Nên hiểu kỷ niệm 27/7 không chỉ tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các liệt sĩ, thương binh từ thời chống Pháp trở lại đây. Phải hiểu rằng chúng ta tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người đã đổ xương máu vì độc lập tự do của tổ quôc trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhân tra cứu các nguồn thông tin tư liệu lịch sử, xin kể câu chuyện về một liệt sĩ, anh hùng đã hy sinh cách đây hơn 400 năm đó là Giang Văn Minh.
Giang Văn Minh sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây trước năm 1945, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Giang Văn Minh học giỏi, đỗ đạt cao làm quan Triều Lê nổi tiêng thanh liêm, cương trực và ứng đối giỏi. Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên Thám hoa, khoa thi Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Ở Thái Bình quê tôi, trên tấm bia của chùa Hoa Nghiêm ở thôn Vô Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có ghi người soạn văn bia năm Dương Hòa thứ 2 (1636) là Phúc Lộc hầu Giang Văn Minh, đỗ thám hoa khoa Mậu Thìn (1628), chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bộc tự khanh. Nơi ông sinh ra ở xã Đường Lâm cũng là quê hương của 2 vị vua nổi tiếng thời xưa là Phùng Hưng-Bố Cái Đại Vương và vua Ngô Quyền.
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh |
Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông được vua Lê cử dẫn đầu đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh. Đến khi triều kiến, Minh Tự Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) vừa tìm cách ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê vừa ngạo mạn có ý coi thường Giang Văn Minh và muốn hạ nhục đoàn sứ thần nướcNam nên ra câu đối:
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục!" ( Cột đồng đến nay rêu vẫn còn xanh). Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi ngiã Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
Sứ thần nước Nam, Giang Văn Minh bình tĩnh đối lại:
"Đằng giang tự cổ huyết do hồng!" ( Sông Bạch Đằng từ lâu máu vẫn đỏ) Ý nhắc đến việc từ xưa đã nhiều lần người nước Nam chiển thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Câu đối lại của Giang Văn Minh thật là hoàn chỉnh, cả ý lẫn từ, lại thể hiện được khí phách hiên ngang anh hùng của dân tộc Việt Nam trước quân xâm lược. Tức giận vì bị làm bẽ mặt, bất chấp phép tắc ngoại gíao, vua Minh đã trả thù bằng cách trát đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Nhưng sau cảm phục khí phách can đảm anh hùng của sứ thần nước Nam, vua Minh cho ướp xác Giang Văn Minh bằng bột thủy ngân để đưa về quê xã Đường Lâm an táng. Ở Hà Nội hiện nay có một con đường mang tên Giang Văn Minh, nối với phố Giảng Võ và phố Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội).
Hiện nay, ngôi mộ của Giang Văn Minh thường xuyên được du khách đến thăm viếng với lòng biết ơn, kính phục, ngưỡng mộ. Nhân ngày 27/7 chúng ta thành kính nghiêng mình thắp nén hương tưởng nhớ Giang Văn Minh vị anh hùng liệt sĩ huyền thoại. Chúng ta hãy tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ đã cảm tử cho Dân tộc Lạc Việt trường tồn, nhân ngày kỷ niệm thiêng liêng 27/7.
Và người sống chúng ta sẽ phải sống thế nào để không hổ thẹn với những xương máu của biết bao thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, những hồn thiêng bất tử. Nhà nước cần phải có kế hoạch khẩn trương nạp kiến thức chuẩn mực cho thế hệ trẻ vì suy cho cùng xây chùa là cần nhưng cứu người lại càng cần hơn.
"Đằng giang tự cổ huyết do hồng!"
|
Đầu tháng 12 năm ngoái (2012), hướng tới kỷ niệm chào mừng 95 năm ngày thành lập trường, Ban giám hiệu trường THCS Trưng Vuơng (Hà Nội) kết hợp với bên "TGM - Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế" tổ chức câu lạc bộ "Trái tim Trưng Vương". Ý nghĩa việc thành lập câu lạc bộ "Trái tim Trưng Vương"là muốn tạo ra một đội tình nguyện viên hiểu sâu sắc về ngôi trường các em đang học: lịch sử, tổ chức, ... để từ đó các em có thể giới thiệu về ngôi trường của mình khi tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - phó Hiệu trưởng nhà trường khai mạc Câu lạc bộ và giảng cho các em học sinh bài học về trái tim. Trong lời khai mạc của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà kể lại cho các em học sinh trong câu lạc bộ nghe câu chuyện về "Trái tim Đanko", qua câu chuyện giúp các em thấy được ý nghĩa của chí khí anh hùng bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu thương, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tập thể.
Trái tim Đanko là một phần trong tác phẩm nổi tiếng "Bà lão Idécghin" của Mác-xim Gorki. Chuyện kể rằng chàng Danko đã dũng cảm, xé toang lồng ngực móc trái tim mình ra giương lên cao như ngọn đuốc sáng giúp dân làng vượt qua vùng tăm tối để tới miền đất hứa.
Tấm gương như sứ thần Giang Văn Minh và các liệt sĩ bao đời đã hy sinh vì dân tộc Việt soi đường cho muôn thế hệ. Việt Nam có phải là ‘miền đất hứa’? Trả lời câu hỏi này là tất cả người Việt chúng ta! Trước hết là vai trò và trách nhiệm của những người đang điều hành và quản lý đất nước.
Câu chuyện về sự hy sinh can đảm của Giang Văn Minh có thể nhắc nhở nhiều điều. Đó là tấm gương sáng chói về tinh thần xả thân vì đất nước. Đó cũng là bài học lớn mà cha ông ta đã dạy về ý thức cảnh giác sẵn sàng đối phó với những thủ đoạn rất tàn bạo, rất bất ngờ của các thế lực bành trướng phương Bắc. Tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì nước không thể chỉ bằng các lời hứa suông mà phải bằng các hành động thiết thực. Chính bọn tham nhũng, các nhóm lợi ích đang làm xói mòn niềm tin, triệt tiêu sức mạnh của dân, có thể nhắc nhở ta và làm chúng ta thấy xấu hổ, cảm thấy có lỗi với các bậc tiên liệt.
Liệt sĩ vì nước hy sinh đời nào cũng có. Nhưng có những Anh hùng liệt sĩ làm nên những Anh hùng liệt sĩ, đó là Hai Bà Trưng, Bà Triệu; có những quân thần giàu lòng yêu nước, tự trọng dân tộc và trí dũng song toàn như Giang Văn Minh..., tựu trung nhất là hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những liệt sĩ hy sinh cho nòi giống Việt Nam không bị đồng hóa, nhờ đó mà còn Tổ Quốc để cho các thế hệ nối tiếp hy sinh bảo vệ Tổ Quốc. Những liệt sĩ ấy thuộc bậc siêu phàm và hiển thánh!.
TVT