trọng hơn là cuộc chiến chống người Nhật xâm lược, những người năm 1931 đã chiếm đóng miền Bắc Trung Quốc. Qua đó, ông không những đã mất đi nhiều thiện cảm trong người dân mà còn cả trong Quốc Dân Đảng của ông nữa. Trong nhiều chiến dịch bao vây, ông cố gắng tiêu diệt những người Cộng sản. Năm 1934, với chiến dịch lần thứ năm và cũng là chiến dịch cuối cùng, ông đã bắt buộc họ phải rời bỏ các cứ điểm của họ ở miền Trung và Nam Trung Quốc. Sau đó, khoảng 100.000 chiến binh Cộng sản đã phá vòng vây của địch thủ, và mặc dù bị tấn công và rượt đuổi, sau một cuộc bộ hành gần 12.000 kilômét kéo dài tròn một năm dài đã tới được miền Bắc của đất nước, nơi họ xây dựng một cơ sở mới trên vùng Cao nguyên Hoàng thổ thuộc miền Bắc Thiểm Tây, ở Diên An. Chưa tới một phần mười của đạo quân ban đầu đến được nơi đó. Ai sống qua được cuộc Vạn Lý Trường Chinh huyền thoại này, người đó có uy quyền hết sức đặc biệt. Mao Trạch Đông sở hữu nó và trong những năm sau này là cả Đặng Tiểu Bình.
Vào những năm đầu của cuộc đời chính trị, Mao vẫn còn cách rất xa phong cách cai trị chuyên quyền của ông sau này. Khi có thể nhìn thấy được, rằng người Nhật sẽ tiếp tục các chiến dịch xâm chiếm của họ về phía Nam, ông kêu gọi người Quốc gia cùng nhau kháng chiến. Chỉ khi thống nhất tất cả các lực lượng và giai cấp lại thì người ta mới có thể chiến thắng được kẻ thù. Tại Hội nghị Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng 5 năm 1937 ở Diên An, ông đọc một bài diễn văn về cuộc kháng chiến chống những người Nhật xâm lược. Dưới đoạn “Cuộc chiến đấu vì dân chủ và tự do”, có thể đọc trong tập đầu tiên của Tuyển Tập Mao của ông, cái cũng có thể xuất phát từ những người đối lập của ngày hôm nay vì nó vẫn còn mang tính hiện hành: “Trung Quốc phải bắt đầu tiến hành cải tạo dân chủ ngay lập tức theo hai hướng sau đây: thứ nhất, trong lĩnh vực hệ thống chính trị, phải thay thế hệ thống chính phủ của chế độ độc tài phản động của một đảng phái và một giai cấp […] bằng một hệ thống chính phủ dân chủ dựa trên sự cộng tác của tất cả các đảng phái và tất cả các giai cấp. […] Thứ nhì là về tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội cho nhân dân. Không có những tự do này thì người ta sẽ không thể thực hiện được công cuộc cải tạo dân chủ hệ thống chính trị được […].”
Khi Mao cuối cùng rồi nắm được quyền lực thì dường như những yêu cầu đó đã bị lãng quên. Ngay lời nói đầu của Hiến Pháp năm 1954 cũng đã nhấn mạnh tới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong nhà nước mới, chỉ họ là có quyền quyết định. Họ quyết định chính phủ cần phải làm gì. Và những gì Đảng Cộng sản quyết định là do người chủ tịch đầy quyền lực Mao Trạch Đông quyết định. Ông đứng ở trên cao nhất, trên Đảng. Không ai có thể kiểm soát ông, không ai có thể ngăn chận ông. Ông không chấp nhận những ý kiến khác, và ai không cúi mình trước ý muốn của ông thì đến một lúc nào đó sẽ bị tiêu diệt. Qua đó, ông tương ứng với một thành ngữ xưa của Trung Hoa: “Nhất sơn bất dung nhị hổ.” Ông là nhà cai trị chuyên chế, viên hoàng đế mới. Một hoàng đế đỏ. Lời nói của ông là đạo luật. Huyền thoại về cuộc chiến chống lại những kẻ thù trong và ngoài nước và lần thành lập nhà nước cũng như những hy vọng gắn liền với cá nhân ông về một xã hội xã hội chủ nghĩa hạnh phúc chẳng bao lâu sau đó đã lên đến tột bậc trong sự tôn sùng cá nhân có một không hai. Và cũng như những kẻ thù trước đây đã không đối xử nhẹ nhàng với những người Cộng sản trước 1949, Mao cũng thể hiện giống như thế trong cung cách đối xử với những địch thủ được tuyên bố và bị phỏng đoán của ông trong và ngoài Đảng.
Yêu cầu nắm quyền lực của Đảng Cộng sản cả ngày nay cũng được gắn chặt vào trong Hiến Pháp Trung Quốc. Ngày nay, trong điều một của nó, định nghĩa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới nền chuyên chính dân chủ của nhân dân: “Hệ thống xã hội chủ nghĩa là hệ thống cơ bản của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cấm bất cứ tổ chức hay cá nhân nào phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa.” Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và được hướng dẫn bởi Chủ nghĩa Marx-Lênin, nhờ vào tư tưởng Mao Trạch Đông và các lý thuyết của Đặng Tiểu Bình mà nền chuyên chính dân chủ của nhân dân được giữ vững.
Đảng Cộng sản nắm quyền toàn trị. Không có phân quyền lẫn kiểm soát. Các ý kiến khác biệt không được hoan nghênh. Không được phép hoài nghi về yêu cầu lãnh đạo của Đảng. Chỉ chính Đảng mới có quyền suy nghĩ về việc đó và quyết định liệu họ có sẵn sàng phân chia bớt quyền lực hay không và bao nhiêu.
Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"